Tin tức

Bệnh lao phổi là gì, có chữa được không?

Ngày 13/04/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Bệnh lao phổi được biết đến là một căn bệnh truyền nhiễm gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng vì hiện nay đã có những phương pháp điều trị lao phổi hiệu quả. Để biết thêm những kiến thức y khoa về căn bệnh này, cũng như cách điều trị, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.

1. Nguyên nhân gây nên lao phổi ở người

Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, thuộc họ Mycobacterium. Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở nhiều nơi trên cơ thể: lao phổi, lao khớp, lao màng não, lao hạch, lao ruột, lao sinh dục, lao màng bụng,… Trong đó lao phổi là thường gặp nhất với tỷ lệ cao, từ 80 - 85%.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nhiễm vi khuẩn lao nào cũng mắc lao phổi. Bởi khi xâm nhập, vi khuẩn sẽ chịu sự tác động và tấn công của hệ miễn dịch. Nếu những người có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở và gây bệnh, thời gian phát bệnh nhanh. Ngược lại, những người có sức đề kháng tốt thì bệnh sẽ phát rất chậm, có khi đến vài chục năm, thậm chí là không phát bệnh.

Bệnh lao phổi do vi khuẩn MTB gây ra  

Bệnh lao phổi do vi khuẩn MTB gây ra

bệnh lao phổi là một bệnh lây lan qua không khí, mầm bệnh không tồn tại trong tự nhiên và không có vật trung gian truyền bệnh. Nguồn lây bệnh là những người hoặc động vật mắc bệnh lao. 

Bệnh lây theo cơ chế: khi người hoặc động vật nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc bài tiết các dịch (chủ yếu đường hô hấp), vi khuẩn được bài xuất ra bên ngoài và bám vào những hạt bụi, hạt nước nhỏ li ti trong không khí. Người khỏe mạnh hít phải không khí chứa vi khuẩn lao sẽ bị nhiễm lao. Khi vào trong cơ thể, vi khuẩn lao sẽ đi đến các cơ quan, gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh tại đó.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi:

  • Tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao như người nhà, người chăm sóc, bạn bè thân thiết,…

  • Sống và làm việc tại những nơi có bệnh nhân lao như bệnh viện, trạm y tế, trại tị nạn,…

  • Người bị mắc các bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch như HIV, bệnh gan, lách,…

  • Người sống ở những nơi có điều kiện y tế chưa phát triển hoặc đi từ vùng có dịch bệnh lao.

Lao phổi là bệnh được lây truyền qua không khí

Lao phổi là bệnh được lây truyền qua không khí

2. Triệu chứng bệnh lao phổi

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh lao phổi dài hay ngắn tùy thuộc vào sức đề kháng của người bệnh. Ở thời kỳ này, người bệnh hầu như không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào của bệnh. Vì thế rất khó để phát hiện bệnh trong giai đoạn này. Đồng thời, bệnh nhân cũng chưa bài xuất mầm bệnh ra môi trường trong thời kỳ này.

Khi bệnh lao tiến triển, tùy vào từng cơ quan mà vi khuẩn lao gây bệnh thì người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Đối với lao phổi, bệnh nhân thường có các triệu chứng sau đây:

  • Ho kéo dài, có thể ho khan hoặc kèm theo đờm, máu. Người bệnh có thể do từ 3 tuần đến vài tháng. Đây là triệu chứng điển hình và có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện bệnh lao.

  • Đau tức ngực, thỉnh thoảng lên cơn khó thở.

  • Thường xuyên đổ mồ hôi về đêm.

  • Sốt nhẹ, ớn lạnh lúc chiều tối.

  • Chán ăn, cơ thể suy nhược và thường bị sút cân.

  • Cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, không có sức.

Ho kéo dài là triệu chứng điển hình của lao phổi

Ho kéo dài là triệu chứng điển hình của lao phổi

Ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân có thể có một số triệu chứng khác. Vì thế, nếu có thắc mắc về triệu chứng của bệnh lao, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu bạn có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao, cần gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện sớm để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Điều trị bệnh lao phổi như thế nào?

Hiện nay, lao phổi không còn là nỗi sợ của mọi người bởi vì căn bệnh này đã có thể điều trị dễ dàng. Hầu hết các trường hợp lao phổi đều được điều trị thành công nếu có phác đồ điều trị đúng đắn và tuân thủ các nguyên tắc điều trị. Phương pháp điều trị lao phổ biến là dùng nhiều loại thuốc kháng sinh trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên phác đồ cụ thể cho từng ca bệnh thì còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố: độ tuổi, sức đề kháng của người bệnh và tình trạng kháng thuốc của người bệnh.

Lao phổi thường được điều trị bằng phối hợp nhiều loại kháng sinh

Lao phổi thường được điều trị bằng phối hợp nhiều loại kháng sinh

Bạn có thể tham khảo phác đồ điều trị bệnh lao cho người mắc bệnh lao phổi lần đầu tiên theo chương trình Chống lao Quốc gia.

Trong quá trình điều trị, để đạt được kết quả nhanh chóng và tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ, phải uống thuốc đúng liều, đủ liều và uống đúng giờ. Trong trường hợp bệnh nhân cảm thấy bệnh thuyên giảm cũng không được tự ý ngưng sử dụng thuốc. Khi các khâu điều trị gặp vấn đề, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm của bệnh lao phổi sau đây:

  • Vi khuẩn lao kháng thuốc và phát triển nhanh chóng thành bệnh lao đa kháng thuốc (MDR), gây khó khăn trong điều trị.

  • Tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi, xuất huyết đường hô hấp.

  • Nấm đường hô hấp, giãn phế quản, suy hô hấp mãn tính.

4. Chẩn đoán và phòng bệnh

Chẩn đoán: 

Các chẩn đoán ban đầu dựa vào triệu chứng đặc thù của bệnh. Khi bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của lao phổi, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác hơn.

Các kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao phổi:

  • Nhuộm soi tiêu bản đờm.

  • Nuôi cấy vi khuẩn lao trong phòng thí nghiệm.

  • Chụp X - quang phổi.

  • Xét nghiệm Xpert - MTB.

  • Phản ứng Tuberculin.

Chẩn đoán lao phổi bằng X - quang

Chẩn đoán lao phổi bằng X - quang

Phòng bệnh:

Cho đến hiện nay, tiêm phòng vacxin ngừa lao vẫn là biện pháp phòng bệnh lao phổi hàng đầu. Tiêm phòng giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn lao. Hiện nay, nước ta đang sử dụng chủ yếu vacxin BCG để tiêm phòng lao cho trẻ em. Việc tiêm phòng lao cần thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tác dụng của vacxin không phải là 100%. 

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh lao, mọi người cần các biện pháp bảo vệ sức khỏe và hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân lao. Đồng thời cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng những thói quen sống lành mạnh hàng ngày.

Bệnh lao phổi là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và có phác đồ điều trị đúng đắn. Để phòng ngừa bệnh lao, bạn nên chủ động tiêm phòng lao cho mình và cho con cái. Ngoài ra, cũng đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng lối sống khoa học, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng, đẩy lùi mọi bệnh tật nhé.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.