Tin tức

Các tư thế giảm đau bụng kinh chị em không nên bỏ qua!

Ngày 20/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vào những ngày kinh nguyệt xuất hiện, cơ thể nhiều chị em có thể xuất hiện một số dấu hiệu như: mệt mỏi, căng tức ngực, đau lưng hoặc đau bụng kinh. Đặc biệt, hiện tượng đau bụng kinh gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Điều này có thể được khắc phục phần nào khi chị em thực hiện những tư thế giảm đau bụng kinh hiệu quả.

1. Hiện tượng đau bụng kinh xuất hiện có thể do những nguyên nhân nào?

Trước khi tìm hiểu về những tư thế giảm đau bụng kinh hiệu quả, chúng ta cùng xác định nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng này.

Đau bụng dưới thời kỳ kinh nguyệt khiến cho nhiều chị em rất mệt mỏi

Đau bụng dưới thời kỳ kinh nguyệt khiến cho nhiều chị em rất mệt mỏi

Có thể nói, đau bụng kinh không hiếm gặp ở phụ nữ, với một số người, có thể chỉ là lâm râm, một số người khác lại có thể đau dữ dội. Các cơn đau này xuất hiện trước hoặc trong chu kỳ, tại vùng bụng dưới với nhiều nguyên nhân, có thể là:

  • Hiện tượng co thắt mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài của tử cung.

  • Do cổ tử cung ở một số người bị hẹp, máu khó thoát ra ngoài nên gây đau.

  • Do bẩm sinh mà có những trường hợp tử cung ngả trước hoặc sau khiến cho máu khó lưu thông.

  • Tử cung bị tác động do sự gia tăng của một số chất như progesterone và prostaglandin. 

  • Một số người do đặt vòng, bệnh phụ khoa cũng có thể gây ra hiện tượng này.

2. Các tư thế giảm đau bụng kinh hiệu quả

Hiện tượng này gây ra nhiều sự bất tiện và khó chịu nên chị em cần được nghỉ ngơi. Khi nằm nghỉ, để giảm cảm giác đau, chị em có thể thực hiện các tư thế như:

Nằm nghiêng, cong người

Tư thế này không chỉ giúp cho cơ thể được thư giãn mà còn có tác dụng giảm đau, cũng như không tạo áp lực hay ảnh hưởng tới nội tạng khiến cho chị em cảm thấy dễ chịu hơn.

Tư thế nghiêng và cong người có thể mang lại  cảm giác dễ chịu hơn

Tư thế nghiêng và cong người có thể mang lại cảm giác dễ chịu hơn

Nằm ngửa, đặt chân lên gối

Khi nằm ngửa, lưng và bụng dưới của bạn sẽ được thư giãn, không phải chịu áp lực. Bên cạnh đó, khi chân được kê lên cao hơn cột sống, sự tuần hoàn của máu sẽ tốt hơn, giúp cho cơ thể thoải máu và giảm đau.

Tư thế em bé

Bạn có thể gập người về trước, vươn hai tay thẳng, cúi đầu, hai lòng bàn chân hướng lên trên. Đây là tư thế quen thuộc trong yoga, giúp cho cơ bụng được bó lại, khiến tử cung giảm co thắt, nhờ vậy mà cảm giác đau cũng giảm.

Một số chị em lại thường nằm sấp với lầm tưởng rằng khi đè lên vùng bụng, sẽ khiến cho máu được tống ra dễ dàng hơn và giảm cảm giác đau. 

Tuy nhiên, khi bạn nằm sấp, sẽ tạo ra áp lực lớn cho các cơ quan bên trong và cả phần ngực, dẫn tới khó thở. Đồng thời, khiến cho cột sống bị bẻ cong, gây đau, đặc biệt với những người vốn đã bị bệnh tại vùng này.

Bên cạnh đó, việc đè lên các dây chằng ở ngực khiến cho tử cung bị áp lực và các cơn đau có thể còn gia tăng. Đó là chưa kể đối với trẻ đang dậy thì, nằm sấp có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển vùng ngực.

3. Một số phương pháp khác có thể khắc phục tình trạng này

Ngoài các tư thế giảm đau bụng kinh như đã kể ở trên, trong những thời điểm này, chị em có thể tham khảo thêm các phương pháp mang lại hiệu quả giảm đau để sinh hoạt và công việc không bị ảnh hưởng.

Sử dụng nước ấm hoặc túi chườm để chườm bụng

Cách làm này vừa đơn giản vừa hữu hiệu. Chị em có thể cho nước ấm vào một cái chai hoặc làm ấm túi chườm, sau đó, đặt lên vùng bụng. Nhiệt độ từ chai hoặc túi sẽ có thể khiến cơn co tử cung giảm xuống và thúc đẩy cho máu lưu thông, cơn đau vì thế cũng được giảm nhẹ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng cách này, chị em nên chú ý tới nhiệt độ của nước, tránh nguy cơ gây bỏng. Tốt nhất, chỉ dùng nước khoảng 60 tới 70 độ C.

Dùng nước ấm để chườm rất dễ làm mà hiệu quả

Dùng nước ấm để chườm rất dễ làm mà hiệu quả

Dùng gừng

Với đặc tính giảm đau và kháng viêm, gừng cũng là sự lựa chọn tốt cho bạn trong trường hợp này. Bạn có thể cắt vài lát gừng, bỏ vào cốc nước ấm, cho thêm vài giọt mật ong để uống. Ngoài ra, có thể ăn gừng tươi hoặc ngậm mứt gừng để giúp vùng bụng được ấm.

Massage vùng bụng dưới

Có thể sử dụng tinh dầu hoặc một chút dầu gió, thoa lên bụng dưới, sau đó, nhẹ nhàng dùng tay massage, xoa quanh rốn, bụng dưới để cơn đau được dịu đi.

Ăn trứng gà ngải cứu

Theo Đông y, với mùi thơm, vị đắng và tính ấm, ngải cứu có thể khiến cho kinh nguyệt và khí huyết được điều hòa, rất tốt trong việc giúp giảm đau bụng kinh. Rau ngải cứu có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, kết hợp với trứng gà là cách làm đơn giản và dễ ăn. Vì thế, trong những ngày này, bạn có thể tăng cường sử dụng ngải cứu trong bữa ăn hàng ngày.

Ăn socola

Đây là loại đồ ăn có chứa thành phần endorphine với tác dụng tăng sự hưng phấn, giảm đau, cải thiện cảm xúc. Trong socola đen còn có chứa nhiều magie với tác dụng làm giãn cơ, nhờ vậy mà các cơn đau cũng được dịu đi.

Vận động

Mặc dù khi các cơn đau xuất hiện, chị em thường chỉ muốn nghỉ ngơi, song việc thực hiện các vận động nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe có thể khiến cơn đau giảm. Bên cạnh đó, duy trì tập các môn như yoga, pilates, kegel,... có thể giúp làm nhẹ các triệu chứng khó chịu.

Dùng thuốc

Khi đã thử các biện pháp trên mà cơn đau vẫn không đỡ hoặc với những người đau ở mức trầm trọng, vượt quá sức chịu đựng, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau để khắc phục. 

Việc dùng thuốc để giảm đau cần được hạn chế

Việc dùng thuốc để giảm đau cần được hạn chế

Tuy nhiên, do hầu hết các loại thuốc này đều có thể gây ảnh hưởng không tốt cho dạ dày hoặc một số trường hợp dị ứng với thành phần nhất định nên dùng loại gì, như thế nào cần được bác sĩ hướng dẫn.

Bạn không nên quá lạm dụng hoặc tự ý dùng, có thể gây nên những tác hại cho sức khỏe bản thân.

Có thể nói, đau bụng kinh vốn là biểu hiện rất bình thường và phổ biến ở chị em mỗi khi đến kỳ. Tuy nhiên, nếu những cơn đau diễn ra dữ dội hoặc kéo dài hay đi kèm với một số triệu chứng như: kinh nguyệt bị rối loạn, rong kinh, xuất huyết bất thường hoặc khí hư đổi màu, mùi hôi,... bạn cần đi khám ngay bởi đây có thể là biểu hiện của bệnh lý.

Chị em có thể tham khảo bác sĩ để được khắc phục hiện tượng này hiệu quả

Chị em có thể tham khảo bác sĩ để được khắc phục hiện tượng này hiệu quả

Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp chị em tìm được tư thế giảm đau bụng kinh hiệu quả. Hãy gọi tới số Tổng đài chăm sóc khách hàng của MEDLATEC - 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám nhanh nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.