Tin tức

6 cách khắc phục chảy máu nướu răng tại nhà đơn giản

Ngày 06/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chảy máu nướu răng là tình trạng khá thường gặp nhưng nhiều người thường bỏ qua do cho rằng đây là tình trạng bình thường, nhất là sau khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa. Các chuyên gia cho biết, chảy máu nướu răng thường xuyên là dấu hiệu cho thấy nướu răng đang có vấn đề. Điều bạn cần làm là vệ sinh răng miệng sạch sẽ cùng với áp dụng các cách khắc phục chảy máu nướu răng tại nhà ngăn ngừa tình trạng này tái phát.

1. Chảy máu nướu răng do nguyên nhân nào?

Chảy máu nướu răng là vấn đề răng miệng rất thường gặp, nguyên nhân thường do tổn thương nướu răng do bàn chải đánh răng hoặc chỉ nha khoa. Việc làm sạch không đúng cách cùng với nướu răng bị sưng, viêm trước đó là những yếu tố cùng tác động dẫn đến chảy máu nướu răng.

Chảy máu nướu răng là tình trạng thường gặp mà nhiều người bỏ qua

Chảy máu nướu răng là tình trạng thường gặp mà nhiều người bỏ qua

Nếu chảy máu nướu răng không thường xuyên, chỉ xảy ra do chấn thương không mong muốn thì vấn đề không quá đáng ngại. Song khi chảy máu nướu răng thường xuyên cùng với dấu hiệu đỏ, sưng, đau nướu thì cần lưu ý đây là dấu hiệu của bệnh nha chu. 

Lúc này, cần chú ý tới việc chăm sóc răng miệng, loại bỏ nguyên nhân gây sưng đau, chảy máu nướu răng.

2. Khắc phục chảy máu nướu răng tại nhà

Khi bị chảy máu nướu răng, bạn có thể khắc phục đơn giản để cầm máu, giảm sưng đau nướu răng và ngăn ngừa tái phát bằng các biện pháp đơn giản sau:

2.1. Dùng gạc cầm máu

Dù là chảy máu nướu răng hay tại bất cứ cơ quan nào, việc cầm máu đều cần thực hiện ngay lập tức để hạn chế máu chảy và nguy cơ nhiễm trùng. Với chảy máu nướu răng, bạn có thể cầm máu bằng việc dùng một miếng gạc ẩm, sạch áp lên vùng nướu tổn thương. 

Với người bình thường, cách này sẽ giúp cầm máu nhanh chóng, nếu thời gian cầm máu lâu và lượng máu chảy nhiều, nguyên nhân có thể do bệnh lý đông máu hoặc miễn dịch yếu. Khi đó, người bệnh cần sớm đi khám bác sĩ để khắc phục tránh chảy máu nhiều khó cầm.

Cần cầm máu nhanh chóng khi bị chảy máu nướu răng

Cần cầm máu nhanh chóng khi bị chảy máu nướu răng

2.2. Súc miệng kháng khuẩn

Khi bị chảy máu nướu răng, người bệnh không chỉ bị đau đớn và chảy máu mà còn có nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến sưng viêm kéo dài. Trong miệng là môi trường đặc thù, tồn tại nhiều loại vi khuẩn nên khi bị chảy máu nướu răng hay bất cứ tổn thương răng miệng nào khác, người bệnh cũng cần chú ý súc miệng kháng khuẩn thường xuyên.

Ngoài ngăn ngừa nhiễm trùng, súc miệng với nước kháng khuẩn còn có tác dụng giảm viêm, điều trị viêm nướu và ngăn ngừa chảy máu nướu răng tái phát. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại nước súc miệng kháng khuẩn, nên lựa chọn các loại có thành phần hoạt tính tốt như: hydrogen peroxide, chlorhexidine,...

2.3. Chườm lạnh

Nếu chảy máu nướu răng do chấn thương răng miệng hoặc mô nướu nghiêm trọng thì chườm lạnh sẽ có tác dụng cầm máu, giảm đau tốt hơn là dùng gạc. Có thể chườm đá hoặc làm lạnh gạc để áp lên vùng viêm nướu bị chảy máu, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn.

2.4. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Tình trạng chảy máu nướu răng rất thường xảy ra sau khi đánh răng, nguyên nhân là do đầu bàn chải cứng, chải răng chưa đúng cách kết hợp với mô nướu bị sưng viêm nhạy cảm hơn. Để khắc phục và phòng ngừa chảy máu nướu răng, nên chú ý đến việc vệ sinh răng miệng tốt hơn. Khi nướu quanh răng đỏ, bị chảy máu nướu răng thì thường có mảng bám cao răng tích tụ dọc theo đường viền nướu, hãy tới nha khoa để loại bỏ mảng bám này.

Đánh răng đúng cách để ngăn ngừa chảy máu nướu răng

Đánh răng đúng cách để ngăn ngừa chảy máu nướu răng

Để đảm bảo răng miệng sạch sẽ, hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa, tăm nước,... Các đối tượng dễ bị chảy máu nướu răng do răng khôn, vị trí răng bất thường dẫn đến khó vệ sinh hoặc phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý hơn trong vệ sinh răng miệng.

2.5. Lựa chọn loại bàn chải đánh răng phù hợp

Người bị viêm nha chu, nướu răng nhạy cảm nên lựa chọn bàn chải đánh răng chuyên dụng với lông siêu mềm, thiết kế dành riêng cho răng nhạy cảm. Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian đánh răng với bàn chải lông mềm phù hợp là 2 phút, mỗi ngày 2 lần là đủ làm sạch răng và ít gây tổn thương nướu răng.

Ngoài ra, nên thay thế bàn chải đánh răng ít nhất mỗi 3 tháng một lần để đảm bảo lông bàn chải có thể vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

2.6. Lưu ý về chế độ ăn uống

Người bị chảy máu nướu răng ngoài lưu ý về vệ sinh răng miệng thì chế độ ăn uống cũng cần quan tâm, dưới đây là một số lưu ý:

Bổ sung thêm Vitamin C

Vitamin C có tác dụng tốt trong tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng mà người bị chảy máu nướu răng có nguy cơ cao. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, người bị thiếu hụt Vitamin C thường bị chảy máu nướu răng nghiêm trọng hơn, khi được bổ sung đủ cùng với thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giảm đáng kể tần suất chảy máu nướu răng.

Người bị chảy máu nướu răng nên bổ sung Vitamin C

Người bị chảy máu nướu răng nên bổ sung Vitamin C

Những thực phẩm giàu Vitamin C nên bổ sung gồm: ớt đỏ, cà rốt, cam, bưởi, ổi, khoai lang,...

Bổ sung Vitamin K

Nếu như Vitamin C giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và chảy máu nướu răng thì Vitamin K tham gia vào quá trình đông máu. Bổ sung đủ Vitamin K giúp quá trình đông máu hoạt động tốt hơn, từ đó có thể nhanh chóng khắc phục tình trạng chảy máu nướu răng.

Các thực phẩm giàu Vitamin K nên bổ sung gồm: mù tạt, rau cải xoăn, rau bina,...

Hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột, đường và carbs

Các nghiên cứu đã chỉ ra, chế độ ăn giảm carbs có tác dụng tốt trong ngăn ngừa bệnh răng miệng, trong đó có tình trạng chảy máu nướu răng. Chế độ ăn nhiều Carbs và đường sẽ làm tăng tốc độ tích tụ mảng bám chân răng, dẫn đến sưng viêm nướu răng. Mảng bám tích tụ ở chân răng càng nhiều thì nguy cơ chảy máu nướu răng càng cao.

Nhóm thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường và carbs nên hạn chế bao gồm: các loại bánh ngọt, bánh mì tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn, khoai tây chiên,...

3. Chảy máu nướu răng khi nào nên tới bác sĩ?

Nếu các biện pháp khắc phục chảy máu nướu răng tại nhà trên không hiệu quả, tình trạng chảy máu rỉ rả hoặc kéo dài trên 24h thì người bệnh nên đi khám nha sĩ. Nha sĩ sẽ loại bỏ cao răng, dùng thuốc điều trị để tăng tốc độ chữa lành tổn thương ở nướu răng và hướng dẫn chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng phù hợp giúp bạn ngăn ngừa chảy máu nướu răng hiệu quả hơn.

Hãy đi khám nha sĩ nếu chảy máu nướu răng kéo dài không khắc phục tại nhà được

Hãy đi khám nha sĩ nếu chảy máu nướu răng kéo dài không khắc phục tại nhà được

Nếu cần hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn hoặc đặt lịch thăm khám, hãy liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 hoặc đến hệ thống bệnh viện, phòng khám của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.