Tin tức

Phòng chống đái tháo đường - Một thách thức toàn cầu

Ngày 11/12/2010
Medlatec
(SK&ĐS) - Từ lâu người ta đã biết đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Nhưng những tác hại mà nó gây ra thì gần đây mới được làm sáng tỏ. Ngày nay, ĐTĐ được xếp vào nhóm bệnh không lây cùng với các bệnh phổ biến khác đang được cả thế giới hợp sức tìm biện pháp phòng chống.


Đái tháo đường là gì?

ĐTĐ là bệnh đã được biết đến từ thời cổ đại (khoảng 1500 năm trước Công nguyên), từ đó đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về căn bệnh này. Bệnh ĐTĐ là “hội chứng mạn tính về rối loạn chuyển hoá glucid, lipid và protid do thiểu tiết insulin hoặc do các mô đích kháng lại tác dụng của insulin, hoặc do cả hai”. Bệnh ĐTĐ trong đó chủ yếu là ĐTĐ týp 2, chiếm từ 85-95% số bệnh nhân mắc bệnh này, đang là một trong những bệnh không lây phổ biến nhất trên toàn cầu. Người ta nhận thấy: cứ khoảng 15 năm thì tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ týp 2 lại tăng lên gấp đôi. Hiện nay, bệnh ĐTĐ týp 2 được coi là một dịch bệnh ở nhiều nước đang phát triển và những nước mới công nghiệp hoá, vì tỷ lệ bệnh liên quan với mức phát triển kinh tế, xã hội.

ĐTĐ hiện được coi là một đại dịch toàn cầu mà con người cần phải đối phó. Điều này hoàn toàn đúng khi xét về số người đã, đang và sẽ mắc bệnh cũng như các biến chứng mà bệnh gây ra. Các thầy thuốc nghiên cứu bệnh ĐTĐ hiện nay luôn quan tâm và hướng tới, đó là làm thế nào để phát hiện sớm bệnh và giáo dục cộng đồng ý thức phát hiện bệnh sớm. Điều này sẽ giúp phòng ngừa bệnh và các biến chứng mà bệnh gây ra.

Từ nửa thế kỷ trước, các thầy thuốc đã thống nhất chia bệnh ĐTĐ ra làm 2 loại chính. Loại 1 (týp 1) là loại phụ thuộc insulin, thường gặp ở người trẻ và được coi như một bệnh tự miễn, bệnh thường có tính chất di truyền. Ở các bệnh nhân này, tụy mất dần khả năng tiết insulin nên người bệnh cần phải dùng insulin để tránh bị tình trạng đường huyết bị tăng quá cao và để duy trì cuộc sống. ĐTĐ týp 1 chiếm tỉ lệ khá nhỏ (khoảng dưới 5%) trong số những người mắc ĐTĐ. Số còn lại là bệnh ĐTĐ týp 2 hay còn gọi là ĐTĐ không phụ thuộc insulin. Mặc dù tụy của các bệnh nhân này vẫn còn khả năng tiết insulin song lượng hormon được tiết ra không đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa...

Bệnh có tốc độ phát triển nhanh

Vào những năm cuối thế kỷ 20 và đầu những năm của thế kỷ 21, ĐTĐ là bệnh không lây phát triển nhanh nhất. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 hoặc 5 ở các nước phát triển, ĐTĐ cũng được xem là đại dịch ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là ĐTĐ tăng nhanh ở các nước đang phát triển, trong số bệnh nhân ĐTĐ ở các nước này thì ĐTĐ týp 2 chiếm tỷ lệ cao. Sự bùng nổ ĐTĐ týp 2 và những biến chứng của bệnh đang là thách thức lớn với cộng đồng.

Điều đáng lo ngại là tình trạng quản lý bệnh ĐTĐ còn yếu và chưa được chặt chẽ không chỉ ở những nước đang phát triển mà ngay cả những nước phát triển. Người ta thấy việc chẩn đoán ĐTĐ giống như một tảng băng, phần nổi - phần được chẩn đoán chiếm một phần nhỏ còn phần lớn chưa được chẩn đoán là phần chìm của tảng băng này.



 

 

 


Vì sao ĐTĐ týp 2 thành đại dịch?

Tuy đã chiếm được mối quan tâm nghiên cứu về cả phòng bệnh trong cộng đồng và điều trị chuyên sâu, nhưng chúng ta vẫn đang đứng trước một thực tế là các yếu tố nguy cơ của ĐTĐ týp 2 đang gia tăng mà hiện tại chưa có biện pháp không chế hữu hiệu.

ĐTĐ là bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên một số loại virut có thể là thủ phạm gián tiếp gây bệnh ĐTĐ, như các virut sởi, quai bị... Bản thân các loại virut này không thể gây nên bệnh ĐTĐ nhưng nó có thể gây tổn thương tụy và làm giảm khả năng sản xuất insulin. Trước đây, nhiều người cho rằng ăn quá nhiều đường glucose thì có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, nhưng đó lại không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân hàng đầu là giảm hoạt động thể lực và chế độ ăn giàu năng lượng, ít chất xơ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì. Béo phì, đặc biệt béo bụng được xem là yếu tố đương nhiên dẫn tới kháng insulin và hội chứng rối loạn chuyển hóa và tiến tới đái tháo đường týp 2. Rối loạn dung nạp glucose và suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói sẽ làm phát triển tình trạng kháng insulin, tiến tới ĐTĐ týp 2. Các yếu tố được coi là có nguy cơ cao khác dễ có khả năng phát triển thành bệnh ĐTĐ týp 2 là: 45 tuổi trở lên; người có BMI = 23 trở lên; người có người thân cận kề đã mắc bệnh ĐTĐ; phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, sảy thai; ĐTĐ thai kỳ; sinh con 4kg trở lên; người có tiền sử cân nặng khi sinh dưới 2,5kg); tăng huyết áp vô căn; người có tiền sử rối loạn dung tạp glucose hoặc suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói; người có bệnh mạch vành hoặc đột qụy.

Gánh nặng cho toàn xã hội

Bệnh nhân ĐTĐ luôn bị đe dọa bởi các biến chứng cấp và mạn tính.  Nguy hiểm nhất là nguy cơ hạ đường huyết (cấp) và biến chứng tim mạch... Một nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể trở nên nguy hiểm đối với tính mạng của bệnh nhân ĐTĐ. Các biến chứng này cùng với stress không chỉ làm chất lượng sống của người bệnh giảm đi mà còn làm hao tổn cả tuổi thọ, do đó bệnh ĐTĐ được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Một người ở lứa tuổi 40-50 được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ sẽ mất đi trung bình là 10 năm sống. Người mắc ĐTĐ týp 2 có bệnh lý mạch vành cao gấp 2 - 6 lần so với người không bị ĐTĐ.

Chi phí cho điều trị bệnh ĐTĐ là một chi phí phức tạp, tổng hợp của nhiều yếu tố do nó phải gắn liền với giải quyết biến chứng của bệnh, đặc biệt là những người phải nằm viện thì thường các biến chứng chiếm tới 2/3 tổng chi phí điều trị. Chi phí cho quản lý sức khỏe của người mắc bệnh ĐTĐ gấp 2-4 lần người không mắc bệnh này, bao gồm cả thuốc, trang thiết bị, xét nghiệm cận lâm sàng, chi phí thường xuyên đi khám bệnh... Ngoài các chi phí trực tiếp thì xã hội phải gánh vác các khoản chi phí gián tiếp cho bệnh nhân ĐTĐ như chất lượng sản phẩm lao động bị giảm sút do lo lắng, nghỉ ốm, nghỉ mất sức... 

Tác động của tử vong và biến chứng sớm do ĐTĐ lên sức sản xuất, chi phí tài chính và xã hội là rất lớn, bởi bệnh ĐTĐ týp 2 xảy ra ở độ tuổi từ 26-64 - lứa tuổi lao động chính tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho cả cộng đồng và cho mỗi gia đình

Làm thế nào để phòng chống ĐTĐ týp 2?

Về phương diện dự phòng việc điều trị với mục đích phòng bệnh ĐTĐ nên được tiến hành sớm ngay từ khi có các dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa. Để phòng chống bệnh ĐTĐ có hiệu quả, người ta chia ra các mức phòng bệnh:

- Dự phòng cấp 1: Phòng cho những người có yếu tố nguy cơ. Mục đích làm giảm tỷ lệ mắc mới của bệnh; hoặc làm chậm thời gian phát bệnh trên lâm sàng.

- Dự phòng cấp 2: Phòng cho những người đã mắc bệnh ĐTĐ. Mục đích làm chậm xuất hiện các biến chứng và/hoặc làm giảm mức độ nặng của các biến chứng.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giúp người bệnh dự phòng được bệnh? Để phòng bệnh tốt, điều quan trọng là công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, cho nhân viên y tế, cho người bệnh hiểu về bệnh ĐTĐ. Người bệnh tự giác thực hiện các nguyên tắc phòng chống bệnh là yếu tố then chốt bảo đảm quản lý thành công bệnh.      
               

TS. Nguyễn Vinh Quang (Phó Giám đốc BV Nội tiết TW)

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.