Tin tức

Chụp CT Scanner là gì và những rủi ro có thể gặp phải

Ngày 28/10/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Chụp CT Scanner được đánh giá là một trong những thành tựu lớn trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, có vai trò đắc lực trong việc chẩn đoán, hỗ trợ điều trị và tiên lượng nhiều bệnh lý. Vậy chụp CT Scanner là gì?

1. Chụp CT Scanner là gì?

Chụp CT Scanner là kỹ thuật hình ảnh sử dụng tia X-quang quét lên một khu vực hoặc toàn bộ cơ thể theo các lát cắt ngang. Ảnh chụp CT Scanner gồm nhiều lát cắt ngang với số lượng tùy theo thế hệ máy, sau đó được phối hợp xử lý bằng máy vi tính.

Chụp CT Scanner là gì

CT Scanner là kỹ thuật hình ảnh dựa trên tia X

Kết quả thu được nhiều ảnh chụp 2 chiều hoặc hình dựng 3 chiều chi tiết của bộ phận cần chụp. Ảnh chụp CT Scanner là ảnh đen trắng với màu sắc đậm - nhạt khác nhau, tùy theo mức độ cản tia X của mô cứng, mô mềm trong cơ thể.

2. Chụp CT Scanner có ý nghĩa gì?

Chụp CT Scanner được đánh giá là cho hình ảnh chụp chi tiết hơn nhiều so với chụp X-quang truyền thống, nên có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán bệnh. Bất cứ bộ phận nào của cơ thể cũng có thể chụp CT Scanner song phổ biến thường là: 

- CT Scanner sọ não.

- CT Scanner vùng đầu - mặt - cổ.

- CT Scanner phổi và lồng ngực.

- CT Scanner cột sống.

- CT Scanner xương khớp.

- CT Scanner bụng chậu.

Tùy vào mục đích thăm khám, chẩn đoán, bệnh nhân có thể chụp CT Scanner không dùng thuốc cản quang hoặc chụp CT Scanner dùng thuốc cản quang. Chất cản quang được tiêm vào tĩnh mạch (đi theo đường máu) hoặc qua đường uống (đi vào dạ dày và hệ tiêu hóa), vị trí có chất cản quang tia X sẽ truyền qua kém hơn. Khi đó trên ảnh chụp CT Scanner sẽ thấy màu sáng trắng hơn.

Máy chụp CT Scanner đang ngày càng được cải tiến

Máy chụp CT Scanner đang ngày càng được cải tiến

Chụp CT Scanner sử dụng thuốc cản quang thường thực hiện khi cần đánh giá hệ mạch máu (có bị tắc hẹp, có cục máu đông hoặc dị dạng mạch máu không, mạch máu nuôi u ung thư,…) hoặc phân biệt các tổn thương dựa trên khả năng hấp thụ thuốc cản quang khác nhau. 

Không chỉ dựng ảnh 2D, hiện nay còn phát triển kỹ thuật chụp CT Scanner 3D - CT giúp đánh giá chính xác vị trí tổn thương trong không gian 3 chiều, có ý nghĩa lớn trong định hướng phẫu thuật điều trị và xạ trị ung thư. Những dị tật bẩm sinh, bất thường bệnh lý cần can thiệp tạo hình chỉnh sửa cũng dựa trên ảnh chụp 3D - CT Scanner để định hướng thực hiện.

Kỹ thuật chụp CT Scanner không ngừng được phát triển với các thế hệ máy chụp được cải tiến. Máy chụp CT Scanner đầu tiên được ứng dụng trong y học năm 1974 là máy chụp 1 lát cắt, thời gian chụp mất vài giờ đồng hồ. Đến nay đã phát triển hệ máy chụp CT Scanner 2 dãy, 32 dãy, 64 dãy,…

Trong đó, máy chụp CT Scanner 64 lớp cắt là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, thời gian chụp nhanh (chỉ vài chục giây cho một cơ quan) và hình ảnh chụp chất lượng, chi tiết. Các cơ quan phức tạp hoặc kỹ thuật chụp khó cần máy chụp CT Scanner đời cao, ít nhất từ thế hệ 64 lớp trở lên nên người bệnh cần lựa chọn đúng địa chỉ với máy chụp phù hợp.

Ảnh chụp CT Scanner có giá trị chẩn đoán cao

Ảnh chụp CT Scanner có giá trị chẩn đoán cao

3. Những đặc điểm của kỹ thuật chụp CT Scanner

Chụp CT Scanner được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng trong khám, chẩn đoán các bệnh lý cơ quan như ngực, tim, sọ não, xương, đầu mặt cổ,… cho đến mô mềm như mạch máu não, chi,… 

Nắm được cụ thể Chụp CT Scanner là gì cũng như ưu nhược điểm của kỹ thuật này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn khi thăm khám.

Ưu điểm của chụp CT Scanner

- Hình ảnh rõ nét, không xảy ra hiện tượng chồng nhiều hình lên nhau mà được tách ra theo các ảnh chụp lát cắt.

- Thời gian chụp nhanh (vài giây cho đến vài chục giây), cho kết quả nhanh nên phù hợp trong đánh giá các bệnh cấp cứu và các cơ quan di động trong cơ thể như tim, phổi, ruột,…

- Hình ảnh mô mềm có độ phân giải cao hơn nhiều so với chụp X-quang truyền thống.

- Độ phân giải không gian tốt, có thể dựng hình 3D chi tiết, đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán các bệnh lý xương và khối u.

- Phù hợp với bệnh nhân chống chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI (bệnh nhân có thiết bị điện tử Y tế trong người hoặc dị vật kim loại).

Nhược điểm của chụp CT Scanner 

- Tia bức xạ X có khả năng đâm xuyên mạnh nên trong chẩn đoán những tổn thương và bệnh lý mô mềm, CT Scanner không hiệu quả bằng chụp MRI.

- Độ phân giải hình ảnh CT Scanner cao hơn X-quang nhưng thấp hơn MRI, tổn thương kích thước nhỏ có thể bị bỏ sót.

Tia bức xạ X có thể gây nhiễm xạ cho người chụp

Tia bức xạ X có thể gây nhiễm xạ cho người chụp

- Sử dụng tia bức xạ X nên có thể gây nhiễm xạ tích lũy, vì thế không thích hợp chụp nhiều lần để khảo sát bệnh trong khoảng thời gian ngắn.

- Khó phân biệt những tổn thương và những cơ quan có cùng độ đậm trên ảnh chụp (cùng mức độ cản tia X).

- Hầu như các trường hợp tổn thương tủy sống, sụn khớp hoặc dây chằng khó chẩn đoán được bằng ảnh chụp CT Scanner.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của kỹ thuật hình ảnh CT Scanner trong chẩn đoán và định hướng điều trị bệnh hiện nay. Mặc dù còn tồn tại một số nhược điểm trong phát hiện tổn thương song với chi phí phù hợp, CT Scanner vẫn được chỉ định nhiều và là ưu tiên số một trong nhiều trường hợp.

4. Một số rủi ro khi chụp CT Scanner

Bệnh nhân chụp CT Scanner có thể gặp phải một số rủi ro và cần hạn chế tối đa bằng các biện pháp phù hợp như sau:

4.1. Khả năng phơi nhiễm phóng xạ

Dù máy chụp đời mới, thời gian tiếp xúc với bức xạ X khi chụp CT Scanner là khá ngắn song lượng bức xạ lớn và tập trung hơn chụp X-quang nên mức nhiễm xạ sẽ cao hơn. Nếu mức nhiễm xạ vượt qua giới hạn an toàn có thể gây những tác hại tới sức khỏe sau này, tăng nguy cơ ung thư.

Song nếu người bệnh chụp CT Scanner theo chỉ định của bác sĩ (với tần suất và liều phù hợp) cùng máy chụp đời mới, điều chỉnh được mức bức xạ thì nguy cơ này rất hiếm khi xảy ra.

Thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc tia X trong CT Scanner

Thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc tia X trong CT Scanner

4.2. Gây dị tật thai nhi

Thai nhi tiếp xúc với tia bức xạ có thể bị tổn thương, dị tật, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe trong tương lai. Bệnh nhân đang mang thai cần thông báo với bác sĩ để được chuyển sang xét nghiệm chẩn đoán an toàn hơn như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc siêu âm.

4.3. Dị ứng với thuốc cản quang

Thuốc cản quang được dùng khi chụp CT Scanner có thể gây phản ứng dị ứng, sốc phản vệ nguy hiểm. Tuy nhiên hầu hết trường hợp chỉ gây ngứa, phát ban, khó chịu nhẹ, rất hiếm khi nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế nguy cơ này, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ các yếu tố khiến mình bị dị ứng, để bác sĩ cân nhắc trước khi sử dụng thuốc.

Hi vọng những thông tin MEDLATEC cung cấp qua bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được chụp CT Scanner là gì cũng như các vấn đề liên quan. Nếu có thắc mắc gì, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ thêm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.