Tin tức

Các phương pháp xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục

Ngày 28/04/2020
CN Nguyễn Thị Huế - Trung tâm xét nghiệm
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) ngày càng phổ biến và có tỷ lệ gia tăng. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tăng khả năng lây bệnh trong cộng đồng, giảm chất lượng cuộc sống và kéo theo một số các biến chứng như: viêm tắc vòi trứng, buồng trứng, viêm tinh hoàn, ống dẫn tinh,… gây vô sinh hoặc ung thư.

1. Tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến và có nhiều tác nhân gây bệnh: 

- Vi khuẩn: Treponema pallidum (giang mai), Neisseria gonorrhoeae (lậu), Chlamydia trachomatis, Haemophilus ducreyi (hạ cam), Lymphogranuloma inguinale (u hạt bẹn hoa liễu), Bacterial vaginosis,…

Bệnh sùi mào gà do HPV

Bệnh sùi mào gà do HPV

- Virus: Condyloma acuminata (HPV - sùi mào gà), herpes sinh dục, HIV, Molluscum contagiosum (u mềm lây), Cytomegalovirus (CMV), Viêm gan B,…

- Nấm: Candida,…

- Ký sinh trùng: Trichomonas vaginalis (trùng roi), Sarcoptes scabies hominis (ghẻ), Phthirus pubis (rận mu),…

2. Phương thức lây truyền bệnh qua đường tình dục

Phương thức lây truyền của bệnh lây truyền qua đường tình dục là quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh qua đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng.

Ngoài ra, có thể lây nhiễm qua vết xước trên da, niêm mạc hoặc do truyền máu, từ mẹ sang con hoặc dùng chung bơm kim tiêm.

Một số tác nhân như nấm, ký sinh trùng có thể lây truyền khi sử dụng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân, quần áo hoặc chăn gối.

3. Dấu hiệu nào khiến bạn nghĩ tới bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Tùy vào từng loại tác nhân gây bệnh mà người bệnh xuất hiện các triệu chứng khác nhau:

- Tác nhân là vi khuẩn:

+ Treponema pallidum (gây bệnh giang mai): xuất hiện các biểu hiện tại bộ phận sinh dục là vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, bề mặt bằng phẳng và có màu đỏ. Nền căng cứng, không ngứa, không đau, không có mủ. Ngoài ra, săng còn có thể xuất hiện ở một số vị trí khác như: môi, lưỡi, amidan, vú,… Giai đoạn sau đó xuất hiện hạch vùng bẹn (rắn, không đau, không có mủ), đào ban (hồng như cánh đào, hình bầu dục, không ngứa, không đau), mảng niêm mạc, vết loang trắng đen,…

+ Nhiễm chlamydia: là tác nhân phổ biến nhất trong số các vi khuẩn gây STDs. Bệnh diễn biến khá kín đáo, đa số không có triệu chứng. Các dấu hiệu có thể gặp như dịch tiết ra từ âm đạo hoặc dương vật, và nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.

+ Neisseria gonorrhoeae (gây bệnh lậu): Giai đoạn đầu triệu chứng không điển hình nên khó nhận biết. Ở nữ xuất hiện nhiều khí hư, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh,... Các triệu chứng này dễ nhầm viêm nhiễm âm đạo thông thường. Ở nam, điển hình thấy đái buốt, chảy mủ đầu dương vật, miệng sáo đỏ, phù nề,... Bệnh lậu thường hay kèm với nhiễm chlamydia.

Biểu hiện bệnh Lậu ở nam giới

Biểu hiện bệnh Lậu ở nam giới

+ Haemophilus ducreyi (gây bệnh hạ cam): đặc trưng tổn thương chính là các vết loét tại bộ phận sinh dục. Ban đầu là các mẩn/dát đỏ tiến triển thành mụn mủ trợt rồi thành các vết loét trợt. Ở nam, vết loét chủ yếu ở bao quy đầu, thân dương vật. Ở nữ, vết loét dẫn tới đau khi đi tiểu, khi giao hợp, ra nhiều khí hư,… Tổn thương đặc trưng kèm theo là hạch bẹn viêm đau, sưng đỏ và dò mủ.

+ Condyloma acuminata (gây bệnh sùi mào gà) là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến do virus HPV gây nên. Biểu hiện xuất hiện vết sẩn màu hồng nhạt hay trắng, hình giống mào con gà hay súp lơ, không đau, không ngứa, không thâm nhiễm và tập trung thành đám.

+ Herpes sinh dục: ban đầu sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, tăng tiết dịch, sau đó xuất hiện mụn nước. Mụn nước vỡ ra thành vết trợt nông hoặc vết loét. Trong các vết loét đường sinh dục thì nhiễm Herpes là hay gặp nhất. Tuy nhiên một số trường hợp triệu chứng không điển hình nên có thể bị bỏ sót.

+ Virus HIV: không có triệu chứng điển hình tại bộ phận sinh dục, tuy nhiên HIV gây suy giảm miễn dịch khiến bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ hội khác.

+ Nấm Candida: ra nhiều khí hư màu váng sữa (không hôi), ngứa rát, đau khi giao hợp, viêm đỏ, sưng nề tại bộ phận sinh dục.

+ Trichomonas vaginalis (trùng roi): Thường gặp ở nữ giới với các triệu chứng: ra khí hư loãng, có bọt, màu xanh, mùi hôi kèm theo tiểu buốt, rắt, đau khi giao hợp. Ở nam giới đa số không có triệu chứng, một số người có ngứa dương vật, tiểu khó, tiểu nhiều lần,...

Các triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục không điển hình nên rất dễ nhầm lẫn giữa các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, khi xuất hiện một hoặc một số các triệu chứng trên bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Các loại xét nghiệm chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục

Tùy thuộc vào các triệu chứng, biểu hiện mắc bệnh và điều kiện của bệnh nhân mà bác sĩ lựa chọn những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán khác nhau. 

- Nhuộm soi:

Là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán hoặc định hướng chẩn đoán tác nhân gây bệnh, sử dụng chủ yếu cho tác nhân là vi khuẩn, vi nấm và Ký sinh trùng.

+ Soi tươi dịch âm đạo.

+ Soi tươi dịch niệu đạo.

+ Neisseria gonorrhoeae nhuộm soi.

+ Trichomonas vaginalis soi tươi.

+ Phthirus pubis (Rận mu) soi tươi.

+ Sarcoptes scabies hominis (Ghẻ) soi tươi,…

- Nuôi cấy: 

Là xét nghiệm ưu tiên sử dụng để định danh chính xác tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hay nấm và có kết quả kháng sinh đồ phục vụ cho mục đích điều trị.

+ Cấy dịch niệu đạo/ âm đạo.

+ Cấy vết loét/ tổn thương,…

Xét nghiệm sinh học phân tử giúp chẩn đoán bệnh

Xét nghiệm sinh học phân tử giúp chẩn đoán bệnh

- Test nhanh (sắc ký miễn dịch): phát hiện kháng nguyên/ kháng thể của tác nhân gây bệnh trong mẫu bệnh phẩm.

+ Chlamydia test nhanh.

+ Syphilis TP (giang mai).

+ HIV nhanh.

- Elisa/ miễn dịch: TPPA, RPR, CMV IgG/IgM, Chlamydia Trachomatis IgA/IgG, HIV Combo Ag/Ab, HSV IgG/IgM,…

- Sinh học phân tử: Là xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật chuyên sâu. 

+ Xác định 9 tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục.

+ Chlamydia - Lậu Real Time - PCR, HSV PCR.

+ HPV định Type, HPV high risk, HPV low risk,…

- Mô bệnh học: dựa trên lam nhuộm phết tế bào có thể chẩn đoán (nấm candida) hoặc định hướng chẩn đoán bệnh (ví dụ: tăng sừng, tăng gai hay u nhú ở bệnh nhân sùi mào gà,…)

5. Cách phòng và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh có ở cả nam và nữ. Khi người bệnh mắc bệnh thì cần phải điều trị cho cả bạn tình để phòng tái nhiễm cho người bệnh. 

- Cách phòng bệnh:

+ quan hệ tình dục an toàn: quan hệ 1 vợ 1 chồng, sử dụng bao cao su.

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

+ Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục, giữ quần áo khô ráo, sạch sẽ.

+ Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ.

+ Tránh tiếp xúc với nguồn lây.

+ Khám sức khỏe định kỳ.

- Điều trị: tùy thuộc vào từng loại tác nhân mà ta có các phác đồ điều trị khác nhau, tuy nhiên thì vẫn theo nguyên tắc:

+ Tiêu diệt tác nhân gây bệnh: sử dụng thuốc đúng liều, đúng lịch và tái khám sau hết thuốc. Bệnh khó điều trị vì khả năng tái nhiễm cao.

+ Điều trị cho cả bạn tình nếu nhiễm bệnh.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tốt nhất để chẩn đoán và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi cần hãy liên hệ ngay cho chúng tôi theo số 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.