Tin tức
Cần làm gì khi bị cường giáp Basedow?
- 17/12/2020 | Bệnh cường giáp có nguy hiểm không và triệu chứng của bệnh?
- 07/01/2021 | Bệnh cường giáp là gì và dấu hiệu điển hình nhận biết
- 22/04/2022 | Cường giáp có nên uống nước dừa không? Người bệnh nên ăn những món nào?
1. Tổng quan về cường giáp Basedow
Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả cường giáp Basedow, trước hết bạn cần nắm rõ những thông tin liên quan đến bệnh lý này.
Cường giáp Basedow là gì?
Bệnh Basedow còn có tên gọi khác là Parry, Graves, được coi là bệnh lý cường giáp phổ biến nhất hiện nay, chiếm đến 90% trường hợp mắc cường giáp. Đối tượng mắc phải căn bệnh này chủ yếu là người trẻ từ 20 - 50 tuổi, phụ nữ có tỉ lệ mắc cao gấp 5 - 10 lần so với nam giới.
Ngoài ra, cường giáp Basedow là một bệnh lý có tình di truyền, vì thế nếu bạn có người thân từng mắc Basedow thì khả năng bạn bị tình trạng này là khá cao. Bên cạnh đó, biểu hiện đặc trưng nhất của Basedow là mắt lồi thấy rõ.
Cường giáp Basedow là bệnh lý khá nguy hiểm, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Phụ nữ có nguy cơ mắc cường giáp basedow cao hơn 5 - 10 lần so với nam giới
Nguyên nhân gây ra cường giáp Basedow
Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu hay tài liệu nào xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra cường giáp Basedow. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một bệnh lý có khả năng di truyền cao (79%). Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh như độ tuổi, giới tính, thể trạng, môi trường sống, chế độ ăn uống,...
Dấu hiệu nhận biết cường giáp Basedow
Bệnh cường giáp Basedow dễ nhận biết bởi các triệu chứng được biểu hiện khá rõ rệt cả ở tuyến giáp và ngoài tuyến giáp.
Ở tuyến giáp, bệnh được biểu hiện bằng các triệu chứng sau:
- Các bướu giáp xuất hiện với tần suất lớn, có kích thước tương đương nhau, khi phát triển có thể chèn ép các bộ phận gần đó.
- Nhịp tim không ổn định, thường xuyên có cảm giác bồn chồn, lo lắng, hồi hộp. Nếu tình trạng bệnh nặng, có thể gây phù phổi, phù chân, suy tim, kích thước gan phát triển.
- Bệnh nhân còn bị run tay kèm theo yếu cơ. Ngoài ra còn có các biểu hiện như tâm trạng bất ổn, thường xuyên cáu gắt, nóng nảy, nói nhiều, giảm khả năng tập trung, khó đi vào giấc ngủ, vận mạch ngoại vi bị rối loạn, sắc mặt lúc đỏ lúc tái nhợt, tăng tiết mồ hôi.
- Nhiệt độ cơ thể thay đổi thất thường, luôn thấy nóng và uống rất nhiều nước, cân nặng giảm sút nhanh chóng.
- Xương khớp gặp các vấn đề như loãng xương, xẹp đốt sống, viêm khớp,...
- Khả năng tiêu hoá suy giảm, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng giảm, dễ giảm cân và khó tăng cân, thỉnh thoảng còn bị buồn nôn, tiêu chảy.
- Rối loạn kinh nguyệt ở chị em phụ nữ, vàng da, rụng tóc, tóc khô xơ.
Còn ở ngoài tuyến giáp, bệnh được biểu hiện bằng các triệu chứng sau:
- Lồi mắt được biểu hiện dưới 2 dạng: lồi mắt giả và lồi mắt thật.
- Dưới đầu gối, mặt trước cẳng chân bị phù niêm, có thể nhìn thấy một đường ranh giới rõ ràng ở vùng bị phù. Vùng da tổn thương có màu hồng, lỗ chân lông to hơn, mồ hôi tiết ra cũng nhiều hơn.
- Đầu ngón tay, ngón chân sưng to, biến dạng.
Mắt lồi là dấu hiệu đặc trưng ở bệnh nhân basedow
2. Cách điều trị cường giáp Basedow
Bệnh cường giáp Basedow có khá nhiều phương pháp điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ cân nhắc là lựa chọn phương pháp phù hợp.
Điều trị nội khoa
Đây là một trong những phương pháp điều trị cường giáp Basedow phổ biến và được ưu tiên thực hiện nhất hiện nay. Điều trị nội khoa phù hợp với tình trạng bệnh nhẹ, tuyến giáp không quá to, chưa có nhân basedow trong bướu, bệnh chưa gây ra bất kỳ biến chứng nào.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân phải có điều kiện để điều trị và theo dõi lâu dài. Thông thường, thời gian điều trị có thể lên tới 12 - 18 tháng. Đổi lại, hiệu quả đạt được khá cao khoảng 60 - 70%.
Phương pháp điều trị nội khoa phù hợp với tình trạng basedow nhẹ
Đối với điều trị nội khoa, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng giáp là PTU, Methimazole, carbimazole. Tuy nhiên, PTU không phù hợp với những bệnh nhân cường giáp Basedow trong điều trị ban đầu.
Xạ trị
Phương pháp này chủ yếu thông qua việc phóng xạ trị iod 131 để làm giảm kích thước bướu và cải thiện tình trạng cường năng tuyến giáp. Những người bị nhiễm độc nặng, kích thước tuyến giáp quá lớn, chèn ép các cơ quan xung quanh gây buồn nôn, nghẹn, sặc thì nên lựa chọn phương pháp này. Còn trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú không khuyến khích thực hiện.
Phẫu thuật
Những người bị nhiễm độc nặng, kích thước tuyến giáp quá lớn, chèn ép và gây ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh, cản trở quá trình ăn uống, hô hấp đã đã điều trị bằng cách uống thuốc hoặc xạ trị không hiệu quả hoặc hiệu quả không đáng kể thì có thể thực hiện phương pháp này.
Nên thực hiện phẫu thuật khi việc uống thuốc và xạ trị không mang lại hiệu quả
Thông qua việc phẫu thuật, phần lớn tuyến giáp sẽ được cắt bỏ, chỉ để lại một phần để thực hiện chức năng sản xuất và điều tiết hormone đến các cơ quan. Mặc dù mang lại hiệu quả điều trị khá cao, nhưng phương pháp này có thể để lại các biến chứng như nhiễm trùng, khàn giọng, hạ canxi máu. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, nguy cơ gặp các biến chứng là rất thấp.
Cường giáp Basedow được đánh giá là một bệnh lý khá nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Vì thế, nếu thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn hãy đến các cơ sở y tế ngay để được can thiệp kịp thời, hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hay có nhu cầu đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC, quý khách vui lòng liên hệ với bệnh viện qua đường dây nóng 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
