Tin tức

Loạn nhịp xoang là gì, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 06/04/2021
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Loạn nhịp xoang là một dạng rối loạn nhịp tim xảy ra do nút xoang ở tâm nhĩ. Tình trạng này khá lành tính, phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng nghiêm trọng và sức khỏe không bị ảnh hưởng nhiều. Song vẫn cần theo dõi mức độ rối loạn nhịp tim, tiến triển bệnh, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra. 

1. Loạn nhịp xoang là gì?

Trước hết cần hiểu về nhịp xoang, đây được coi là nguồn tạo nhịp tự nhiên để tim hoạt động. Nút xoang hay còn gọi là tâm nhĩ phải, là một bộ phận thuộc buồng tim trên phải. Xoang đập một chu kỳ hoạt động đầy đủ sẽ tạo nên nhịp đập cho trái tim dựa trên các tín hiệu điện dẫn truyền. Với người khỏe mạnh có chức năng nút xoang bình thường, nhịp xoang và nhịp tim cũng sẽ đều đặn bình thường.

Loạn nhịp xoang là một dạng rối loạn nhịp tim do nút xoang

Loạn nhịp xoang là một dạng rối loạn nhịp tim do nút xoang

Loạn nhịp xoang là tình trạng nút xoang hoạt động bất thường, lúc nhanh lúc chậm hoặc bỏ lỡ nhịp khiến nhịp tim đập cũng rối loạn theo. Chia theo thể bệnh lâm sàng, rối loạn nhịp xoang chia thành 2 nhóm:

Nhịp xoang nhanh

Nhịp xoang nhanh khi nó khiến nhịp tim nhanh, đo được là trên 100 nhịp mỗi phút.

Nhịp xoang chậm

Khi bệnh nhân đo được nhịp tim là nhỏ hơn 60 nhịp mỗi phút do nhịp xoang chậm.

Ngoài ra còn 1 thể bệnh loạn nhịp xoang hô hấp, thường gặp ở trẻ em và không gây vấn đề sức khỏe nào cho cơ thể. Khi trẻ lớn dần thì tình trạng loạn nhịp xoang hô hấp cũng thuyên giảm và biến mất.

Loạn nhịp xoang thường là tình trạng không nguy hiểm

Loạn nhịp xoang thường là tình trạng không nguy hiểm

Cần xác định loạn nhịp xoang sinh lý hay bệnh lý bởi đặc điểm bệnh, triệu chứng và tiến triển là khác nhau. Loạn nhịp xoang sinh lý thường xảy ra khi người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu,… trước một sự kiện đặc biệt nào đó. Tình trạng sinh lý này hoàn toàn bình thường, khi tâm lý ổn định thì rối loạn nhịp xoang và nhịp tim cũng biến mất.

Loạn nhịp xoang bệnh lý xuất phát từ nhiều vấn đề sức khỏe như: sốt cao, mất nước mất máu, rối loạn điện giải, bất thường về tim mạch hoặc suy yếu nút xoang thường gặp ở những người lớn tuổi. Nếu do những nguyên nhân này, cần điều trị can thiệp để phục hồi tổn thương và chức năng cho nút xoang, ngăn tín hiệu điện rối loạn dẫn truyền tới tim làm rối loạn nhịp tim.

2. Triệu chứng và biến chứng loạn nhịp xoang

Tình trạng bệnh ở người trẻ và sức khỏe tốt thường không có bất cứ triệu chứng nào do rối loạn không nghiêm trọng. Đôi khi chỉ phát hiện được bệnh khi đo nhịp tim trong thăm khám sức khỏe hay kiểm tra bệnh lý liên quan.

Riêng chứng loạn nhịp xoang hô hấp ở trẻ sẽ có triệu chứng điển hình là tình trạng thay đổi nhịp tim khi trẻ hít thở, thông thường khi hít vào nhịp tim tăng và thở ra nhịp tim giảm. Nếu cha mẹ nhận thấy rối loạn nhịp tim hô hấp này ở trẻ, đây thường không phải là vấn đề nghiêm trọng song để hiểu rõ hơn, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Loạn nhịp xoang ở trẻ thường biến mất khi trẻ lớn lên

Loạn nhịp xoang ở trẻ thường biến mất khi trẻ lớn lên

Loạn nhịp xoang do bệnh lý hoặc xảy ra ở người cao tuổi thường có triệu chứng khá rõ ràng, cần tìm nguyên nhân bệnh lý và điều trị. Cụ thể, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân loạn nhịp tim là:

  • Cảm giác đau thắt và đánh trống ngực, đi kèm với đó là biểu hiện khó thở, mệt mỏi, nhiều trường hợp đây là dấu hiệu sớm của đột tử.

  • Nhịp xoang nhanh có thể gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc đột tử.

  • Rối loạn nhịp xoang dẫn đến nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh, nếu nghiêm trọng có thể khiến máu nuôi dưỡng đi khắp cơ thể giảm đi, triệu chứng do não không nhận đủ dinh dưỡng sẽ xuất hiện đầu tiên như: suy giảm trí nhớ, tâm trạng bất ổn, ngất xỉu, chóng mặt, rối loạn khả năng ngôn ngữ,…

Bạn cần sớm tới bệnh viện kiểm tra nếu tình trạng tim đập nhanh, dồn dập khác thường được cảm giác rõ ràng. Đặc biệt khi triệu chứng này xuất hiện nhiều lần, rất có thể đây không phải là chứng loạn nhịp xoang thông thường mà là dấu hiệu bệnh lý hoặc nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn nào đó.

Đa phần loạn nhịp xoang là lành tính, tuy nhiên nếu nghiêm trọng, nó vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhịp xoang chậm thường gây khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, cơ thể mệt mỏi, mất sức do máu nuôi từ tim đi chậm, không đáp ứng cho cơ thể. Nhịp xoang nhanh thường gây tình trạng chóng mặt, đánh trống ngực, đau ngực,… hoặc đột tử.

Loạn nhịp xoang có thể dẫn tới đột tử nếu không can thiệp tốt

Loạn nhịp xoang có thể dẫn tới đột tử nếu không can thiệp tốt

3. Chẩn đoán và điều trị chứng loạn nhịp xoang

Chứng loạn nhịp xoang bệnh lý cần được chẩn đoán cẩn thận, xác định chính xác nguyên nhân, thể bệnh để kịp thời điều trị. Bất cứ vấn đề sức khỏe tim mạch nào đều có thể đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của người bệnh nên không thể chủ quan.

3.1. Chẩn đoán 

Để chẩn đoán chính xác tình trạng loạn nhịp xoang, cần kết hợp kết quả siêu âm tim và điện tâm đồ. Tình trạng loạn nhịp xoang có thể khởi phát theo đợt, cần ghi lại điện tâm đồ ở thời điểm này, do đó nếu ghi sai thời điểm có thể dẫn tới chẩn đoán sai. Để có kết quả đánh giá nhịp tim chính xác hơn, mát đo theo dõi nhịp tim Holter thường được thiết lập, ghi lại nhịp tim trong 24 - 48 giờ.

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt chứng loạn nhịp xoang với các bệnh lý, vấn đề sức khỏe khác cũng gây rối loạn nhịp tim như:

  • Rung tâm nhĩ: là tình trạng cơ tim rung lên bất thường thay vì co bóp dẫn tới tim đập không đều.

  • Rung tâm thất: đây là tình trạng nguy hiểm khiến tim hoạt động không ổn định, có thể gây mất ý thức và tử vong.

  • Nhịp tim nhanh trên thất: Là tình trạng nhịp tim đập nhanh khi nghỉ ngơi.

  • Chẹn tim: Khi nhịp tim đập chậm hơn dẫn truyền xung điện.

Loạn nhịp xoang là lành tính nhưng nếu nó xảy ra ở một bệnh nhân có bệnh lý tim mạch sẵn có thì biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải. Loạn nhịp xoang có thể góp phần hình thành huyết khối, nguyên nhân gây tai biến mạch máu não hoặc suy tim.

3.2. Điều trị

Để điều trị chứng bệnh này, cần xác định nguyên nhân để can thiệp với phương pháp phù hợp. Nếu không quá nghiêm trọng, bệnh nhân chỉ cần phải theo dõi và chăm sóc sức khỏe tốt, triệu chứng loạn nhịp xoang sẽ được cải thiện. Song cần điều trị bệnh lý nền tim mạch bởi kết hợp với rối loạn nhịp xoang có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Như vậy, loạn nhịp xoang không phải là chứng bệnh nguy hiểm cấp tính, song người bệnh không nên chủ quan, cần theo dõi sát sao triệu chứng và thăm khám bác sĩ kịp thời nếu có bất thường. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.