Tin tức

Lupus ban đỏ là bệnh gì và có nguy hiểm không - bác sĩ giải đáp

Ngày 19/02/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Lupus ban đỏ không phải là bệnh lý hiếm gặp, thậm chí chúng ta đã nghe nhắc tới rất nhiều khi không ít người nổi tiếng thế giới mắc phải. Vậy cụ thể lupus ban đỏ là bệnh gì, có biểu hiện như thế nào và có nguy hiểm không?

1. Lupus ban đỏ là bệnh gì bạn đã thực sự hiểu đúng chưa?

Bệnh lupus ban đỏ khá phổ biến, vậy cụ thể lupus ban đỏ là bệnh gì? Lupus ban đỏ là một trong các loại bệnh tự miễn mà y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và biện pháp điều trị triệt để. Hệ miễn dịch ở người mắc bệnh lý này gặp vấn đề, nhận diện tế bào cơ thể là tác nhân lạ gây bệnh và sản sinh kháng thể tiêu diệt chúng. Bệnh có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trên cơ thể, nhất là da. 

lupus ban đỏ là bệnh gì mà gây triệu chứng mẩn đỏ trên da mặt

Lupus ban đỏ gây triệu chứng điển hình trên da mặt

Thực tế Lupus ban đỏ có 2 thể bệnh: Lupus ban đỏ dạng đĩa ít gặp hơn và tiên lượng bệnh tốt hơn, Lupus ban đỏ hệ thống chiếm đến 90% trường hợp và tiên lượng nặng hơn. Tuy nhiên đến 3/4 trường hợp mắc lupus ban đỏ dạng đĩa tiến triển sang thể lupus ban đỏ hệ thống với biến chứng nặng và phức tạp.

2. Bác sĩ trả lời: Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không?

Ngoài nắm được lupus ban đỏ là bệnh gì, hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân.

Bệnh Lupus ban đỏ không nguy hiểm nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, người bệnh vẫn có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên nếu phát hiện muộn, bệnh diễn biến phức tạp sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan trọng cơ thể như: tim mạch, thần kinh, thận, hô hấp, tiêu hóa, hệ tạo máu,…

Biến chứng ở những cơ quan này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ tử vong như biến chứng tràn dịch màng tim, suy tim cấp, trụy mạch, suy hô hấp,…

Lupus ban đỏ có thể gây tổn thương nhiều hệ cơ quan

Lupus ban đỏ có thể gây tổn thương nhiều hệ cơ quan

3. Lupus ban đỏ - phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Chẩn đoán và điều trị bệnh Lupus ban đỏ được thực hiện ở người bệnh có triệu chứng nghi ngờ, nếu chẩn đoán xác định sẽ cần điều trị sớm và tích cực.

3.1. Chẩn đoán bệnh 

Thông thường bệnh nhân tới khám và phát hiện lupus ban đỏ do triệu chứng phát ban điển hình trên da, tóc và niêm mạc miệng, mũi. Khác với các bệnh ngoài da, phát ban do lupus ban đỏ thường không hoặc ít gây ngứa, đau. Triệu chứng bệnh xuất hiện theo từng đợt lupus ban đỏ cấp tính với mức độ nặng dần.

Bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng lupus ban đỏ điển hình có đặc điểm như sau:

  • Phát ban da với các vết hồng chủ yếu ở vùng mặt, cổ, có thể có ở vùng da hở như lòng bàn tay, cánh tay,… Phát ban nặng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

  • Rụng tóc, gãy tóc, vàng tóc.

  • Loét niêm mạc xảy ra ở miệng, cổ họng hoặc mũi.

  • Triệu chứng phổi, tim như nhịp tim không đều, có tiếng thổi ở tim.

  • Triệu chứng khớp: Sưng, đau khớp nhỏ ở bàn chân, bàn tay, đầu gối,…

Tuy nhiên những thông tin triệu chứng này không đủ để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân cần thực hiện một vài xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Tìm kiếm và đánh giá tổn thương thận.

Xét nghiệm chuyên sâu giúp chẩn đoán lupus ban đỏ và mức độ bệnh chính xác

 Xét nghiệm chuyên sâu giúp chẩn đoán lupus ban đỏ và mức độ bệnh chính xác

  • Xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm kháng thể: Đánh giá tổn thương lupus ban đỏ gây ra cho hệ tạo máu và định tính kháng thể gây tổn thương tế bào.

  • Chụp X-quang ngực: giúp đánh giá các tổn thương phổi,...

Chẩn đoán lupus ban đỏ không quá khó khăn, tuy nhiên đa phần bệnh nhân tới chẩn đoán muộn do nhầm lẫn triệu chứng với các bệnh ngoài da và bệnh lý khác. Chẩn đoán xác định mức độ bệnh và cơ quan ảnh hưởng sẽ giúp việc điều trị kiểm soát dễ dàng hơn.

3.2. Điều trị

Hiện chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn được bệnh lupus ban đỏ cũng như các căn bệnh tự miễn khác, song điều trị sớm và tích cực vẫn giúp người bệnh kiểm soát tốt. Khi kiểm soát được triệu chứng, bệnh nhân vẫn có sức khỏe và cuộc sống bình thường. Đặc biệt cần lưu ý các triệu chứng lupus ban đỏ nghiêm trọng ở tim, phổi, thận và các cơ quan khác có thể gây biến chứng và tử vong.

Cụ thể, điều trị bệnh lupus ban đỏ chủ yếu sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng sau:

  • Thuốc chống viêm, giảm đau không Steroid giúp kiểm soát tốt các triệu chứng ở cơ và khớp, bao gồm: Aspirin, Nimesulide, Naproxen, Ibuprofen,… Sử dụng thuốc cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, thuốc có thể gây viêm loét dạ dày và tá tràng.

Điều trị lupus ban đỏ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ

 Điều trị lupus ban đỏ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ

  • Thuốc chống sốt rét như Chloroquine, Hydroxychloroquine,… giúp điều trị các tổn thương tự miễn trên da và khớp.

  • Thuốc Corticosteroid: tác dụng chống viêm mạnh nên được dùng trong các trường hợp lupus ban đỏ gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Tuy nhiên do tác dụng phụ nhiều nên thuốc Corticosteroid được chỉ định nghiêm ngặt dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Giúp giảm hoạt động của hệ miễn dịch trong việc làm tổn thương và suy giảm chức năng các cơ quan. Do gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên thuốc ức chế miễn dịch chỉ được dùng cho bệnh nhân lupus ban đỏ không đáp ứng với điều trị thông thường.

Bệnh lupus ban đỏ khởi phát theo từng đợt cấp tính, triệu chứng bệnh có thể rầm rộ hoặc thầm lặng nên cần dựa trên chẩn đoán để chỉ định thuốc điều trị thích hợp. Bệnh nhân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, cũng như thay đổi liều lượng vì có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như dẫn tới tác dụng phụ nguy hiểm.

4. Một số lưu ý giúp kiểm soát phát ban do lupus ban đỏ

Trong các đợt lupus ban đỏ cấp tính, người bệnh cần nghỉ ngơi để giảm triệu chứng bệnh song vẫn nên hoạt động hợp lý để tăng cường sức khỏe, hạn chế tình trạng cứng khớp, teo cơ,… Các vết phát ban da do lupus ban đỏ thường khiến bệnh nhân khó chịu, tự ti, có thể kiểm soát chúng tốt hơn bằng 1 số lưu ý sau:

  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động hoặc làm việc quá mức.

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh sáng mặt trời hoặc nguồn sáng nhân tạo khác.

  • Sử dụng kem chống nắng bảo vệ da mỗi ngày, nhất là trước khi ra ngoài.

  • Mặc quần áo chống nắng, che kín da trước khi ra ngoài để tránh ánh nắng mặt trời kích thích làm khởi phát ban da do lupus ban đỏ.

  • Giữ tâm lý thoải mái, tránh tình trạng kiệt sức hoặc căng thẳng.

  • Chế độ ăn hợp lý, nên tăng cường và củng cố miễn dịch bằng trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…

Phát ban do lupus ban đỏ rất nhạy cảm với ánh sáng

 Phát ban do lupus ban đỏ rất nhạy cảm với ánh sáng

Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không? Chắc chắn đây không phải là bệnh lý đáng lo ngại với các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh tích cực và đúng cách. Vì thế người bệnh hãy tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.