Tin tức

Bác sĩ chỉ cách nhận biết bệnh cúm gia cầm H5N1

Ngày 14/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bệnh cúm gia cầm H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phần lớn những trường hợp người mắc bệnh là do hít phải chất tiết của động vật nhiễm virus. Trong số các chủng cúm gia cầm thì H5N1 là phổ biến nhất. Năm 1997, thế giới ghi nhận ca nhiễm H5N1 đầu tiên và khoảng 60% bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh này. 

1. Bệnh cúm gia cầm H5N1 lây sang người bằng cách nào?

Cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam ghi nhận 1 ca dương tính với cúm(H5N1) tại Phú Thọ. Sau 8 năm, đây là ca bệnh cúm gia cầm H5N1 mới nhất tại Việt Nam. Tính từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128 trường hợp nhiễm bệnh.

Cúm gia cầm H5N1 có thể lây sang người

Cúm gia cầm H5N1 có thể lây sang người

Nhờ phát hiện và khoanh vùng kịp thời nên ở thời điểm hiện tại, bệnh không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay dịch cúm gia cầm được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước kết hợp với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, từ đó có thể làm tăng nguy cơ cúm gia cầm lây sang người trong thời gian tới. 

1.1. Bệnh cúm gia cầm H5N1 lây sang người bằng cách nào?

Vật chủ chính của virus H5N1 là các loại chim hoang dã và các loại gia cầm như vịt, gà, ngan, ngỗng, gà tây,... Bệnh có thể lây từ gia cầm sang người theo những con đường sau: 

- Tiếp xúc với phân của chim hoặc phân của các loại gia cầm đã bị nhiễm bệnh. 

- Tiếp xúc với dịch tiết ở mũi, miệng hay mắt của chim hoặc các loại gia cầm nhiễm bệnh. 

- Ăn thịt hoặc trứng chưa được nấu chín hoàn toàn từ chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh. 

Các khu chợ, địa điểm bán chim, gia cầm, trứng chim và trứng gia cầm chính là nơi dễ gây lây nhiễm truyền bệnh sang cộng đồng. Sự bùng phát dịch rất có thể là do chưa đảm bảo khâu xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh. 

1.2. Cúm gia cầm H5N1 lây từ người sang người không?

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm lây từ người sang người. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan. Các chuyên gia lo ngại rằng, virus H5N1 có thể là một mối đe dọa đại dịch cho con người trong tương lai. 

2. Các triệu chứng của bệnh cúm gia cầm H5N1

Bệnh cúm gia cầm H5N1 có những biểu hiện gần giống với bệnh cúm mùa. So với cúm mùa thì cúm gia cầm thường có mức độ nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác độ nguy hiểm của bệnh còn phụ thuộc vào chủng virus gây bệnh.

Sốt cao là một trong những biểu hiện của bệnh

Sốt cao là một trong những biểu hiện của bệnh

Một số trường hợp nhiễm cúm gia cầm không xuất hiện triệu chứng điển hình. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân lại gặp phải một số triệu chứng như sốt, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, đau nhức cơ, viêm kết mạc,...

Ngoài ra, một số triệu chứng bệnh ít phổ biến hơn cũng được ghi nhận, chẳng hạn như tiêu chảy, nôn, buồn nôn,.... Thậm chí còn có thể xuất hiện một số dấu hiệu nghiêm trọng hơn như co giật, khó thở, suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng người bệnh. 

Tuy nhiên, bác sĩ không chỉ dựa vào triệu chứng mà còn chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất. Có thể kể đến như: 

- Xét nghiệm bệnh phẩm là dịch tiết từ mũi hoặc cổ họng của người bệnh. Nên thực hiện trong vài ngày đầu tính từ thời điểm khởi phát những triệu chứng bệnh đầu tiên. 

- Xét nghiệm bằng bộ xét nghiệm riêng dành cho cúm gia cầm được phê duyệt bởi Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC). 

- Chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như phương pháp chụp X-quang để đánh giá mức độ tổn thương của phổi, từ đó lên phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. 

3. Phương pháp điều trị bệnh cúm gia cầm H5N1

Nếu đã từng tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, tiếp xúc với người bị bệnh hoặc vừa trở về từ các quốc gia, khu vực đang có dịch cúm gà hoặc xuất hiện những triệu chứng lâm sàng của bệnh thì nên đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán bệnh kịp thời. 

Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý

Người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên điều trị các trường hợp bị cúm bằng corticosteroid, liệu pháp miễn dịch thụ động hoặc các loại kháng sinh thuộc nhóm macrolid. Hiện nay, thuốc Tamiflu đang là loại thuốc đặc hiệu được sử dụng để điều trị đối với các trường hợp nhiễm cúm gia cầm. 

Trường hợp bệnh nhân không xảy ra tình trạng bội nhiễm thì việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Hơn nữa, dùng kháng sinh không đúng cách còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc mà chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. 

Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên áp dụng một số phương pháp điều trị bổ trợ như sau: 

- Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý. 

- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, cần uống nhiều nước mỗi ngày. 

- Trường hợp sốt cao trên 38,5 độ C có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

- Có thể bổ sung điện giải bằng dung dịch oresol. Tuy nhiên, cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. 

4. Phải làm sao để phòng ngừa bệnh cúm gia cầm H5N1

Để phòng tránh bệnh cúm gia cầm H5N1, cần lưu ý những vấn đề sau: 

- Thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho gia cầm để phòng tránh tình trạng gia cầm bị lây lan bệnh từ các loài chim hoang dã trong tự nhiên.

Tiêu hủy gia cầm bị bệnh đúng quy trình để tránh lây nhiễm bệnh

Tiêu hủy gia cầm bị bệnh đúng quy trình để tránh lây nhiễm bệnh

- Khi đã xác định gia cầm bị bệnh, cần tiêu hủy đúng quy trình để phòng tránh tối đa nguy cơ lây lan. 

- Không nên tiếp xúc khi không được bảo vệ với các loài chim hoang dã(dù bề ngoài chúng có vẻ rất khỏe mạnh).

- Đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn gia cầm đã chết hoặc không rõ nguồn gốc. 

- Không tiếp xúc với những loài gia cầm có những triệu chứng bất thường, đang ốm yếu hoặc đã chết. Đặc biệt lưu ý không nên tiếp xúc với chất nhầy hoặc phân của gia cầm đang có dấu hiệu bất thường.  

- Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với gia cầm đang có dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì cần sử dụng các trang phục bảo hộ như găng tay, kính mắt, khẩu trang y tế. Sau khi tiếp xúc cần rửa tay bằng xà phòng. 

Đảm bảo ăn chín uống sôi để phòng ngừa bệnh

Đảm bảo ăn chín uống sôi để phòng ngừa bệnh

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh cúm gia cầm H5N1. Nếu có dấu hiệu như ho, sốt, khó thở,... hoặc một số biểu hiện khác nghi ngờ căn bệnh này, bạn hãy liên hệ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán cũng như điều trị bệnh kịp thời. 

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn. 

Từ khoá: bệnh cúm kháng sinh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.