Tin tức

Gai cột sống: nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh hiệu quả

Ngày 11/07/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Theo thống kê trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, số lượng người mắc bệnh gai cột sống đang ngày một gia tăng. Người bệnh hoàn toàn không được chủ quan trước bệnh lý này bởi nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. 

1. Bệnh gai cột sống là gì?

Tuy là một trong những bệnh lý khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh gai cột sống. Đây là bệnh lý liên quan đến xương khớp, các gai xương được hình thành khi có quá nhiều canxi lắng đọng trong cơ thể. 

Gai cột sống

Gai cột sống là bệnh hình thành do tình trạng canxi lắng đọng quá nhiều trong cơ thể

Ngoài ra, quá trình hình thành bệnh cũng có thể là do tác động của các chấn thương vùng sụn khớp như chấn thương dây chằng hay thoái hóa cột sống. Trong trường hợp, gai xương thường xuất hiện ở đĩa sụn hoặc ở hai bên của đốt sống,...

Thông qua quá trình tìm hiểu về bệnh này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng gai cột sống thường xuyên xuất hiện ở các vị trí như cột sống cổ hay vùng cột sống thắt lưng. Bên cạnh đó, một số vị trí khác cũng có thể xuất hiện gai cột sống như cột sống ngực, tuy nhiên khá hiếm. 

2. Những vị trí nào có thể xảy ra gai cột sống?

Như đã đề cập đến ở trên,  vùng cột sống cổ và cột sống thắt lưng thường gặp phải hiện tượng này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn gây trở ngại trong sinh hoạt thường ngày. 

2.1. Gai đốt sống cổ 

Triệu chứng điển hình ở những bệnh nhân bị gai đốt sống cổ chính là cảm giác đau ở vùng chẩm sau gáy. Tình trạng đau nhức này có thể kéo dài trong nhiều ngày và tiến triển nghiêm trọng hơn khi cảm giác đau lan sang cả những vùng khác như xương bả vai hoặc tê bì cánh tay. 

Gai cột sống

 Gai đốt sống cổ có triệu chứng điển hình là đau nhức vùng chẩm sau gáy 

Sinh hoạt thường ngày của người bệnh sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng nếu bệnh gai đốt sống cổ không được điều trị sớm. Cụ thể như tình trạng tê cánh tay làm hạn chế vận động của người bệnh. Thông thường, phần lớn các trường hợp mắc bệnh gai đốt sống cổ là bị gai đốt sống C5, C6.

2.2. Gai cột sống lưng

Cột sống thắt lưng của con người có cấu tạo gồm 5 đốt, cụ thể được kí hiệu lần lượt là L1, L2, L3, L4 và L5. Trong đó, L4 và L5 là vị trí đốt sống thường được phát hiện bị gai cột sống lưng nhất. 

Các triệu chứng thường gặp ở người bị gai cột sống lưng như: bất ngờ đau vùng thắt lưng nhưng cảm giác này nhanh chóng biến mất, sau đó cơn đau lại ập đến mỗi khi bạn vận động mạnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân cảm giác đau không chỉ xuất hiện ở lưng mà còn xuống hông, mông hoặc có thể là cổ chân,...

3. Nguyên nhân gì dẫn đến các bệnh lý về xương khớp?

Trên thực tế, các bệnh lý về xương khớp, nhất là bệnh gai cột sống có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, một số nguyên nhân chính gây bệnh có thể kể đến như:

3.1. Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Thao tác vận động không đúng cách hoặc vận động mạnh trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính hình thành bệnh gai cột sống. Nguy cơ mắc bệnh cao đối với những người luyện tập thể dục thể thao không đúng tư thế hoặc người hay lao động nặng quá sức. Các đối tượng này thường xuyên phải cúi người hoặc khom lưng khiến cho cột sống bị chèn ép, dẫn đến hình thành các gai xương. 

Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy một tỉ lệ không nhỏ những nhân viên văn phòng mắc bệnh này. Lý giải cho điều này là bởi họ ít vận động, thường xuyên phải ngồi tại một vị trí, lâu dần tạo ra nhiều cơn đau nhức và hình thành các gai đốt sống. 

Gai cột sống

Nhân viên văn phòng có tỷ lệ mắc bệnh gai cột sống không hề nhỏ  

Ngoài ra, việc lạm dụng các chất kích thích cũng là yếu tố làm thúc đẩy quá trình hình thành bệnh. Những người sử dụng nhiều chất kích thích liên tục mà lại ít vận động sẽ rất dễ bị thoái hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho gai cột sống xuất hiện. 

3.2. Do các bệnh lý liên quan đến xương khớp

Bệnh gai cột sống cũng có nguy cơ cao xuất hiện ở những người có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến xương khớp. 

Đặc biệt là ở những bệnh nhân mắc thoái hóa cột sống lâu ngày cũng rất dễ hình thành các gai xương bởi tình trạng lắng đọng canxi ở các khớp. Cùng với đó sẽ diễn ra hiện tượng mất nước ở các sụn khớp làm suy giảm hoạt động của cột sống, khiến cho người bệnh cảm thấy kém linh hoạt hơn so với bình thường, các động tác di chuyển chậm. 

Bên cạnh những yếu tố kể trên, gai cột sống cũng có thể hình thành do một số nguyên nhân khác như: chấn thương nặng do tai nạn, thừa cân béo phì tạo nhiều áp lực lên khung xương,... 

Gai cột sống

 Thừa cân béo phì cũng có thể là nguyên nhân hình thành gai cột sống

4. Cách phòng tránh và ngăn ngừa bệnh gai cột sống hiệu quả

Có thể nói, các bệnh lý liên quan đến xương khớp không ít thì nhiều đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh, khiến cho việc di chuyển, vận động gặp nhiều khó khăn hơn. Cũng bởi thế mà mắc bệnh là điều mà không ai mong muốn. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa được bệnh gai cột sống hiệu quả?

Một trong những biện pháp đầu tiên chính là phải vận động đúng tư thế, đồng thời hạn chế làm việc quá sức, việc nặng liên tục trong thời gian dài. Đặc biệt, đối với những người làm việc văn phòng thì khi ngồi nên tránh để gập cổ hoặc gù lưng, thỉnh thoảng nên kết hợp vận động nhẹ nhàng hoặc thay đổi tư thế để tránh đau mỏi. 

Ngoài ra, chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao cũng là cách rất hiệu quả để giúp duy trì bộ xương chắc khỏe và một cơ thể dẻo dai. Tuy nhiên, khi tập bạn cần lưu ý thực hiện đúng cách, đúng tư thế các môn thể thao như chạy bộ, yoga, bơi lội,...

Gai cột sống

Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao giúp ngăn ngừa gai cột sống hiệu quả 

Cuối cùng, mỗi ngày sau khi làm việc mệt mỏi, bạn nên dành ra một chút thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi và thư giãn. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gai cột sống mà còn giúp cơ thể có thời gian phục hồi và làm việc tốt hơn vào ngày hôm sau. 

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về bệnh gai cột sống. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu cần tư vấn, vui lòng liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ và giải đáp. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.