Tin tức

Cẩm nang bỏ túi dành cho cha mẹ: cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

Ngày 02/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp, dễ biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tâm lý, sức khỏe của trẻ nhỏ, thậm chí có trường hợp còn bị suy giảm khả năng nghe. Biết cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ cha mẹ sẽ giúp con mình tránh được những hệ lụy không đáng có này.

1. Viêm tai giữa là bệnh như thế nào, vì sao trẻ bị viêm tai giữa

1.1. Thế nào là viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh lý viêm và nhiễm trùng phía sau màng nhĩ do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn gây nên tình trạng sưng, đau, sốt và chảy dịch ở tai trẻ. Bệnh phổ biến nhất ở nhóm trẻ em 6 - 36 tháng tuổi.

Viêm tai giữa dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Viêm tai giữa dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Bệnh viêm tai giữa được chia thành 2 loại:

- Viêm tai giữa cấp tính: là kết quả của biến chứng rối loạn chức năng vòi nhĩ do một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên với tác nhân chính là virus và vi khuẩn.

- Viêm tai giữa mạn tính: đây là kết quả của viêm tai giữa cấp tính tiến triển dai dẳng và chảy mủ lâu ngày.

- Viêm tai giữa ứ dịch: niêm mạc tai giữa bị viêm và tiết dịch nhưng dịch lại bị ứ ở sau màng tai chứ không chảy ra ngoài. 

1.2. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa là gì

Muốn tìm ra cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ hiệu quả thì trước tiên cha mẹ cần phải biết nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh lý này. Sở dĩ trẻ em trở thành đối tượng có nguy cơ cao đối với bệnh viêm tai giữa là bởi:

- Hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị vi khuẩn, virus rất tấn công.

- Vòi nhĩ của trẻ ngắn, rộng và nằm ngang hơn người lớn nên dễ bị chất dịch từ cổ họng và tai ngoài đi qua ống tai để vào tai giữa.

- Sữa tràn vào trong tai khi trẻ nằm bú bình.

- Tác động từ các yếu tố bên ngoài như: bụi bẩn, thời tiết, khói thuốc, ô nhiễm không khí,...

- Mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng không được điều trị hiệu quả nên ổ viêm lan sang tai.

-  Là kết quả của đợt viêm nhiễm toàn thân như: cúm, sởi,...

- Chọc ngoáy sâu vào trong tai hoặc bị chấn thương ở tai do xì mũi không đúng cách, hỏa khí,...

- Vòi nhĩ bị viêm tắc hoặc rối loạn chức năng do một số bệnh lý như: ung thư mũi họng, u xơ mũi họng,...

- Dị ứng.

- Bất thường ở sọ mặt.

- Hội chứng Down bẩm sinh.

2. Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

2.1. Duy trì cho trẻ bú sữa mẹ trong 2 năm đầu

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển vững mạnh của hệ miễn dịch ở trẻ. Trẻ được dùng sữa mẹ thời gian càng dài thì càng giảm được nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa,... Tuy nhiên, càng về sau chất lượng sữa mẹ càng giảm và khi trẻ phát triển lớn hơn sẽ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn nên cần cho trẻ tập ăn dặm từ khi 6 tháng tuổi, và sau 2 năm thì thường sữa mẹ sẽ không còn quá cần thiết cho trẻ khi trẻ có thể tự ăn được.

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là một trong những cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ hiệu quả

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là một trong những cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ hiệu quả

2.2. Tạo môi trường sống sạch sẽ

Tạo và giữ một môi trường sống sạch sẽ cũng là cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ rất hiệu quả. Muốn làm được điều này, cha mẹ nên:

- Giữ cho nhà cửa luôn được thông thoáng.

- Lau dọn nhà cửa thường xuyên để giữ vệ sinh thật sạch, nhất là những phòng sử dụng điều hòa.

- Lên lịch định kỳ khử khuẩn cho đồ chơi của trẻ.

- Trồng nhiều cây xanh để trẻ được sống trong bầu không khí tươi mát.

- Hạn chế tiếp xúc với chó mèo, nếu nuôi thì cần dọn dẹp thường xuyên lông động vật bởi nó chính là tác nhân dễ gây kích ứng đường hô hấp.

2.3. Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn lành mạnh

Trẻ nhỏ càng cần được chú ý để có một chế độ ăn uống lành mạnh vì theo thời gian, nó chính là yếu tố quyết định đến sức khỏe của trẻ. Dinh dưỡng lành mạnh giúp tăng cường đề kháng cho trẻ để đánh bay bệnh viêm tai giữa. Để đạt được điều này, cha mẹ hãy lưu ý:

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu viêm tai giữa cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu viêm tai giữa cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời

- Cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy khởi đầu với lượng thức ăn ít sau đó hãy tăng dần lên.

- Nên duy trì cho trẻ ăn 1 loại thức ăn trong 6 ngày liền để xác định tình trạng dị ứng thức ăn của bé, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

- Trẻ lớn cần được đa dạng nguồn thức ăn và cách chế biến để kích thích trẻ thèm ăn, ăn ngon miệng.

- Luôn chú ý tăng cường rau xanh và trái cây, nước ép hoặc sinh tố để đa dạng thực đơn cho trẻ.

2.4. Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh cho trẻ

Có không ít trường hợp trẻ bị viêm tai giữa xuất phát từ những thói quen xấu. Vì thế tạo thói quen tốt là cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ mà cha mẹ không nên bỏ qua. Các thói quen tốt bao gồm:

- Tránh xa các nguồn khói độc hại như khói than, khói thuốc,...

- Khi trẻ đi ra ngoài cần che chắn cẩn thận.

- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ đều đặn.

- Không nên ăn uống ở tư thế nằm.

- Không lặn quá sâu và quá lâu dưới nước.

- Tắm nước ấm.

- Luôn rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi bắt đầu bữa ăn.

- Giữ ấm cổ khi trẻ đi ra ngoài vào lúc thời tiết lạnh giá.

Ở nước ta, bệnh viêm tai giữa rất dễ trở thành dịch trong trường học. Vì thế, cha mẹ cũng nên chú ý phòng ngừa cho trẻ khi đến trường bằng cách tạo cho trẻ môi trường học tập vệ sinh kèm theo chế độ dinh dưỡng khoa học để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Nếu trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với các trẻ mắc bệnh đường hô hấp thì nguy cơ viêm tai giữa cũng rất cao. Do đó, nhà trường và cha mẹ nên kết hợp để tìm ra biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Biết cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ sẽ giúp cha mẹ bớt lo lắng về sức khỏe của con mình đồng thời giúp trẻ tránh được những vấn đề nguy hại đến sức khỏe và cuộc sống. Ngoài việc phòng ngừa, cha mẹ cũng cần ghi nhớ một số dấu hiệu gợi ý viêm tai giữa sau để kịp thời đưa trẻ đi thăm khám và điều trị bệnh từ càng sớm càng tốt, tránh được những biến chứng nguy hiểm:

- Trẻ thường xuyên giật, dụi tai.

- Có biểu hiện đau, chảy mủ ở tai.

- Ấn vào tai hoặc kéo vành tai trẻ thấy trẻ khóc thét lên.

- Trẻ lớn hay kêu đau đầu, khả năng nghe kém.

- Bị đau tai kèm theo sốt cao khó hạ.

- Nôn nhiều kèm đi ngoài nhiều lần trong ngày.

Nếu vẫn còn băn khoăn về cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ, cha mẹ có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hỗ trợ chi tiết và chính xác.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.