Tin tức

Đau dạ dày khi mang thai - nỗi ám ảnh khôn nguôi

Ngày 24/05/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mang thai là một quá trình tương đối vất vả đối với người phụ nữ, đặc biệt, với những ai bị đau dạ dày khi mang thai thì thời gian này thực sự sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Vậy lý do nào khiến mẹ bầu bị đau dạ dày, triệu chứng của bệnh ra sao, làm cách nào để đối phó với bệnh,...

1. Lý giải nguyên nhân khiến thai phụ bị đau dạ dày

Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng không hiếm gặp ở thai phụ, xuất phát từ các nguyên nhân;

- Ốm nghén

Ba tháng đầu thai kỳ thai phụ dễ bị ốm nghén với triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, nó có thể tác động đến hoạt động tiêu hóa, khiến cho dạ dày bị kích thích co bóp quá mức nên tăng tiết dịch vị và đau.

Sự giãn nở của tử cung là một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng đau dạ dày khi mang thai

Sự giãn nở của tử cung là một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng đau dạ dày khi mang thai

- Bất ổn nội tiết tố

Do thai kỳ nên hormone progesterone ở người phụ nữ có chiều hướng tăng đột ngột. Loại hormone này có vai trò nuôi dưỡng thai nhi trong tử cung và hạn chế nguy cơ sảy thai nhưng việc nó tăng lên bất thường lại dễ làm cho nhu động ruột giảm, tăng áp lực ổ bụng và kích thích dạ dày. Hệ quả từ đó là dạ dày có xu hướng bài tiết dịch vị nhiều hơn, co bóp quá mức và đau.

- Sự giãn nở của tử cung

Trong suốt thời kỳ mang thai, tử cung của người phụ nữ sẽ giãn nở để đủ không gian cho thai nhi phát triển và trở thành tác nhân làm tăng áp lực ổ bụng, khiến ống hậu môn và dạ dày bị kích thích. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều mẹ bầu bị đau dạ dày.

- Thói quen ăn uống

Dạ dày và hệ tiêu hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của thói quen ăn uống. Nếu số lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn của thai phụ tăng đột ngột, ăn quá nhiều trái cây có vị chua, sử dụng chất kích thích, thường xuyên ăn đêm,… thì cũng dễ bị đau dạ dày.

- Căng thẳng thần kinh

Do lo lắng về quá trình mang thai, nội tiết tố bất ổn nên nhiều thai phụ trở nên nhạy cảm hơn, dễ căng thẳng từ đó làm tăng áp lực lên dây thần kinh não - ruột. Kết quả của nó là tình trạng đau dạ dày khi mang thai do dạ dày co bóp, nhu động ruột giảm và dạ dày bài tiết axit quá mức.

2. Chỉ điểm triệu chứng đau dạ dày khi mang thai

Hầu hết các thai phụ bị đau dạ dày sẽ có các triệu chứng sau:

- Ợ chua và ợ hơi

Gần như người đau dạ dày nào cũng có hiện tượng này. Nguyên nhân của nó là do luồng hơi từ lượng thức ăn bị tích trữ lâu ngày trong dạ dày trào ngược lên thực quản và qua khoang miệng để gây ợ đi ra ngoài. Khi đau dạ dày nặng, luồng hơi ấy còn mang theo dịch vị acid trong dạ dày nữa.

- Buồn nôn và nôn

Thai phụ bị đau dạ dày sẽ rất dễ nhầm lẫn triệu chứng này với hiện tượng ốm nghén. Nhưng, đau dạ dày khi mang thai có khác với ốm nghén ở chỗ nôn ra nước hoặc thức ăn, thậm chí nôn nhiều còn gây mất nước và tụt huyết áp.

3 tháng đầu thai kỳ, nhiều thai phụ nôn dữ dội do đau dạ dày

3 tháng đầu thai kỳ, nhiều thai phụ nôn dữ dội do đau dạ dày

- Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa do đau dạ dày khi mang thai được biểu hiện qua việc đại tiện có máu. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm nên mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay.

- Đau thượng vị

Nếu có cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau tức ở vùng bụng kèm cảm giác nóng rát từ trên rốn đến mũi xương ức thì đây có thể là triệu chứng của bệnh đau dạ dày.

- Chướng bụng

Do dạ dày bị tổn thương nên quá trình tiêu hóa thức ăn kém đi, thức ăn bị tồn đọng trong dạ dày lâu ngày nên dạ dày bị ách tắc và thai phụ có cảm giác chướng bụng.

3. Hướng xử trí với bệnh đau dạ dày khi mang thai

3.1. Thời điểm mẹ bầu nên gặp bác sĩ

Đa phần các trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai sẽ thuyên giảm sau 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc sau khi có sự thay đổi về lối sống một cách khoa học. Tuy nhiên, nếu có những hiện tượng sau thì mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay:

- Nôn mửa kéo dài.

- Cơn đau dạ dày kéo dài và có xu hướng nặng hơn về tần suất lẫn mức độ.

- Nôn ra máu hoặc bã màu cà phê.

- Đại tiện có máu.

- Sụt cân nhanh trong thời gian ngắn, cơ thể xanh xao.

- Các triệu chứng đau dạ dày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống và giấc ngủ.

3.2. Phương pháp khắc phục tình trạng đau dạ dày trong thời gian mang thai

Để khắc phục tình trạng đau dạ dày khi mang thai, mẹ bầu có thể áp dụng một số phương pháp sau:

Tập yoga giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau dạ dày

Tập yoga giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau dạ dày

- Điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý

Dinh dưỡng tốt không chỉ bảo vệ và tốt cho sự phát triển của em bé trong bụng mà còn giúp mẹ bầu giảm đau dạ dày. Muốn được như vậy, mẹ bầu nên:

+ Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không để rơi vào tình trạng quá no hay quá đói.

+ Ăn đồ mềm, nhai kỹ.

+ Cố gắng ăn đồ luộc nhiều hơn đồ xào, chiên.

+ Nói không với chất kích thích.

+ Hạn chế tối đa thực phẩm giàu axit, đồ cay nóng.

+ Ăn nhiều hải sản, nhất là các loại hải sản chứa kẽm để vừa giúp nhanh chóng làm lành vết loét dạ dày vừa bổ sung dưỡng chất cho thai nhi.

+ Sau khi ăn không nằm ngay, không vận động mạnh.

- Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và vận động khoa học

Vận động, nghỉ ngơi và sinh hoạt khoa học cũng sẽ giúp mẹ bầu giảm đau dạ dày. Nếu thấy đau dạ dày thì mẹ bầu nên thay đổi thói quen trong sinh hoạt, vận động và nghỉ ngơi hàng ngày bằng cách:

+ Cố gắng duy trì ngủ đủ 8 tiếng/ngày, không dậy trước 5h sáng và đi ngủ sau 22h.

+ Dành thời gian để nghe nhạc, xem hài, giúp tinh thần được thư giãn thoải mái.

+ Tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng.

+ Nằm ngủ nghiêng về bên trái nhiều hơn kết hợp kê đầu và chân để máu lưu thông, giảm trào ngược axit dạ dày và giảm đau đớn.

Hầu hết các trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi nhưng nếu nó kéo dài và trở nên trầm trọng hơn thì tốt nhất mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng can thiệp phù hợp. Nếu cần tới hỗ trợ về y tế, mẹ bầu chớ quên liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giúp đỡ chính xác, hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.