Tin tức

Giải đáp tọa đàm trực tuyến: phát hiện và điều trị các bệnh liên quan dị ứng

Ngày 13/05/2020
Ban biên tập
Hàng trăm câu hỏi của khán giả về chủ đề dị ứng gửi đến đã được các chuyên gia giải đáp trong buổi tọa đàm online số 4 “PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LIÊN QUAN DỊ ỨNG” diễn ra tối ngày 08/05 do Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức.

Với mong muốn cung cấp kiến thức sức khỏe bổ ích cho người dân để chủ động phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh, tiếp nối thành công của các chương trình tọa đàm trước, chương trình lần này được tổ chức để giải đáp các thắc mắc của khách hàng với sự tham dự của 2 chuyên gia đó là:

- PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội; Tổng Thư ký Hội Hen, Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (MDLS) thành phố Hà Nội; Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - (MDLS) Bệnh viện Bạch Mai; Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dị ứng - MDLS, Trường ĐHY Hà Nội; Chuyên gia Miễn dịch - Dị ứng BVĐK MEDLATEC.

- BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Chương trình: tọa đàm online số 4 “PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LIÊN QUAN DỊ ỨNG”

Chương trình: tọa đàm online số 4 “PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LIÊN QUAN DỊ ỨNG”

Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức so với bình thường đối với những chất dị nguyên từ môi trường vào: bụi nhà, nước hoa, phấn hoa, nọc ong, lông thú cưng, côn trùng, đồ ăn, một số hóa chất khác… thậm chí là thuốc.

Tình trạng dị ứng có thể biểu hiện ở rất nhiều nơi trên cơ thể như: da, mắt, đường hô hấp, đường tiêu hóa… và càng gia tăng khi xã hội phát triển thì môi trường cũng bị thay đổi, ô nhiễm. Chính điều đó làm cho phản ứng của cơ thể đối với các dị nguyên cũng thay đổi theo.

Theo thống kê, các bệnh thuộc lĩnh vực dị ứng có nhiều, như: viêm mũi dị ứng, hen phế quản (hen suyễn), viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, mày đay, hồng ban đa dạng, hội chứng Lyell, hội chứng steven johnson,… Hầu hết các bệnh này đều gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, công viêc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, một số bệnh còn có tính chất gia đình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong gia đình có 1 người mắc hen thì có 20% nguy cơ con cái mắc bệnh; 2 người mắc hen thì có 40% nguy cơ con họ mắc hen.

Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh? Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh ra sao? Dị ứng liệu có chữa được dứt điểm hay không? Trong số hàng trăm câu hỏi của độc giả gửi trực tiếp tới chương trình, Ban tổ chức xin tổng hợp những câu hỏi được quan tâm nhiều nhất cùng lời giải đáp của chuyên gia. Hy vọng qua đây mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để giúp phòng tránh bệnh hiệu quả, cũng như có thái độ xử trí đúng đắn khi không may mắc bệnh, từ đó kiểm soát được bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Câu hỏi: Hiện nay, có rất nhiều những nguyên nhân dẫn đến các bệnh liên quan đến dị ứng vậy có phương pháp hay kĩ thuật hiện đại nào giúp chúng ta có thể nhận biết hay tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và cách điều trị bệnh?

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn: Như chúng ta đã biết 1 bệnh nhân bị mắc các bệnh viêm mũi dị ứng gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh với các triệu chứng mũi đặc trưng: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi kéo dài.

Viêm mũi dị ứng mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nhưng nếu không điều trị tốt thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi nguy hiểm hơn sẽ biến chứng xuống phổi, phế quản gây hen phế quản. Do vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi tốt nhất nên đến gặp bác sỹ để điều trị càng sớm càng tốt.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học thì vấn đề tìm ra các loại dị nguyên gây dị ứng là rất dễ dàng. Có thể chỉ trong một lần xét nghiệm tìm ra được hàng trăm tác nhân dị ứng để phòng tránh.

Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong số ít bệnh viện ngoài công lập đầu tiên tại miền Bắc đã xác định được panel 60 dị nguyên bao gồm có nhóm các chất gây dị ứng do thức ăn, do các yếu tố môi trường bên ngoài. Xét nghiệm này khá đơn giản chỉ cần lấy máu xét nghiệm và lấy vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Khi người bệnh có triệu chứng nào về dị ứng thì có thể gọi điện đến tổng đài 1900 565656 của bệnh viện để được tư vấn hoặc lấy máu xét nghiệm.

Khách hàng lấy mẫu làm xét nghiệm panel 60 dị nguyên để chẩn đoán dị ứng tại MEDLATEC

Khách hàng lấy mẫu làm xét nghiệm panel 60 dị nguyên để chẩn đoán dị ứng tại MEDLATEC

 

Câu hỏi: Có thể nói các bệnh về dị ứng gây ra rất nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Xin hỏi PGS. TS. BS Nguyễn Văn Đoàn, xin BS có thể cho biết vai trò trong việc chẩn đoán các bệnh dị ứng?

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn: Để chẩn đoán một bệnh dị ứng chung có rất nhiều vấn đề.

1. Trước hết, phải khai thác tiền sử ở trong gia đình của bệnh nhân bởi bệnh dị ứng là bệnh có liên quan đến cơ địa và gia đình nhiều hơn. Có thể nói rằng bệnh từ viêm da cơ địa có thể khoảng 40% chuyển sang viêm mũi dị ứng và cũng từ khoảng 40% viêm mũi dị ứng sẽ chuyển sang hen phế quản, nghĩa là nó có nhiều yếu tố liên quan và ảnh hưởng với nhau.

Tiền sử của bản thân người bệnh đối với một bệnh, một yếu tố nào đó.

- Người bệnh đó vừa rồi có tiếp xúc với dị nguyên hay không qua đường thở, qua đường ăn uống, qua tiếp xúc hoặc dùng thuốc để chữa bệnh.

- Thời gian tiếp xúc với dị nguyên;

- Sau khi tiếp xúc với dị nguyên thì xảy ra những tình trạng bất thường gì trên cơ thể? (Những dấu hiệu bất thường trên cơ thể sau khi tiếp xúc với dị nguyên). Điều này có thể thể hiện ở ngoài da, hô hấp, tiêu hóa…

Khi đã khai thác xong tiền sử bệnh nhân người ta khai thác thêm cả về gia đình. Trong một gia đình thường khai thác thế hệ ông bà, bố mẹ, bệnh nhân, con cái. 80% các bệnh dị ứng là mang yếu tố cơ địa gia đình. Khai thác tiền sử xem trong gia đình có ai tiếp xúc với dị nguyên mắc bệnh như vừa biểu hiện rồi của bệnh nhân hay không? Hoặc có thể mắc các bệnh như là dị ứng với thức ăn, thuốc, môi trường, mỹ phẩm, hóa chất hoặc đã từng mắc các bệnh dị ứng khác xảy ra ở trong gia đình như viêm mũi, hen phế quản, viêm da cơ địa.

2. Khám lâm sàng

Các bác sỹ cần rất lưu ý bằng việc khám lâm sàng

Kiểm tra đáng giá bằng trao đổi, khám trực tiếp giữa thầy thuốc với người bệnh: ví dụ như 1 người bệnh để phát hiện bị viêm mũi dị ứng thì sẽ được nội soi để đánh giá cuốn mũi, niêm mạc có bất thường gì hay không. Hoặc 1 người bị hen phế quản bác sỹ cần nghe có tiếng khò khè, tiếng rít và tiếng ngáy hay không. Hoặc trên da của bệnh nhân dị ứng cần xem biểu hiện tổn thương da, có loét, nổi sần, nổi cục, mày đay.

Nhịp tim, huyết áp. Tiêu hóa có biểu hiện đi ngoài bất thường, phân, nước tiểu ra sao, thay đổi lâm sàng khác

3. Xét nghiệm có rất nhiều yếu tố đánh giá

- Viêm mũi dị ứng: Bạch cầu ái toan trong đờm, trong máu. Dùng panel dị nguyên để thử xem dị ứng với cái gì

- Dị ứng thuốc: Sau thơi gian đó làm xét nghiệm như test da, phản ứng trong phòng xn invitro (IgE có tăng hay không, đặc hiệu với dị nguyên đó không) hay một số khác còn cần thêm giải phẫu bệnh các điều khiện khác đánh giá bằng xét nghiệm

Bác sĩ Sơn tổng kết lại để chẩn đoán phát hiện 1 bệnh dị ứng có 3 vấn đề rất quan trọng không được bỏ qua:

- Khai thác tiền sử;

- Khám và đánh giá lâm sàng;

- Làm một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xem nguyên nhân dị ứng là gì?

Câu hỏi: Từ tết ra cháu bị thấy ngứa về đêm, đổi chỗ ngủ vẫn bị. Khoảng 2 tiếng thì lại hết. Sau đó cháu có đi khám và được bác sĩ kê thuốc Tocimat 180 mg uống 1 viên. Giờ thì cứ hơn ngày ko uống là người phát ngứa mần rộp thành từng tảng. BS tư vấn giúp cháu cần điều trị như nào ạ.

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn:

Bệnh dị ứng chia làm 2 loại: Có nguyên nhân và không có nguyên nhân (có nhiều lý do tác động đến để xuất hiện).

Biểu hiện của bệnh nhân là hàng ngày, bị ngứa về đêm, có nhiều yếu tố: sẩn ngứa, mày đay, viêm da, chàm thì mới có biểu hiện như vậy. Cùng với biểu hiện thường xuyên liên tục người ta lại chia thành cấp tính hay mạn tính.

- Nếu là cấp tính thường có nguyên nhân, mạn tính thường khó tìm được nguyên nhân.

Với bệnh nhân này trước hết cần phải đi khám để đánh giá xem đó là tổn thương loại gì? Bệnh gì? Và xét nghiệm để xem có thể tìm được nguyên nhân hay không? và cuối cùng là điều trị.

Cách thức điều trị hiện tại chưa ổn vì hàng ngày chỉ dùng 1 loại thuốc Tocimat 180 mg thì chưa đủ vì chúng ta đã biết khi 1 phản ứng dị ứng xảy ra thì giải phóng rất nhiều hóa chất trung gian trong đó có histamin. Và hiện tại bệnh nhân mới chỉ đang dùng 1 loại thuốc kháng histamin, còn vô vàn các chất khác. Vì vậy, điều trị không phải chỉ là 1 thuốc mà cần các thuốc khác phối hợp. Khi đã tìm được nguyên nhân phối hợp và quan trọng lại cần tìm yếu tố nào gần sát nhất với nguyên nhân hoặc nếu ko tìm được nguyên nhân thì sẽ tìm được gần các yếu tố tác động thêm vào để gây bệnh để có thể điểu trị và phòng tránh hiệu quả hơn.

Mỗi bệnh nhân có thể cùng 1 biểu hiện bệnh nhưng tùy những yếu tố khác liên quan sẽ có cách điều trị khác nhau do vậy nên cần đến khám bác sỹ để được điều trị bằng phác đồ thích hợp nhất.

 

Câu hỏi: Viêm mũi dị ứng có triệu chứng như thế nào thưa bác sĩ?

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn: Tỷ lệ dân số mắc bệnh viêm mũi dị ứng rất cao chiếm khoảng 20-40% và càng ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, theo thống kê thì bệnh viêm mũi dị ứng chiểm khoảng 20-30% các bệnh lý về tai, mũi, họng.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng:

- Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, môi trường ô sống thay đổi (khói bụi, công nghiệp hóa hiện đại hóa phát triển) làm cho các dị nguyên tác động lớn đến con người đặc biệt là mũi là niêm mạc đầu tiên tiếp xúc với các tác nhân đường hô hấp sẽ gây ra các triệu chứng đầu tiên: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Tình trạng ngạt mũi, chảy nước mũi kéo dài nếu không điều trị sớm, đúng cách sẽ gây ra các biến chứng khác từ đó làm tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng

 

Câu hỏi: Đã 3 lần đau bụng đi ngoài tôi tự mua thuốc Biseptol uống, nhưng đau bụng đi ngoài thì đỡ sau đó bị nổi mụn và tím đen xung quanh miệng rất lâu. Ko biết tôi bị sao hả BS? có phải dị ứng không? và tôi cần làm gì khi lần sau tôi lại đau bụng đi ngoài?

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn:

Với trường hợp câu hỏi của bệnh nhân này khả năng cao đã bị dị ứng thuốc. Tên chính xác được gọi là hồng ban nhiễm sắc cố định do thuốc.

Bệnh này được hiểu là mỗi lần bệnh nhân dùng thuốc đó hoặc các biệt dược của thuốc đó thì sẽ xuất hiện ban đỏ dần chuyển sang thẫm, bong vẩy với dấu hiệu đau và rát ở một số chỗ. Nếu tiếp tục dùng thuốc các lần sau đó thì các triệu chứng tương tự sẽ lại xảy ra tại đúng vị trí phát bệnh ban đầu và có thể xuất hiện thêm tại một số chỗ khác nữa. Bệnh sẽ càng ngày càng nặng.

Trong các nhóm thuốc thì có một số nhóm thuốc sau hay gây ra bệnh hồng ban nhiễm sắc cố định: 

- Nhóm sulfamid

- Nhóm Biseptol

- Các thuốc chống viêm giảm đau, chống viêm hoặc thuốc kháng sinh

Để có thể giải quyết bệnh này thì phải dừng thuốc sau đó đến gặp bác sỹ để khám, xét nghiệm xem dị ứng với thuốc gì và từ đó lần sau sẽ không dùng thuốc đó để tránh tái nhiễm.

 

Câu hỏi: Các bệnh Tai-Mũi-Họng có liên quan đến bệnh Viêm mũi dị ứng hay không?

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn: Ngay trong câu hỏi chúng ta đã thấy được câu trả lời. Bệnh lý tai, mũi, họng tất nhiên sẽ liên quan đến viêm mũi dị ứng vì tai mũi họng là một hệ liên quan với nhau như: niêm mạc, xoang đều lưu thông tới nhau. Do vậy, nên khi bị các bệnh về dị ứng thì sẽ ảnh hưỏng đến cả tai, mũi, họng.

Nếu như phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì chắc chắn sẽ có thể tránh được các biến chứng ra các cơ quan khác. Ví dụ như dị ứng mũi nếu điều trị sớm thì sẽ khống chế được nó, không để nó phát triển, lây lan xuống họng, phế quản, lên tai, vào xoang.

 

Câu hỏi: Thưa bác sĩ. Lúc đầu bị ngón tay áp út nổi những nốt nhỏ lăn tăn và ngứa, sau đó bong da, rất tay rất khó chịu. Cháu đã khám và bôi 1 số loại thuốc nhưng vẫn chưa khỏi hoặc đỡ thời gian ngắn lại bị, hiện cháu đang theo người tâm mách ngâm nước vôi trong đã thử được 2 ngày cũng thấy hơi dịu nhưng thi thoảng vẫn ngứa. Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp ạ…

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn:

Qua câu hỏi thì có thể bạn đã bị viêm da dị ứng tiếp xúc hoặc viêm da dị ứng kích thích. Nguyên nhân có thể do tiếp xúc với dị nguyên hoặc do tiếp xúc với hóa chất gây ra.

- Biểu hiện mụn nước nhỏ li ti, rất ngứa giống biểu hiện bị chàm (Chàm là một viêm da mạn tính có yếu tố cơ địa, gia đình. Xuất hiện với 5 giai đoạn: xuất hiện ban đỏ, có thể có mụn nước nhỏ, mụn nước vỡ tạo vẩy, bong đi. 5 giai đoạn này có thể xuất hiện đủ hoặc chỉ xuất hiện 1 vài giai đoạn).

- Xuất hiện kéo dài, nhưng chưa điều trị được và bạn được nghe mách dùng nước vôi trong. Trong dân gian, y học cổ truyền có rất nhiều phương pháp, tuy nhiên, về y học hiện đại thì chúng tôi chưa thấy việc sử dụng nước vôi có tác dụng điều trị hết dị ứng. Tất cả phải được đánh giá để biết được do yếu tố nào thường xuyên tiếp xúc có thể do hóa chất, nghề nghiệp, sinh hoạt.

Điều trị viêm da dị ứng tại chỗ chỉ là một phần (bôi chỉ là một phần bên ngoài) vì đây là bệnh từ trong cơ thể phát ra chứ không phải chỉ bên ngoài tác động vào do vậy cần dùng cả thuốc toàn thân chống dị ứng.

- Bôi bên ngoài gồm có: thuốc dị ứng, chống  ngứa, kháng histamin, corticoid nếu tổn thương da ít và không rộng, không chảy nước

- Điều trị toàn thân: uống kháng histamin, những giai đoạn nặng có thể dùng thêm corticoid (là chất chống viêm tốt) nhưng cần có sự  tư vấn từ bác sỹ về liều lượng thuốc hợp lý thì sẽ đem lại hiệu quả.

 

Câu hỏi: viêm xoang mãn tính, dị ứng mũi thì có cách nào để điều trị triệt để không?

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn:

Như ngay từ đầu chúng tôi đã nói, yếu tố dị ứng có yếu tố di truyền và do tác nhân bên ngoài là chính. Do vậy, để điều trị viêm mũi dị ứng nói chung sẽ phải kiên trì theo sự giám sát, theo dõi (theo dõi tiến triển của bệnh, liều lượng thuốc) của bác sỹ. Điều chỉnh thích nghi theo từng đợt, từng liều và chỉ duy trì sự ổn định thôi vì còn rất nhiều yếu tố do thời tiết, do môi trường nên để khắc phục hoàn toàn là thực sự rất khó. Người bệnh cần cố gắng thực hiện đúng theo phác đồ của bác sỹ để có sự ổn định về bệnh lâu dài giữ gìn và vệ sinh tốt tránh được dị ứng

Với nội dung câu hỏi này, PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn có đưa ra thêm một số tư vấn thêm về viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng nói chung: Người ta thường nói rằng: “Lai giai như tai mũi họng” vì còn rất nhiều nguyên nhân do môi trường, bụi, phấn hoa, do vậy khi còn tiếp xúc với các yếu tố đó thì bệnh vẫn có thể kéo dài, đây chính là việc khiến điều trị các bệnh dị ứng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, trong tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có những thuốc mới, phương pháp mới. Thậm chí viêm mũi dị ứng còn chia ra thành cấp tính và mạn tính. Cấp tính có thể điều trị ngay những cơn cấp, mạn tính sẽ kéo dài.

- Khi đã tìm được nguyên nhân thì sẽ có phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu. Ví dụ: Một người bị dị ứng với phấn hoa sữa, thì sẽ tìm ra một loại dị nguyên giống với phấn hoa sữa và cho uống, ngậm dưới lưỡi hoặc tiêm vào trong da theo lịch trình và liều thay đổi dần kéo dài để cơ thể bệnh nhân tự sinh ra kháng thể bao vây để ức chế giải phóng các hóa chất trung gian để chữa bệnh thì khi đó bệnh sẽ được giải quyết một cách triệt để, tận nguyên nhân. Đây là tiến bộ đã có hàng trăm năm nhưng giờ mới được áp dụng tại Việt Nam.

- Tạo ra kháng thể đơn dòng: tức là kháng thể điều trị một cách có chủ đích. Ví dụ biết được dị ứng là do chất này gây ra thì người ta tạo ra kháng thể đơn dòng chống lại chính nó.

Trong bệnh dị ứng tùy theo cơ chế tuýp 1 (cơ chế IgE) thì người ta tạo ra kháng thể chống IgE. Khi xét nghiệm thây kháng thể IgE cao trong viêm mũi dị ứng thì có thể dùng kháng thể đơn dòng để tiêm (vừa tiêm vừa đánh giá) cho bệnh nhân thì sẽ làm giảm đi viêm mũi dị ứng tới 80% nhưng thời gian phải kéo dài. Cũng giống như giảm mẫn cảm phải sau 2 năm mới có hiệu quả.

 

Câu hỏi: Khi nào cần làm xét  nghiệm 60 dị nguyên? Có loại xét nghiệm nào phát hiện được tất cả các loại dị ứng? Nếu xét nghiệm bị dị ứng với các loại đó thì phải làm thế nào? MEDLATEC có làm xét nghiệm đó không?

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn:

Như chúng tôi đã trả lời ở câu hỏi trước. Xét nghiệm panel 60 dị nguyên giải quyết 1 vấn đề trong dị ứng là tìm ra nguyên nhân. Phản ứng dị ứng cho đến bây giờ còn nhiều hạn chế, không phải bệnh dị ứng nào cũng có thể tìm được nguyên nhân và cũng có thể khỏi.

- Xét nghiệm panel dị ứng 60 dị nguyên có thể tìm được các dị nguyên về đường hô hấp, thức ăn, môi trường, vật nuôi… thì mới đánh giá được dị ứng theo cơ chế tuýp 1 theo phân loại của Gel và coomb - 1 nhóm (4 nhóm bao gồm: nhanh phản vệ, độc tế bào, miễn dịch có tác dụng của bổ thể - miễn dịch lưu hành, phản ứng chậm). Do vây, chúng ta cũng không hi vọng chúng ta sẽ tìm được bất kỳ 1 nguyên nhân nào gây dị ứng và chữa được ngay bệnh bởi vì tất cả các cơ quan đều có thể bị bệnh, vô vàn nguyên nhân và theo rất nhiều cơ chế khác nhau. Đây là hạn chế của y học nói chung và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, những dị nguyên mà chúng ta phát hiện đó là những dị nguyên thường gặp và gây ra bệnh cấp tính do vậy xét nghiệm này cũng rất cần thiết.

Những bệnh về hô hấp, dị ứng về đường tiêu hóa, những bệnh liên quan đến yếu tố môi trường chúng ta có thể làm xét nghiệm panel 60 dị nguyên để tìm xem những chất đó có thể là dị nguyên gây ra dị ứng hay không để giúp được người bệnh.

 

Câu hỏi: Bé nhà mình cứ lạnh là bị sổ mũi, có khi là cả mùa đông đều bị, uống kháng sinh không khỏi. Nhỏ mũi, rửa mũi bằng nước mũi cũng chỉ đỡ không khỏi được. Đến mùa hè thì cứ nằm điều hòa là con lại bị sổ mũi, nhưng con lại không chịu được nóng. Xin hỏi BS có cách nào để xác định được phương hướng điều trị cho bé hay không?

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn:

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân khả năng cao đó là phản ứng dị ứng do thời tiết nóng, lạnh thất thường hoặc do hơi điều hòa lạnh, khô sẽ kích thích vào niêm mạc mũi rất nhiều.

- Thứ 2: tìm hiểu yếu tố di truyền: Bố, mẹ, ông, bà có bị hay không? Từ đó khi thác tiền sử để tìm dị nguyên cụ thể:

+ Cho bé đi khám và có thể làm xét nghiệm panel dị ứng 60 dị nguyên để ít nhất biết được một phần nguyên nhân. Nếu như đã tìm được nguyên nhân sẽ tránh được các yếu tố đó thì sẽ có hướng để chăm sóc bé

- Nguyên tắc điều trị: Viêm mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi của bé đảm bảo lưu thông đường thở. Tức là mũi phải sạch sẽ, khô ráo, không có dịch nhầy nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ.

 

Câu hỏi: Xin được hỏi BS, trẻ bị hen phế quản có khỏi tuyệt đối được không? Làm thế nào để tránh tái phát

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn:

Hen phế quản là một bệnh mạn tính hay gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Tỷ lệ mắc ở người lớn khoảng từ 6-8%, trẻ em là từ 15-18%. Theo những nghiên cứu tại Việt Nam thì có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang mắc bệnh hen.

Bệnh hen ở trẻ em là bệnh mạn tính và phải điều trị kéo dài tuy nhiên bây giờ đã có những phương pháp điều trị tốt mà chúng ta đang theo cách điều trị của tổ chức toàn cầu về hen (Gina) Với trẻ em hen được điều trị rất tốt và khá triệt để

Có khoảng từ 10-20% từ hen không được điều trị phát triển khi lớn. 80% trẻ em hen phế quản được quản lý tốt, điều trị đúng thuốc như phương pháp hiện tại, theo chiến lược của thầy thuốc thì bệnh hen sẽ lùi xa và ít gặp thất bại khi điều trị. Trẻ em vẫn sẽ phát triển bình thường.

 

Câu hỏi: Em có tiền sử viêm mũi dị ứng và thường xuyên ngạt mũi thì nên dùng thuốc gì để xịt và xịt trong thời gian bao lâu?

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn:

Với câu hỏi của bạn thì viêm mũi dị ứng phát triển  ở giai đoạn mạn tính. Từ viêm mũi dị ứng có thể 40% sẽ phát triển thành hen và trong bệnh nhân hen thì có đến 80% bệnh nhân hen thì lại bị viêm mũi dị ứng kết hợp. Vì vậy để điều trị cần đòi hỏi thời gian lâu dài và phối hợp nhiều.

Có 4 triệu chứng: hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi và sổ mũi gây ảnh hưởng đến sức khỏe  công việc, sinh hoạt…

Để điều trị cần:

- Đang chảy mũi cần bớt chảy mũi. Có thuốc để làm cho co mạch nhưng không được dùng lâu mà cần dùng có chiến lược.

- Dùng kháng histamin (histamin là chất tiết ra gây tắc mũi). Hoặc dùng nhóm thuốc cromoglycate thường xuyên.

- Dùng corticoid hàm lượng thấp xịt vào mũi hàng ngày

Tuy nhiên, tất cả đều phải theo giai đoạn điều trị của bác sỹ theo chuẩn quốc tế.

- Khi không còn cách khác thì có thể dùng kháng thể đơn dòng, giảm mẫn cảm đặc hiệu như đã nói ở câu trả lời trước đó và cách cuối cùng là phẫu thuật trong giai đoạn cuối cùng của viêm mũi dị ứng. Xu hướng của thế giới là điều trị bảo toàn, không dùng nhiều đến phẫu thuật vì sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thể.

 

Câu hỏi: Khi chơi thể thao xong hoặc ăn đồ nóng thì bị ngứa, đó có phải nguyên nhân dị ứng không?

BSCKI. Nguyễn Thanh Sơn:

Tình trạng đó thì cũng có thể bị dị ứng nhưng có nhiều yếu tố kích thích vì ngoài dị ứng ra thì có thể do kích thích niêm mạc mũi, giải phóng ra dịch tiết đây chỉ là phản ứng tự nhiên để bảo vệ niêm mạc mũi hoặc đẩy chất kích thích ra tránh ảnh hưởng vào cơ quan bên trong đặc biệt là mũi họng

PGS.TS. BSCKII Nguyễn Văn Đoàn có chia sẻ thêm: có những cơ chế không phải dị ứng nhưng lại giải phóng ra hóa chất trung gian gây xuất hiện ban, sẩn ngứa.

- Khi hoạt động thể lực quá mức hoặc bị một số yếu tố vật lý tác động vào sẽ xuất hiện nổi ban trên người, hoặc viêm mũi dị ứng do cơ chế giải phóng istapin.

- Bệnh nhân cần khám để biết có yếu tố đồng kích thích không (gia đình, dùng thuốc, uống rượu bia,…)

Chuyên khoa Dị ứng và Tai mũi họng của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín được người dân cả nước tin tưởng đến khám chữa bệnh.

Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại như: xét nghiệm panel dị ứng 60 dị nguyên, máy nội soi tai mũi họng bằng ống mềm Pentax (Hoya), chụp MRI, CT-Scanner nhằm chẩn đoán chính xác các bệnh lý về xoang, tai mũi họng, dị ứng… bệnh viện luôn bảo đảm kết quả khám nhanh chóng, chính xác nhất.

Thời gian làm việc tất cả các ngày trong tuần, khi có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, khách hàng có thể đến 1 trong 3 cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội để được phục vụ, gồm: 42 Nghĩa Dũng | 99 Trích Sài | số 3 Khuất Duy Tiến.

Mọi thông tin chi tiết, quý vị vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp cụ thể.

Để theo dõi lại tạo đàm online "Phát hiện và điều trị các bệnh liên quan dị ứng", bạn vui lòng click vào link sau: https:/www.youtube.com/watch?v=amYJIIWGgZs&t=82s

Đồng thời, bạn đừng quên like, theo dõi fanpage BVĐK MEDLATEC, cũng như nhấn “theo dõi” fanpage và Youtube của BVĐK MEDLATEC để cập nhật những kiến thức y khoa hữu ích.

Chuyên đề tiếp theo là “Chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh”sự tham gia của Chuyên gia PGS. TS Trần Việt Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Tiêu hóa, Học viện Quân Y; Chuyên gia Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC; Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage/Youtube BVĐK MEDLATEC, từ 20h-21h, thứ 5 tuần, ngày 15/5/2020. Mời quý vị đón xem!

Từ khoá: dị ứng

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.