Tin tức

Cây sò huyết và những lợi ích y học ít ai biết đến

Ngày 23/10/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây sò huyết thường được biết đến là một loại cây cảnh, trồng nhiều ở công viên, đường phố hoặc dùng để trang trí nhà cửa. Tuy nhiên ít ai biết rằng cây sò huyết cũng là một vị thuốc quý có thể giúp điều trị các loại bệnh lý khác nhau. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm hình thái, dược tính và công dụng của loại cây này, mời quý bạn đọc cùng theo dõi một số thông tin hữu ích trong bài viết sau đây.

1. Đại cương về cây sò huyết

Cây sò huyết hay còn được gọi là cây sò tím, cây lẻ bạn, trong khoa học tên là Tradescantia discolor L’Hér thuộc họ thài lài. Quê hương của cây sò huyết là ở những vùng nhiệt đới Châu Mỹ. 

Chiều cao trung bình của cây thường là từ 30 - 40cm, bẹ lá mọc từ gốc và không phân nhánh. Mặt lá bên dưới của cây sò huyết có màu tía còn mặt trên là màu xanh lục. 

Cây sò huyết ra hoa màu trắng vàng và thường nở rộ khi hè tới. Đây là giống cây thân thảo có ngoại hình đẹp mắt, dễ trồng nên ở Việt Nam thường được dùng để trang trí ở khuôn viên, vệ đường thành phố, trong vườn nhà hay công viên, giúp cảnh sắc thêm phần sinh động và rực rỡ hơn.

Bộ phận được chế biến để làm thuốc của cây sò huyết chính là hoa. Phần lá cũng có công dụng dược liệu nhưng ít được dùng như hoa của loài cây này. 

Vẻ đẹp của cây sò huyết

Vẻ đẹp của cây sò huyết

Thời gian phù hợp nhất để thu hái hoa cây sò huyết đó chính là khi đầu hè. Đó là lúc hoa bắt đầu nở rộ nhưng đôi khi cũng có thể thu hái ngay cả khi đang ở giữa mùa hoặc đã chuyển về cuối vụ. Thu hái xong sẽ cần phải trải qua một số bước sơ chế như đem rửa sạch, dùng hoa tươi hoặc sấy khô, phơi khô, bảo quản trong lọ hũ để sau này dùng dần khi cần thiết.

Cần lưu ý là hoa cây sò huyết sau khi đã được xử lý và phơi khô thì cần phải được đựng ở túi/lọ kín, để ở nơi khô ráo, tránh những chỗ mối mọt hay ẩm ướt. 

2. Thành phần và tác dụng dược lý của cây sò huyết

2.1. Những thành phần hóa học chứa trong cây sò huyết

Trong cây sò huyết có tiết ra một số dược chất với công dụng dược lý như sau:

  • Tinh dầu huile;
  • Chất sáp cires;
  • Tanin;
  • Steroides;
  • Erpenoides;
  • Saponines;
  • Flavonoides;
  • Phenoliques coumpounds;
  • Alcaloides;
  • Carotenoides;
  • Anthocyanes;
  • Oumariniques;
  • Steroidiens.

2.2. Những công dụng dược lý của cây sò huyết

Theo Y học cổ truyền:

Cây sò huyết trong nghiên cứu của Y học cổ truyền được ghi chép lại rằng có công dụng bổ máu, chống ho, giải đờm, lương huyết giải độc, thanh nhiệt nhuận phế.

Chính vì công dụng nêu trên, cây sò huyết thường được sử dụng nhằm điều trị chứng đi ngoài ra máu, tiêu chảy, lao bạch huyết hay bệnh lý đường hô hấp như viêm đường hô hấp, viêm khí quản,...

Theo Y học hiện đại:

Theo Y học hiện đại thì chiết xuất dược tính trong cây sò huyết có khả năng phòng chống vi trùng, chống độc tố và bảo vệ cơ thể người bệnh trước nguy cơ nhiễm trùng hiệu quả. 

Ngoài ra khi sử dụng thành phần nước sắc từ cây sò huyết còn có tiềm năng phòng ngừa hoặc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên tiềm năng này vẫn đang được các chuyên gia nghiên cứu và đánh giá thêm.

Cây sò huyết thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà, công viên hay vệ đường

Cây sò huyết thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà, công viên hay vệ đường 

3. Một số bài thuốc dân gian trị bệnh phổ biến của cây sò huyết 

Ít ai biết rằng bên cạnh công dụng làm cảnh thì cây sò huyết còn được dùng để chữa bệnh cho con người. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian được làm từ cây sò huyết với những công dụng điều trị bệnh lý bạn có thể tham khảo qua:

3.1. Bài thuốc trị ho, cảm sốt từ cây sò huyết

Đây là bài thuốc khá đơn giản. Những gì bạn cần chuẩn bị đó là 15gr lá sò huyết, 10gr kim phượng hoa vàng, 10gr cây chòi mòi. Đem nguyên liệu đi phơi khô, sau đó xắt nhỏ và đun những nguyên liệu này trên bếp cùng 500ml nước. 

Khi nước thuốc sau khi đun sôi còn lại khoảng 100ml thì chia thành 2 lần để uống. Dùng hết trong ngày và nên dùng liên tục trong 5 ngày để đạt hiệu quả. 

3.2. Dùng cây sò huyết chữa viêm phế quản

Đối với bài thuốc này, nguyên liệu bạn cần dùng sẽ là 15gr hoa hoặc lá cây sò huyết được xắt nhỏ, 10gr mật ong hoặc đường phèn. Trước đó lá hoặc hoa sò huyết cần phải được rửa sạch. Bạn đem trộn các nguyên liệu với nhau rồi hấp cách thủy trong khoảng thời gian là 20 phút. Khi hấp xong thì để nguội nước thuốc và uống thành 2 - 3 lần trong ngày.

Ngoài bài thuốc nêu trên, bạn cũng có thể áp dụng 1 bài thuốc khác gồm các nguyên liệu như 5gr vỏ núc nác, 15gr sò huyết. Đem sắc các nguyên liệu này cùng 500ml nước và đun cho tới khi nước cạn còn ¼ bát. Chia thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày.

Hoa của cây sò huyết

Hoa của cây sò huyết

3.3. Cây sò huyết giúp điều trị viêm khí quản cấp

Có 3 cách dùng nguyên liệu từ cây sò huyết để chữa bệnh viêm khí quản cấp đó là:

  • Cách 1: chuẩn bị một chút đường cùng 10gr lá sò huyết tươi. Đem nấu nguyên liệu cùng với nước cho tới khi sôi. Có thể dùng nước này để uống thay nước lọc hàng ngày;
  • Cách 2: 30gr lá sò huyết phơi khô ngoài nắng và dùng lá này để nấu cùng với nước. Tần suất sử dụng nên là 1 lần/ngày, uống trong 1 tuần liên tục để tăng hiệu quả điều trị;
  • Cách 3: đem 40gr lá sò huyết giã nát, hòa tan nguyên liệu với nước rồi chắt bã, lấy nước đó uống.

3.4. Chữa đái ra máu với hoa sò huyết 

Nguyên liệu cần chuẩn bị trong bài thuốc này bao gồm: 

  • Râu ngô, rễ cỏ tranh (mỗi loại 10gr);
  • Rau diếp cá, hoa sò huyết (mỗi loại 15gr);
  • Rau má (30gr);
  • Nước lọc (500ml).

Bỏ những nguyên liệu trên vào nồi và đun với lượng nước đã chuẩn bị, sắc tới khi nước cạn còn hơn nửa thì tắt bếp. Người bệnh gạn lấy phần nước thuốc và uống trong ngày, chia thành 3 lần và uống trước khi ăn. Bài thuốc này nên được áp dụng liên tục trong 5 - 7 ngày.

Trên đây là những thông tin về đặc điểm hình thái, thành phần, tác dụng dược lý và một số bài thuốc trị bệnh từ cây sò huyết. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với bạn. Nhìn chung trước khi sử dụng cây sò huyết hay bất cứ loại thảo dược nào để chữa bệnh thì bạn nên hỏi trước ý kiến của bác sĩ hay thầy thuốc để được hướng dẫn dùng đúng cách, tránh trường hợp xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.