Tin tức

Chì (Pb): một kim loại nặng, có khả năng gây độc đối với tất cả các cơ quan của cơ thểngười

Ngày 18/06/2016
 PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật

                                                                                Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Chì (Lead) là một kim loại nặng, được ký hiệu là Pb (chì theo tiếng Latin là Plumbum), có thể gây nhiễm độc cho người, đặc biệt là cho trẻ em. Xét nghiệm liên quan đến chì là kẽm-protoporphyrin.

1. Sinh học của chì


Nhiễm độc chì đang ngày càng gia tăng

Khi bị nhiễm vào cơ thể người, 90% chì gắn vào các hồng cầu, lắng đọng trong xương dưới dạng chì phosphate và được chuyển hóa tương tự như con đường chuyển hóa canxi. Chì có tác dụng ức chế enzyme porphobilinogen synthaseferrochelatase, ngăn cản sự tạo thành porphobilinogen và sự gắn của sắt vào protoporphyrin IX, bước cuối cùng của sự tổng hợp heme của hemoglobin. Điều này làm cho sự tổng hợp heme kém hiệu quả và gây thiếu máu hồng cầu nhỏ (microcytic anemia) (Cohen AR 1981 [2]). Ở mức độ thấp hơn,  chì tác động tương tự như canxi, gây cản trở sự dẫn truyền thần kinh, là một trong số các nguyên nhân cản trở nhận thức. Nhiễm độc chì cấp có thể được điều trị bằng disodium calcium edetate: sự tạo phức với canxi của muối disodium của ethylene-diamine-tetracetic acid (EDTA). Chất tạo phức này có ái lực với chì lớn hơn với canxi nên sự tạo phức với chì sẽ chiếm ưu thế, chất tạo phức với chì sẽ được đào thải ra nước tiểu . Khoảng 10% chì tồn tại dưới dạng ion và được bài tiết qua nước tiểu và phân trong thời gian vài tuần sau khi bị phơi nhiễm.

Khi bị hít hay nuốt phải, sự nhiễm độc chì có thể ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống cơ quan của cơ thể như hệ thần kinh, nội tiết, tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu, sinh sản, phát triển và xương khớp. Ngay cả ở các nồng độ thấp, chì cũng có thể gây ra những tổn thương không thể đảo ngược nhưng có thể không biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Ở trẻ sơ sinh, chì có thể gây suy giảm vĩnh viễn nhận thức, rối loạn hành vi và chậm phát triển. Sự phơi nhiễm với chì có thể gây suy nhược, thiếu máu, buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày, suy thận, hệ thần kinh, rối loạn chức năng sinh sản. Chì có thể được truyền từ mẹ sang thai và có thể gây sẩy thai hoặc đẻ non.

Trong quá khứ, chì đã được sử dụng trong các loại sơn, xăng dầu, đường ống nước và các sản phẩm gia dụng khác như đồ chơi trẻ em. Sơn tường có chì có thể gây ô nhiễm chì trong nhà và môi trường xung quanh nhà. Theo Cục An toàn nghề nghiệp và sức khỏe Hoa Kỳ (Occupational Safety and Health Administration: (OSHA), giới hạn mức độ chì cho phép tiếp xúc ở nơi làm việc là 0,005 mg/m3 không khí trong 8 giờ/ ngày. Ở mức độ chì 100 mg/m3 không khí, chì gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự sống ngay lập tức (Angier N 2010 [1]).

2. Sự sử dụng xét nghiệm chì


Xét nghiệm chì trong máu và một số xét nghiệm lâm sàng giúp nhận biết mức độ nhiễm độc chì

Xét nghiệm chì trong máu được sử dụng để đánh giá nồng độ chì trong máu tại thời điểm lấy mẫu, để đánh giá mức độ gây độc của chì, đồng thời cũng để theo dõi hiệu quả điều trị nếu lượng chì trong máu giảm theo thời gian.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (The Centers for Disease Control and Prevention: CDC), Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics: AAP), ngưỡng an toàn của chì trong máu trẻ em đã được giảm từ mức độ 25 mg/ dL  (1991) xuống 10 µg/ dL (1997) và xuống còn 5 µg/ dL (tháng 5 năm 2012).

Chì trong máu còn được sử dụng để theo dõi nhiễm độc chì mạn tính ở công nhân làm việc trong môi trường có chì. Đôi khi, xét nghiệm kẽm protoporphyrin (ZPP) cũng được sử dụng kèm theo do ZPP trong máu sẽ tăng khi chì bắt đầu ảnh hưởng đến sự sản sinh hồng cầu.

3. Chỉ định

3.1. Chỉ định xét nghiệm chì để sàng lọc nhiễm độc chì:

3.1.1. Chỉ định để sàng lọc nhiễm độc chì ở trẻ em:

- Để sàng lọc nhiễm độc chì ở trẻ em, nếu nghi ngờ bị phơi nhiễm với môi trường, nước uống hoặc đồ chơi nhiễm chì, đặc biệt là các trẻ từ 1 đến 2 tuổi.

- Để quản lý trẻ em có nồng độ chì trong máu cao: xét nghiệm chì trong máu được khuyến cáo chỉ đinh bất cứ khi nào mức độ chì trong máu của trẻ cao hơn 5 µg/ dL. Những trẻ có nồng độ chì dai dẳng trên 15-19 µg/ dL (cao liên tục trong 3 tháng trở lên) và đối với những trẻ có xét nghiệm chì ban đầu lớn hơn 20 µg/ dL thì cần đánh giá môi trường xung quanh nhà của chúng để xác định nguồn gốc của sự phơi nhiễm với chì.

3.1.2. Chỉ định để sàng lọc nhiễm độc chì ở người lớn:

- Xét nghiệm chì trong máu có thể được chỉ định để sàng lọc sự nhiễm độc chì của các công nhân làm việc trong môi trường có khả năng ô nhiễm chì nhưluyện nhôm, mạ chì, sửa chữa ô tô, xây dựng, sản xuất sơn có chì, đồ gốm hoặc xăng dầu. Các thành viên trong gia đình họ cũng có thể được chỉ định xét nghiệm chì vì chì có thể thể bám trên quần áo của họ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ngưỡng an toàn của chì trong máu người lớn là ≤ 25 µg/ dL. Nếu một công nhân có chì trong máu > 40 µg/ dL thì xét nghiệm chì nên được thực hiện hai tháng một lần cho đến khi hai xét nghiệm đầu liên tiếp cho thấy một mức độ chì trong máu < 40 µg/ dL. Nếu mức độ chì cao hơn thì cần giám sát chặt chẽ hơn.

3.2. Chỉ định xét nghiệm chì để chẩn đoán nhiễm độc chì:


Một trường hợp bị nhiễm chì nặng ở trẻ em(ảnh: nguồn internet)

Đối với cả trẻ em và người lớn, xét nghiệm chì có thể được chỉ định khi các triệu chứng của một người gợi ý có khả năng nhiễm độc chì. Những triệu chứng không đặc hiệu và có thể đặc hiệu bao gồm mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, buồn nôn, khó chịu ở dạ dày kéo dài, nhức đầu, run, giảm cân, rối loạn thần kinh ngoại biên, thiếu máu, suy giảm sinh dục, bệnh não, mất trí nhớ, co giật và hôn mê. Nhiều trẻ không có triệu chứng lâm sàng ở khi phơi nhiễm với chì nhưng tổn thương thực thể vẫn có khả năng xảy ra. Xét nghiệm đánh giá phơi nhiễm với chì cần được xem xét ở trẻ em có biểu hiện chậm tăng trưởng, thiếu máu, mất ngủ, mất thính giác, lời nói, ngôn ngữ hoặc sự chú ý bị bất thường.

4. Giá trị tham chiếu

Mức độ chì trong máu người khỏe mạnh và các mức độ ngộ độc chì được thể hiện ở bảng 1.

Bảng 1. Mức độ chì trong máu người khỏe mạnh và các mức độ ngộ độc chì (Dandnup T 1993 [3], Tagán JE 1994 [5].

TT

Xét nghiệm chì

Nồng độ chì (µg/ dL)

Bình thường

Có thể dung nạp

Tăng

Nhiễm độc

1

Máu toàn phần

5-27

< 70

70-100

> 100

2

Hồng cầu

12-45

 

 

 

3

Nước tiểu/ 24 giờ

0,3-1,8

< 15

15-25

> 25

5. Ý nghĩa lâm sàng

Mức độ chì trong máu không nhất thiết phản ánh tổng lượng chì trong cơ thể, bởi vì khi bị phơi nhiễm với chì, chì di chuyển từ phổi hoặc đường ruột vào máu, đến các cơ quan, sau đó dần dần bị loại trừ khỏi máu và các cơ quan và được lưu trữ trong các mô như xương và răng. Sự nguy hiểm mà một mức độ chì nhất định thể hiện phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của người bị nhiễm, lượng chì bị phơi nhiễm và thời gian phơi nhiễm với các mức độ chì cao.

Sự phơi nhiễm với chì là tốt cho bất kỳ ai nhưng trẻ em dễ bị tổn thương hơn. Các quốc gia chỉ cho phép mức độ chì trong máu trẻ dưới 10 mg/ dL vào năm 2010. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy có thể không có bất kỳ mức độ chì nào an toàn cho trẻ em, ngay cả mức độ chì cực kỳ nhỏ trong một thời gian dài vẫn làm suy giảm nhận thức ở trẻ (Needleman HL 1990 [4]). Vì vậy, tháng 5 năm 2012, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã giảm ngưỡng mức độ chì an toàn trong máu cho trẻ em từ 10 µg/dL xuống 5 µg/dL.

Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ không mang thai, mức dưới 25 µg/ dL thường được coi là chấp nhận được. Nếu một công nhân có mức độ chì trên 40 µg/ dL thì phải được ngừng tiếp xúc với chì cho đến khi mức độ chì trong máu giảm xuống dưới 40 µg/ dL. Sự cách ly khỏi môi trường nhiễm chì cũng cần thiết nếu người công nhân có biểu hiện triệu chứng nhiễm độc chì ở bất kỳ mức độ chì máu dưới 70 µg/ dL. Do chì có khả năng qua máu đến thai nhi nên phụ nữ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với chì để duy trì một mức độ chì máu dưới 10 µg/ dL và càng gần bằng 0 càng tốt để có thể bảo vệ thai nhi đang phát triển một cách bình thường.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng một đứa trẻ với một lượng chì > 45 µg/ dL nên được điều trị bằng succimer ở bệnh viện trừ khi bệnh nhân bị bệnh não. Bất kỳ mức độ chì máu nào > 70 µg/ dL, cho dù ở trẻ em hay người lớn, đều nên được coi là một cấp cứu lâm sàng.

Bất cứ một trẻ có nồng độ chì trong máu tăng cần phải đánh giá tình trạng nhiễm chì trong nhà hoặc môi trường xung quanh. Những người khác tại nơi cư trú cũng cần phải được xét nghiệm chì máu. Nếu không loại trừ hoặc làm giảm nguồn chì gây phơi nhiễm từ môi trường, mức độ chì trong máu tăng lại có thể tái diễn.

Một số điều cần chú ý

Ngộ độc chì gây hại nhiều hơn cho trẻ em vì bộ não và các cơ quan khác của trẻ đang phát triển. Người lớn có xu hướng phục hồi do nhiễm chì đường tiêu hóa tốt hơn so với trẻ em. Vì vậy, trẻ có thể có nguy cơ nhiễm độc chì cần được sàng lọc càng sớm càng tốt.

Chì cản trở sự hấp thu sắt, vì vậy trẻ có nồng độ chì trong máu tăng nên được xét nghiệm sắt để đánh giá sự thiếu hụt sắt.

Mỗi người có khả năng thải trừ chì khác nhau nên kết quả xét nghiệm chỉ thể hiện một phần của nhiễm độc chì, vì vậy, để chẩn đoán mức độ nhiễm độc chì, việc kết hợp xét nghiệm và thăm khám lâm sàng là cần thiết.

                                                                   Kết luận

1. Chì là một kim loại nặng, có thể gây nhiễm độc cho người, đặc biệt cho trẻ em. Xét nghiệm liên quan đến chì là kẽm-protoporphyrin.

2. Xét nghiệm chì máu hoặc nước tiểu được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán mức độ nhiễm độc chì ở trẻ em hoặc người lớn có nguy cơ phơi nhiễm với chì.

3. Xét nghiệm chì máu hoặc nước tiểu được chỉ định để sàng lọc và chẩn đoán mức độ nhiễm độc chì ở trẻ em hoặc người lớn có hoặc không có triệu chứng nhưng nghi ngờ bị phơi nhiễm với chì.

4. Ngưỡng an toàn của chì trong máu cho trẻ em là <5 µg/dL, ở người khỏe mạnh là < 25 µg/dL và ở phụ nữ có thai là < 10 µg/dL.

5. Khi mức độ chì máu > 40 µg/ dL thì cần phải ngừng tiếp xúc với chì, còn khi mức độ chì máu> 70  µg/ dL thì cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

                                                                  Tài liệu tham khảo

1. Angier N. The Pernicious Allure of Lead. New York Times. Retrieved 7 May 2010.

2. Cohen AR, Trotzky MS, Margret S. Reassessment of microcytic Anemia of Lead Poisoning. Pediatrics 1981; 67(6): 904-906.

3. Dandnup T, Franke JP, eds. Urinary metal screening in acute poisonings. Clinico-Toxicological Analysis 1993; XXII: 16-21.

4. Needleman HL, Schell A, Bellinger D, Leviton A, Allred EN. The long-time effects of exposure to low doses of lead in childhood. An 11-year follow-up report. New England Journal of Medicine 1990; 322 (2): 83-88.

5. Tagán JE, Granadillo VA, Romero RA. Electrothermal atomic absorption: spectrometric detemination of Al, Cu, Fe, Pb, V and Zn in clinical samples and certfied environmental reference materials. Anal Chim Acta 1994; 295: 187-197.

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.