Tin tức

Điểm danh nguyên nhân và triệu chứng viêm tuyến nước bọt

Ngày 04/12/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tuyến nước bọt có thể bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus tấn công dẫn đến tắc nghẽn đường ống dẫn nước bọt trong tuyến gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Nhận biết các triệu chứng viêm tuyến nước bọt giúp người bệnh có thể điều trị sớm và nâng cao hiệu quả. 

1. Tìm hiểu về nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào do nhiều nguyên nhân như:

1.1. Do virus

Virus tấn công gây viêm tuyến nước bọt thường là virus nhóm Paramyxo lây nhiễm qua đường hô hấp. Virus còn gây bệnh viêm nhiễm khác ngoài tuyến nước bọt như viêm tụy, viêm não, viêm buồng trứng, tinh hoàn,…

Tuyến nước bọt ở mang tai thường bị viêm nhiễm gây đau

Tuyến nước bọt ở mang tai thường bị viêm nhiễm gây đau

1.2. Do vi khuẩn

Vi khuẩn thường gây viêm tuyến nước bọt là Streptococcus và Staphylococcus lây truyền qua tiếp xúc với người mắc bệnh nhiễm trùng răng miệng, viêm tai xương chũm, viêm khớp thái dương hàm,…

1.3. Nguyên nhân do thuốc

Nguyên nhân này không thường gặp, 1 số thuốc có thể làm tăng nguy cơ viêm tuyến nước bọt như thuốc hóa trị liệu trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine.

1.4. Nguyên nhân khác

Viêm tuyến nước bọt có thể do 1 số nguyên nhân khác như: bệnh lý hệ thống, nhiễm độc, nhiễm nấm,…

2. Triệu chứng viêm tuyến nước bọt và chẩn đoán

Viêm tuyến nước bọt sẽ gây nhiều triệu chứng bệnh, đây cũng là thông tin ban đầu được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm kiểm tra. Tuy nhiên, triệu chứng viêm tuyến nước bọt khá giống với nhiều bệnh lý khu vực hàm tai miệng khác nên có thể gây chẩn đoán sai bệnh.

 Viêm tuyến nước bọt có thể gặp ở trẻ nhỏ

 Viêm tuyến nước bọt có thể gặp ở trẻ nhỏ

Cụ thể, các triệu chứng viêm tuyến nước bọt bao gồm:

2.1. Viêm sưng tuyến nước bọt ở mang thai hoặc dưới hai hàm bên

Tùy vào vị trí của tuyến nước bọt bị viêm là ở mang tai, dưới hai bên hàm hay dưới lưỡi mà vị trí sưng có thể khác nhau. Trong đó, viêm tuyến nước bọt mang tai là thường gặp nhất khiến mang tai bị sưng to, đôi khi có thể làm mặt phình ra, biến dạng mặt.

Kiểm tra vị trí da vùng tuyến nước bọt mang thai bị sưng thấy căng, bóng, sờ nóng đau. Nếu nguyên nhân gây nhiễm trùng là virus, ấn vào vùng sưng sẽ thấy không lõm, không đỏ, ngược lại là do vi khuẩn gây bệnh.

2.2. Ít tiết nước bọt

Viêm tuyến nước bọt gây tắc nghẽn và giảm tiết nước bọt, vì thế bệnh nhân sẽ thấy nước bọt tiết ít hơn, đặc quánh hơn. Từ đó, bệnh nhân cũng dễ gặp phải các vấn đề răng miệng, tiêu hóa hơn khi tiết nước bọt giảm.

2.3. Sưng hạch góc hàm

Vi khuẩn, virus gây viêm tuyến nước bọt có thể tấn công xa hơn gây viêm sưng hạch góc hàm hoặc các hạch khác vùng đầu cổ.

2.4. Cảm thấy mất vị giác

Nước bọt giảm khiến hoạt động nhai nghiền thức ăn và tiêu hóa 1 phần thức ăn ở miệng giảm, vị giác và cảm giác ngon miệng của người bệnh cũng bị ảnh hưởng.

Mất vị giác là triệu chứng của viêm tuyến nước bọt

Mất vị giác là triệu chứng của viêm tuyến nước bọt

2.5. Dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân

Viêm tuyến nước bọt cũng gây triệu chứng nhiễm trùng điển hình như: ớn lạnh, sốt cao, cơ thể khó chịu mệt mỏi, chán ăn,…

Nhìn chung, triệu chứng viêm tuyến nước bọt xuất hiện khá sớm song dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì thế ngoài kiểm tra triệu chứng và khám thực thể, có thể cần 1 số xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu hay siêu âm. Xét nghiệm máu thấy dấu hiệu nhiễm trùng cụ thể như sau:

  • Nhiễm trùng do virus: bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính giảm.

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

Ngoài ra, amylase trong máu sẽ tăng, kiểm tra trong nước tiểu cũng có kết quả tương tự.

Ngoài xét nghiệm máu thì siêu âm cũng là kỹ thuật chẩn đoán có giá trị cao với bệnh viêm tuyến nước bọt, cho phép kiểm tra cụ thể tổn thương mô mềm ở vùng đầu mặt cổ. Các tổn thương vùng cổ liên quan với viêm tuyến nước bọt cũng được phát hiện và kiểm tra.

Hầu hết viêm tuyến nước bọt thường không nguy hiểm, biến chứng cũng không phổ biến song không nên chủ quan. Điều trị bệnh sớm sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Nếu viêm tuyến nước bọt kéo dài, dịch mủ có thể tích tụ lại dẫn tới hình thành ổ áp xe ở tuyến nước bọt. Ngoài ra, cũng cần cẩn thận viêm tuyến nước bọt do khối u ác tính, bệnh sẽ gây viêm liên tục và tái phát, dần ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe cũng như các cơ quan xung quanh.

 Viêm tuyến nước bọt cần điều trị để hạn chế biến chứng

 Viêm tuyến nước bọt cần điều trị để hạn chế biến chứng

3. Điều trị viêm tuyến nước bọt như thế nào?

Điều trị viêm tuyến nước bọt như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, nguyên nhân tiềm ẩn thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Nếu tác nhân gây viêm tuyến nước bọt là vi khuẩn, có nhiều dịch mủ kèm theo sốt cao, sưng đau, bệnh nhân sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau,… Ngoài ra, dịch mủ trong ổ áp xe sẽ cần chọc hút loại bỏ.

Rất hiếm trường hợp viêm tuyến nước bọt phải điều trị bằng phẫu thuật trừ khi nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm trùng tái phát. Nếu cần thiết, một phần hoặc toàn bộ tuyến nước bọt bị viêm có thể phải cắt bỏ.

Ngoài điều trị y tế thì việc chăm sóc, điều trị viêm tuyến nước bọt tại nhà rất quan trọng nhằm đẩy lùi triệu chứng bệnh, tăng khả năng hồi phục sức khỏe. Cần thực hiện điều trị viêm tuyến nước bọt tại nhà như sau:

  • Uống nhiều nước từ 2 - 2,5 lít mỗi ngày để giữ tuyến nước bọt sạch sẽ, giảm viêm sưng, kích thích tăng tiết nước bọt.

  • Chườm ấm cho khu vực tuyến nước bọt bị viêm cùng với massage.

  • Súc miệng với nước muối ấm pha loãng để làm sạch, khử khuẩn.

  • Ngậm kẹo hoặc ăn hoa quả có vị chua, không đường để kích thích hoạt động của tuyến nước bọt.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ phòng ngừa viêm tuyến nước bọt

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ phòng ngừa viêm tuyến nước bọt

Hầu hết bệnh viêm tuyến nước bọt sẽ không kéo dài khi được điều trị tích cực, song cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như:

  • Tránh thở bằng miệng quá nhiều.

  • Điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ nhiễm trùng như: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng hạch bạch huyết, suy giáp, suy thận, lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren,…

  • Chế độ ăn uống điều độ, đúng bữa, ăn nhiều thực phẩm tươi sống, hoa quả giàu Vitamin và khoáng chất.

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng việc đánh răng, làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa.

Nếu cần tư vấn thêm về viêm tuyến nước bọt cũng như bệnh lý liên quan, hãy liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 để gặp chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.