Tin tức

Chứng rung thất: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 06/04/2021
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Các bệnh lý liên quan đến tim mạch đang ngày càng phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, trong đó có chứng rung thất. Nhiều người bị nhầm lẫn giữa rung thất và rung nhĩ, đây đều là rối loạn nhịp tim song xảy ra ở những phần khác nhau của trái tim. So với rung nhĩ, chứng rung thất nguy hiểm hơn, khiến bệnh nhân mất dần ý thức đến tử vong trong thời gian ngắn.

1. Tìm hiểu về chứng rung thất

Tim được cấu tạo là một khối cơ rỗng, gồm 2 buồng tâm nhĩ và 2 buồng tâm thất. Trong đó tâm nhĩ có vai trò nhận máu từ tĩnh mạch để đưa xuống tâm thất, tâm thất tiếp nhận máu và tạo áp lực bơm máu vào động mạch. Chứng rung thất là một dạng rối loạn nhịp tim bắt nguồn ở tâm thất.

Rung thất là chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm

Rung thất là chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm

1.1. Định nghĩa về rung thất

Rung thất là tình trạng tim đập nhanh bất thường, xung điện rối loạn khiến cơ tim ở tâm thất rung lên với tần số cao hơn bình thường nhiều lần, không có giá trị bơm máu ra động mạch như co bóp thông thường. Rung thất xảy ra khiến máu không được bơm tốt đến các cơ quan trong cơ thể khiến chúng nhanh chóng rối loạn và dẫn tới tử vong.

So với các rối loạn nhịp tim khác, rung thất là cấp cứu y tế nguy hiểm bởi bệnh tiến triển nhanh, có thể khiến người bệnh mất ý thức trong vài giây. Tình trạng nặng hơn khiến người bệnh mất mạch hoặc ngừng thở, gây tử vong nếu không can thiệp y tế kịp thời.

1.2. Triệu chứng của rung thất

Rung thất là do sự phát xung điện nhiều bất thường khiến cho tâm thất nhận tín hiệu và rung rối loạn, vì thế nhịp tim đập nhanh là triệu chứng điển hình của chứng bệnh này. 

Triệu chứng thường xuất hiện trước khi cơn rung thất thực sự xảy ra

Triệu chứng thường xuất hiện trước khi cơn rung thất thực sự xảy ra

Trước một cơn rung thất thực sự, người bệnh thường xuất hiện một vài triệu chứng bệnh trước khoảng 1 giờ, bao gồm:

  • Chóng mặt.

  • Buồn nôn.

  • Đau ngực.

  • Khó thở hoặc thở nông.

Cơn rung thất thực sự xuất hiện, người bệnh dần mất ý thức và ngất xỉu. Tiến triển bệnh và biến chứng sẽ đến rất nhanh, người bệnh có thể tử vong do ngừng thở hoặc mất mạch. Vì thế cấp cứu y tế sớm ngay khi khởi phát những dấu hiệu đầu tiên là rất quan trọng.

1.3. Nguyên nhân

Để hiểu nguyên nhân và cơ chế gây ra rung thất, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về cách trái tim hoạt động bình thường, cụ thể trong một nhịp đập. Đầu tiên, xung điện được tạo ra và truyền chính xác qua tim. Khi cơ tim tâm nhĩ phải nhận tín hiệu, tâm nhĩ hoạt động để nhận máu. Xung tiếp tục truyền đến tâm thất gây co để bơm máu đi khắp cơ thể.

Không phải tất cả các trường hợp rung thất đều tìm ra nguyên nhân chính xác, đa phần nguyên nhân bắt nguồn từ nhịp tim nhanh thất. Nhịp tim nhanh này gây ra bởi xung điện tâm thất bất thường, có thể do xung điện đi quanh vết sẹo hoặc cơ quan tạo xung gặp vấn đề.

Đa phần sự xuất hiện của nhịp tim nhanh thất xảy ra ở người bệnh có vấn đề về tim trước đó, có thể là đau tim, tổn thương tim hình thành sẹo. Không phải tất cả trường hợp khi nhịp tim nhanh thất xảy ra cũng dẫn đến rung thất, song nó vẫn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như: Đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu,…

Rung thất ở người bệnh tim mạch thường nguy hiểm hơn

Rung thất ở người bệnh tim mạch thường nguy hiểm hơn

Ở bệnh nhân rung thất, nhịp tim nhanh không hiệu quả dẫn đến vấn đề bơm máu cũng suy giảm, huyết áp tụt đột ngột và nhiều cơ quan không được cấp đủ máu. Cơ quan ảnh hưởng đầu tiên và cũng thường nghiêm trọng nhất là não, người bệnh có thể mất ý thức nhanh chóng. Nếu không được hô hấp nhân tạo hoặc khử rung tim, rung thất sẽ khiến người bệnh tử vong trong vài phút.

Ngoài ra, cơn rung thất cũng có thể gây ra bởi một cơn đau tim. Các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị rung thất hơn bao gồm:

  • Từng bị thương tổn cơ tim như: điện giật, viêm cơ tim,…

  • Người bệnh khuyết tật tim bẩm sinh.

  • Người từng bị đau tim hoặc rối loạn nhịp tim trước đó.

  • Dùng chất kích thích quá mức như cocain.

Đôi khi nguyên nhân gây rung thất không được xác định, việc cấp cứu vẫn phải thực hiện nhanh và hiệu quả để cứu sống người bệnh trước. 

2. Chẩn đoán và điều trị rung thất

Rung thất là tình trạng cấp cứu nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng nên việc chẩn đoán cấp cứu phải nhanh chóng, hiệu quả. Người bệnh được cứu sống sau cơn rung thất cũng cần điều trị duy trì để hồi phục, phòng ngừa biến chứng.

2.1. Chẩn đoán rung thất

Đa phần rung thất được chẩn đoán trong tình huống khẩn cấp, vì thế bác sĩ thường lựa chọn các kĩ thuật chẩn đoán nhanh như:

Chẩn đoán rung thất thường trong trường hợp khẩn cấp

Chẩn đoán rung thất thường trong trường hợp khẩn cấp

  • Kiểm tra mạch: Người bệnh rung thất bị mất mạch hoàn toàn.

  • Theo dõi điện tâm đồ tim: Bác sĩ sẽ sử dụng máy theo dõi tim để đọc các xung điện, từ đó sẽ cho thấy tim có đang đập và đập bình thường hay không.

Sau cấp cứu cứu sống người bệnh, để chẩn đoán nguyên nhân bệnh nhân có thể được yêu cầu xét nghiệm bằng các kĩ thuật như: Điện tâm đồ, xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực, đặt ống thông tim, siêu âm tim, chụp MRI và CT,…

2.2. Cấp cứu cho người bệnh rung thất

Cấp cứu khẩn cấp cho người bệnh rung thất để cứu sống bệnh nhân, mục tiêu là phải khôi phục được lưu lượng máu qua cơ thể càng nhanh càng tốt. Việc này thực hiện càng hiệu quả thì tổn thương não và các cơ quan do thiếu máu càng được hạn chế. 

Phương pháp hồi sức tim phổi CPR được áp dụng phổ biến nhất để duy trì lượng máu qua cơ thể, dựa trên việc mô phỏng chuyển động bơm máu của tim. Trong hầu hết các trường hợp khẩn cấp, CPR được thực hiện, tuy nhiên người thực hiện cần nắm rõ kỹ thuật này và thực hành một cách có hiệu quả.

Khi rung thất làm chết tim, có thể khử rung tim bằng cú sốc điện qua thành ngực đến tim. Thông thường sau cú sốc điện, tim có thể đập bình thường trở lại song cần tiếp tục theo dõi và điều trị.

2.3. Điều trị duy trì rung thất

Sau cấp cứu, người bệnh cần điều trị duy trì để ngăn ngừa cơn rung thất tái phát và phục hồi tổn thương. Phương pháp điều trị hiện được áp dụng gồm:

Điều trị nội khoa thường áp dụng cho trường hợp rung thất nhẹ

Điều trị nội khoa thường áp dụng cho trường hợp rung thất nhẹ

  • Thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, phổ biến nhất là thuốc chẹn beta.

  • Cấy ghép máy khử rung tim ở khu vực gần xương đòn trái.

  • Chụp mạch vành và đặt Stent: giúp mở rộng động mạch vành bị chẹn, giúp máu lưu thông tốt hơn.

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: giúp cải thiện lưu lượng máu.

Như vậy, rung thất là tình trạng nguy hiểm, làm giảm lưu lượng máu nuôi đến các cơ quan, đặc biệt là não. Vì thế ngay khi có triệu chứng bệnh, cần sớm đưa người bệnh đi cấp cứu để can thiệp kịp thời, hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.