Tin tức

Hỏi đáp: Bệnh tay chân miệng khi nào cần đến viện?

Ngày 19/04/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh tay chân miệng có nhiều cấp độ với mức nguy hiểm khác nhau. Vì thế, rất nhiều người thắc mắc không biết bệnh tay chân miệng khi nào cần đến viện để tránh gây biến chứng và nguy hiểm. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

1. Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng

Để thuận lợi trong quá trình chăm sóc cũng như biết được bệnh tay chân miệng khi nào cần đến viện, bạn cần nhanh chóng phát hiện và nhận biết các dấu hiệu của bệnh theo từng giai đoạn. Cụ thể như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Trong 3 - 6 ngày đầu, cơ thể mới bị nhiễm virus (nhóm virus đường ruột) nên vẫn chưa có biểu hiện cụ thể. Lúc này, mọi sinh hoạt hàng ngày vẫn diễn ra bình thường. Người lớn vẫn có thể đi làm, trẻ nhỏ vẫn còn đủ sức vui chơi hay đi học. Do đó, giai đoạn này vẫn khó phát hiện được cơ thể đã mắc bệnh tay chân miệng

Giai đoạn khởi phát

Sau thời gian ủ bệnh thì bệnh sẽ khởi phát với các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, tiêu chảy vài lần trong ngày. Trong một số trường hợp có thể sờ thấy hạch ở hàm dưới hoặc cổ. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 - 2 ngày. Và vì các triệu chứng này khá phổ biến ở nhiều bệnh, chẳng hạn như cảm cúm, cảm lạnh,… nên nhiều người sẽ chủ quan. 

Bệnh tay chân miệng có nhiều cấp độ với mức nguy hiểm khác nhau

Bệnh tay chân miệng có nhiều cấp độ với mức nguy hiểm khác nhau

Giai đoạn toàn phát 

Đây là giai đoạn xuất hiện các triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh tay chân miệng. Theo đó, các vùng má, miệng, đặc biệt là lưỡi, vòm họng,… sẽ nổi những mụn nước có đường kính từ 2 - 3mm. Những mụn nước này khi vỡ ra tạo thành các vết loét, gây khó chịu và đau đớn khi ăn uống, vì thế, dễ dẫn đến tình trạng biếng ăn, bỏ ăn.

Cùng với đó, da trên cơ thể cũng xuất hiện các bọng nước, hay gặp ở các vị trí như: ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông,… sẽ xuất hiện các bóng nước hình bầu dục có đường kính từ 2 - 10mm. Thậm chí, tình trạng nổi ban này có thể ẩn dưới da, rất khó nhìn thấy.

Giai đoạn toàn phát kéo dài khoảng 3 - 10 ngày. Trong thời gian này, người bệnh có thể gặp những triệu chứng nặng như sốt cao không hạ, nôn ói, lơ mơ, ngủ gà, mê sảng, co giật,… Đây được coi là biến chứng của bệnh tay chân miệng. Và những biến chứng này nếu không được can thiệp y tế kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Giai đoạn lui bệnh 

Sau 7 - 10 ngày tính từ ngày khởi phát, người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được chăm sóc, nghỉ ngơi và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bệnh cũng sẽ tự khỏi hoặc nhanh khỏi. Sẽ có một số trường hợp xảy ra các biến chứng nặng hơn. Lúc này, cần được nhập viện để theo dõi, điều trị tích cực để tránh nguy hiểm. 

Nếu được chăm sóc và điều trị tích cực thì bệnh tay chân miệng sẽ hết sau 7 - 10 ngày

Nếu được chăm sóc và điều trị tích cực thì bệnh tay chân miệng sẽ hết sau 7 - 10 ngày

2. Vậy bệnh tay chân miệng khi nào cần đến viện?

Đây chắc hẳn là nỗi lo lắng chung nhiều người. Dù là người lớn hay trẻ em thì khi mắc tay chân miệng, nếu không có phương pháp điều trị kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vậy bệnh tay chân miệng khi nào cần đến viện?

Thông thường, bệnh tay chân miệng ở người lớn sẽ tự động khỏi sau 7 - 10 ngày. Trong thời gian này, người bệnh cần ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi thư giãn. Trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc hạ sốt hoặc thuốc giảm đau theo liều lượng trong hướng dẫn sử dụng. 

Tuy nhiên, khi xuất hiện những triệu chứng nặng như sốt cao liên tục, nôn ói và tiêu chảy nhiều, đi đứng không vững, ngủ lịm, khó thở,… thì cần đến viện lập tức để tránh gặp những biến chứng nguy hiểm cho hệ thần kinh (viêm màng não, viêm tủy sống).

Còn với trẻ em mắc tay chân miệng, ba mẹ cần theo dõi sát sao. Bởi trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, lại chưa biết cách bảo vệ bản thân. Nếu bé có bất kỳ biểu hiện nào hoặc ba mẹ nghi ngờ bé bị tay chân miệng, cần dành nhiều thời gian chăm sóc và để ý đến hoạt động của bé. 

Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng ở trẻ có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, nếu bé có những triệu chứng nghiêm trọng dưới đây, ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay lập tức. 

Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng, cần đưa người bệnh đến viện ngay lập tức

Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng, cần đưa người bệnh đến viện ngay lập tức

Quấy khóc liên tục kéo dài

Khi bị tay chân miệng, bé sẽ khóc vì những mụn nước, bóng nước trên cơ thể gây khó chịu và đau đớn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan nếu bé quấy khóc liên tục và kéo dài. Bởi tình trạng này không chỉ khiến bé mất sức, mệt mỏi mà còn có thể nghĩ đến trường hợp cơ thể bé đã bị nhiễm độc thần kinh, ba mẹ tuyệt đối không được chủ quan. 

Sốt cao liên tục không hạ

Bé sốt trên 38,5 độ C và liên tục trong 2 ngày không khỏi, kể cả khi đã sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol là tình trạng rất nguy hiểm, cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể. Lúc này, cần đưa bé vào viện càng sớm càng tốt để bác sĩ chỉ định hạ nhiệt bằng cách dùng thuốc hạ sốt đặc biệt có chứa Ibuprofen. Ba mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc này. 

Hay giật mình, hoảng hốt

Quấy khóc, sốt cao và giật mình cho thấy nguy cơ nhiễm độc thần kinh là rất cao. Do đó, nếu bé giật mình, không chỉ trong lúc ngủ mà còn cả trong lúc chơi thì ba mẹ cần sớm đưa đến viện. 

Bên cạnh đó, ba mẹ có thể theo dõi thêm các triệu chứng khác như bé mệt mỏi, ngủ li bì, tay chân run, toàn thân lạnh, hốt hoảng, chới với, loạng choạng, khó thở, thở nhanh chậm không đều,… Tất cả những dấu hiệu này đều cảnh báo cơ thể bé đang bất thường, cần được thăm khám và điều trị tích cực.

Bé sốt liên tục không hạ, mệt mỏi, giật mình,… cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, cần được đưa vào viện

Bé sốt liên tục không hạ, mệt mỏi, giật mình,… cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, cần được đưa vào viện

Tóm lại, dù là người lớn hay trẻ em thì khi bị tay chân miệng, cần theo dõi, chăm sóc và điều trị tích cực để mau chóng hồi phục. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh cũng như trả lời được câu hỏi bệnh tay chân miệng khi nào cần đến viện để được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.