Tin tức

Bệnh răng miệng thường gặp ở tuổi học đường

Ngày 10/09/2014
TS. Nguyễn Lê Triệu
Chăm sóc sức khỏe nói chung và bệnh răng miệng nói riêng luôn là vấn đề được chú trọng quan tâm trong nhà trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu răng – viêm lợi đó là vệ sinh răng miệng chưa tốt và chưa đúng cách.


Nguyên nhân gây bệnh

Trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn có trong vòm miệng phát triển tấn công răng và lợi. Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng lên men trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Hầu hết trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng.
 

Thời gian thay răng, nhiều trẻ có thói quen lung lay răng sữa bất kể khi nào, thậm chí kể cả khi đang chơi. Tay trẻ không sạch khi đưa vào miệng để lung lay răng đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, chỗ răng bị lung lay đang bị tổn thương ít nhiều trở thành yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm sưng lợi cũng như các vị trí khác trong khoang miệng. Muốn trẻ có hàm răng đẹp, trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi mang thai, đó là cần thực hiện chế độ dinh dưỡng thai nhi tốt, đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ sau này như canxi, các loại vitamin có trong thức ăn. Trong thời kỳ trẻ thay răng sữa sang răng vĩnh viễn cũng cần bổ sung các chất cần thiết đó cho trẻ. Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ đánh răng thường xuyên, nguyên tắc tốt nhất là ăn bao nhiêu bữa thì đánh răng bấy nhiêu lần.
 

Các bậc phụ huynh nên hạn chế không cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn, các thức ăn đường phố không hợp vệ sinh. Khi trẻ thay răng không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng mà cần đến các phòng khám nha khoa. Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm các bệnh răng miệng. Đối với những trẻ có răng mọc lệch lạc, cần đợi cho trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn mới xem xét đến việc dùng các dụng cụ nắn chỉnh răng hợp lý. Trong quá trình học tập, vui chơi tại trường, các thầy cô giáo nhắc nhở trẻ cẩn thận khi vui đùa tránh những tai nạn gãy răng xảy ra, nhất là gãy răng vĩnh viễn sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng phát âm, nhai nghiền của trẻ. Việc dùng răng giả thay cho răng vĩnh viễn bị gãy ở trẻ rất tốn kém và rất nguy hiểm cho trẻ nếu răng giả trồng không cẩn thận khi rơi ra  và trẻ nuốt phải sẽ gây nghẹt đường thở của trẻ, tốt nhất nên trồng răng cho trẻ khi trẻ đã trưởng thành.
 

Phòng và điều trị bệnh răng miệng

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: là điều quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Việc làm đó phải giải quyết trong từng bữa ăn, rồi sau khi ăn xong, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, đánh răng hàng ngày với kem đánh răng có chứa fluoride và sử dụng bàn chải mềm. Không được phép sử dụng tăm để xỉa răng vì tăm sẽ dễ gây tổn thương nướu, sưng nướu đau răng thứ phát không kiểm soát.

Đánh răng mặt ngoài: đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai với động tác tới lui nhẹ nhàng. Tránh chải răng theo chiều ngang vì nó sẽ làm mòn chân răng. Chải cẩn thận mỗi vùng 2-3 răng và tuần tự như thế cho sạch tất cả các răng.
 

Đánh răng mặt trong: đặt lòng bàn chải theo chiều thẳng đứng và dùng đầu bàn chải nhẹ nhàng chải từ trên xuống dưới. Làm sạch lưỡi bằng cách dùng bàn chải, hoặc cạo lưỡi bằng que cạo lưỡi. Nên tránh đánh răng quá nhiều, quá nhanh, quá mạnh làm chảy máu lợi và nướu răng. Khi dùng bàn chải tự động phải sạch kỹ từng răng, vòng theo độ cong của nướu răng và hình dáng của răng để lấy hết các mảng bám trên răng, giữ đầu lông bàn chải ở từng răng trong vài giây để chải sạch rồi mới di chuyển qua răng kế tiếp. Mặc dù đã chải răng vẫn phải dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở cổ răng, kẽ răng, vì vẫn còn 40% diện tích răng bàn chải chưa làm sạch được.
 

Dùng loại nước súc miệng: Natri Clorid 0,9%  muối súc miệng lành tính, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng sodium florie, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám như zin lactate,… sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.
 

Khám răng định kỳ: ngay cả khi bạn thấy mọi chuyện vẫn bình thường thì cũng nên khám định kỳ 6 tháng/lần. Nha sĩ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những bất ổn vì lợi được xem là tín hiệu báo trước những vấn đề về sức khỏe.
 

Dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên cũng là cách cần thiết để giữ sạch răng miệng.
 

Chế độ dinh dưỡng: Trong chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung vitamin C và B12, hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga như coca, pepsi...
 

Nếu là phụ nữ mang thai hoặc trẻ  em nên chọn ăn những thức ăn mềm, nấu nhừ, dễ tiêu hóa và ít phải nhai để không gây tổn thương răng lợi..

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.