Tin tức

Hút thuốc lá: nguyên nhân của nhiều loại ung thư

Ngày 11/02/2015
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC


Ung thư là các bệnh có các tế bào bất thường phân chia một cách không kiểm soát đươc, có khả năng xâm lấn sang các mô lân cận hoặc di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể qua máu và hệ thống bạch huyết (di căn). Cho đến nay, người ta đã phát hiện khoảng hơn 100 loại ung thư khác nhau.



Thuốc lá là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ung thư trên thế giới mà con người có thể phòng tránh được. Hút thuốc không chỉ gây nhiều loại ung thư mà còn có thể gây ra nhiều bệnh lý khác. Chỉ riêng năm 2004, trên thế giới, thuốc lá đã gây ra 5,1 triệu ca tử vong, nghĩa là cứ mỗi 6 giây có 1 người tử vong do hút thuốc lá. Khoảng một nửa số người hút thuốc lá thường xuyên sẽ tử vong nếu họ còn tiếp tục hút. Một nửa số người hút thuốc lá sẽ chết ở tuổi trung niên, sớm hơn 10-20 năm so với số người không hút thuốc  [9]. Vì vậy, việc phòng tránh, phát hiện sớm và kịp thời điều trị những ung thư do thuốc lá gây nên là việc làm vô cùng cần thiết.


1. Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều loại ung thư khác nhau


Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ của ít nhất 14 loại ung thư, gồm:

1. Phổi
2. Miệng, mũi, họng
3. Thanh quản
4. Khí quản
5. Thực quản
6. Dạ dày
7. Tụy
8. Gan
9. Thận và niệu quản
10. Bàng quang
11. Đại trực tràng
12. Buồng trứng
13. Cổ tử cung
14. Tủy xương và máu (bệnh bạch cầu)

Ngoài ra, cũng có một số bằng chứng cho thấy hút thuốc lá có thể gây ung thư vú [5, 8].


Trong số các ung thư do hút thuốc lá, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là các ung thư đường tiêu hóa trên (miệng, họng, thanh quản, thực quản) rồi mới đến các ung thư ở các vị trí khác.


2. Khói thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư


Cho đến nay, người ta đã xác định được hơn 5.300 hóa chất trong khói thuốc lá [8], trong đó có hơn 70 hóa chất là các chất gây ung thư (carcinogen) và hàng ngàn chất khác là các hóa chất độc và có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như carbon monoxide (CO), hydrogen cyanide (HCN) và ammonia (NH4+).


Ngoài ra, trong quá trình sản xuất thuốc lá, người ta còn đưa vào thuốc lá rất nhiều phụ gia khác nhau nhằm hấp dẫn người hút thuốc lá, trong đó có chocolate, vani, đường và cam thảo cũng như nhiều loại thảo mộc và gia vị khác.

3. Cơ chế gây ung thư của khói thuốc lá

Nhiều hóa chất được tìm thấy trong khói thuốc lá có thể gây tổn hại DNA của các tế bào cơ thể [8]. Ví dụ, benzo (a) pyrene gây tổn thương gen p53 - một gen có vai trò mã hóa cho protein p53 là một protein có vai trò bảo vệ các tế bào của cơ thể chống lại ung thư  [4].


Việc tập trung polonium-210 ở các điểm nóng (hotspots) trên đường hô hấp của người khi hút thuốc đã tạo nên những liều rất cao của bức xạ alpha năng lượng cao, điều này gây tổn thương cho DNA của các tế bào ở vùng lân cận.


Dạng hỗn dịch lỏng (cocktail) của các hóa chất trong khói thuốc lá còn nguy hiểm hơn là hỗn hợp đơn thuần (mix) của chúng. Các kim loại nặng trong khói thuốc như cadmium, arsenic, chì, … có tác dụng làm cho các tế bào của cơ thể mất khả năng sửa chữa các tổn thương DNA [10]. Tác động kết hợp của các kim loại độc này với các hóa chất như benzo (a) pyrene làm tổn thương DNA tăng, làm các tế bào hư hỏng và cuối cùng có thể dẫn đến ung thư.


Các chất độc trong khói thuốc lá cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm giảm khả năng tiêu diệt tế bào ung thư và làm mất khả năng kiểm soát sự sinh sôi của các tế bào ung thư.

4. Ảnh hưởng của số lượng và thời gian hút thuốc lá đến nguy cơ ung thư

Những người hút nhiều, khoảng 20 điếu thuốc một ngày có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 26 lần, còn những người hút 3 điếu thuốc một ngày cũng có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 6 lần so với những người không hút thuốc. Những người hút 25 điếu thuốc một ngày có nguy cơ tử vong do ung thư phổi cao gấp hơn 24 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Những người hút từ 1 đến 14 điếu thuốc mỗi ngày có tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tăng ít nhất là 7 lần [21], còn những người hút từ 5 đến 9 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ tử vong do ung thư phổi hoặc ung thư khác cao hơn so với những người không hút thuốc.


Những người hút ít hoặc thỉnh thoảng mới hút thuốc lá vẫn có nguy cơ tử vong do thuốc lá tăng hơn so với những người không bao giờ hút thuốc. Chẳng hạn, những người hút 4 điếu thuốc mỗi ngày có tỷ lệ chết sớm tăng khoảng 50% so với những người không hút thuốc.


Đối với phụ nữ, những phụ nữ hút 10 điếu thuốc một ngày có tỷ lệ chết sớm tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc.


Số lượng thuốc lá hút càng nhiều, thời gian hút thuốc càng dài thì nguy cơ ung thư phổi càng cao. Tuy nhiên, thời gian hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng hơn số lượng điếu thuốc lá hút trong một ngày. Chẳng hạn, người hút 20 điếu thuốc một ngày kéo dài trong 20 năm có nguy cơ ung thư cao hơn người hút 40 điếu thuốc một ngày trong 10 năm.


Sự hút thuốc lá thụ động (passive smoking), cũng còn gọi là hút thuốc lá thứ cấp (second-hand smoke) hay hút thuốc lá từ môi trường (environmental tobacco smoke) là sự hít một cách thụ động phải khói thuốc do người khác hút, cũng có khả năng gây ung thư và một số bệnh khác [8]. Khói thuốc do người hút thải vào môi trường cũng chứa nhiều chất gây ung thư [8]. Những người chưa từng hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi tăng lên khoảng 25% nếu họ có những đồng nghiệp người hút thuốc lá tại nơi làm việc hoặc có người thân sống trong cùng một nhà hút thuốc lá. Nguy cơ ung thư phổi tăng gấp đôi nếu lượng khói thuốc lá trong môi trường luôn ở mức độ cao [12]. Khói thuốc có thể đạt được mức độ cao trong không gian kín như trong nhà hoặc bên trong xe ô tô, kể cả khi cửa sổ được mở.


Khi so sánh những phụ nữ không bao giờ hút thuốc lá và những phụ nữ bị hít phải khói thuốc lá thụ động ở nhà hoặc ở nơi làm việc, người ta thấy rằng những phụ nữ bị hít phải khói thuốc lá thụ động có nguy cơ ung thư vú [12], ung thư họng và thanh quản [8] tăng. Ngoài ra, khói thuốc trong môi trường cũng gây ra các vấn đề sức khỏe khác ở người không hút thuốc như các bệnh tim và đường hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn ở trẻ em.


Việc kết hợp giữa hút thuốc lá và uống rượu: bản thân rượu cũng là một nguyên nhân gây ung thư miệng, thực quản, ung thư gan và một số ung thư khác [8]. Sự kết hợp giữa rượu và thuốc lá làm cho nguy cơ ung thư tăng hơn việc sử dụng riêng rẽ từng loại.


Vậy việc ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư hay không? Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư so với việc tiếp tục hút thuốc [8]. Nếu ngừng hút thuốc lá trước tuổi 30 thì tuổi thọ vẫn tương tự như của một người không hút thuốc. Ngay cả những người cai thuốc ở tuổi 60 vẫn sống thọ hơn những người cùng lứa tuổi vẫn tiếp tục hút. Việc giảm lượng thuốc lá sử dụng làm giảm nguy cơ ung thư phổi và tăng tuổi thọ [6], tuy nhiên, kết quả tốt nhất chỉ đạt được khi ngừng hút thuốc lá hoàn toàn [7].


Vai trò của một số biện pháp nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá

5.1. Thuốc lá đầu lọc: khi sử dụng thuốc lá có đầu lọc, người hút vẫn bị phơi nhiễm với hóa chất gây ung thư và các hóa chất độc khác. Hút bất cứ loại thuốc lá nào cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với người đã dừng hút thuốc hay không bao giờ hút thuốc [8].


5.2. Hút thuốc lá bằng tẩu và bằng điếu cày: việc hút thuốc lá bằng tẩu hoặc bằng điếu cày cũng vẫn làm tăng nguy cơ ung thư phổi, miệng, họng, thanh quản, thực quản  và ung thư dạ dày [8].


5.3. Thuốc lá không khói cũng có thể gây ra ung thư


Hiện có một loạt các sản phẩm thuốc lá không khói (sử dụng dưới dạng nhai) đang được sử dụng ở nhiều nơi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở khu vực Nam Á nhằm giảm bới số người hút thuốc lá. Tuy nhiên, việc nhai thuốc lá vẫn có khả năng gây ra một số ung thư như ung thư miệng, thực quản và tụy với các mức độ nguy cơ ung thư phụ thuộc vào từng loại sản phẩm. Thuốc lá cũng chứa nicotine, một chất gây nghiện [1, 8].


5.4. Thuốc lá điện tử


Thuốc lá điện tử (electronic cigarettes) là thiết bị chạy bằng pin chứa tinh dầu thuốc lá là nicotine hòa tan trong dung dịch nước và propylene glycol là chất dễ bay hơi, tạo làn khói trắng ở nhiệt độ cao. Thuốc lá điện tử có hình dạng giống với điếu thuốc lá thông thường và có đèn đỏ ở đầu điếu thuốc.  Khi sử dụng bộ cảm biến trong điếu thuốc được kích hoạt, làm cho điếu thuốc lá điện tử hoạt động. làm phần đầu đốt nóng lên, đốt cháy lượng tinh dầu và tạo ra một lượng khói giống khói thuốc lá nhưng không ảnh hưởng gì đến môi trường.  


Thuốc lá điện tử được sản xuất nhằm mục đích giúp người nghiện bỏ hút thuốc [2]. Thuốc lá điện tử có thể an toàn hơn so với việc hút thuốc lá truyền thống [2, 3]. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất cho thấy, ở điện thế cao, nicotine trong thuốc lá điện tử biến thành formaldehyde là một chất gây ung thư cho người. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA (Food and Drug Administration) cũng phát hiện chất gây ung thư khác là các nitrosamine trong thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử hiện chưa được FDA chấp thuận để sử dụng an toàn cho việc cai nghiện thuốc lá. Vì vậy, việc thử nghiệm với số lượng lớn hơn là việc làm cần thiết cho việc sử dụng hiệu quả và an toàn thuốc lá điện tử so với các phương pháp cai nghiện khác.


                                                                                     KẾT LUẬN

1. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ của ít nhất 14 loại ung thư, trong đó, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là các ung thư đường tiêu hóa trên rồi đến các ung thư khác.

2. Thuốc lá hơn 5.300 hóa chất, trong đó có hơn 70 hóa chất là các chất gây ung thư và hàng ngàn hóa chất khác là các chất độc hại cho sức khỏe.

3. Thuốc lá có khả năng gây ung thư là do gây tổn thương DNA, làm mất khả năng sửa chữa sai sót DNA và làm suy yếu hệ thống miễn dịch, do đó làm giảm khả năng chống ung thư của cơ thể.

4. Nguy cơ ung thư  phụ thuộc vào thời gian hút thuốc và số lượng thuốc lá sử dụng. Hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ ung thư. Việc ngừng hút thuốc làm giảm nguy cơ ung thư rõ rệt.
 
5. Các biện pháp như sử dụng thuốc lá đầu lọc, hút bằng tẩu hoặc điếu cày và thuốc lá không khói vẫn có nguy cơ ung thư. Thuốc lá điện tử hiện chưa được FDA chấp thuận để sử dụng an toàn cho việc cai nghiện thuốc lá.                                                             

                                                                                    Tài liệu tham khảo

1.      Boffetta P, Hecht S, Gray N, Gupta P, Straif K. Smokeless tobacco and cancer. Lancet Oncology 2008; 9(July): 667-675.

2.      Bullen C, Howe C, Laugesen M, et al. Electronic cigarettes for smoking cessation: a randomised controlled trial. Baseline  2013; 6736(13): 1-9.

3.      Burstyn I. Peering through the mist: systematic review of what the chemistry of contaminants in electronic cigarettes tells us about health risks. BMC Public Health  2014; 14(1): 18.

4.      Denissenko MF, Pao A, Tang M, Pfeifer GP. Preferential formation of Benzo(a)pyrene adducts at lung cancer mutational hotspots in p53. Science  1996; 274: 430-432. 

5.      Gaudet MM, Gapstur SM, Sun J, et al. Active smoking and breast cancer risk: original cohort data and meta-analysis. Journal of the National Cancer Institute  2013; 105(8): 515-525. 

6.      Gerber Y, Myers V, Goldbourt U. Smoking reduction at midlife and lifetime mortality risk in men: a prospective cohort study. American journal of epidemiology  2012; 175(10): 1006-1012.

7.      Hart C, Gruer L, Bauld L. Does smoking reduction in midlife reduce mortality risk? Results of 2 long-term prospective cohort studies of men and women in Scotland. American Journal of Epidemiology  2013; 178(5): 770-779.

8.      IARC. A review of human carcinogens. Personal habits and indoor combustions. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans  2012; 100(E). 

9.      Jha P, Ramasundarahettige C, Landsman V, et al. 21st-century hazards of smoking and benefits of cessation in the United States. The New England journal of medicine  2013; 368(4): 341-350.

10.  Koedrith P, Seo YR. Advances in carcinogenic metal toxicity and potential molecular markers. International journal of molecular sciences  2011; 12(12): 9576-9595.  

11.  Manjer J, Tjonneland A, Olsen A, et al. Active and passive cigarette smoking and breast cancer risk: Results from the EPIC cohort. International Journal of Cancer  2014; 134: 1871-1888. 

12.  Taylor R, Najafi F, Dobson A. Meta-analysis of studies of passive smoking and lung cancer: effects of study type and continent. International Journal of Epidemiology  2007; 36(5): 1048-1059.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.