Tin tức

Kháng sinh trị viêm phổi do phế cầu

Ngày 01/07/2014
PGS. TS. TTƯT. Bùi Khắc Hậu
Tháng 3/2014, chị Nguyễn Thị Lân (32 tuổi) bị viêm phổi do phế cầu, sau khi vào bệnh viện điều trị, bệnh khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, chị lại muốn biết đơn thuốc của chị có thể dùng cho người nhà nếu bị bệnh giống mình được không? Bài viết này sẽ giúp những người bệnh như chị Lân hiểu về nguyên tắc điều trị bệnh viêm phổi do phế cầu và giải tỏa thắc mắc này.

 

Đặc điểm của viêm phổi do phế cầu

Viêm phổi do phế cầu là một bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, bởi vì, ở người bình thường (cả trẻ em và người trưởng thành) ở đường hô hấp trên (họng, hầu, mũi, thanh quản) có một lượng vi khuẩn sống ký sinh ở đó nhưng không gây bệnh, trong đó vi khuẩn phế cầu (S. pneumoniae) chiếm một tỷ lệ khá cao. Tuy vậy, khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng giảm, đang mắc hoặc sau khi mắc một bệnh nhiễm trùng khác, thay đổi thời tiết,...) thì chúng trở nên gây bệnh (gọi là gây bệnh cơ hội). Do đó, khi vi khuẩn phế cầu đang gây bệnh ở đường hô hấp trên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời vi khuẩn rất có khả năng lan xuống đường hô hấp dưới (khí quản, phổi) và gây bệnh, gọi là viêm phổi phế cầu.

Kháng sinh điều trị viêm phổi phế cầu

Trong thực tế, nếu cơ sở y tế chưa có điều kiện để nuôi cấy vi khuẩn và chưa có đủ tiện nghi để thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ hoặc trong khi chờ có kết quả xét nghiệm vi sinh vật (nuôi cấy, kháng sinh đồ), trước tiên bác sĩ điều trị sẽ chẩn đoán và tiên lượng xem bệnh của chị thuộc thể nhẹ, thể vừa hay thể nặng để áp dụng phác đồ điều trị ban đầu.

Nếu bệnh thể nhẹ bác sĩ có thể cho dùng penicillin G (procain penicillin) kết hợp với co - trimoxazol hoặc erythromyxin hoặc có thể dùng amoxycillin. Nếu dùng penicillin G đúng liều lượng thì bệnh đỡ nhanh (nếu vi khuẩn chưa kháng thuốc), thường hết sốt sau 24 - 36 giờ. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp thêm một loại thuốc kháng sinh khác (không cùng họ, không cùng nhóm) bằng hình thức tiêm hoặc uống.

Nếu bệnh thể vừa có thể dùng penicillin kết hợp với chloramphenicol hoặc cephalosporin.

Trong trường hợp nặng (chưa rõ tác nhân gây bệnh là vi khuẩn gì), có thể dùng gentamicin kết hợp với cephalosporin (đề phòng tác nhân gây bệnh là tụ cầu hoặc vi khuẩn khác không phải phế cầu).

Liều lượng cho mỗi bệnh nhân còn tùy thuộc vào cân nặng và một số yếu tố khác (gầy, béo, cơ địa...).

Sau khi xác định được vi khuẩn phế cầu là tác nhân gây bệnh, biết được vi khuẩn nhạy cảm với những loại kháng sinh gì, trong khi đang dùng theo phác đồ điều trị (như vừa trình bày) mà bệnh thuyên giảm hẳn thì không cần thay đổi kháng sinh mà tiếp tục điều trị cho đến lúc đủ liều lượng kháng sinh và sẽ hết các triệu chứng lâm sàng. Nếu tác nhân gây bệnh đúng là phế cầu mà dùng theo phác đồ “bệnh thể nhẹ”, bệnh thuyên giảm ít hoặc chậm thì cần chuyển sang điều trị phác đồ cho “bệnh thể vừa” hoặc “thể nặng”. Tốt nhất là dựa vào kết quả kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh cho thích hợp, đề phòng vi khuẩn kháng lại kháng sinh.

Kháng sinh để điều trị viêm phổi do phế cầu có nhiều loại, loại ra đời sớm nhất là penicillin G, cùng họ với penicillin là ampicillin, amoxicilin và nhiều biệt dược khác. Đây là loại kháng sinh thông dụng nhất, rẻ tiền nhưng đã có một tỷ lệ vi khuẩn phế cầu kháng lại thuốc này. Tuy vậy, phế cầu không sản sinh ra men β-lactamase để kháng lại penicilin như nhiều loại vi khuẩn họ cầu khuẩn khác mà chúng có khả năng làm thay đổi 1 trong 6 loại protein gắn với penicilin (PBP: Penicillin binding protein) đưa đến hậu quả làm giảm ái lực PBP với thuốc penicillin và các loại biệt dược cùng nhóm, cùng họ với penicillin (ampicillin, oxacillin, amoxicillin,...), từ đó thuốc kháng sinh mất tác dụng diệt phế cầu, trong trường hợp này phải có một lượng penicillin đủ lớn mới tiêu diệt được chúng. Việc này do bác sĩ trực tiếp điều trị cân nhắc, áp dụng sao cho có hiệu quả nhất. Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc kháng sinh khác có thể dùng để kết hợp điều trị trong bệnh viêm phổi do phế cầu như tetraxyclin (tetramicin, doxyxiclin,...), họ macrolid (erythromicin, clarithromyxin, azithromax,...), họ cephalosporin thế hệ I (cephalexin), thế hệ II (cefazolin), thế hệ III (cefotaxim), clindamyxin...

Vì vậy, người nhà của chị dù có biểu hiện bệnh giống chị nhưng cần được khám bệnh một cách cẩn thận để xác định có phải viêm phổi hay không và nguyên nhân gây bệnh là gì? Hơn nữa, mặc dù người nhà của chị có bị viêm phổi do phế cầu nhưng chủng vi khuẩn đó chưa chắc đã nhạy cảm với thuốc kháng sinh mà bác sĩ trực tiếp chữa trị cho chị. Mặt khác, ngoài việc kê đơn kháng sinh còn dựa vào rất nhiều yếu tố khác như thể trạng của từng người, có loại thuốc thích hợp với người này nhưng không thể dùng cho người khác, đặc biệt là cơ thể người đó có dị ứng kháng sinh penicillin hoặc kháng sinh cùng nhóm, cùng họ hay không. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ trực tiếp điều trị còn phải cân nhắc có nên truyền dịch, phối hợp kháng sinh và chữa trị các triệu chứng khác có liên quan hay không (ho, tức ngực, biến chứng). 

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.