Tin tức

Bệnh sởi và thiếu hụt vitamin A

Ngày 06/04/2014
Bs Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TW
“Thiếu vitamin A vẫn còn là vấn đề của nhiều quốc gia” đó là khuyến cáo của các tổ chức thuộc liên hợp quốc UNICEF và FAO. Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao thế nhưng trẻ em vẫn bị thiếu hụt các yếu tố vi lượng như vitamin nhóm B, vitamin D, sắt kẽm và iot. Thật kinh ngạc không chỉ có vậy!


Thiếu vitamin A vẫn còn là nguyên nhân gây chết, gây mù lòa ở nhiều nơi trên thế giới. Với Việt Nam, việc xuất hiện khô mắt rải rác trên bệnh nhi bị sởi trong thời gian vừa qua cũng là minh họa xác đáng cho thực tế trên. Vẫn còn hơn 40 quốc gia có tỷ lệ chết của trẻ dưới 5 tuổi > 50 trẻ/1000 trẻ mới sinh, được cho là do suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trong đó, ở các nước cận hoang mạc Sahara của châu Phi và và một số nước Nam Á tình trạng trên được coi là khá phổ biến.


Thực tế là suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A nhiều khi không hiển hiện một cách rõ ràng. Chúng ta có thể nói một câu lạc quan “ có ai thiếu ăn đâu” thế nhưng vẫn có những sai lầm trong nhận thức của các bậc phụ huynh:

- Những thức ăn giầu vitamin A không phải lúc nào cũng sẵn có ở mọi nơi, mọi lúc.

- Nếu chúng sẵn có thì cha mẹ chắc gì đã cung cấp đủ lượng cần thiết cho trẻ, chế biến chưa chắc đã đúng cách để trẻ có thể hấp thu dễ dàng hoặc trẻ chê không ăn những thức ăn này.

- Có những lúc phải dùng vitamin A bổ xung, chẳng hạn khi trẻ bị một số bệnh lý nhiễm trùng và ỉa chảy, nhưng chúng ta đã quên điều này.

Bệnh lý đường ruột, ỉa chảy, nhiễm giun làm giảm hấp thu vitamin A qua đường ăn uồng. Các bệnh lý nhiễm trùng, sốt làm tăng nhu cầu xử dụng vitamin A. Ỉa chảy mạn tính, trẻ bị mắc sởi làm giảm lượng retinol( tiền chất của vitamin A) qua phân, nước tiểu.

Với bệnh nhi bị sởi, đặc biệt là thể nặng khi xét nghiệm huyết thanh người ta đều thấy nồng độ retinol (dạng động vật của vitamin A) giảm. Một loạt lý do được đưa ra theo nghiên cứu của Clive E.West là:

- Trẻ bị sởi thường sốt rất cao trong những ngày đầu làm suy giảm tổng hợp các protein có trọng lượng phân tử thấp tại gan, cũng là các protein vận chuyển vitamin A ( retinol- binding protein), do vậy lượng retinol cũng giảm tương ứng.

- Các nốt sởi tại niêm mạc ruột thường gây ỉa chảy cho bệnh nhi bị sởi, điều này vừa làm thất thoát retinol qua phân vừa gây khó khăn cho hấp thu retinol qua đường ăn uống

- Viêm long niêm mạc đường hô hấp, viêm kết mạc (niêm mạc của mắt) những tổn thương chính trong bệnh sởi, đều cần tiêu hao một lượng lớn retinol để hồi phục lại tính tòan vẹn của hệ thống niêm mạc

Đối với chuyên khoa mắt thì khô mắt trên bệnh nhân sởi, hâu quả của thiếu vitamin A cấp tính do những lý do đã nêu rất có thể xảy ra. Phát hiện sớm biến chứng này, ngòai vẫn đề về cơ địa, tiền sử bệnh thì những dấu hiệu quan trọng để phát hiện trên lâm sàng thiếu vitamin A theo tiểu chuẩn của WHO là:

- Nhìn mờ ban đêm( quáng gà)- XN

- Khô kết mạc-X1A

- Vệt Bitot-X1B

- Khô giác mạc-X2

- Loét giác mạc nhỏ hơn 1/3 diện tích giác mạc- X3A

- Loét giác mạc lớn hơn 1/3 giác mạc kèm theo nhuyễn giác mạc- X3B

- Sẹo giác mạc- XS

Cần lưu ý là với trẻ em dấu hiệu quáng gà thường xuất hiện muộn, sau cả dấu hiệu vệt Bitot và lóet giác mạc. Có những dấu hiệu phản ánh quá trình thiếu vitamin A trường diễn, ngược lại có những dấu hiệu xuất hiện trong những trường hợp thiếu vitamin A cấp tính và nặng như dấu hiệu loét giác mạc chẳng hạn. Khi đã có những biểu hiện trên mắt thì tỷ lệ chết sẽ cao hơn hẳn so với trẻ khác. Nghiên cứu tại Indonesia cho thấy trẻ có dấu hiệu quáng gà có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần trẻ không có, còn với vệt Bitot thì cao hơn tới 9 lần so với trẻ ở nhóm chứng. Thiếu vitamin A mạn tính hay gặp ở trẻ từ 3-6 tuổi, do vậy cần có những can thiệp cộng đồng mạnh mẽ cho lứa tuổi này, lứa tuổi tiền học đường.

Với trẻ bị sởi hay ỉa chảy việc dùng các thực phẩm nhiều vitamin A có vẻ như không khả dĩ do trẻ đang sốt, ỉa chảy, không thể ăn uống một lượng thực phẩm lớn. Hơn nữa cũng nên tính đến việc cung cấp cho trẻ một lượng vitamin A cần và đủ để chống lại việc tiêu hao nó cũng như tăng nhu cầu xử dụng nhất thời. Thêm nữa các nghiên cứu tại châu Âu, Tanzania, Ấn độ đều cho thấy dùng vitamin A chủ động, liều đôi làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sởi đặc biệt là nhóm có viêm hô hấp nặng. Tựu trung thiếu vitamin A vừa là hậu quả của bệnh sởi và quay ngược lại làm các tổn thương của sởi thêm trầm trọng. Do vậy, WHO khuyến cáo nên dùng vitamin A có hệ thống với bệnh nhân sởi, nếu có biểu hiện khô mắt thì càng cấp thiết. Phác đồ dùng vitamin A đường uống được WHO đưa ra là:

Tuổi của trẻ

Liều vitamin A

( đơn vị quốc tế-IU)

Tần xuất xử dụng

Nhỏ hơn 6 tháng

50.000

Ngày 1, ngày 2 và ngày thứ 14

6-12 tháng

100.000

Ngày 1, ngày 2 và ngày thứ 14

Lớn hơn 12 tháng

200.000

Ngày 1, ngày 2 và ngày thứ 14


Công việc của chuyên khoa mắt bao gồm: vệ sinh mắt, chống nhiễm trùng cơ hội, chống lóet giác mạc, hạn chế hình thành sẹo giác mạc, phòng teo nhãn cầu hay phình giãn nhãn cầu,. Một số trường hợp phải chẩn đoán phân biệt loét giác mạc không phải do thiếu vitamin A. Tuy nhiên WHO khuyến cáo vẫn nên dùng vitamin A ngay cả trong những trường hợp nghi ngờ.

Nguồn: vnio.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.