Tin tức

6 triệu chứng bệnh mạch vành điển hình ai cũng có thể nhận ra

Ngày 06/02/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh mạch vành là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể gây tử vong với các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Hiểu biết về triệu chứng bệnh mạch vành giúp chúng ta dễ dàng phát hiện sớm và chủ động điều trị bệnh.

1. Các triệu chứng bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành hay còn gọi là suy động mạch vành, thiếu máu tim cục bộ,… đều do động mạch nuôi tim bị xơ vữa, co hẹp ảnh hưởng đến lượng máu nuôi tim. Triệu chứng bệnh mạch vành, đặc biệt là giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường khác.

triệu chứng bệnh mạch vành thường xuất hiện ở tuổi trung niên

Bệnh mạch vành thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên

Song nếu biết lắng nghe dấu hiệu cơ thể, bạn hoàn toàn có thể nhận ra bản thân có đang bị bệnh mạch vành hay không thông qua 6 triệu chứng điển hình sau:

1.1. Đau thắt ngực

Đau thắt ngực do bệnh mạch vành có đặc điểm sau: cơn đau đến đột ngột và dữ dội, khởi phát và tập trung ở ngực trái với cảm giác như bị bóp chặt, đè nặng. Dần dần đau ngực sẽ lan rộng ra cổ, vai, lưng, cánh tay trái. 

Đau thắt ngực do bệnh mạch vành thường kéo dài khoảng vài phút rồi thuyên giảm. Tuy nhiên cần cẩn thận nếu cơn đau kéo dài hơn 15 phút và mức độ đau nặng dần thì có thể đây là biến chứng nhồi máu cơ tim nguy hiểm. 

Đau thắt ngực là triệu chứng bệnh mạch vành điển hình

Đau thắt ngực là triệu chứng bệnh mạch vành điển hình

Triệu chứng đau thắt ngực này được chia thành 2 dạng:

Dạng ổn định

Dạng này phổ biến hơn ở người mắc bệnh mạch vành, cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh gặp cú sốc tâm lý, khi vận động quá sức hoặc thời tiết lạnh làm co mạch máu,… Với những cơn đau thắt ngực này, sử dụng thuốc giãn mạch kết hợp với nghỉ ngơi sẽ giúp đẩy lùi nhanh chóng.

Dạng không ổn định

Dạng đau thắt ngực này ít gặp hơn và cũng nguy hiểm hơn. Nó có thể xuất hiện bất cứ khi nào, kể cả lúc người bệnh ngủ hay nghỉ ngơi mà không có dấu hiệu báo trước. Cần cẩn thận trước nguy cơ nhồi máu cơ tim không được phát hiện và xử lý sớm.

1.2. Khó thở

Mạch máu nuôi tim bị hẹp, lưu lượng máu nuôi giảm và cơ tim không được nuôi dưỡng tốt bị ảnh hưởng đến chức năng co bóp, lưu thông máu. Phổi là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên, khi máu bị ứ đọng ở phổi, chức năng hô hấp suy giảm, người bệnh cảm thấy khó thở, thở không ra hơi, thở gấp,…

Triệu chứng này tăng dần khi căng thẳng hoặc hoạt động gắng sức. Ngoài khó thở, người bệnh thường cảm thấy tay chân rã rời, mất năng lượng, không thể làm việc hay cử động. Tần suất cơn khó thở càng dày, xuất hiện cả khi làm công việc đơn giản hàng ngày nghĩa là bệnh mạch vành của bạn đang tiến triển sang biến chứng suy tim.

Triệu chứng chóng mặt cho thấy máu nuôi não không đủ

Triệu chứng chóng mặt cho thấy máu nuôi não không đủ

1.3. Chóng mặt, mệt mỏi

Giống như hai triệu chứng bệnh mạch vành trên, người bệnh cũng có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt thường xuyên hoặc chỉ khi hoạt động gắng sức. Cảm giác mệt mỏi thường đi kèm với choáng váng, chóng mặt do tuần hoàn máu kém, máu nuôi lên não bị thiếu hụt gây ra.

Cùng với đó, hệ thần kinh giao cảm là một trong những nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên khi máu nuôi lên não giảm. Hệ quả là chứng đổ mồ hôi lạnh, thường xuất hiện với cơn đau ngực và khó thở.

1.4. Rối loạn tiêu hóa

Nhiều người cho rằng đây không phải là triệu chứng của bệnh mạch vành và thường nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thường gặp, song thực tế rất nhiều bệnh nhân mạch vành cho biết họ thường xuyên bị đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng,… Triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn no, nhất là bữa ăn có nhiều chất béo chất đạm hoặc vận động ngay sau khi ăn. 

1.5. Rối loạn nhịp tim

Tình trạng rối loạn nhịp tim do bệnh mạch vành khá giống với cảm giác khi quá vui mừng hoặc lo lắng, người bệnh có thể nghe rõ tiếng tim đập mạnh và nhanh từng nhịp, cùng với đó là cảm giác run rẩy, bồn chồn, hồi hộp, đánh trống ngực.

Nếu bệnh mạch vành xuất hiện những triệu chứng trên, cần kiểm tra bệnh đã biến chứng sang rung thất, nhịp nhanh thất hay chưa. Đây là 2 dạng rối loạn nhịp tim vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh ngừng thở và tử vong trong vài phút. 

Rối loạn nhịp tim do bệnh mạch vành có thể gây ngừng thở

Rối loạn nhịp tim do bệnh mạch vành có thể gây ngừng thở

1.6. Khó chịu ở nửa thân trên

Triệu chứng này thường gặp hơn ở phụ nữ và người cùng mắc bệnh tiểu đường, cảm giác rất khó chịu ở ngực và nửa thân trên. Triệu chứng nóng, tê, ngứa ran, nặng ngực, cánh tay, hàm, vai,… đôi khi còn rõ ràng hơn cơn đau thắt ngực điển hình.

Triệu chứng bệnh mạch vành ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện nhiều, rõ ràng nhưng đôi khi triệu chứng mờ nhạt khiến người bệnh khó phát hiện. Song nếu lắng nghe cơ thể, phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ trên, hãy sớm tới bệnh viện kiểm tra và điều trị. Điều này giúp ngăn ngừa một cơn nhồi máu cơ tim xảy ra gây những biến chứng nặng nề.

2. Có thể giảm nhẹ triệu chứng bệnh mạch vành thế nào?

Điều trị và giảm nhẹ triệu chứng bệnh mạch vành cần kết hợp nhiều phương pháp, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa cùng việc tuân thủ điều trị, cải thiện của người bệnh. Các phương pháp được áp dụng gồm:

2.1. Điều trị nội khoa

Bệnh nhân có thể điều trị nội khoa theo đơn thuốc mà bác sĩ chỉ định. Thông thường, bệnh nhân sẽ được xem xét sử dụng các loại thuốc như:

Thuốc chống đông máu

Ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông do xơ vữa động mạch vỡ ra và đề phòng nhồi máu cơ tim.

Thuốc hạ mỡ máu

Kiểm soát cholesterol trong máu và tắc hẹp mạch máu do xơ vữa động mạch.

Thuốc giãn mạch

Thuốc tác dụng nhanh, giúp làm giãn động mạch vành, máu lưu thông qua tốt hơn và cơn đau thắt ngực cũng được cải thiện.

Đặt stent giúp cải thiện được hầu hết trường hợp bệnh mạch vành

Đặt stent giúp cải thiện được hầu hết trường hợp bệnh mạch vành

Việc sử dụng loại thuốc nào cần tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

2.2. Phẫu thuật

Các trường hợp tắc hẹp mạch vành nặng, nguy cơ biến chứng cao thì phẫu thuật can thiệp nhanh được thực hiện. Đặt stent mạch vành và phẫu thuật bắc cầu mạch vành là hai phương pháp hiệu quả để khắc phục bệnh mạch vành, trong đó đặt stent được ưu tiên hơn do ít xâm lấn, cải thiện triệu chứng tốt.

Tuy nhiên sau phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn có thể tái tắc hẹp mạch vành nên theo dõi và kiểm tra thường xuyên là cần thiết.

2.3. Thực hiện lối sống lành mạnh

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cùng lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh mạch vành, hỗ trợ điều trị và tránh tái phát. Về chế độ ăn, nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế ăn mặn và các thực phẩm giàu chất béo.

Để giảm triệu chứng bệnh mạch vành, hãy giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng hoặc xúc động quá mạnh. Tập thể dục là cần thiết song các môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe được ưu tiên. Do hoạt động của tim kém nên cường độ tập luyện vừa phải, không nên gắng sức.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.