Tin tức
Khó thở nên làm gì? Một số biện pháp giảm tình trạng khó thở
1.Tình trạng khó thở là gì?
1.1. Khó thở là gì?
Khó thở hiểu một cách đơn giản là tình trạng rất khó khăn trong việc trao đổi oxy của đường hô hấp với môi trường. Khi đó người đang bị khó thở sẽ cảm thấy bị tức ngực, thở phải gắng sức, cảm thấy nghẹt thở, hụt hơi, không có đủ không khí để thở. Khó thở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi bạn đang vận động như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang hay kể cả là khi đang ngồi nghỉ.
Ở người khỏe mạnh bình thường cũng có thể gặp tình trạng khó thở. Ví dụ khi đang làm một việc gì đó gắng sức quá mức, khi ở trong điều kiện môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, quá ô nhiễm không khí hoặc ở một nơi có độ cao thiếu oxy. Ngoài ra khó thở còn có thể xuất hiện với những người trong tình trạng béo phì.
1.2. Các triệu chứng khó thở
Bình thường, nhịp thở của một người khỏe mạnh là khoảng 16 - 20 lần trên 1 phút. Nếu hoạt động mạnh thì nhịp thở chắc chắn có tăng lên nhưng không bị quá gắng sức hay bị hụt hơi. Nhưng đối với những người hay gặp tình trạng khó thở thì sẽ có những biểu hiện như sau:
Nghẹt thở, tức ngực là một trong những triệu chứng khó thở hay gặp
- Hụt hơi, hết hơi, cảm giác không có đủ không khí để thở, nghẹt thở.
- Rất khó khăn trong việc hít thở sâu, nhịp thở tăng lên đột ngột
- Tức ngực, cảm giác như có vật gì đè nặng ở ngực, có vật gì chắn ngang đường thở không thể nhận oxy vào phổi.
2. Các nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở
Để biết được khó thở nên làm gì, chúng ta cần nắm rõ những nguyên nhân gây ra khó thở. Khó thở có thể coi là hiện tượng bình thường trong một số trường hợp. Ví dụ khi bạn đang vận động mạnh với cường độ cao, khi tập thể dục quá sức hay làm việc nặng trong thời gian liên tục. Tuy nhiên khó thở sẽ hết nếu bạn ngừng làm các việc trên. Nếu khó thở xuất hiện tự nhiên hoặc sau gắng sức nhưng ở mức độ nhiều, thường xuyên thì bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra và tìm căn nguyên gây ra tình trạng trên.
Khó thở kéo dài liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm
Nếu khó thở diễn ra đột ngột trong thời gian ngắn thì là khó thở cấp tính, một số nguyên nhân gây ra như sau:
- Cơ thể đang trong tình trạng căng thẳng, lo lắng quá độ.
- Có dị vật trong đường hô hấp gây nghẹt thở, khó thở.
- Bị dị ứng.
- Cơ thể đang bị thiếu máu.
- Ngộ độc khí CO (Cacbon Monoxit).
- Bị tụt huyết áp.
- Bị thuyên tắc phổi (tình trạng 1 cục máu đông làm tắc mạch máu trong phổi).
- Vỡ phổi.
- Thoát vị hoành (tình trạng 1 phần dạ dày bị nhô lên trên lồng ngực).
Nếu tình trạng khó thở diễn ra trong thời gian dài, có thể là hơn 1 tháng thì đây là khó thở mạn tính, nguyên nhân có thể do:
- Mắc phải bệnh hen suyễn.
- Bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
- Cơ thể đang trong tình trạng béo phì hoặc đang gặp một số vấn đề về tim.
- Mắc bệnh phổi kẽ - bệnh lý gây tổn thương các tổ chức kẽ của phổi, lâu dần dẫn đến xơ phổi.
Ngoài ra, khó thở còn do một số bệnh lý về tim/ phổi gây ra như sau:
- Các bệnh lý về phổi như: viêm phổi, viêm thanh khí phế quản cấp (bệnh Croup), viêm màng phổi, ung thư phổi, lao phổi, phù phổi, bệnh tăng áp động mạch phổi, bệnh u hạt trên phổi, các chấn thương phổi khác như hậu Covid-19…
- Các bệnh lý về tim như: các bệnh liên quan đến cơ tim: viêm cơ tim, giãn cơ tim… bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim, viêm màng tim…
3. Khó thở nên làm gì? Một số biện pháp giảm tình trạng khó thở cần biết
Nếu bạn gặp tình trạng khó thở kéo dài hoặc khó thở đột ngột, khó thở nhiều, hãy lập tức đi bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Còn nếu hiện tượng này ở mức độ nhẹ, diễn ra trong thời gian ngắn và bạn đã biết rõ nguyên nhân gây ra không nguy hiểm thì có thể thử một số biện pháp như sau:
Khó thở nên làm gì? Một số biện pháp khắc phục tình trạng khó thở
3.1. Thực hiện một số tư thế thoải mái
Biện pháp đầu tiên trả lời câu hỏi khó thở nên làm gì đó là thay đổi ngay một số các tư thế thoải mái, ví dụ như:
- Ngồi ưỡn ngực hướng về phía trước: hãy thả lỏng vai, tay đặt lên đùi thoải mái, lưng thẳng và hơi ưỡn ngực hướng về phía trước, nên ngồi ghế với điểm tựa là bàn và gối. Động tác này sẽ giúp cải thiện chức năng hô hấp của phổi, giảm áp lực ở ngực khiến việc khó thở được giảm bớt.
- Dựa lưng vào tường: thả lỏng cơ thể, dựa lưng vào tường, có thể hơi cúi người về phía trước, chân cách tường khoảng 20cm. Tư thế này sẽ đem lại sự thoải mái, giải tỏa áp lực khiến việc hô hấp trở nên dễ dàng hơn.
- Nằm xuống nhẹ nhàng, nhưng kê gối cao hơn ở đầu từ 30 đến 60 độ.
Thay đổi tư thế thoải mái giúp giảm khó thở
3.2. Tập điều chỉnh nhịp thở
Tập các bài tập hít thở sâu sẽ giúp làm giảm đáng kể được tình trạng khó thở. Đây là đáp án thứ 2 của câu hỏi khó thở nên làm gì? Bạn đọc có thể tập tại nhà như sau:
- Tập ở tư thế nằm thẳng, đặt 2 bàn tay úp lên bụng, có thể co 2 chân.
- Hít một hơi sâu từ mũi cho không khí tràn căng phổi, giữ hơi trong vài giây
- Cuối cùng hay làm rỗng phổi bằng cách thở từ từ ra bằng miệng.
Bài tập này sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất khi bạn thực hiện một cách chậm rãi và duy trì hàng ngày đều đặn.
Hít thở sâu, tập điều chỉnh lại nhịp thở giúp làm giảm tình trạng khó thở
Một cách điều chỉnh nhịp thở khác đó là thở chúm môi, bài tập này rất hiệu quả nếu bạn đang lo lắng đến mức xuất hiện triệu chứng khó thở. Cách tập thở này như sau:
- Thả lỏng vai, ngồi trên ghế với tư thế thẳng lưng.
- Chúm 2 môi nhưng không mím chặt mà hãy để hở một khoảng nhỏ.
- Hít nhẹ bằng mũi.
- Thở ra từ từ bằng khe hở giữa hai môi.
- Thực hiện lặp lại vài lần.
3.3. Sử dụng một số thực phẩm
Sử dụng thực phẩm cũng là một cách khi không biết khó thở nên làm gì. Một số nghiên cứu cho thấy rằng cafein có tác dụng tương tự methylxanthines – một loại thuốc giãn phế quản yếu, có thể tạm thời cải thiện chức năng của phổi trong khoảng 2 đến 4 tiếng sau khi uống. Không chỉ vậy, cafein còn được chứng minh có khả năng giúp các cơ hô hấp giảm mệt mỏi. Chính vì vậy, nếu mỗi ngày bạn uống một cốc café đen sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng khó thở. Tuy nhiên hãy đảm bảo lượng cafein không quá 400 miligam mỗi ngày để tránh gặp các tác dụng phụ của cafein như: mất ngủ, lo lắng, nhịp tim tăng,...
Café là một loại đồ uống giúp làm giảm khó thở
Gừng là một loại thực phẩm, dược phẩm có tính cay, nóng có thể cải thiện chức năng hô hấp của phổi. Nhai một chút gừng hoặc uống trà gừng nhiều lần trong ngày được cho là một biện pháp hiệu quả để giảm khó thở.
Khó thở là một triệu chứng mà hầu như ai cũng từng gặp phải. Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin về nguyên nhân gây ra khó thở cũng như các biện pháp khi khó thở nên làm gì. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ áp dụng với khó thở ở mức độ nhẹ và không có chiều hướng nặng lên. Với các trường hợp khó thở kéo dài, hãy chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị một cách nhanh chóng nhất.
Một địa chỉ bạn có thể tham khảo là chuyên khoa Hô Hấp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
