Tin tức

Giúp bạn tìm hiểu về tác dụng phụ của hóa trị

Ngày 18/09/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Trong y học hiện đại hóa trị là một biện pháp điều trị bệnh ung thư phổ biến. Đây là một trong những cách giúp bệnh nhân tiêu diệt tế bào ung thư để giành lại sự sống những tác dụng phụ của hóa trị cũng là điều khiến cả bác sĩ và người bệnh hết sức quan ngại. Bài viết dưới đây sẽ thông tin để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. 

1. Hóa trị là gì? Vì sao hóa trị có thể gây tác dụng phụ?

Hóa trị chính là phương pháp sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Hiện nay có khoảng 100 loại thuốc dùng để hóa trị và chúng được phân chia theo những nhóm khác nhau dựa vào cấu trúc và tác dụng của thuốc. Các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc cho bệnh nhân tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và giai đoạn bệnh. 

tác dụng phụ của hóa trị
Hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ

Những loại thuốc khi sử dụng hóa trị có vai trò tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển nhanh. Khi thuốc đi vào cơ thể, chúng có thể ảnh hưởng và gây hại đến cả những tế bào bình thường khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các tác dụng phụ của hóa trị. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị không phải các bệnh nhân đều gặp phải những tác dụng phụ giống nhau. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng và gây ra tác dụng phụ bao gồm loại thuốc, liều lượng thuốc, phác đồ điều trị, độ tuổi và sức khỏe của người bệnh. 

2. Những tác dụng phụ của hóa trị

2.1. Ảnh hưởng đến máu và thành phần của máu

Sau những đợt hóa trị, bệnh nhân có thể gặp phải những vấn đề về máu. Cụ thể như sau: 

Người bệnh có thể bị thiếu máu do tác dụng phụ của hóa trị
Người bệnh có thể bị thiếu máu do tác dụng phụ của hóa trị

Thiếu hồng cầu: Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, da nhợt nhạt, nhiều trường hợp còn thấy khó thở. Nếu nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ bị chóng mặt, hoa mắt và chân tay lạnh. 

Thiếu bạch cầu: Làm hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm vì bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể tránh khỏi các tác nhân gây bệnh. Người bệnh dễ bị nhiễm vi khuẩn, dễ bị virus tấn công, viêm đường tiết niệu, hay gặp phải tình trạng lở loét miệng,…

Thiếu tiểu cầu: Những trường hợp bị giảm tiểu cầu khi hóa trị sẽ có biểu hiện bị xuất huyết dưới da hay xuất huyết nội tạng, chẳng hạn như hiện tượng chảy máu cam, nôn ra máu hoặc phân có lẫn máu tươi, lượng máu trong thời kỳ kinh nguyệt nhiều hơn bình thường,…

2.2. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa 

Suy giảm chức năng gan: Gan có nhiệm vụ thải độc cho cơ thể nên sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Quá trình sử dụng các loại hóa chất sẽ khiến các thế bào gan bị tổn thương, men gan có nguy cơ tăng cao và đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm độc cho cơ thể. 

Nôn và buồn nôn là tác dụng phụ khi điều trị ung thư bằng hóa trị
Nôn và buồn nôn là tác dụng phụ khi điều trị ung thư bằng hóa trị

Đường ruột: Sự độc hại của các loại hóa chất có thể khiến những tế bào niêm mạc đường ruột bị tiêu diệt hoặc suy giảm nặng nề. Hệ miễn dịch đường ruột cũng suy giảm, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hay táo bón,…

Người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như nôn và buồn nôn, mệt mỏi, ăn không ngon,… Bên cạnh đó là tình trạng khó nhai, khó nuốt hoặc lở loét quanh miệng khiến người bệnh bị chảy máu, nhiễm trùng. 

2.3. Gây khô da, rụng tóc

Đây là tác dụng phụ của hóa trị mà nhiều bệnh nhân gặp phải. Một số loại thuốc hóa trị có thể tác động đến nang lông khiến xảy ra hiện tượng rụng tóc ngay trong những tuần điều trị đầu tiên. Nhưng tình trạng này chỉ là tạm thời, sau đợt điều trị tóc sẽ mọc trở lại. 

Ngoài rụng tóc, bệnh nhân có thể gặp phải một số vấn đề về da. Người bệnh có thể bị kích ứng da nhẹ, cụ thể là tình trạng da bị khô, có hiện tượng ngứa, phát ban và da người bệnh sẽ thường nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Hóa trị có thể khiến bệnh nhân bị rụng tóc, khô da
Hóa trị có thể khiến bệnh nhân bị rụng tóc, khô da

Móng tay, móng chân của bệnh nhân sau hóa trị cũng giòn, dễ gãy hơn bình thường và bị ngả màu nâu hoặc màu vàng, thậm chí một vài trường hợp móng tay, móng chân còn bị bong khỏi nền móng.

2.4. Tăng nguy cơ đau tim

Những loại thuốc hóa trị có tính độc hại cao còn có thể gây suy yếu cơ tim, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim, làm tăng nguy cơ đau tim.

2.5. Ảnh hưởng đến chức năng hệ bài tiết 

Khi hóa trị, thận sẽ là một trong những cơ quan phải làm việc liên tục và dễ bị tổn thương. Người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ như tiểu ít, hoặc tiểu nhiều lần.  

2.6. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh

Những bệnh nhân được điều trị hóa trị sẽ có thể gặp phải những vấn đề về trí nhớ, khó tập trung suy nghĩ, suy giảm nhận thức, có thể chỉ trong thời gian ngắn hoặc có thể kéo dài trong nhiều năm.  

Bên cạnh đó, thuốc hóa trị cũng có thể khiến bệnh nhân bị đau, ngứa ran ở bàn tay, hay run rẩy hoặc mệt mỏi, khả năng phản xạ kém. 

2.7. Ảnh hưởng đến tâm lý 

Người bệnh ung thư khi được điều trị hóa trị có thể lo lắng hoặc sợ hãi, nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm. 

3. Những tác dụng phụ của hóa trị kéo dài bao lâu?

Ở mỗi bệnh nhân và mỗi loại thuốc, thời gian kéo dài những tác dụng phụ của hóa trị sẽ khác nhau. Nhiều trường hợp xảy ra rất ít tác dụng phụ và trong thời gian rất ngắn. Ngược lại, nhiều bệnh nhân lại phải đối mặt với những tác dụng phụ khá nghiêm trọng và lâu dài. 

Hầu hết những tác dụng phụ này sẽ dẫn biến mất sau khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc và những tế bào bình thường hồi phục trở lại. Thời gian hồi phục trở lại cũng sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. 

Các chuyên gia khuyên bạn nên trang bị kiến thức cơ bản và trao đổi với bác sĩ để được giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình điều trị. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường khi đang trong thời kỳ sử dụng thuốc, cần thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, bạn cũng cần giữ vững tâm lý, tránh suy nghĩ tiêu cực.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về tác dụng phụ của hóa trị, bạn có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.