Tin tức

Loãng xương do điều trị ung thư vú - nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 20/05/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Loãng xương do điều trị ung thư vú là một hệ lụy không thể tránh được. Tuy nhiên, tác động này có thể được giảm thiểu ở mức tốt nhất nếu như người bệnh biết rõ nguyên nhân gây ra nó và có được kế hoạch tối ưu cho việc bảo vệ sức khỏe hệ xương ngay từ giai đoạn chớm bệnh.

1. Như thế nào là loãng xương?

Loãng xương là tình trạng gia tăng phần xốp của xương xảy ra khi số lượng tổ chức xương, trọng lượng của một đơn vị thể tích xương bị suy giảm. Nó là hậu quả của việc suy giảm lượng calci và các khung protein.

Bị loãng xương giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu đặc biệt nhưng đến khi nó làm cho xương bị yếu đi thì người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng:

Sự khác nhau giữa xương của người bình thường và xương của người mắc bệnh loãng xương

Sự khác nhau giữa xương của người bình thường và xương của người mắc bệnh loãng xương

- Đau lưng, nặng hơn có thể bị xẹp lún hoặc gãy cột sống.

- Chiều cao bị giảm vĩnh viễn kèm theo gù lưng.

- Xương chậu, xương cột sống, xương cổ tay hoặc các xương khác đều bị gãy.

2. Nguyên nhân gây loãng xương do điều trị ung thư vú và cách khắc phục

2.1. Tại sao bệnh nhân điều trị ung thư vú có nguy cơ loãng xương?

Hiện nay đã có rất nhiều nghiên cứu về bệnh ung thư đã chứng minh được rằng việc điều trị bệnh lý này rất dễ khiến người bệnh phải đứng trước tác dụng phụ lâu dài là bị loãng xương, nhất là những bệnh nhân bị ung thư vú, ung thư hạch bạch huyết và ung thư tiền liệt tuyến. Cụ thể hơn là việc điều trị bệnh khiến cho mật độ xương của người bệnh bị suy giảm, xương dễ trở nên yếu và gãy hơn so với người bình thường.

Riêng đối với ung thư vú, việc điều trị ung thư khiến cho người bệnh có nguy cơ loãng và gãy xương cao hơn rất nhiều. Để có một hệ xương chắc khỏe thì nồng độ estrogen có vai trò rất quan trọng. Sự thiếu hụt estrogen rất dễ trở thành điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình mất mật độ xương và tăng tỷ lệ loãng xương.

Sở dĩ nhiều người gặp tình trạng loãng xương do điều trị ung thư vú là bởi:

- Hoá trị liệu

Việc dùng thuốc hoá trị vô tình gây tác động lớn lên chức năng buồng trứng, khiến cho một số bệnh nhân nữ bị mãn kinh sớm. Kết quả của tình trạng ấy chính là sự thiếu hụt estrogen và mật độ xương bị suy giảm. 

Loãng xương do điều trị ung thư vú bằng hóa trị là tình trạng rất phổ biến

Loãng xương do điều trị ung thư vú bằng hóa trị là tình trạng rất phổ biến

Đặc biệt, những phụ nữ ở độ tuổi sau mãn kinh, nếu phải hóa trị ung thư vú thì thường có khối lượng xương thấp hơn so khi không điều trị bằng phương pháp này. Đây cũng là lý do khiến cho tỷ lệ mắc bệnh loãng xương của họ cao hơn so bệnh nhân khác cũng mắc ung thư vú.

- Dùng thuốc nội tiết Tamoxifen

Đây là loại thuốc thường được chỉ định để ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư vú. Thuốc thường được dùng cho bệnh nhân ở độ tuổi tiền mãn kinh và sau mãn kinh bị bệnh lý này. Việc dùng thuốc khiến cho nồng độ estrogen bị ảnh hưởng đáng kể và trở thành lý do gây loãng xương do điều trị ung thư vú, cụ thể là:

+ Với bệnh nhân ở độ tuổi tiền mãn kinh: mật độ xương bị giảm và nguy cơ loãng xương tăng lên, nhất là với nhóm bệnh nhân dưới 45 tuổi và đã bị mất kinh tối thiểu 1 năm.

+ Với bệnh nhân sau độ tuổi mãn kinh: nguy cơ loãng xương thấp hơn.

- Dùng thuốc chất ức chế Aromatase

Bệnh nhân ở độ tuổi sau mãn kinh nếu điều trị thư vú bằng các chất ức chế Aromatase có thể bị giảm khối lượng xương. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng chắc khỏe của xương trước khi điều trị bệnh ung thư vú mà khả năng phát triển bệnh loãng xương ở mỗi bệnh nhân sẽ có sự khác nhau.

- Sử dụng liệu pháp gây ức chế buồng trứng

Các hình thức xạ trị, nội tiết, phẫu thuật,... chính là liệu pháp ức chế buồng trứng có thể làm suy giảm mật độ xương. Trong trường hợp này, quá trình phát triển của tế bào ung thư sẽ được làm chậm lại nhưng nó cũng gây ra hệ quả là loãng xương do điều trị ung thư.

2.2. Cách khắc phục nguy cơ loãng xương khi điều trị ung thư vú

Về cơ bản, mọi liệu pháp áp dụng để điều trị ung thư vú đều được áp dụng với mục đích nhằm cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh nên những tác động có hại của nó đến sức khỏe của hệ xương sẽ không được chú ý đến. Để cải thiện hệ lụy xấu cho xương do điều trị ung thư vú, trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh cần phải biết được về những tác động bất lợi mà phương pháp trị liệu bệnh có thể gây ra để họ ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý tối ưu cho sức khỏe của mình.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng trong thời gian điều trị giúp cải thiện sức khỏe xương của bệnh nhân ung thư vú

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng trong thời gian điều trị giúp cải thiện sức khỏe xương của bệnh nhân ung thư vú

Để cải thiện tình trạng loãng xương do điều trị ung thư, bệnh nhân có thể:

- Cố gắng áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng

Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và canxi trong chế độ ăn sẽ giúp sức khỏe hệ xương của bệnh nhân ung thư vú được cải thiện đáng kể. Nguồn thực phẩm giàu canxi được khuyến cáo là: sữa ít béo, đồ uống bổ sung canxi, rau lá màu xanh đậm,... Nguồn vitamin D dồi dào có nhiều trong các thực phẩm: lòng đỏ trứng, gan động vật, cá nước mặn,...

- Tập thể dục bằng bài tập phù hợp với thể trạng

Luyện tập hàng ngày sẽ giúp cho xương trở nên khỏe hơn. Riêng đối với bệnh nhân ung thư vú, lựa chọn cho mình bài tập phù hợp với thể trạng không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương mà khiến cho sức đề kháng được cải thiện. Các bài tập được khuyến khích gồm: nâng tạ, leo cầu thang, khiêu vũ, đi bộ,...

- Không nên hút thuốc

Phụ nữ bị ung thư vú nếu thường xuyên hút thuốc lá rất dễ bị thiếu hụt estrogen từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sự bệnh loãng xương phát triển.

- Đo mật độ xương định kỳ để tầm soát loãng xương

Thực hiện xét nghiệm mật độ khoáng xương để đo khối lượng xương sẽ giúp tầm soát loãng xương từ sớm và đồng thời dự đoán nguy cơ gãy xương tiến triển trong tương lai. 

- Dùng thuốc

Việc điều trị dứt điểm bệnh loãng xương do điều trị ung thư là không thể. Tuy nhiên, để cải thiện nó, người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ về việc dùng một số loại thuốc giúp giảm nguy cơ gãy xương và mất mật độ xương.

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích giúp bạn đọc biết được nguồn cơn cũng như biện pháp kiểm soát nguy cơ loãng xương do điều trị bệnh ung thư vú. Nếu còn băn khoăn nào khác về vấn đề này, bạn đọc có thể liên hệ với đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.