Tin tức

Bệnh viêm đường tiết niệu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Ngày 17/04/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Đường tiết niệu là phần rất quan trọng đối với cơ thể con người. Nhưng hiện nay, rất nhiều nhiều gặp tình trạng viêm đường tiết niệu. Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, chúng ta không nên chủ quan về bệnh lý này.

1. Bệnh viêm đường tiết niệu

Trước khi tìm hiểu về bệnh viêm đường tiết niệu, chúng ta cần tìm hiểu cấu tạo và chức năng chính của đường tiết niệu. Đường tiết niệu có vai trò quan trọng trong cơ thể mỗi con người, cấu tạo của chúng bao gồm: niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt (nam), niệu quản và 2 thận. Chắc hẳn nhiều người thắc mắc tại sao hệ thống này được đánh giá là giữ vai trò to lớn trong cơ thể? Bởi vì, nhiệm vụ chính của chúng là lọc, đào thải các chất dư thừa ra khỏi cơ thể.

Tỷ lệ nữ giới mắc viêm đường tiết niệu nhiều hơn nam giới.

Tỷ lệ nữ giới mắc viêm đường tiết niệu nhiều hơn nam giới.

Viêm đường tiết niệu không đặc hiệu hay gọi nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiết niệu của người gây ra phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó. Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể có hoặc không có triệu chứng. 

Bệnh lý này có thể xảy ra ở con người trong bất cứ độ tuổi và giới tính nào. Trong đó, con số thống kê trên thế giới chỉ ra rằng tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn so với đàn ông. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý và theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh.

2. Những triệu chứng thường gặp

Vậy chúng ta phải dựa vào những triệu chứng nào để nhận biết mình đang bị bệnh viêm đường tiết niệu? Thực tế, bệnh lý này có thể không có triệu chứng nhưng người bệnh chỉ cần chú ý theo dõi sự thay đổi của cơ thể, theo dõi những hiện tượng lạ là sẽ nhận ra.

Trong đó, người mắc bệnh này thường có cảm giác muốn đi vệ sinh, tuy nhiên mỗi lần đi vệ sinh, lượng nước tiểu khá ít. Đặc biệt, biểu hiện rõ ràng nhất chính là mỗi khi đi tiểu, người bệnh sẽ thấy đau buốt, rất khó chịu. Nước tiểu của người mắc bệnh viêm đường tiết niệu có thể có màu sắc khác thường. Tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Đau và nóng ran bụng dưới là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân.

Đau và nóng ran bụng dưới là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân.

Bên cạnh hiện tượng trên, bệnh nhân còn thấy xuất hiện một số biểu hiện đi kèm, ví dụ như đau bụng dưới và cảm thấy nóng rát. Một số người còn có triệu chứng đau mỏi lưng dai dẳng.

3. Những tác nhân chính gây bệnh viêm đường tiết niệu

Có thể nói, bệnh lý này gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng đâu là những nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này?

3.1. Do vi khuẩn 

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường tiết niệu, trong đó hầu hết mọi người mắc bệnh do sự tấn công của vi khuẩn. 

Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu theo 4 con đường:

  • Vi khuẩn gây NKTN ngược dòng.

  • NKTN đường máu.

  • NKTN đường bạch huyết.

  • Vi khuẩn lây lan từ cơ quan lân cận.

Trong số các loại vi khuẩn thì phổ biến nhất là E Coli. Đây là loại vi khuẩn thường tồn tại ở trong đường ruột của con người, tại đây chúng hoàn toàn vô hại, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, nếu như vi khuẩn E.coli theo đường tiêu hóa, đến và bám vào lỗ niệu đạo, chúng bắt đầu sinh sôi phát triển và gây viêm nhiễm nghiêm trọng.

Vi khuẩn đường ruột là một tác nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu.

Vi khuẩn đường ruột là một tác nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu.

Bên cạnh con đường lây nhiễm trên, bệnh còn có thể phát triển khi vi khuẩn tấn công vào cơ quan sinh dục bên ngoài, rồi dần dần tấn công sâu vào đường tiết niệu. Ví dụ nhiễm khuẩn do VK Gram âm như Pseudomonas, proteus, klebsiella, Enterobacter. Các nhiễm khuẩn có biến chứng (kết hợp sỏi thận) thường do phối hợp các loại vi khuẩn, ví dụ: E. coli + Proteus, E. coli + Klebsiella. 

Ngoài ra, phụ nữ sử dụng băng vệ sinh mà không thay thường xuyên cũng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh viêm đường tiết niệu. Bởi vì đây là môi trường ẩm ướt, vi khuẩn từ hậu môn rất dễ xâm nhập, gây viêm nhiễm. Nếu bạn không thường xuyên vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, vi khuẩn sẽ tấn công và gây bệnh rất nhanh chóng.

3.2. Do một số bệnh gây ra

Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng, viêm nhiễm đường tiết niệu xảy ra là hậu quả của một số căn bệnh con người gặp phải. Những bệnh đó là: phì đại tuyến tiền liệt, sỏi đường tiết niệu,… Bên cạnh đó, người có sức khỏe không tốt, hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả thì vi khuẩn cũng rất dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.

4. Bệnh nhân viêm nhiễm đường tiết niệu nên ăn gì?

Nếu muốn khỏi bệnh, chúng ta nên kết hợp đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ cùng với việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bởi vì tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận như: niệu quản, bàng quang hoặc thận khiến chúng ta cảm thấy vô cùng mệt mỏi, suy nhược và mất sức. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật.

4.1. Bổ sung nhiều nước cho cơ thể

Khi cơ thể bị thiếu nước, các độc tố sẽ không thể đào thải ra bên ngoài, vì vậy người mắc bệnh viêm đường tiết niệu được khuyên tăng cường uống nước. Trong đó, mỗi ngày bạn nên uống ít nhất 2 lít nước, nhờ vậy cơ thể được thanh lọc, giảm viêm nhiễm nhanh chóng và hiệu quả hơn.

4.2. Tăng cường ăn rau xanh và các loại hoa quả

Để tăng cường sức khỏe, con người không nên bỏ qua việc bổ sung chất xơ và các loại vitamin cho cơ thể. Những thành phần này có rất nhiều trong hoa quả tươi và rau xanh. Bệnh viêm đường tiết niệu sẽ suy giảm nhanh chóng nếu người bệnh tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.

4.3. Ăn sữa chua

Sữa chua vốn được biết đến là sản phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe, thành phần có chứa lợi khuẩn, giúp chống lại vi khuẩn có hại cho con người, cải thiện tiêu hóa. Sử dụng sữa chua thường xuyên là cách để tăng sức đề kháng cơ thể, chiến đấu với vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

Sữa chua có nhiều lợi khuẩn giúp tăng sức đề kháng.

Sữa chua có nhiều lợi khuẩn giúp tăng sức đề kháng.

Bệnh viêm đường tiết niệu nếu không điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và rất khó chữa. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan trước những biểu hiện của bệnh. Để tình trạng mau chóng cải thiện, bạn có thể kết hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.