Tin tức

Mách bạn cách điều trị viêm da cơ địa hiệu quả nhất

Ngày 12/05/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Viêm da cơ địa là một bệnh lý viêm da mạn tính, thường xảy ra cùng với các bệnh mạn tính như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,… Tuy không gây nguy hiểm nhưng khi bị sẽ gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về bệnh, đặc biệt là cách điều trị hiệu quả.

1. Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis) còn được gọi với cái tên khác là bệnh chàm, eczema, bệnh sẩn ngứa besnier, bệnh liken đơn mạn tính,… Đây là một căn bệnh mạn tính, xảy ra theo từng đợt và bắt đầu bởi các vết chàm ngứa trên da. Bệnh thường xảy ra ở những người có tiền sử hoặc trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến cơ địa như: hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nổi mề đay, dị ứng thuốc,…

 Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, đặc trưng bởi những vết chàm ngứa trên da

Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, đặc trưng bởi những vết chàm ngứa trên da

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như mặt, tay, chân, cổ, bụng, lưng, thậm chí là mông, vùng kín,… Tuy nhiên các vết chàm ngứa thường xuất hiện chủ yếu ở bàn tay, cánh tay, đùi, lưng, vùng cổ sau. Các vết chàm này thường chỉ xuất hiện rầm rộ vào một khoảng thời gian sau đó thuyên giảm và cứ thế tái phát ngày này qua năm khác.

Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa đều không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh. Một số tác hại của căn bệnh này là: 

  • Gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như giấc ngủ của người bệnh.

  • Bệnh mạn tính, tái phát thường xuyên và khó điều trị dứt điểm. Bệnh nhân phải sống chung với căn bệnh này trong một thời gian dài.

  • Gãi nhiều làm tổn thương da, đặc biệt là các vùng da nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập gây viêm da bội nhiễm.

  • Một số trường hợp bội nhiễm do virus có thể gây sốt, tổn thương các nội quan bên trong, đe dọa đến sức khỏe của người bệnh.

  • Nếu các vết chàm ngứa xuất hiện ở vùng mắt có thể gây ảnh hưởng đến thị lực.

  • Gãi nhiều và không được điều trị ngoài da sẽ dễ gây sẹo về sau, bệnh lan rộng gây ban đỏ toàn thân, khó điều trị.

  • Các biến chứng khác: bệnh nhân có thể sẽ bị suy hô hấp, hen suyễn, hen phế quản,…

2. Nguyên nhân 

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể tìm ra thông tin chính xác về nguyên nhân gây nên căn bệnh mạn tính này. Một số ý kiến cho rằng bệnh này liên quan đến yếu tố gia đình. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh này:

  • Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc viêm da cơ địa và một số bệnh liên quan đến cơ địa khác, thì bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh này.

  • Có tiền sử mắc các bệnh cơ địa như hen suyễn, viêm mũi - xoang dị ứng,…

  • Có tiền sử dị ứng với thức ăn hoặc thuốc: hải sản, ngũ cốc, trứng, sữa, thuốc giảm đau, thuốc an thần,…

  • Sức đề kháng yếu, da không được khỏe mạnh hoàn toàn cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh.

  • Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học: Lười tắm gội, tắm quá nhiều, ít vệ sinh da, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, tác nhân gây ngứa,…

  • Sự ảnh hưởng của thời tiết và môi trường sống: Khi thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường sống ô nhiễm cũng có thể gây nên bệnh.

Các nguyên nhân trên đây chỉ mang tính chất giả thuyết và không được chắc chắn 100%. Để biết được nguyên nhân gây nên căn bệnh này cần phải nghiên cứu thực hiện những thí nghiệm chuyên sâu hơn.

Thời tiết thay đổi có thể khiến bệnh bùng phát

Thời tiết thay đổi có thể khiến bệnh bùng phát

3. Triệu chứng

Đây là một căn bệnh không quá khó để nhận biết bởi vì nó được đặc trưng bởi những triệu chứng nhất định. Có thể điểm qua các triệu chứng điển hình của bệnh, bao gồm:

- Ngứa: Ngứa là một dấu hiệu điển hình nhất của bệnh viêm da cơ địa. Người bệnh có thể bị ngứa tại một vùng da hoặc nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Cơn ngứa thường tăng lên khi về đêm hoặc khi thời tiết lạnh, hanh khô. Điều này khiến ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, trẻ em bị bệnh thường quấy khóc, ngủ không ngon. Không những thế, ngứa và gãi sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm da bội nhiễm hơn.

- Tổn thương da: Khi bệnh mới khởi phát sẽ xuất hiện những vết chàm, vết đỏ trên da. Đây cũng là xuất phát điểm của triệu chứng ngứa, càng gãi, các vết tổn thương da càng dày lên và lan rộng.

- Da phù nề, đóng vảy: Khi người bệnh gãi quá nhiều sẽ dẫn đến da bị tổn thương. Giai đoạn này, da có biểu hiện phù nề, chảy dịch, đóng vảy, đau rát khó chịu.

- Tổn thương da lan rộng: Việc gãi quá nhiều không những làm bệnh nhân đau rát mà còn tạo điều kiện cho bệnh lan rộng nhanh chóng. Các chất dịch chảy ra từ vị trí tổn thương sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm kế phát và lan rộng hơn.

- Tổn thương da tái phát: Bệnh sẽ được khỏi sau một thời gian ngắn điều trị tích cực. Tuy nhiên không lâu sau đó, bệnh sẽ lại “ghé thăm” và đâu lại vào đó, có thể là tự tái phát hoặc do trở trời, thời tiết, khói bụi,…

Bệnh nhân thường ngứa và gãi nhiều kèm những vùng tổn thương da

Bệnh nhân thường ngứa và gãi nhiều kèm những vùng tổn thương da

4. Điều trị viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa không thể điều trị dứt điểm hay điều trị dựa vào nguyên nhân. Đây là một bệnh chủ yếu điều trị hỗ trợ để giảm ngứa, giảm các triệu chứng bên ngoài. 

Điều trị bằng thuốc uống

Các trường hợp cần sử dụng thuốc uống trong điều trị bệnh này chủ yếu là ngăn ngừa và điều trị bội nhiễm vi khuẩn. Sử dụng các thuốc kháng sinh với liều thích hợp có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh. Ngoài ra trong các trường hợp nặng cần sử dụng thêm thuốc kháng histamin để hạn chế tình trạng ngứa và gãi quá mức.

Điều trị bằng thuốc bôi

Thuốc bôi ngoài da là liệu pháp thường được sử dụng để giảm các triệu chứng ngứa ngáy, đau rát, viêm nhiễm ngoài da.

  • Kem chống ngứa: Bôi trực tiếp vào vị trí da bị ngứa, tổn thương.

  • Kem bôi kháng viêm không chứa steroid: Kem này có tác dụng tích cực giúp cho các vết chàm ngứa bớt sưng viêm, bớt đỏ. Tuy nhiên không nên dùng kem trong thời gian dài và trên diện rộng, sử dụng kem bôi chứa corticoid cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

  • Kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm giúp cung cấp độ ẩm cho da, hạn chế nứt nẻ, đặc biệt là vào thời tiết khô hanh.

Sử dụng kem bôi là liệu pháp tốt để điều trị bệnh viêm da cơ địa

Sử dụng kem bôi là liệu pháp tốt để điều trị bệnh viêm da cơ địa

Có thể thấy, bệnh viêm da cơ địa là một bệnh không thể chủ quan như mọi người thường nghĩ. Bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây hại đến sức khỏe của người bệnh. Các vấn đề thắc mắc về bệnh viêm da cơ địa, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp cụ thể.

Từ khoá: viêm da cơ địa

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.