Tin tức

Nấm bàn chân - Bệnh lý da liễu thường gặp và cách xử lý

Ngày 05/12/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nấm bàn chân là hiện tượng vùng da ở bàn chân gặp nhiễm trùng và xảy ra khá phổ biến ở những vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Bệnh là do vi nấm ký sinh gây nên. Mặc dù đây không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển, vận động và sinh  hoạt hàng ngày.

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh nấm bàn chân là gì?

Nấm bàn chân còn có tên gọi khác là bệnh lác đồng tiền ở chân do nấm Dermatophytes gây ra. Bệnh xuất hiện nhiều ở những vùng nhiệt đới hay môi trường đô thị nóng bức.

Nấm Dermatophytes được chia thành 3 loại  và chúng đều có khả năng gây bệnh, đó là:

  • Epidermophyton floccosum;

  • T. mentagrophytes var. Interdigitale, sau này đổi thành T. interdigitale;

  • Trichophyton (T.) rubrum.

Bã nhờn trong biểu bì da có tác dụng ức chế sự xâm nhập của các tế bào nấm. Trong khi đó vùng da ở bàn chân không có tuyến bã nhờn kết hợp với những vết nứt trên da tạo điều kiện thuận lợi để nấm gây bệnh ở đây. 

Nấm bàn chân khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu

Nấm bàn chân khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu

Bất kỳ ai cũng có thể bị nấm bàn chân nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn ở những đối tượng sau: 

  • Người thường xuyên đi giày bịt kín và bàn chân hay bị đổ nhiều mồ hôi;

  • Bệnh có tỷ lệ lây lan cao và lây từ người này sang người khác qua quần áo, khăn tắm, giày dép, thảm, chăn chiếu hoặc sàn nhà,... có dính tác nhân gây bệnh;

  • Có thói quen đi chân trần ở những nơi công cộng như phòng tắm chung, phòng thay đồ, hồ bơi, phòng tắm hơi,...;

  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý như: tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch, phù bạch huyết, tuần hoàn máu kém,...;

  • Tác dụng phụ của các thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid.

Ngoài nấm bàn chân, cũng có những trường hợp còn kèm theo nấm bàn tay, nấm da ở háng hoặc nấm móng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách ngay từ sớm, cụ thể là:

  • Móng: vì móng là bộ phận gần gũi với các vùng da bị nấm ở bàn chân nên khi nấm lan rộng và không được kiểm soát sẽ rất dễ lây bệnh sang móng;

  • Tay: nếu bệnh nhân hay chọc ngoáy hoặc cào gãi những vị trí da bị nhiễm nấm ở bàn chân cũng có thể bị lây nấm lên vùng da tay;

  • Vùng háng, bẹn: cần lưu ý là phần lớn các trường hợp bị nấm bẹn khi xét nghiệm đều cùng một loại nấm gây bệnh ở bàn chân. Do vậy rất có thể nấm bàn chân sẽ  có xu hướng lan lên bẹn thông qua tay hoặc quần áo khi tiếp xúc hoặc cọ xát với vùng da bị bệnh hàng ngày.

2. Nấm bàn chân có đặc điểm như thế nào? 

Dấu hiệu để nhận biết tình trạng nấm bàn chân đó là vùng da chân bắt đầu phát ban kèm theo vảy gây ngứa ngáy, cảm giác châm chích thậm chí là bỏng rát. 

Dưới đây là các đặc điểm điển hình của nấm bàn chân: 

  • Có vảy hoặc vết mòn ngứa xuất hiện giữa các kẽ chân, nhất là ở ngón chân thứ 4 và ngón chân thứ 5;

  • Lòng bàn chân ở cả hai bên đều bị phủ bởi một lớp vảy (thường là do nấm Dermatophytes loại T.rubum gây ra;

  • Hình thành các mụn nước với kích thước từ nhỏ đến vừa gây ảnh hưởng đến mặt trong của bàn chân, thậm chí là lở loét và chảy nước giữa các ngón chân. Có trường hợp còn bị mụn mủ do nấm Dermatophytes loại T. interdigitale .

Nấm bàn chân có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý ngoài da khác, cụ thể là các bệnh như sau:

  • Mụn mủ mọc dưới lòng bàn chân;

  • Bệnh vảy nến ở da cũng có thể xuất hiện ở bàn chân;

  • Dày sừng da bàn chân;

  • Tình trạng viêm da dị ứng do tiếp xúc lâu ngày với chất liệu của giày dép (như keo dán giày, cao su, đêm đế giày, hay kali dicromat thường được sử dụng để làm thuốc nhuộm vải hoặc chất thuộc da);

  • Chàm bàn chân: bao gồm viêm da tiếp xúc dị ứng hay bệnh phồng rộp da do các ngón chân bám dính vào nhau lâu dẫn tới ẩm ướt kéo dài giữa các kẽ ngón chân.

Người thường xuyên đi giày và bàn chân ra nhiều mồ hôi rất dễ bị nấm bàn chân

Người thường xuyên đi giày và bàn chân ra nhiều mồ hôi rất dễ bị nấm bàn chân

Khi thực hiện xét nghiệm có thể thấy kết quả âm tính với nấm bàn chân, đồng thời những  bệnh lý trên thường mang đặc điểm là tổn thương viêm đối xứng hai  bên.

3. Những biện pháp được chỉ định trong điều trị nấm bàn chân 

Các phương pháp được chú trọng hàng đầu trong điều trị nấm bàn chân là giữ gìn vệ sinh vùng da bị nhiễm nấm, bao gồm lau khô chân và các kẽ chân tỉ mỉ, không đi giày dép bị kín phần mũi, dùng dép khi di chuyển và sinh hoạt trong các không gian công cộng.

Ngoài ra bệnh nhân cũng cần dùng thuốc để khắc phục hiện tượng nấm bàn chân. Bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc bôi như butenafine, allylamine, azoles, tolnaftate và ciclopirox. Nên duy trì tần suất sử dụng từ 1 - 2 lần/ngày, một liệu trình dùng từ 2 - 4 tuần.

Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng những loại thuốc trên nhưng không đem lại hiệu quả thì có dùng các thuốc kháng nấm như Itraconazole, Terbinafine, Griseofulvin hay Fluconazole. Nếu người bệnh gặp triệu chứng tăng sừng do nấm da chân, có thể dùng thêm loại thuốc có tác dụng tiêu sừng tại chỗ với thành phần urê hoặc axit salicylic.

Lưu ý: thuốc chỉ được sử dụng dưới chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không nên tự ý mua về dùng và quyết định liều lượng khi không có tư vấn từ bác sĩ.

4. Các cách giúp phòng ngừa bệnh nấm bàn chân

Để giảm bớt các triệu chứng của bệnh hoặc ngăn ngừa nấm da chân, bạn nên áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Giữ gìn bàn chân luôn khô thoáng, sạch sẽ nhất là ở các kẽ chân. Khi  ở nhà bạn nên đi dép lê để giúp chân luôn thông thoáng. Sau khi tắm hãy lau khô những vùng da này;

  • Lựa chọn loại giày nhẹ, thông thoáng, không nên dùng giày làm từ cao su hoặc nhựa vinyl vì dễ gây bí da;

  • Thường xuyên thay tất và giặt sạch tất. Nhất  là với những người hay ra nhiều mồ hôi ở bàn chân thì nên thay ít nhất 2 lần tất mỗi ngày;

  • Nên thay đổi, luân phiên các đôi giày khác nhau khi sử dụng để đôi cũ được giặt giũ và phơi khô sạch sẽ cho lần sử dụng tiếp theo;

  • Khi sinh  hoạt ở những địa điểm công cộng hay mang dép hoặc giày  không thấm nước;

  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là người đang bị nấm bàn chân;

  • Điều trị dứt điểm bệnh để tránh nguy cơ bệnh nấm tái phát và lan sang những bộ phận khác trên cơ thể.

Mỗi khi tắm rửa bạn cần chú ý vệ sinh kỹ càng cả vùng bàn chân nhé!

Mỗi khi tắm rửa bạn cần chú ý vệ sinh kỹ càng cả vùng bàn chân nhé!

Có thể nói bệnh nấm bàn chân rất dễ  lây nhiễm từ người này sang người khác khi chia sẻ đồ dùng cá nhân hay sinh hoạt nơi công cộng. Hy vọng rằng thông qua bài viết này bạn đã có những kiến thức cơ bản giúp nhận biết, điều trị và phòng ngừa bệnh nấm bàn chân. Nếu bạn đang có các dấu hiệu bị bệnh, hãy liên hệ ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được đặt lịch khám với các chuyên gia khoa Da liễu bạn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.