Tin tức
Bé bị sốt ho sổ mũi mắt đổ ghèn: nguyên nhân và cách xử trí
1. Vì sao bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn?
Khi bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn thì nguyên nhân thường gặp là do virus hoặc cảm lạnh. Có nhiều loại virus khác nhau phát tán trong không khí khi người bệnh hắt hơi, ho,... và người bình thường bị lây nhiễm từ đó.
1.1. Cảm lạnh
Khi bị cảm lạnh, chất nhầy sẽ tích tụ ở mũi và lồng ngực, đây chính là môi trường tự nhiên để vi khuẩn sinh sôi. Hệ miễn dịch của bé bị suy giảm do cảm lạnh nên vi khuẩn vẫn sống ở mũi, họng rồi tiếp tục sinh sôi trong 7 - 10 ngày với 2 khả năng:
Cảm lạnh có thể là nguyên nhân khiến bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn
- Cảm lạnh tự động biến mất, hệ miễn dịch tự chống chọi để đẩy vi khuẩn và chất nhầy ra ngoài.
- Vi khuẩn phát triển mạnh gây nhiễm trùng thứ phát, gây biến chứng cảm lạnh với triệu chứng bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn. Những triệu chứng này là biểu hiện của các bệnh lý:
+ Viêm xoang: vi khuẩn trú ngụ và gây nhiễm trùng trong các hốc xoang gần mũi. Lúc này mắt bé có ghèn do bị viêm kết mạc, chảy nước mũi xanh, sốt, ho, mệt mỏi,...
+ Viêm tai giữa: ứ đọng dịch trong khoang tai giữa khiến bé bị đau tai, ù tai, sốt, bứt rứt,...
+ Viêm phế quản: cảm lạnh do virus có thể gây biến chứng viêm phế quản khiến bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn, đau ngực, thở nhanh và có tiếng rít,...
+ Viêm phổi: vi khuẩn tăng trưởng quá mức trong chất nhầy có thể khiến bé bị viêm phổi. Vì thế, khi bé bị cảm lạnh, cần giúp bé được hút đờm ra ngoài để hết ho, sổ mũi để vi khuẩn không có môi trường sinh sôi. Trẻ bị cảm lạnh gây biến chứng viêm phổi thường có triệu chứng: sốt trên 38.5 độ C trên 5 ngày, khó thở, thở rút lõm, đau ngực,...
1.2. Nhiễm Adenovirus
Adenovirus là một nhóm virus gây nhiễm trùng, có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Thống kê y tế cho thấy hầu hết trẻ trước 10 tuổi bị nhiễm Adenovirus ít nhất 1 lần. Virus này có thể xuất hiện quanh năm nhưng mạnh nhất vào thời điểm giao mùa.
Virus Adeno gây ra ảnh hưởng trên nhiều hệ cơ quan của cơ thể như: hô hấp, kết mạc, tiêu hoá,… Khi nhiễm virus này, bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn - triệu chứng toàn thân khá giống với cảm cúm nên dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, trẻ bị nhiễm Adenovirus thường sốt cao, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt và sốt thường kéo dài 5 - 7 ngày.
Các biểu hiện khi trẻ bị nhiễm Adenovirus
Triệu chứng khác có thể gặp ở trẻ bị Adenovirus như: hắt hơi, đau họng, mắt đỏ, mắt cộm và ngứa, chảy nước mắt, mí mắt bị sưng nề, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy,...
Adenovirus không được điều trị sớm có thể gây nên các biến chứng như:
+ Bệnh phổi mạn tính.
+ Bị nhiễm trùng nặng.
+ Lồng ruột.
2. Cách xử trí khi bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn
2.1. Can thiệp y tế
Về cơ bản, hiện tượng bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn dù do cảm lạnh hay nhiễm Adenovirus thì đều không quá nguy hiểm nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên mục đích chính vẫn là điều trị triệu chứng. Phần lớn trẻ gặp tình trạng này sẽ được hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà với đơn thuốc phù hợp. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị cho con nếu không được chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình chăm sóc bé, nếu phát hiện các dấu hiệu sau thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế:
- Sốt cao trên 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng.
- Có vấn đề bất thường ở hệ hô hấp.
- Trẻ bị đau mắt, viêm kết mạc hoặc gặp vấn đề về thị lực.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Trẻ đang có vấn đề về hệ miễn dịch.
- Nôn, tiêu chảy, bơ phở, tiểu ít, miệng khô,...
Bằng việc đưa trẻ đến cơ sở y tế, cha mẹ sẽ giúp con mình tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn và được hướng dẫn điều trị đúng hướng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Khi bé bị sốt cao, mắt có ghèn, ho, sổ mũi, cha mẹ nên cho con khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng hướng
2.2. Phòng ngừa
Để phòng ngừa sự tấn công của virus hay cảm lạnh khiến trẻ có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn, cha mẹ nên:
- Tăng cường đề kháng cho trẻ
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất là cách giúp sức đề kháng của bé được cải thiện. Khi bé có sức đề kháng tốt thì nguy cơ mắc bệnh cũng được giảm xuống.
Trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn từ khi chào đời trong ít nhất 6 tháng đầu đời và cố gắng duy trì đến khi trẻ đủ 2 tuổi. Khi trẻ vào giai đoạn ăn dặm, cha mẹ nên trang bị kiến thức hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn khoa học để trẻ được bổ sung dinh dưỡng hợp lý theo từng độ tuổi.
- Vệ sinh sạch sẽ
+ Vệ sinh mũi họng sạch và đúng cách, hàng ngày có thể dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho trẻ.
+ Tập cho trẻ cách rửa tay đúng và tạo cho con có thói quen thường xuyên rửa tay.
+ Hướng dẫn con cách ho và hắt hơi vào giấy hoặc khăn tay.
+ Người chăm sóc trẻ cũng cần thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ.
+ Giữ vệ sinh sạch sẽ cho các bề mặt nơi trẻ tiếp xúc.
+ Chú ý giữ ấm để trẻ không bị nhiễm lạnh, nhất là khi giao mùa.
+ Cố gắng để trẻ tránh tiếp xúc với môi trường có nguồn bệnh.
+ Tạo cho trẻ có thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng.
+ Cho trẻ tiêm phòng vắc xin đúng lịch và đầy đủ.
Qua những thông tin được chia sẻ trên đây hy vọng cha mẹ có thể tháo gỡ được lo lắng về hiện tượng bé bị sốt, ho, sổ mũi, mắt đổ ghèn. Nếu bé gặp tình trạng này và hoang mang không biết nên xử trí ra sao, cha mẹ có thể liên hệ đặt trước lịch khám cho bé qua hotline: 1900 56 56 56 hoặc đưa con đến trực tiếp Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được bác sĩ chuyên khoa đầu ngành trực tiếp khám, chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho bé.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
