Tin tức

Chụp MRI mất bao lâu?

Ngày 22/02/2022
KTV Nguyễn Trọng Khánh
MRI – Cộng hưởng từ là một trong những phương pháp Chẩn đoán hình ảnh hiện đại và tiên tiến bậc nhất cho đến thời điểm hiện tại. Được phát minh từ những năm thập niên 80, MRI đã nhanh chóng chứng tỏ là một công cụ đắc lực giúp các bác sĩ có thể khảo sát chi tiết giải phẫu của hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể người, từ đó chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
  1. Cộng hưởng từ (MRI) là gì?

Chụp cộng hưởng từ  - MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. MRI không giống như Chụp Xquang và Chụp cắt lớp vi tính, phương pháp này không sử dụng tia X và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người chụp, vì thế MRI được sử dụng phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Máy chụp Cộng hưởng từ là một thiết bị tuyệt vời. Cùng với phần mềm thuật toán, máy MRI có thể cung cấp những hình ảnh đa lớp cắt, đa chiều về hầu hết tất cả các cơ quan bộ phận trong cơ thể con người, đặc biệt là những mô mềm (não, mạch máu, dây thần kinh, tủy sống, dây chằng, gân cơ…), phát hiện được những tổn thương dù là rất nhỏ mà các phương pháp thông thường khác không thể tìm ra.

Tuy nhiên, MRI vẫn còn một vài điểm hạn chế như thời gian chụp chưa nhanh (trung bình từ 15-20p cho một bộ phận), có tiếng ồn, không gian chụp hẹp và kín, chống chỉ định chụp với những bệnh nhân đã từng phẫu thuật cấy ghép những thiết bị ngoại vi nhạy cảm với từ trường (van tim nhân tạo, máy trợ tim, khớp nhân tạo,…) và những bệnh nhân khó hợp tác, không nằm im bất động trong suốt quá trình chụp.

Máy Cộng hưởng từ GE Signa 1.5T tại Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ

2. Thời gian chụp Cộng hưởng từ

Vậy một lần chụp MRI trung bình hết bao lâu? Tại sao người kia được chụp lâu còn chụp cho tôi thì nhanh vậy? Đó là những câu hỏi thường thấy trước cửa phòng chụp. Trên thực tế, thời gian chụp MRI là không cố định, điều này phụ thuộc vào 3 yếu tố: Bộ phận cần chụp, Chẩn đoán bệnh và Sự hợp tác của người bệnh

  • Bộ phận chụp. Một MRI Protocol (trình chụp được cài đặt sẵn) của một bộ phận được cấu thành bởi nhiều xung khác nhau. Mỗi xung có một mức tín hiệu riêng, tạo nên đặc điểm hình ảnh riêng, đặc trưng cho từng cấu trúc nhu mô, từng bộ phận khác nhau trong vùng cần chụp.

Vì bản chất và cách tạo ảnh của mỗi xung là khác nhau nên thời gian chụp của mỗi xung cũng khác nhau. Có những xung chụp chưa đến 1 phút, nhưng có những xung đặc biệt thời gian chụp lên đến 20 phút 1 lần chụp.

Thông thường, thời gian chụp trung bình của từng bộ phận tại Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ như sau:

  • Sọ não-mạch não: 10-15p
  • Cột sống (cổ, ngực, thắt lưng): 10-15p
  • Ổ bụng: 20-25p
  • Tiểu khung: 20p
  • Các khớp: 15p
  • Toàn thân: 40-50p

MRI sọ não thường có thời gian chụp nhanh hơn so với MRI ổ bụng

Chẩn đoán bệnh là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian chụp MRI. Những xung thông thường trong Protocol phục vụ chẩn đoán các bệnh lí thường gặp như thoát vị đĩa đệm, đứt dây chằng, phù nề, viêm nhiễm,….. Nhưng đối với những trường hợp có bệnh lí phức tạp hơn như chẩn đoán U, Chẩn đoán phân biệt u lành tính – u ác tính, Xung đột thần kinh mạch máu,…. Các bác sĩ, KTV chụp sẽ sử dụng thêm những xung đặc biệt, chuyên dụng để chẩn đoán những bệnh lí trên. Thậm chí, trong quá trình chụp có thể phát hiện thêm tổn thương trong bộ phận chụp, ảnh hưởng trực tiếp tới hướng chẩn đoán và điều trị, các bác sĩ có thể hội chẩn, đưa ra chẩn đoán mới, yêu cầu chụp thêm xung ngay khi người bệnh vẫn còn đang nằm trên bàn chụp. Vì vậy, thời gian chụp có thể bị tăng lên so với dự tính ban đầu.

Đối với những chẩn đoán bệnh cần có sự hỗ trợ của thuốc đối quang từ, Protocol chụp sẽ có thêm một vài xung dành riêng cho những chỉ định có tiêm thuốc để các bác sĩ có thể so sánh hình ảnh trước tiêm và sau khi tiêm thuốc, từ đó xác định được chính xác tính chất, đo được kích thước chính xác của tổn thương. Thông thường, đối với những chỉ định tiêm thuốc đối quang từ, ca chụp sẽ bị kéo dài thêm 10-15 phút.

Hình ảnh Mri sọ não trước tiêm (bên trái) và sau tiêm thuốc (bên phải)

  • Sự hợp tác của người bệnh là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp tới thời gian chụp MRI của người đó. Trước khi bắt đầu chụp MRI, nhân viên y tế sẽ luôn hướng dẫn bạn phải luôn nằm im, bất động hoặc thậm chí phải hít thở ra sao trong suốt quá trình chụp.

Người bệnh phải nằm im, bất động trong suốt quá trình chụp MRI

Lí giải cho điều này, cơ chế tạo ảnh của MRI khác hoàn toàn so với chụp XQ hay cắt lớp vi tính. Khi mỗi xung đang vận hành, người bệnh phải nằm im, bất động bộ phận đang chụp hoặc phải hít thở theo nhịp phù hợp thì hình ảnh mà máy MRI mang lại mới có chất lượng như mong muốn. Cho dù chỉ là một cử động nhỏ nhất cũng có thể gây nhiễu ảnh, giả ảnh, khiến các bác sĩ khó có thể quan sát được tổn thương, thậm chí ko thể chẩn đoán được. Khi đó, KTV sẽ phải chụp lại xung bị nhiễu và người bệnh sẽ mất thêm thời gian nếu không chịu hợp tác trong quá trình chụp.

Chính vì vậy, MRI thường không được chỉ định cho những ca cấp cứu, trẻ em, hoặc những người mất năng lực kiểm soát hành vi.

Nhiễu ảnh do người bệnh lắc đầu trong lúc chụp

3. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến thời gian chụp MRI

Ngoài 3 nhân tố chính có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giời gian chụp MRI, vẫn còn một số nguyên nhân có thể khiến thời gian chụp MRI của bạn trở nên chậm trễ hoặc thậm chí không thể tiến hành

  • Chuẩn bị người bệnh luôn là bước quan trọng trước khi vào chụp MRI để có thời gian chụp nhanh nhất, không xảy ra trục trặc, rủi ro hoặc tai nạn trong quá trình chụp. Trước khi vào phòng chụp MRI, hãy nhớ những nguyên tắc sau đây:

+ Chắc chắn rằng bạn chưa từng phẫu thuật cấy ghép các thiết bị ngoại vi có khả năng nhiễm từ trước đó như van tim nhân tạo, máy trợ tim, máy tạo nhịp tim nhân tạo, khớp nhân tạo,….. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Máy MRI là một cục nam châm khổng lồ với từ trường cực lớn, có khả năng hút chặt các vật dụng bằng kim loại có từ tính, làm hỏng các thiết bị điện tử

+ Nếu bạn là người mắc hội chứng sợ không gian kín (Claustrophobia) như thang máy, tàu điện ngầm, phòng bé,…..thì bạn không nên chụp MRI. Vì máy MRI cũng là 1 không gian kín, nếu bạn mặc hội chứng này chắc chắn bạn sẽ không thể nằm im, bất động trong quá trình chụp

+ Tháo rỏ ra khỏi người tất cả các vật dụng bằng kim loại và đồ điện tử như trang sức, đồng hồ, chìa khóa, điện thoại, cặp tóc, răng giả, máy trợ thính, thắt lưng da,…

Bảng báo hiệu trước cửa phòng MRI

+ Mặc trang phục thoải mái, dễ vận động vì khi phải bước vào một không gian kín như máy MRI và phải bất động trong khoảng thời gian khá lâu, những bộ đồ rườm rà, bó sát rất có thể sẽ gây cản trở lưu thông máu, khiến cho người bệnh có cảm giác tê bì, khó chịu, ức chế

+ Đi vệ sinh trước khi vào chụp MRI là điều cần làm bởi vì thời gian chụp khá lâu và tư thế phải bất động. Người bệnh sẽ rất khó chịu khi phải nhịn đi vệ sinh trong trường hợp này

+ Nên nhịn ăn hoặc không nên ăn no trước khi chụp MRI để giúp cơ thể có cảm giác thoải mái vì đa số các tư thế chụp là nằm ngửa. Không những thế, nếu có chỉ định tiêm thuốc, ăn no cũng là yếu tố gây nguy hiểm vì tác dụng phụ của thuốc đối quang từ có thể khiến người bệnh buồn nôn và nôn . Lúc này, thức ăn vẫn còn trong dạ dày có thể trào ngược lên khí quản lúc bạn đang nằm ngửa, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng

  • Chất lượng hình ảnh thường tỉ lệ thuận với thời gian chụp, nghĩa là thời gian chụp càng lâu thì chất lượng ảnh càng cao. Tuy nhiên trong một số trường hợp điều này chưa chính xác. Các KTV vận hành máy MRI cùng với sự trợ giúp của các phần mềm thuật toán AI có thể tinh chỉnh các thông số chụp của mỗi xung sao cho rút ngắn thời gian nhất có thể mà vẫn giữ được chất lượng hình ảnh tuyệt vời, không bỏ xót tổn thương. Đặc biệt hiện nay rất nhiều máy chụp MRI được cài đặt trí thông minh nhân tạo AI có khả năng xử lý hình  ảnh tuyệt vời đồng thời rút ngắn thời gian chụp. Chính vì thế, thời gian chụp MRI càng ngày càng được cải thiện, đem lại sự thoải mái và hài lòng cho người bệnh.

Tóm lại, chụp cộng hưởng từ - MRI là phương pháp tân tiến, hiện đại cung cấp hình ảnh chân thực rõ nét nhất về giải phẫu cơ thể bạn, từ đó các bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị bệnh một cách chính xác và nhanh chóng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thời gian chụp MRI

Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ là một trong ba cơ sở khám chữa bệnh hiện đại của hệ thống Medlatec tại Hà Nội, được trang bị máy Cộng hưởng từ Signa Explorer 1.5T của hãng GE (Mỹ), cùng với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, đảm bảo có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật chụp Cộng hưởng từ, mang đến cho người bệnh trải nghiệm chu đáo và an tâm nhất.

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng gọi cho chúng tôi qua số điện thoại 1900565656 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời nhé.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.