Tin tức

Bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không và cách điều trị

Ngày 24/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tuyến giáp là tuyến nội tiết có kích thước nhỏ song là nơi sản xuất nhiều hormone quan trọng của cơ thể, sự thiếu hụt hoặc thừa hormone này sẽ gây ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe chung. Vậy bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào? 

1. Có những bệnh lý tuyến giáp nào?

Tuyến giáp sản xuất nhiều hormone, trong đó có hormone T3, T4 chịu trách nhiệm trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể. Hoạt động của tuyến giáp chịu ảnh hưởng bởi vùng hạ đồi và tuyến yên, thông qua hormone kích thích.

Bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không

Bệnh lý tuyến giáp có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào

Vấn đề ở tuyến giáp hoặc các tuyến điều khiển hoạt động của tuyến giáp đều gây ra bệnh lý ở cơ quan này, phổ biến gồm:

1.1. Bệnh suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng như: biến chứng sau cắt bỏ tuyến giáp, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, xạ trị vùng liên quan, rối loạn chức năng vùng hạ đồi hoặc tuyến yên,…

Suy giáp là bệnh lý tuyến giáp khá thường gặp, sẽ gây ra những triệu chứng sau cho người bệnh: mệt mỏi, táo bón, khô da, tăng cân, nhạy cảm với thời tiết lạnh, nhịp tim chậm, tâm lý buồn phiền, chán nản,… Nguy hiểm hơn, suy giáp nặng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, gây kém phát triển, giảm chuyển hóa.

1.2. Bệnh cường giáp

Cường giáp ngược lại với suy giáp, là tình trạng hormone tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn bình thường gây ra chuyển quá mức và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nguyên nhân gây cường giáp thường gặp là bướu giáp độc đa nhân, bệnh Graves, người hấp thu iot quá mức,… 

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone

Cường giáp là bệnh tuyến giáp khá ít gặp, sẽ gây các triệu chứng như buồn nôn, nhịp tim nhanh, run tay, tăng nhu động ruột, đổ mồ hôi quá mức, khó tập trung, sụt cân,…

1.3. Viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp này liên quan đến rối loạn tự miễn của cơ thể, khi tế bào bạch cầu tấn công và kiểm soát hoạt động của tuyến giáp, từ đó gây giảm sản xuất hormone tuyến giáp.

Triệu chứng bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto tương tự với suy giáp do cùng gây giảm hormone tuyến giáp sản xuất ra.

1.4. Bệnh basedow

Basedow cũng là một dạng bệnh tự miễn khi tế bào bạch cầu tấn công vào mô tuyến giáp khỏe mạnh, gây rối loạn chức năng cơ quan này. Song trái ngược với Hashimoto, tuyến giáp bị Basedow sản xuất quá mức hormone tuyến giáp nên có triệu chứng tương tự với cường giáp.

1.5. Bướu cổ

Bướu cổ là tình trạng phì đại bất thường kích thước tuyến giáp khiến vùng cổ có bướu, kích thước bướu giai đoạn đầu khá nhỏ nên rất khó phát hiện. Bệnh nhân bị bướu cổ sẽ có các triệu chứng như: ho nhiều, khàn tiếng, sưng cổ và có cảm giác siết chặt trong cổ họng, khó thở, khó nuốt,…

1.6. Bệnh bướu giáp hạt

Đây là tình trạng xuất hiện các hạt cụm tế bào đột biến trong tuyến giáp, rải rác hoặc tụ lại thành cụm với số lượng nhiều. Đa phần giáp hạt là lành tính, song vẫn có nguy cơ chuyển hóa phát triển thành ung thư nên cần theo dõi thường xuyên và điều trị nếu bướu giáp hạt nguy hiểm.

Bướu giáp hạt thường là bệnh lành tính

Bướu giáp hạt thường là bệnh lành tính

Bướu giáp hạt thường gây triệu chứng tương tự như suy giáp song một số trường hợp triệu chứng bệnh có thể khác biệt do gây rối loạn tuyến giáp khác.

1.7. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp chủ yếu gặp ở phụ nữ trung niên, tùy theo loại tế bào đột biến phát triển thành ung thư mà có nhiều dạng ung thư tuyến giáp khác nhau. So với các loại ung thư khác, ung thư xảy ra ở tuyến giáp có tiên lượng thường tốt hơn, tỉ lệ sống cao hơn, có thể chữa khỏi nếu phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu.

2. Bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không?

Tuyến giáp có vai trò quan trọng với sức khỏe con người, hormone mà cơ quan này tạo ra tham gia vào rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Vì thế, bệnh lý tuyến giáp gây rối loạn chức năng sản xuất hormone sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: loãng xương, tổn thương thần kinh ngoại biên, giảm tầm nhìn và thị lực, bệnh lý tim mạch, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần,…

Tiến triển của bệnh lý tuyến giáp thường âm thầm, triệu chứng khó phân biệt nên không ít bệnh nhân phát hiện bệnh muộn. Lúc này, không chỉ điều trị khó khăn mà biến chứng bệnh cũng vô cùng phức tạp. Đặc biệt ung thư tuyến giáp nếu phát hiện muộn, tế bào ung thư di căn thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Bệnh lý tuyến giáp nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Bệnh lý tuyến giáp nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Bệnh lý tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ mang thai rất nguy hiểm với sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt trong những tháng đầu thai nhi nhận hormone tuyến giáp hoàn toàn từ mẹ. Sự thiếu hụt hoặc rối loạn hormone tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển các cơ quan trong cơ thể thai nhi. Do đó, mẹ bầu bị bệnh tuyến giáp có thể sinh con bị dị tật, chậm phát triển trí tuệ,…

3. Bệnh tuyến giáp điều trị như thế nào?

Tùy vào bệnh lý tuyến giáp mắc phải cũng như mức độ bệnh, phương pháp điều trị là khác nhau và đem lại hiệu quả khác nhau. Hai phương pháp chính trong điều trị bệnh lý tuyến giáp bao gồm:

3.1. Điều trị bằng thuốc

Khi bệnh nhân bị suy giáp, có thể dùng liệu pháp hormone thay thế để bổ sung lượng thiếu hụt. Ngược lại, bệnh nhân cường giáp được điều trị bằng các thuốc đặc hiệu có tác dụng kìm hãm quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.

Ngoài ra, tùy vào biến chứng sức khỏe gặp phải ở bệnh nhân tuyến giáp mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc bổ sung, kiểm soát bệnh.

3.2. Phẫu thuật tuyến giáp

Phẫu thuật tuyến giáp thường áp dụng điều trị cho bệnh ung thư tuyến giáp, hạt giáp lớn, bướu ở tuyến giáp. Nếu cắt bỏ hoàn toàn, không còn cơ quan sản xuất hormone tuyến giáp nên cần sử dụng liệu pháp hormone hàng ngày đến suốt đời.

Cắt bỏ tuyến giáp có thể thực hiện nếu u giáp lớn hoặc ung thư tuyến giáp

Cắt bỏ tuyến giáp có thể thực hiện nếu u giáp lớn hoặc ung thư tuyến giáp

Bệnh lý tuyến giáp có nguy hiểm không? Bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, vì thế không nên chủ quan khi xuất hiện triệu chứng bệnh, cần sớm đi thăm khám và điều trị để đạt hiệu quả cao, ngăn ngừa biến chứng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.