Tin tức

Nhiễm Cytomegalovirus (CMV) ở phụ nữ và trẻ em

Ngày 23/11/2010
Medlatec
Cytomegalovirus (gọi tắt là CMV, "cyto" tiếng Hylạp là "tế bào" và "megalo" là "lớn") là một loại virus herpes thuộc họ Herpesviridae. CMV ở người là loại Human Herpesvirus 5 (HHV-5) [5].

CMV là một trong những nhiễm virus phổ biến nhất có thể ảnh hưởng đến mọi người, nhưng điều quan trọng là ảnh hưởng đến những phụ nữ đang mang thai vì CMV từ người mẹ đang nhiễm CMV có thể truyền cho các trẻ sơ sinh hoặc trong quá trình thai nghén hoặc sau khi sinh.


Điều đáng chú ý là trong khi các triệu chứng của nhiễm CMV là "thầm lặng" trong phần lớn các trường hợp người lớn, thì ở trẻ sơ sinh, nó có thể gây nên những triệu chứng khá nặng nề và về lâu dài có thể gây các biến chứng nguy hiểm như điếc, giảm thị lực và chậm phát triển trí tuệ, đặc biệt ở những trẻ có hệ thống miễn dịch yếu.

CMV có thể được truyền theo đường sinh dục, cũng có thể được truyền qua đường truyền máu, qua tiếp xúc cá nhân hoặc qua ghép tạng. Ở Hoa Kỳ có khoảng 50 đến 80% người lớn bị nhiễm loại virus này, tỷ lệ nhiễm CMV trung bình trên thế giới là khoảng 40% [4]. Tỷ lệ người bị nhiễm CMV tăng theo độ tuổi [8]. Do không có bất kỳ triệu chứng nào nên những người mẹ không biết mình đang bị nhiễm CMV có thể vô ý truyền CMV cho thai nhi qua đường nhau thai. Trong số trẻ mới sinh bị nhiễm CMV chỉ có khoảng 10% có các biến chứng nặng nề như tật sọ nhỏ, điếc, giảm thị lực hoặc chậm phát triển trí tuệ [1, 9]. CMV là nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển trí tuệ hay gặp thứ hai sau hội chứng Down và có thể gây nên số ca tổn thương bẩm sinh nhiều hơn do sởi.

Hiện nay, việc xác định sự nhiễm CMV qua việc phát hiện các kháng thể IgM và IgG đặc hiệu hiện đang được thực hiện hàng ngày tại Bệnh viện MEDLATEC, 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.

1. Các nguyên nhân nhiễm CMV

Sự nhiễm CMV thường lan rộng là do sự tiếp xúc với các dịch thể của người đang bị nhiễm CMV như nước bọt, nước tiểu, phân, tinh dịch, máu, nước mắt, dịch âm đạo và sữa [3, 6, 7].

Trong quá trình có thai, thai nhi có thể bị nhiễm từ người mẹ đang bị nhiễm CMV qua đường nhau thai [2], hoặc qua các dich tiết và máu trong quá trình sinh đẻ, hoặc sau này trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm qua sữa trong quá trình bú sữa mẹ.

Những cô nuôi dạy trẻ hàng ngày phải tiếp xúc với các trẻ đang bị nhiễm CMV không triệu chứng  cũng có nguy cơ bị nhiễm loại virus này qua đường tiếp xúc.

2. Các triệu chứng nhiễm CMV ở người lớn và trẻ em

Ở người lớn, phần lớn những người khỏe mạnh bị nhiễm CMV thường không thể hiện triệu chứng lâm sàng nhưng có thể có các triệu chứng giống cúm như sốt, đau đầu, mệt mỏi, tăng bạch cầu đơn nhân, giảm bạch cầu đa nhân trung tính. Khoảng 80% người lớn tạo được kháng thể chống CMV (IgG). Những người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch sau cấy ghép cơ quan rất nhạy cảm với nhiễm CMV. Đôi khi CMV lây truyền qua cơ quan người cho. CMV có thể gây suy giảm miễn dịch, làm giảm số lượng tế bào lympho T CD4 và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch (HIV).

Ở trẻ em bị nhiễm CMV phần lớn không thể hiện triệu chứng lâm sàng, chỉ khoảng 10% số trẻ bị nhiễm CMV có thể có các triệu chứng lâm sàng sau: kích thước đầu rất nhỏ (microcephaly) hoặc nhỏ, gan và lách to vừa phải, vàng da, phát ban khi sinh, có các cơn động kinh, thiếu cân hoặc viêm mắt.

3. Chẩn đoán nhiễm CMV

         3.1. Xét nghiệm huyết thanh học

Các kháng thể IgM đặc hiệu CMV được sản xuất trong quá trình nhiễm CMV tiên phát cấp tính và chỉ tồn tại trong khoảng 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, những người miễn dịch kém, không sản xuất được IgM khi nhiễm CMV lần đầu và chỉ 1/3 số người này có thể phát hiện được IgM trong nhiễm CMV tái phát. Trong khi đó, các kháng thể IgG của CMV được sản xuất khi nhiễm CMV tiên phát có thể tồn tại dai dẳng suốt đời.
 

Các kỹ thuật sử dụng để phát hiện các kháng thể CMV gồm: ELISA (enzyme-linked immunosorbent assay), miễn dịch hoá phát quang gắn enzym (enzyme-labeled chemiluminescent immunoassay), định lượng huỳnh quang (fluorescence assay)  hoặc  PCR để xác định CMV-DNA. Các virus này cũng có thể được nuôi cấy từ các mẫu bệnh phẩm lấy từ nước tiểu, dịch cổ họng  hoặc mô cổ tử cung ở bệnh nhân; hoăc nước tiểu, dịch ối, nước bọt, nước tiểu trẻ sơ sinh nghi nhiễm CMV.

         3.2. Xét nghiệm máu người cho

Cần phải xét nghiệm máu người cho thai phụ cần truyền máu khi phẫu thuật mổ lấy thai để bảo đảm rằng máu người cho hiện tại không bị nhiễm CMV, nghĩa là phải âm tính đối với CMV-IgM.
 

 4. Phòng bệnh

Để tránh bị nhiễm CMV, phụ nữ đang mang thai, các hộ sinh và các điều dưỡng viên khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh hoặc trẻ em nghi đang bị nhiễm CMV cần phải chú ý đề phòng như sau:

Vì CMV có thể lây truyền qua đường nước bọt nên cần đeo khẩu trang khi thăm khán, chăm sóc trẻ nghi nhiễm CMV ở các nhà hộ sinh và nhà trẻ [5]. Cần phải duy trì vệ sinh thật tốt bằng cách rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi  thay tã lót hoặc sau khi tiếp xúc với nước bọt, nước tiểu hoặc các dịch khác của trẻ. Tránh hôn trẻ hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống với trẻ nghi nhiễm CMV.

5. Gợi ý điều trị


Khi phát hiện bệnh nhân bị nhiễm CMV, các thày thuốc cần hội chẩn để đưa ra phương hướng điều trị. Tuỳ tình trạng và điều kiện cụ thể của bệnh nhân, có thể điều trị CMV bằng các thuốc: Ganciclovir được sử dụng cho các bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, Foscarnet, Vaganciclovir (tên thị trường là Valcyte), một thuốc chống virus có hiệu quả, viên uống; Cytomegalovirus Immune Globulin, một IgG người chứa một lượng kháng thể chuẩn chống CMV, tiêm tĩnh mạch, có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với các thuốc chống virus khác. Các vaccine đối với cytomegalovirus hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

Kết luận 

1. Nguyên nhân của nhiễm CMV là do tiếp xúc với các dịch cơ thể của người bị nhiễm CMV như nước bọt, nước tiểu, phân, tinh dịch, máu, nước mắt, dịch âm đạo, nhau thai và sữa.


2. Các triệu chứng nhiễm CMV ở trẻ thường rõ rệt hơn ở người lớn và biến chứng cũng nặng hơn nhiều (khoảng 10% có các biến chứng nặng nề như tật sọ nhỏ, điếc, giảm thị lực hoặc chậm phát triển trí tuệ).

3.  Các xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm CMV là các xét nghiệm phát hiện kháng thể IgM và IgG chống CMV sử dụng các kỹ thuật ELISA, huỳnh quang, ngưng kết hồng cầu, ngưng kết latex hoặc PCR.

4.  Phòng bệnh CMV, đặc biệt cần chú ý đến phụ nữ có thai và đang cho con bú, chủ yếu là giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cơ thể, tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch sinh vật của người nhiễm CMV.

5. Điều trị CMV được thực hiện với một số thuốc chống CMV như ganciclovir hoặc foscarnet, hiện các vaccine CMV còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.           

  Tài liệu tham khảo

1. Barry Schoub; Zuckerman, Arie J.; Banatvala, Jangu E.; Griffiths, Paul E. (2004). "Chapter 2C Cytomegalovirus". Principles and Practice of Clinical Virology. Chichester: John Wiley & Sons: 85-122.

 
2. Griffiths PD, Walter S (2005). "Cytomegalovirus". Curr Opin Infect Dis; 18 (3): 241-245. .

3. Kerrey BT, Morrow A, Geraghty S, Huey N, Sapsford A, Schleiss MR (2006). "Breast milk as a source for acquisition of cytomegalovirus (HCMV) in a premature infant with sepsis syndrome: detection by real-time PCR". J Clin Virol; 35 (3): 313-316.

4. Offermanns S, Rosenthal W (2008). Encyclopedia of Molecular Pharmacology (2nd ed.). Springer: 437-438.

 
5. Ryan KJ, Ray CG (editors) (2004). Sherris Medical Microbiology (4th ed.). McGraw Hill: 566-569.

 
6. Schleiss MR (2006). "Acquisition of human cytomegalovirus infection in infants via breast milk: natural immunization or cause for concern?". Rev Med Virol; 16 (2): 73-82.

7. Schleiss MR (2006). "Role of breast milk in acquisition of cytomegalovirus infection: recent advances". Curr Opin Pediatr; 18 (1): 48-52.

8. Staras SAS, Dollard SC, Radford KW, et al. (2006). "Seroprevalence of cytomegalovirus infection in the United States, 1988?1994". Clin Infect Dis; 43: 1143-1151.

9. Vancíková Z, Dvorák P (2001). "Cytomegalovirus infection in immunocompetent and immunocompromised individuals-a review". Curr Drug Targets Immune Endocr Metabol Disord; 1 (2): 179-187.

PGS, TS. Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện MEDLATEC


Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.