Tin tức

Dây thần kinh quay là gì? Biện pháp điều trị bệnh thần kinh quay

Ngày 29/06/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Dây thần kinh quay giữ nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống thần kinh của cơ thể con người. Nó có chức năng đem lại cảm giác và vận động ở tay, nhờ đó chúng ta có thể cảm nhận được các kích thích tác động lên tay và cử động được bộ phận này. Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta có thêm các kiến thức hữu ích về dây thần kinh quay và bệnh lý có thể gặp phải ở dây thần kinh này.

1. Cấu tạo và chức năng của dây thần kinh quay

Dây thần kinh quay giữ vị trí chủ đạo ở cánh tay, nối dài từ hõm nách xuống phần khuỷu tay và sau đó phân ra thành nhiều nhánh nhỏ. Nó có chức năng chi phối, điều khiển cử động và đem lại cảm giác cho bàn tay, cẳng tay và toàn bộ vùng cánh tay. Các vùng cảm giác do dây thần kinh quay chi phối nằm ở nửa ngoài mu bàn tay và mặt sau cánh tay. Nhờ chức năng này, chúng ta mới có thể thực hiện được các thao tác cầm nắm, gấp duỗi, chỉ trỏ và cảm nhận được tác động ngoại lực ở các ngón tay và cánh tay. 

Như vậy dây thần kinh quay sẽ đảm nhiệm 2 chức năng chính đó là chức năng vận động và chức năng cảm giác ở tay. Cụ thể như sau:

1.1. Chức năng cảm giác

Dây thần kinh quay sẽ phân thành 4 nhánh để phát triển cảm giác ở cánh tay trên:

  • Nhánh thần kinh dưới da cánh tay;
  • Nhánh thần kinh dưới da bên cánh tay;
  • Nhánh thần kinh sau cẳng tay;
  • Nhánh thần kinh nằm ở vị trí đầu hay cuối các dây thần kinh quay.

Nhờ có các nhánh thần kinh này truyền tín hiệu đến thần kinh trung ương, cơ thể mới cảm nhận được các loại cảm giác mà chi trên tiếp nhận. Ở những bệnh nhân gặp phải các vấn đề về thần kinh quay thường sẽ bị ngứa ran hay tê bì ở mu bàn tay.

Mô phỏng vị trí dây thần kinh quay

Mô phỏng vị trí dây thần kinh quay

1.2. Chức năng vận động

Đối với chức năng vận động thì cần đến sự hỗ trợ của các dây thần kinh quay ở cẳng tay sau và cơ cánh tay sau. Dây thần kinh quay ở những vị trí này sẽ giúp chống đỡ cẳng tay, mở rộng các ngón tay và khớp cổ tay.

2. Khái niệm và nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh quay

Bệnh thần kinh quay là hiện tượng dây thần kinh quay bị tổn thương do chèn ép, chấn thương hoặc các nguyên nhân khác gây ra. Điều này dẫn đến tình trạng dây thần kinh quay bị mắc kẹt tại một vị trí, ví dụ như phần trên cẳng tay hoặc phía dưới khớp khuỷu tay. Các nguyên nhân dưới đây có thể dẫn đến bệnh thần kinh quay bạn cần cảnh giác:

  • Chấn thương: gãy xương cánh tay, trật khớp khuỷu tay, tổn thương hõm nách;
  • Dây thần kinh quay bị chèn ép do các tư thế không thích hợp như đè ép tay, gác tay trong khi ngủ,...;
  • Mảnh xương gãy hay dị vật khiến dây thần kinh quay bị đứt;
  • Nếu đối tượng mắc bệnh thần kinh quay là trẻ nhỏ thì phần lớn là do bẩm sinh trẻ có tư thế bất thường khi còn trong bụng mẹ hoặc trong quá trình sinh nở trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay; 
  • Các vấn đề tại bao hoạt dịch ở khớp khuỷu tay: u nang bao hoạt dịch, viêm nhiễm cấp tính, túi hoạt dịch bị giãn rộng;
  • Ngộ độc chì.

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh thần kinh quay nhưng những đối tượng như bệnh nhân bị tiểu đường, người hay bị chấn thương ở tay, mắc bệnh suy thận hoặc vận động cánh tay gắng sức,... thì có nguy cơ bị bệnh thần kinh quay cao hơn so với người bình thường.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh thần kinh quay

Các triệu chứng của bệnh thần kinh quay chủ yếu là liên quan đến chức năng cảm giác và chức năng vận động của cánh tay và bàn tay:

  • Người bệnh bị đau dọc theo vị trí phân bố và đường đi của dây thần kinh quay;
  • Khó khăn trong việc gấp hay duỗi cánh tay, ngón tay và bàn tay;
  • Tê rần, dị cảm, giảm cảm giác tại mu bàn tay;
  • Ngón tay cái bị khép không chủ đích, các ngón tay khác không thể gấp lại tối đa, bàn tay ở tư thế rủ cò;
  • Da mỏng, phù mu bàn tay, bàn tay teo nhỏ, teo các cơ ở những vị trí dây thần kinh quay chi phối.

Bệnh lý thần kinh quay sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến cảm giác và vận động ở tay

Bệnh lý thần kinh quay sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến cảm giác và vận động ở tay

4. Những cách giúp khắc phục bệnh lý thần kinh quay 

Mục tiêu của việc điều trị bệnh thần kinh quay đó là khôi phục khả năng vận động và chức năng cảm giác của vùng tay bị tổn thương. Ngoài việc điều trị triệu chứng của bệnh thì cũng cần phải chú trọng giải quyết nguyên nhân gây bệnh.

Những trường hợp bệnh nhẹ thì vị trí tay bị tổn thương sẽ dần tự hồi phục theo thời gian. Còn đối với những bệnh nhân bị chấn thương hoặc chèn ép dây thần kinh thì phương pháp phẫu thuật thường sẽ được chỉ định để giải phóng dây thần kinh quay khỏi tình trạng bị chèn ép hoặc nối lại dây nếu không may bị đứt do chấn thương. 

Bệnh nhân bị bệnh thần kinh quay nên tập luyện các bài tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng vận động của bàn tay và cánh tay. Biện pháp này đòi hỏi bệnh nhân cần có sự kiên trì, chăm chỉ thực hiện hàng ngày cho tới khi cơ thể đã phát triển những sợi thần kinh mới thay thế cho những sợi đã bị mất đi. Vật lý trị liệu sẽ giúp hồi phục các cơ và nhờ đó khả năng vận động của bệnh nhân cũng được cải thiện đáng kể. 

Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý tới các tư thế sinh hoạt và vận động cần được thực hiện sao cho đúng cách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng bàn tay và cánh tay, đồng thời phòng tránh nguy cơ tái phát bệnh. Thói quen ăn uống và sinh hoạt cũng cần được thay đổi theo hướng tích cực hơn:

  • Ăn uống đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất tốt cho hệ thần kinh;
  • Không sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn hay chất kích thích vì sẽ làm ngộ độc các tế bào thần kinh;
  • Tuân thủ chặt chẽ chế độ tập luyện cũng như các hướng dẫn chăm sóc tại nhà do bác sĩ tư vấn.
  • Theo dõi và tái khám nếu có triệu chứng bất thường xảy ra.

Hãy tránh xa rượu bia trong quá trình điều trị bệnh thần kinh quay

Hãy tránh xa rượu bia trong quá trình điều trị bệnh thần kinh quay

Dây thần kinh quay nắm giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin, bộc lộ cảm giác và điều khiển vận động của chi trên. Nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra đối với dây thần kinh quay thì những chức năng này của hai tay sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Do đó bạn nên chú ý bảo vệ hai tay trong những hoạt động sinh hoạt hàng ngày để tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc làm tổn thương dây thần kinh quay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.