Tin tức

Các bệnh mắt thường gặp ở trẻ bố mẹ nên biết

Ngày 17/10/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Mắt có thể xem là bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể con người thế nên nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ mắc bệnh. Đặc biệt, trẻ em là lứa tuổi chưa có ý thức sâu sắc trong việc bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt nên dễ mắc bệnh hơn người lớn. Dưới đây là một số bệnh mắt mà trẻ em thường mắc phải.

1. Các bệnh mắt thường gặp do trẻ thường xuyên tiếp xúc màn hình điện tử

1.1. Tật khúc xạ ở mắt

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì các thiết bị điện tử dường như gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của con người. Đặc biệt, trẻ em không còn sử dụng đồ chơi truyền thống mà thay vào đó là các thiết bị điện tử. Chính vì điều này mà hầu hết các trẻ em mắc phải các tật khúc xạ do sử dụng nhiều điện thoại di động, ipad, máy tính,…

Trẻ em ngày nay có xu hướng mắc cận thị khá nhiều do sử dụng nhiều thiết bị điện tử

Trẻ em ngày nay có xu hướng mắc cận thị khá nhiều do sử dụng nhiều thiết bị điện tử

Ở trẻ nhỏ, cơ quan thị giác chưa phát triển hoàn thiện về mặt cấu tạo và sinh lý thế nên nếu như mắt tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử khiến mắt tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng và sinh ra tật cận thị. Ngoài ra, trẻ em thường có thói quen dí sát mắt vào các thiết bị điện tử khiến nguy cơ mắc tật khúc xạ ở mắt gia tăng hơn.

Về cơ bản, tật khúc xạ bao gồm: cận, viễn, loạn thị và chênh lệch khúc xạ giữa 2 mắt. 

1.2. Phơi nhiễm ánh sáng xanh

Ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị điện tử là nguyên nhân chủ yếu gây ra những bệnh về võng mạc cho trẻ em. Bệnh võng mạc xuất hiện khi các mạch máu phát triển không bình thường và lan ra võng mạc cùng mô lót phía sau mắt.

Các mạch máu không bình thường này rất dễ vỡ và để lại vết sẹo ở võng mạc. Vết sẹo sau khi bong khỏi vị trí ban đầu gây ra bong võng mạc. Bong võng mạc chính là nguyên nhân gây tình trạng mất thị lực thậm chí là mù lòa ở trẻ mắc bệnh võng mạc.

1.3. Lác mắt

Bố mẹ cần quan sát theo dõi trẻ có dấu hiệu nheo mắt lại và không nhìn thẳng vào một điểm khi sử dụng điện thoại, ipad,… hãy đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra do đây là biểu hiện bệnh lác mắt. Bệnh lác mắt khi về lâu dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể hoặc hư hỏng giác mạc. Lác mắt không thể điều trị hoàn toàn mà chỉ kiểm soát bằng việc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử.

1.4. Khô mắt

Khi sử dụng điện thoại tập trung cao độ sẽ ép mắt điều tiết quá độ mà không thể chớp mắt gây ra tình trạng khô mắt. Hiện tượng khô mắt diễn ra khi trẻ tiết rất ít nước mắt hoặc trong nước mắt không có đủ lượng dầu cần thiết thế nên mắt không được cung cấp đủ độ ẩm giúp mắt hoạt động và hạn chế tổn thương, nhiễm trùng.

Khi sử dụng điện thoại, ipad quá nhiều khiến mắt phải điều tiết quá mức khiến mắt bị khô

Khi sử dụng điện thoại, ipad quá nhiều khiến mắt phải điều tiết quá mức khiến mắt bị khô

1.5. Mỏi mắt

Khi trẻ sử dụng điện thoại, ipad quá nhiều sẽ dễ gặp tình trạng mỏi mắt do phải hoạt động quá mức. Tình trạng mỏi mắt làm trẻ khó chịu và có khả năng bị bệnh mắt.

Thế nhưng khi trẻ bị mỏi mắt bố mẹ hãy nhắc nhở trẻ cho mắt nghỉ ngơi giúp cải thiện tình trạng và tránh gặp nguy hiểm. Cùng với đó, bố mẹ không nên chủ quan lơ là do mỏi mắt là biểu hiện của một vài bệnh mắt ở trẻ cần cho trẻ đi khám để chẩn đoán và điều trị sớm.

2. Làm thế nào để hạn chế tác hại từ màn hình điện tử

  • Chủ động chớp mắt thường xuyên, sử dụng thiết bị điện tử phải kết hợp để mắt nghỉ ngơi, hít thở và đi lại để vận động cơ thể.

  • Nguyên tắc 20/20: bố mẹ cần lưu ý nhắc nhở trẻ theo quy tắc 20/20 giúp cho mắt không bị khô và mỏi. Thực hiện quy tắc như sau, cứ sau 20 phút sử dụng thiết bị điện tử thì cho mắt nghỉ ngơi trong vòng 20 giây sau đó tập trung nhìn vào một vật thể bất kỳ khoảng cách 20 feet = 6m.

  • Thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra, thăm khám mắt định kỳ mỗi năm.

  • Đảm bảo lượng ánh sáng cần thiết cho phòng ngủ của trẻ. Đa phần những vấn đề mắt gặp phải là do không đủ ánh sáng hoặc ánh sáng chiếu vào không tương thích.

3. Các bệnh nhiễm khuẩn mắt thường gặp ở trẻ nhỏ

3.1. Tắc tuyến lệ

Nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng mắt đỏ, đổ nhiều ghèn là sự xuất hiện của các chướng ngại vật bên trong ống dẫn lệ của trẻ làm cho nước nước mắt không chảy được và bị tắc nghẽn. Đây là bệnh mắt khá phổ biến ở những trẻ sơ sinh. Bố mẹ hãy thường xuyên vuốt dọc sống mũi của trẻ bắt đầu từ khóe mắt cho đến 2 lỗ mũi để xử lý tình trạng tắc tuyến lệ.

Tắc tuyến lệ là bệnh mắt thường gặp ở trẻ em

Tắc tuyến lệ là bệnh mắt thường gặp ở trẻ em

Đối với trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ nặng cần đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ đến những cơ sở nhỏ, không đủ uy tín và điều kiện y khoa để điều trị.

3.2. Viêm kết mạc và viêm giác mạc

Một trong các bệnh mắt mà trẻ sơ sinh dễ mắc phải là viêm kết mạc và viêm giác mạc. Biểu hiện dễ thấy nhất chính là mắt bị sưng đỏ, xuất hiện ghèn vàng, 2 mi mắt khép lại, khó nhắm mở hay chảy nhiều nước mắt,… Những triệu chứng này thường xuất hiện khoảng từ ngày 2 - ngày 5 sau khi sinh.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do rách, xước giác mạc, có dị vật hay bị bỏng hóa chất,… Ngoài ra, việc giữ vệ sinh mắt không cẩn thận khiến gỉ mắt nổi nhiều và về lâu dài dễ bị viêm nhiễm.

3.3. Viêm nhiễm mi mắt

Viêm mi mắt có triệu chứng viêm bờ mi, tiết nước mắt, mắt đỏ, bị ngứa, bong vùng da quanh mắt,…

Nguyên nhân là do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hay dị ứng gây ra. Đối với bệnh viêm mi mắt ngoài cần phải đi khám sớm, dùng thuốc theo chỉ định, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, dùng nước sạch để hạn chế tái nhiễm vi khuẩn.

Viêm nhiễm mi mắt dễ bị tái phát thế nên cần vệ sinh kỹ lưỡng cho trẻ

Viêm nhiễm mi mắt dễ bị tái phát thế nên cần vệ sinh kỹ lưỡng cho trẻ

3.3. Trẻ sơ sinh bị lẹo mắt

Lẹo mắt hoặc chắp mắt ở trẻ nhỏ là tình trạng nổi mụn nhỏ mọc trên bờ mí mắt hoặc dưới chân lông mi gây ra bởi tuyến nhỏ trên bờ mi bị nhiễm trùng. Lẹo mắt thường có xu hướng sau đó khỏi khi được điều trị thế nhưng có nguy cơ tái phát nếu như không chữa trị dứt điểm theo đúng chỉ định bác sĩ.

3.4. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi vào các thời điểm trong năm. Bệnh này có tỷ lệ biến chứng ở mức 20% chủ yếu do viêm giác mạc. Nguyên nhân bởi vi khuẩn và các virus gây ra. Bệnh đau mắt đỏ có triệu chứng sưng, mắt tấy đỏ, xuất huyết xảy ra dưới kết mạc,…

4. Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn mắt ở trẻ em

  • Dùng bông gòn thấm nước muối ấm để vệ sinh mắt cho trẻ và lau nhẹ nhàng từ đầu đến đuôi mắt. Thực hiện khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày hoặc có thể lau ngay khi nổi ghèn.

  • Massage mắt cho trẻ giúp hạn chế gỉ mắt. Bố mẹ dùng đầu ngón tay út day nhẹ nhàng khu vực dưới đầu mắt của bé. Thực hiện mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 1 - 2 phút.

  • Để phòng ngừa các bệnh mắt cho trẻ nhỏ, bố mẹ hãy rửa mặt cho trẻ với nước ấm có pha muối loãng và lau mắt cho trẻ. Lưu ý nên giặt và phơi khăn của trẻ dưới ánh nắng. Không được dùng khăn lau mắt để vệ sinh những cơ quan khác trên cơ thể.

bệnh mắt

Bố mẹ hãy dùng nước ấm pha nước muối loãng để chăm sóc mắt cho trẻ

Bố mẹ có con nhỏ cần quan sát và chăm sóc kỹ lưỡng đôi mắt cho trẻ để tránh các bệnh mắt. Đây là bộ phận nhạy cảm và dễ mắc bệnh thế nên ngay khi thấy dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi bệnh viện thăm khám kịp thời.

Từ khoá: bệnh mắt mắt

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.