Tin tức

Đừng chủ quan khi có triệu chứng khó thở, mệt mỏi

Ngày 21/08/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Sự xuất hiện lặp lại, có tính chất kéo dài của các cơn khó thở sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là mệt mỏi, khó chịu. Hai triệu chứng này thường xuất hiện đồng thời, có thể là tín hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hại cho sức khỏe. Vậy khó thở,  mệt mỏi có thể liên quan tới bệnh lý gì, dưới đây, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời.

1. Khó thở, mệt mỏi có thể liên quan đến những bệnh lý nguy hiểm

Người ta thường miêu tả hiện tượng khó thở khi bỗng nhiên cần rất nhiều sức lực để hít vào, hơi thở ngắn, có cảm giác như ngực đang bị đè chặt. mệt mỏi tức là khi cơ thể trở nên uể oải, kiệt sức, thiếu sức sống.

Hiện tượng mệt mỏi, Khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hại cho sức khỏe, tuyệt đối không được chủ quan:

khó thở, mệt mỏi

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ khiến người bệnh bị khó thở, mệt mỏi

- trào ngược dạ dày, thực quản

Người bị bệnh lý này thường xuyên gặp triệu chứng ợ hơi, nóng rát, nuốt vướng,... Không những thế, bệnh còn tạo cảm giác bị chèn ép, đau thắt ngực, hụt hơi, khó thở,… Bệnh có liên quan mật thiết với tình trạng tâm lý mệt mỏi, căng thẳng.

- Suy giáp 

Nhiệm vụ của hormone tuyến giáp là làm tăng hoạt động tế bào đồng thời chuyển hóa glucid, lipid để cơ thể có năng lượng hoạt động. Với người bị suy giáp, hormone tuyến giáp sẽ bị rối loạn nên cơ thể thường xuyên thiếu năng lượng, khó thở, mệt mỏi

- Suy thận mạn

Suy thận mạn gây nên các triệu chứng: tay chân phù nề, mệt mỏi, khó thở, huyết áp cao, ăn không ngon, da sạm màu,...

- Rối loạn thần kinh thực vật

Bệnh lý này khiến cho chức năng của mọi cơ quan bị đảo lộn. Nó gây nên những triệu chứng khó hiểu ở nhiều bệnh nhân như: lo lắng, sợ hãi, khó thở, mệt mỏi, mất ngủ,... Thường thì các trường hợp mắc bệnh này đều không tìm ra nguyên nhân nên việc điều trị chủ yếu là theo triệu chứng và số đông sẽ khỏi bệnh sau 2 - 3 năm.

- Tràn dịch màng phổi

Chất dịch tích tụ trong màng phổi khiến cho người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở, nhất là khi nằm xuống. Bên cạnh đó, họ cũng cảm thấy đau ngực bên lá phổi tràn dịch, sốt cao, chán ăn, mệt mỏi và suy kiệt.

- Khí phế thũng

Khi mắc bệnh này, thì thở ra sẽ trở nên khó khăn vì các phế nang của phổi hay bị căng giãn nên mất khả năng đàn hồi. Triệu chứng này đặc biệt trở nên trầm trọng hơn khi phải gắng sức làm gì đó, mang vác vật nặng,... Người bệnh cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi do ho kéo dài, ăn không ngon,...

khó thở, mệt mỏi

Tiếp xúc với chất dị ứng khiến người bệnh hen suyễn khó thở và mệt mỏi

- Hen suyễn

Ban đầu người bị hen suyễn sẽ bị khó thở, mệt mỏi khi họ tiếp xúc với chất dị ứng hay lao động quá sức nhưng hiện tượng này sẽ ngày càng tăng dần tần suất cũng như mức độ nên bệnh nhân luôn phải có thuốc xịt bên người.

- Bệnh về tim

Các bệnh lý tim mạch như: hẹp van tim, suy tim,... khiến cho máu không cung cấp đủ tới não và các cơ quan khác nên người bệnh cũng dễ bị mệt mỏi, khó thở.

2. Biện pháp khắc phục 

2.1. Nguyên tắc xử trí

Muốn khắc phục triệu chứng khó thở, mệt mỏi trong khâu xử trí khi gặp tình trạng này cần đảm bảo các nguyên tắc:

- Giảm ho, long đờm (nếu có), phục hồi chức năng hô hấp.

- Ngăn ngừa sự tái phát triệu chứng và biến chứng.

- Bảo vệ niêm mạc đường thở trước sự tấn công của các tác nhân gây hại, cũng như quá trình xơ hóa, tái lại cấu trúc của bộ phận này. Một khi niêm mạc đường thở cải thiện tái cấu trúc, trở nên mềm mại và đàn hồi tốt hơn thì hoạt động trao đổi khí sẽ diễn ra bình thường, cơ thể đào thải hết CO2 và được cung cấp đủ O2 trở nên khỏe mạnh không còn mệt mỏi nữa.

2.2. Biện pháp khắc phục

Mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây nên triệu chứng mệt mỏi, khó thở ở mỗi người không giống nhau, vì thế, phương pháp khắc phục cũng sẽ có sự khác nhau:

- Nếu chỉ ở mức độ nhẹ, tần suất ít thì có thể không phải do bệnh lý, chỉ cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, dần dần tình trạng này sẽ cải thiện. Khi cơn khó thở đến, hãy thả lỏng người, ngồi thẳng dậy để cảm thấy dễ chịu hơn.

- Nếu hiện tượng khó thở, mệt mỏi lặp lại thường xuyên với tần suất cao thì tốt nhất người bệnh nên gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này. Hơn ai hết, chính bác sĩ sẽ là người cho bạn có được lời khuyên tốt nhất.

khó thở, mệt mỏi

Thăm khám bác sĩ là việc cần làm để tìm ra nguyên nhân gây khó thở

- Một số biện pháp hỗ trợ khác có thể thực hiện như:

+ Tập thể dục đều đặn với các bài tập vừa sức để nâng cao sức đề kháng, cải thiện hô hấp.

+ Thư giãn bằng cách suy nghĩ tích cực, đọc sách, nghe nhạc,... để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

+ Bổ sung dinh dưỡng bằng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất cũng được xem là giải pháp hạn chế bệnh tim mạch rất tốt. Ngoài ra, bổ sung vitamin và khoáng chất cũng là việc cần làm để tránh mệt mỏi.

Thực ra, mệt mỏi, khó thở là cái vòng luẩn quẩn của nhau. Khó thở kéo dài, lồng ngực như bị đè nén, bóp nghẹt, quá trình hô hấp bị thiếu dưỡng khí sinh ra mệt mỏi, khó chịu. Mặt khác, mệt mỏi trong thời gian dài lại tạo cơ hội cho các tác nhân có hại tấn công cơ thể gây viêm nhiễm và xuất hiện các cơn khó thở. Đây chính là vòng tròn lặp đi lặp lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh. 

Hầu hết các trường hợp bị khó thở, mệt mỏi là do bệnh lý hô hấp. Tuy nhiên, còn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm là căn nguyên sinh ra tình trạng ấy. Vì thế người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, cần đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời để tránh những hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Mong rằng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên đây có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý liên quan đến sự xuất hiện của triệu chứng khó thở, mệt mỏi để không chủ quan với sức khỏe của mình. Nếu còn thắc mắc nào khác, các bạn có thể liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC bằng kiến thức chuyên môn sâu rộng của mình, đảm bảo sẽ giúp bạn có được những giải đáp cặn kẽ và lời khuyên hữu ích.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.