Tin tức

Chấn thương khớp gối - những vấn đề cần chú ý

Ngày 27/09/2016
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Chấn thương gối là một trong những thương tích hay gặp nhất trong thể thao, lao động, sinh hoạt và giao thông. Việc xử trí và điều trị kịp thời sẽ giúp phục hồi chức năng vận động của khớp.



Hình 1. Lược đồ giải phẫu khớp gối 

Khớp gối là một khớp bản lề, lớn nhất cơ thể, nằm ngay dưới da, bao gồm đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chầy và xương bánh chè (Hình 1).

1. Các tổn thương thường gặp trong chấn thương khớp gối


1.1. Đứt dây chằng chéo trước


Tổn thương dây chằng chéo trước thường gặp khi nhảy cao chân tiếp đất trong tư thế không thuận, hoặc xoay người chuyển hướng đột ngột trong khi bàn chân giữ nguyên.

Khoảng 50% số bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối có kèm theo các tổn thương khác như rách sụn chêm, bong sụn khớp, tổn thương các dây chằng khác của khớp (dây chằng chéo sau, dây chằng bên,…).

Tổn thương dây chằng chéo trước với nhiều hình thái: tổn thương không hoàn toàn, tổn thương hoàn toàn hoặc bong chỗ bám, dựa theo mức độ tổn thương của dây chằng và mức độ lỏng gối, người ta chia thành các mức độ sau:


- Độ 1: dây chằng bị giãn, gối còn vững.


- Độ 2: dây chằng đứt một phần, gối bắt đầu mất vững (lỏng gối vừa).


- Độ 3: dây chằng đứt hoàn toàn, gối lỏng lẻo.

Trên thực tế, tổn thường độ 1 thường ít gặp, chủ yếu là tổn thương độ 2 và độ 3.


* Các dấu hiện đứt dây chằng chéo trước

* Sưng và đau vùng gối:

Bệnh nhân có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi chấn thương dẫn đến gối sưng đau và hạn chế vận động. Sau đó tình trạng sưng đau sẽ giảm dần.

• Lỏng gối:

- Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại.

- Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng.

- Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã.

- Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng, dễ có cảm giác trẹo gối.

- Lên cầu thang cảm giác không thật chân, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

• Teo cơ:


Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, do đó chân càng ngày càng yếu, nhất là khi cơ đùi teo nhiều. Teo cơ dễ xảy ra ở những người ít hoạt động như người làm văn phòng, học sinh,… Tuy nhiên với vận động viên thể thao, triệu chứng lỏng gối thường biểu hiện không rõ ràng, vì cơ đùi rắn chắc làm cho gối vững giả tạo mặc dù dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn.

*Các nghiệm pháp giúp chẩn đoán:

Các nghiệm pháp được các bác sĩ chuyên khoa thực hiện giúp chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước như: dấu hiệu Ngăn kéo trước, dấu hiệu Lachman, dấu hiệu Pivot shift đều dương tính.

* Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo trước

Khi dây chằng chéo trước bị đứt có thể dẫn đến hai tổn thương thứ phát là rách sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối.

1.2. Đứt dây chằng chéo sau

Tổn thương dây chằng chéo sau thường gặp trong các trường hợp:

- Lực đập trực tiếp vào đầu trên xương chầy (tai nạn giao thông, chấn thương thể thao);

- Ngã khi gối gấp;

- Cú sút mạnh nhưng hụt bóng.


Biều hiện lâm sàng tổn thương dây chằng chéo sau:


Giống với biểu hiện lâm sàng của tổn thương dây chằng chéo trước, như sưng và đau ngay sau chấn thương, lỏng gối, teo cơ. Chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo sau trên lâm sàng dựa vào nghiệm pháp ngăn kéo sau.


Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo sau:

Cũng giống như tổn thương dây chằng chéo trước, hậu quả của tổn thương dây chằng chéo sau nếu không được phục hồi dễ gây tổn thương sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối về sau. Tuy nhiên, sự phiền toái trên lâm sàng không lớn như tổn thương dây chằng chéo trước.

1.3. Tổn thương chằng bên trong

Dạng cẳng chân quá mức, thường liên quan đến cơ chế vặn xoắn, gây nên tổn thương của một phần hoặc hoàn toàn dây chằng bên chày. Có thể bong điểm bám đùi hoặc điểm bám chày của dây chằng.

Biểu hiện triệu chứng:

- Đau thường xuất hiện ở mặt trong khớp gối. Trường hợp tổn thương nặng, có thể có tràn dịch khớp gối. Khớp gối có thể bị yếu ở vị trí tổn thương dây chằng.

LƯU Ý:

Khi chỉ có tổn thương dây chằng đơn thuần, chụp X quang khớp gối thường không phát hiện ra.  

- Khớp gối nên được bất động bằng nẹp hoặc ống bột.

- Đứt hoàn toàn dây chằng bên chày có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc bó bột trong khoảng 6 tuần. Tổn thương dây chằng bên chày thường phối hợp với các tổn thương khác như tổn thương sụn chêm trong, tổn thương dây chằng chéo trước hoặc hoặc vỡ mâm chày ngoài.

1.4. Tổn thương dây chằng bên ngoài

-  Đau và yếu có thể xuất hiện ở mặt ngoài của khớp gối. Tụ máu trong khớp gối có thể có.

- Chụp Xquang gối có thể thấy bong điểm bám của dây chằng vào chỏm xương mác.

- Điều trị đứt bán phần dây chằng bên ngoài tương tự như điều trị đứt bán phần dây chằng bên trong. Nếu đứt hoàn toàn dây chằng bên mác, phẫu thuật tái tạo là cần thiết. Sau phẫu thuật chân được bất động trong 6 tuần với bột đùi cẳng bàn chân.

1.5. Tổn thương sụn chêm

- Là tổn thương hay gặp nhất ở khớp gối trong chấn thương thể thao (cầu thủ bong đá), ngoài ra khá thường gặp do tai nạn giao thông.

* Biểu hiện lâm sàng của tổn thương sụn chêm

- Đau khe khớp khi ấn ngón tay vào khớp gối.

- Tràn dịch khớp gối, dấu hiệu kẹt khớp, tiếng lục khục trong khớp khi vận động, teo cơ tứ đầu đùi khi tổn thương kéo dài.

1.6. Tổn thương sụn khớp

- Nguyên nhân là do lực tác động từ bên ngoài lên mặt khớp quá nhanh làm bong, vỡ sụn, hoặc do gối xoay và chịu sức nặng lớn, đột ngột. Tổn thương sụn khớp lớn, mảnh sụn có thể tạo thành dị vật khớp, gây kẹt khớp.

- Triệu chứng của tổn thương sụn khớp gần giống với tổn thương sụn chêm: đau khi cử động và chịu tỳ ở gối, sưng, kẹt khớp, tiếng lục cục trong khớp.

2. CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH TRONG CHẤN THƯƠNG GỐI

Sau một chấn thương khớp gối, bệnh nhân cần làm gì để giúp chẩn đoán?

2.1. Chụp phim Xquang quy ước



Ngay sau chấn thương, bệnh nhân nên chụp phim Xquang quy ước, hai tư thế thẳng và nghiêng để đánh giá tình trạng xương, có bong chỗ bám dây chằng chéo không, có nứt, rạn hay gãy mâm chầy, lồi cầu đùi hay không, khớp có bình thường không.

2.2. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Nên chụp cộng hưởng từ sau khi tình trạng gối đã hết phù nề và không còn máu tụ trong khớp (thường sau chấn thương 2-3 tuần).

Trên phim cộng hưởng từ sẽ giúp chúng ta thấy rõ được tình trạng tổn thương các dây chằng chéo, sụn chêm, tình trạng sụn khớp, các dây chằng bên trong, bên ngoài và các bất thường khác của phần mềm vùng gối.

3. Hướng điều trị các tổn thương trong chấn thương khớp gối

* Xử trí ban đầu

- Ngay sau chấn thương, gối đang đau và sưng nề, việc cần làm là bất động gối bằng bột hoặc bằng nẹp.

- Chườm đá vùng trước gối trong 2-3 ngày đầu.

- Uống thuốc giảm đau, giảm phù nề và nghỉ ngơi.

- Gối bất động trong 2-3 tuần.

Khi có tràn máu khớp gối, thường máu tự tiêu, không cần thiết chọc hút máu khớp gối, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp.

* Điều trị bảo tồn

Đứt dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau cũng như phần lớn rách sụn chêm đều không có khả năng tự liền, do vậy phần lớn các tổn thương đều phải phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có tuổi, người ít hoạt động có thể điều trị bảo tồn. Bất động nẹp hoặc bột trong 3 tuần, sau đó tập phục hồi chức năng lấy lại biên độ khớp và tăng cường sức mạnh cho cơ, tránh teo cơ.

* Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật khi tình trạng gối đã hết sưng nền, biên độ khớp gối tốt. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc về nội soi, tất cả các tổn thương từ dây chằng chéo đến sụn chêm đều được tiến hành bằng nội soi, mang lại kết quả rất tốt.

• Chỉ định phẫu thuật:

- Tổn thương dây chằng chéo trước độ 2 và độ 3.

- Tổn thương dây chằng chéo sau làm khớp gối mất vững.

- Tổn thương sụn chêm (bệnh nhân có đau hoặc kẹt khớp).

- Tổn thương sụn khớp đến xương dưới sụn, tạo dị vật khớp, có đau, kẹt khớp.

* Tập luyện (Áp dụng cho cả bệnh nhân phẫu thuật và không phẫu thuật)

Các bài tập phục hồi chức năng nhằm mục đích tăng sức mạnh cho cơ đùi, duy trì biên độ khớp gối.

Nếu bệnh nhân có phẫu thuật, phục hồi chức năng chú trọng đầu tiên là việc lấy lại biên độ của khớp và sau đó là tập cơ đùi và cơ quanh khớp. Các bài tập tiếp theo sẽ tăng dần theo thời gian liền gân và ổn định của mảnh ghép.

4. Dự phòng chấn thương khớp gối

- Đề cao an toàn khi tham gia giao thông, thực hiện tốt nguyên tắc an toàn lao động.

- Đối với vận động viên thể thao chuyên nghiệp, khởi động đủ, đúng trước khi tham gia thi đấu. Hạn chế va chạm ở tư thế bất lợi.

- Đối với người chơi thể thao không chuyên, cần tập luyện đều đặn, tránh bị động trong các tình huống va chạm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.