Tin tức

Những bí ẩn về trẻ em và đại dịch Covid - 19

Ngày 04/08/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Covid-19 hiện đang là thủ phạm khiến cả thế giới phải khiếp sợ bởi khả năng lây nhiễm và gây tử vong nhanh. Theo thống kê, căn bệnh viêm đường hô hấp cấp này ít gây nguy hại đối với trẻ em dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi lại có nguy cơ mắc bệnh cao với những diễn biến phức tạp.

1. Mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 

Đại dịch diễn ra trong suốt khoảng thời gian qua đã vắt cạn sức lực của người dân trên toàn cầu. Tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều đang chao đảo chỉ vì Covid-19.

Cả thế giới đang không ngừng tìm kiếm giải pháp để ngăn chặn đại dịch Covid-19

Cả thế giới đang không ngừng tìm kiếm giải pháp để ngăn chặn đại dịch Covid-19

Hiện tại, thế giới đã có hơn 18 triệu người mắc Covid-19 với số ca tử vong gần 700 nghìn người. Tại Việt Nam, đến 6h ngày 15/7, Ban Chỉ Đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ghi nhận tròn 90 ngày nước ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân cả nước đang vui mừng và mong Việt Nam sớm được công bố hết dịch thì ngày 25/7, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 được khẳng định bởi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh dấu cột mốc dịch bùng nổ lần thứ hai. 

Điều đáng lo nhất là vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh F0 trên những bệnh nhân này. Trong khi đó, các chủng virus được nghiên cứu ở các bệnh nhân nhiễm Covid-19 chủng mới chưa từng xuất hiện trước đó ở nước ta. Quyền Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ghi nhận điều này và cho biết rằng chúng có tốc độ lây lan nhanh hơn, tuy nhiên độc lực không đổi so với các chủng trước đó. 

2. Dịch Covid-19 đối với trẻ em 

Một số nhận định chứng minh Covid-19 ít ảnh hưởng đến trẻ em dưới 18 tuổi

Virus SARS-CoV-2 đã hoành hành trên toàn thế giới trong suốt gần 8 tháng qua và gây ra cái chết cho hơn 600.000 người nhưng vẫn còn rất nhiều ẩn số. Cuộc chiến với chủng Covid-19 vẫn còn rất dài, toàn thế giới buộc phải chạy đua và không ngừng đưa các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. 

Trẻ em dưới 18 tuổi là nhóm đối tượng ít xuất hiện nhất trong các báo cáo đại dịch Covid-19

Trẻ em dưới 18 tuổi là nhóm đối tượng ít xuất hiện nhất trong các báo cáo đại dịch Covid-19

Tuy nhiên, một phát hiện mà đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác là Virus SARS-CoV-2 chỉ chủ yếu gây ra các ca bệnh và các trường hợp nặng đều trên người lớn. Trẻ em là nhóm đối tượng ít bị bệnh nhất hiện nay. 

Một số đánh giá của chuyên gia:

  • Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học New England cũng đã cho biết: “Trẻ em có thể có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn hoặc nếu có bị nhiễm cũng thể hiện các triệu chứng cỏ vẻ nhẹ hơn”. 

  • Phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm Trường Đại học Yale, Richard Martinello khi trao đổi với Business Insider đã nói: “Từ tất cả những gì chúng ta đã thấy và những lý do chúng ta còn chưa rõ, dường như virus chỉ ảnh hưởng đến người lớn”. 

  • Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lớn nhất về trẻ em từ trước đến nay trên 2500 ca nhiễm Covid-19 ở độ tuổi dưới 18 thì thấy chỉ có 73% trẻ có biểu hiện sốt, ho khó thở. Trong khi cùng khoảng thời gian này thì nhóm đối tượng từ 18 - 64 tuổi có các biểu hiện trên chiếm 93%. Đồng thời, Mỹ cũng cho biết trong tất cả các ca nhiễm Covid-19 chỉ có 1,7% trường hợp là trẻ em, trong khi đó nhóm đối tượng này chiếm 22% dân số của Mỹ.

Trẻ em cũng ít chịu ảnh hưởng của đại dịch SARS

Các chuyên gia sau khi có sự xuất hiện của Virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng tiến hành các nghiên cứu và nhận thấy các chủng Corona có những nét tương đồng đáng kinh ngạc với SARS. 

Trước đó, khi đại dịch SARS nổ ra vào tháng 11/2002 và kết thúc vào tháng 7/2003 gây ra cái chết cho 774 người và hơn 8000 người lây nhiễm thì SARS cũng được ghi nhận ít gây ảnh hưởng đến trẻ em. Theo thống kê chỉ có 80 trường hợp ghi nhận dương tính với SARS qua xét nghiệm và 55 trường hợp có nghi ngờ dương tính. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cũng đã đưa ra nhận định, trẻ từ 12 tuổi trở xuống có biểu hiện SARS nhẹ hơn so với người lớn và không có trẻ em hay thanh thiếu niên chết vì loại virus nguy hiểm này. 

SARS và Covid-19 đều ít gây ảnh hưởng đến trẻ em

SARS và Covid-19 đều ít gây ảnh hưởng đến trẻ em

3. Các chuyên gia giải thích thế nào về hiện tượng này? 

Đại dịch nổ ra khiến không chỉ các bậc cha mẹ mà các chuyên gia sức khỏe trên toàn cầu cũng lo lắng về những ảnh hưởng có thể diễn ra với trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và ít trải nghiệm bệnh tật. Trước đây, theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, Virus SARS-CoV-2 là ngọn lửa, người dễ bị ảnh hưởng, sức đề kháng yếu chính là nguồn nhiên liệu, virus “tự bốc cháy” sau khi lây nhiễm cho nhóm đối tượng gọi là “nhiên liệu”, chẳng hạn như trẻ em. Tuy nhiên, đến nay, một điều đáng mừng là hầu như trẻ em lại là nhóm ít bị tác động nhất của đại dịch Covid-19. 

Virus SARS-CoV-2 tự bốc cháy khi gặp các nhóm đối tượng nhiên liệu có sức đề kháng yếu

Virus SARS-CoV-2 “tự bốc cháy” khi gặp các nhóm đối tượng “nhiên liệu” có sức đề kháng yếu

Thực tế diễn ra không ai có thể phủ nhận, tuy nhiên lời giải cho đề bài này vẫn còn là ẩn số mà các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm. Nhiều chuyên gia đã đưa một số giả thiết như sau: 

  • Thứ nhất: số ca bệnh diễn ra trên trẻ em ít do ít có khả năng phơi nhiễm ngay từ ban đầu. 

  • Thứ hai: cơ thể trẻ em có thể có phản ứng đặc biệt nào đó với Virus SARS-CoV-2. 

Theo giáo sư dịch tễ học và nhi khoa tại Đại học Bắc Carolina, David Weber cho biết: “Tôi đoán sự vắng bóng của những đứa trẻ trong báo cáo dịch bệnh xuất phát từ cái cách mà dịch bắt đầu bùng phát”. Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng virus lây nhiễm từ động vật sang người tại chợ hải sản Vũ Hán mà nơi đó thì “Không có nhiều trẻ em đi chợ cá” theo GS. Weber. 

Một lý do khác đơn giản cũng được đưa ra là người lớn có ý thức hơn trong việc bảo vệ con em mình trước đại dịch. Người lớn sẽ ít truyền bệnh cho trẻ em khi họ có ý thức thường xuyên rửa tay, che miệng và tự cách ly với trẻ khi biết mình bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

Không được lơ là cảnh giác về Covid-19 chủng mới đối với trẻ em

Không được lơ là cảnh giác về Covid-19 chủng mới đối với trẻ em

4. Nhóm trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi có thể là “vật chủ” lây truyền virus

Theo một nghiên cứu mới nhất ngày 30/7/2020 của Jama Pediatrics cho biết, trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn các trẻ trên 5 tuổi và người lớn. Điều này lại trái ngược hoàn toàn với những nhận định trước đây về trẻ em trước đại dịch Covid-19. Nhóm nghiên cứu do bác sĩ Taylor Heald-Sargent ở Bệnh viện nhi đồng Anh và Robert H.Lurie đứng đầu đã phát hiện ra một lượng virus lớn ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Lượng virus gấp 10 - 100 lần so với nhóm trẻ có độ tuổi lớn hơn và người trưởng thành. Theo như nghiên cứu trên, các tác giả đã đưa ra kết luận: “Trẻ dưới 5 tuổi có thể là các vật chủ quan trọng làm lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng”.

Trước đó, trong nghiên cứu của CDC Mỹ cũng đã cho biết tỷ lệ trẻ sơ sinh nhập viện do virus SARS-CoV-2 cao hơn so với các nhóm tuổi còn lại và có nguy cơ diễn biến nặng. Trao đổi với tạp chí Time, tiến sĩ Yvonne Maldonado, người đứng đầu ủy ban về các bệnh truyền nhiễm tại Học viện nhi khoa Mỹ cho biết: “Chúng tôi biết rằng các phản ứng miễn dịch của trẻ em phát triển theo thời gian. Năm đầu đời, trẻ không có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ như trẻ lớn hơn và người lớn”.

Còn nhiều nghi vấn được đặt ra về trẻ em trước đại dịch Covid-19

Còn nhiều nghi vấn được đặt ra về trẻ em trước đại dịch Covid-19

Đặt một giả thiết rằng nếu Covid-19 chủng mới gây ảnh hưởng đến trẻ em thì có thể dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bởi bảo một người lớn thực hiện các thói quen rửa tay, vệ sinh thường xuyên sẽ dễ dàng hơn nhiều so với trẻ em. Người lớn có thể tự nhận thấy được mức độ nguy hiểm của virus nhưng trẻ em, chúng chưa thể hiểu hết được điều này. Các nghiên cứu nói trên có thể là chìa khóa để đưa ra các hướng dẫn y tế trong cộng đồng. Tuy nhiên, những nghiên cứu về vấn đề này còn rất hạn chế nên chưa thể khẳng định được điều gì.

Covid-19 còn đang diễn ra vô cùng phức tạp, nhất là khi Việt Nam vừa phát hiện thêm một chủng mới. Điều này chứng tỏ virus SARS-Cov-2 luôn có những biến thể không ngừng nên không ai có thể biết trước được những ngày sắp tới, chúng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ em hay không. Vì vậy, tất cả mọi người dân, dù là một phút thì cũng không được lơ là, mất cảnh giác với đại dịch Covid-19. Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào hoặc phát hiện trường hợp nghi ngờ có thể liên hệ đến đường dây nóng của Bộ Y tế: 1900 9095 để được tư vấn và hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.