Tin tức

Khó thở khi nằm xuống - nguyên nhân và cách giải quyết

Ngày 21/08/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Hiện tượng khó thở khi nằm dù ít hay nhiều cũng sẽ có những tác động tới tâm lý, sức khỏe con người. Ở mức độ nhẹ nó gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi; nặng hơn có thể trở thành dấu hiệu cảnh báo bệnh lý của cơ thể. Vì thế, cần tìm ra được nguyên nhân gây nên hiện tượng này thì mới đánh giá được mức độ ảnh hưởng của nó tới mỗi người.

1. Nguyên nhân gây ra hiện tượng khó thở khi nằm

1.1. Nguyên nhân không do bệnh lý

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng khó thở khi nằm xuống trong đó có những trường hợp không xuất phát từ lý do bệnh lý như:

- Nằm xuống ngay sau khi vừa vận động mạnh

Thường thì khi thực hiện những vận động mạnh như: thể thao, khiêng vác quá sức,... chúng ta sẽ phải hít thở bằng miệng khá nhiều. Đây là lý do khiến cho lượng khí hít vào khô và thiếu độ ẩm hơn từ đó sinh ra tình trạng co thắt phế quản, hô hấp gặp khó khăn. Cũng vì thế mà khi nằm xuống sau khi thực hiện những việc này nhiều người thở gấp, thở dồn.

khó thở khi nằm

Vận động thể thao quá sức, khi nằm xuống có thể thấy khó thở, thở gấp

- Stress, căng thẳng, lo âu

Đây cũng là lý do khiến nhiều người nằm xuống là thấy khó thở, thậm chí khi đang ngủ còn giật mình tỉnh giấc. Những trường hợp này ngoài việc bị khó thở khi nằm xuống còn có gặp hiện tượng tim đập nhanh, thở gấp, đổ mồ hôi,... Điều này được lý giải do tâm lý không ổn định, tinh thần căng thẳng, hoảng loạn, chịu áp lực mà sinh ra.

- Béo phì, thừa cân

Đây là những hiện tượng khiến cơ hoành và phổi bị tăng áp lực nên sinh ra khó thở khi nằm xuống.

- Lý do khác: mặc quần áo chật chội, nằm ngay sau khi ăn khiến thức ăn bị đẩy lên lại thực quản và tạo áp lực đè lên cơ hoành,...

1.2. Nguyên nhân bệnh lý

- Cơ chế gây khó thở ở những trường hợp bệnh lý

Nhiều lý giải cho thấy khởi phát của tình trạng khó thở khi nằm thẳng là sự tái phân phối dịch từ hệ tuần hoàn nội tạng và chi dưới trở về hệ tuần hoàn trung tâm. Với bệnh nhân suy giảm chức năng thất trái, máu trở về tim tăng lên về thể tích không được bơm đi hiệu quả làm tăng áp lực mao mạch phổi. Hệ lụy sinh ra từ đây là phù phổi, độ giãn nở phổi giảm dẫn đến khó thở là điều tất yếu.

Ngoài ra, dịch mô kẽ hoặc máu được thay thế cho không khí trong phổi sẽ làm giảm dung tích phổi. Tình trạng phù nề ở thành phế quản có thể gây ra tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ dẫn tới hiện tượng khò khè.

khó thở khi nằm

Khó thở khi nằm xuống là một trong những dấu hiệu của bệnh suy tim

- Các bệnh lý sinh ra hiện tượng khó thở khi nằm

+ Hội chứng ngưng thở khi nằm ngủ: do đường thở yếu, lưỡi quá lớn hay vị trí của hàm, của amidan làm cản trở hô hấp.

+ Suy tim: bệnh lý này thường khiến người bệnh thức giấc nửa đêm, khó thở đột ngột.

+ Hen suyễn: người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở khi nằm xuống, thở dồn, tức ngực do niêm mạc đường hô hấp bị phù nề, tiết nhiều đờm.

+ Phù phổi: do sự dư thừa của chất lỏng tích tụ trong các túi khí ở phổi nên người bệnh thường cảm thấy khó thở, nhất là sau khi nằm.

+ Viêm mũi, viêm xoang: khi thời tiết thay đổi những bệnh nhân này hay bị chảy nước mũi, thở gấp, ho và khó thở khi nằm ngửa do nước mũi chảy xuống họng chặn đường hô hấp, khiến cho oxy không được đưa đến phổi.

+ Bệnh lý khác: COPD ( tắc nghẽn phổi mãn tính), rối loạn hoảng sợ.

2. Phương hướng xử trí với hiện tượng khó thở khi nằm xuống

2.1. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Do có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở khi nằm xuống trong đó có những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị để ngăn ngừa hệ lụy xấu cho sức khỏe nên tốt nhất, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt khi hiện tượng này xảy ra với bạn. Khi tới gặp bác sĩ, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng mà mình đang gặp phải, bệnh lý đang mắc cũng như các loại thuốc đang sử dụng. Đây cũng là cách giúp bác sĩ có thêm cơ sở để có biện pháp xử trí hợp lý.

khó thở khi nằm

Thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa giúp tìm ra nguyên nhân khó thở khi nằm

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, thực hiện những kiểm tra cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây khó thở ở từng bệnh nhân như:

- Chụp X-quang ngực.

- Siêu âm tim.

- Điện tâm đồ.

Tình trạng khó thở khi nằm xuống xảy ra chủ yếu do tổn thương đường thở. Bởi vậy, biện pháp điều trị phổ biến được áp dụng nhằm mục đích làm giảm tổn thương niêm mạc hô hấp, tái cấu trúc phổi và phế quản đồng thời ngăn chặn quá trình xơ hóa.

2.2. Biện pháp hỗ trợ tại nhà

Nếu gặp hiện tượng khó thở khi nằm xuống, để giảm thiểu sự khó chịu, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

- Ngồi dậy và hít thở thật sâu để cho hơi thở được điều hòa trở lại.

- Giảm cân nếu khó thở xuất phát từ tình trạng thừa cân, béo phì.

- Tăng cường luyện tập thể thao để giúp tinh thần sảng khoái, sức đề kháng được cải thiện, từ đó giấc ngủ sẽ sâu và ngon hơn.

- Tập hít thở sâu, thở đều mỗi ngày.

- Bỏ hút thuốc lá, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi khoa học.

Mức độ trầm trọng cũng như căn nguyên gây ra hiện tượng khó thở khi nằm xuống ở mỗi người không giống nhau. Vì thế, đừng chủ quan với sức khỏe của mình.

Thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân khiến bạn bị như vậy là lời khuyên mà chúng tôi dành cho bạn. Có như thế bạn mới biết được chính xác về tình trạng sức khỏe của mình, biết cách để tình trạng ấy sớm chấm dứt.

Mọi sự hỗ trợ về y tế, đừng ngần ngại liên hệ hotline 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC bằng kiến thức chuyên môn vững vàng sẽ giúp bạn có được những lời khuyên hữu ích.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.