Tin tức

Ngứa hậu môn là biểu hiện của bệnh gì? Điều trị ra sao?

Ngày 29/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Ngứa hậu môn là tình trạng phổ biến nhiều người gặp phải. Triệu chứng này có thể chỉ thoáng qua và nhanh chóng biến mất nhưng cũng có khi là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Nếu bạn đang gặp phải dấu hiệu này kèm theo những biểu hiện bất thường khác thì hãy nghiên cứu thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về tình trạng ngứa hậu môn 

Ngứa hậu môn là khi vùng da bên trong hoặc bên ngoài khu vực hậu môn bị kích ứng và ngứa ngáy khó chịu. Đó có thể chỉ là cảm giác thoáng qua nhưng cũng có nhiều trường hợp đây là dấu hiệu viêm nhiễm hậu môn. 

Khi hậu môn tiếp xúc với nước, hơi ẩm hoặc bị tổn thương do tác động vật lý như gãi, cọ xát thì mức độ ngứa và viêm nhiễm sẽ tăng dần. Thậm chí cơn ngứa có thể trở nên dữ dội, sau đó là cảm giác đau đớn và bỏng rát khiến người bệnh vô cùng bức bối và khó chịu.

Ngứa hậu môn được phân thành 2 loại như sau:

  • Ngứa hậu môn nguyên phát: xảy ra phổ biến nhất và không rõ nguyên nhân;

  • Ngứa hậu môn thứ phát: do nhiều nguyên nhân gây nên như viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng hậu môn,...

Ngứa hậu môn là tình trạng phổ biến rất nhiều người gặp phải

Ngứa hậu môn là tình trạng phổ biến rất nhiều người gặp phải

Tình trạng ngứa hậu môn có thể kèm theo các biểu hiện khác như nóng rát, đau nhức, trầy xước vùng hậu môn. Ngứa hậu môn còn có thể kèm theo máu, ngứa lan sang cơ quan sinh dục, triệu chứng này càng tăng nặng mỗi khi đi đại tiện.

2. Tổng hợp các nguyên nhân gây ngứa hậu môn

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do:

2.1. Do lối sống

  • Thói quen ăn uống: ăn uống quá nhiều những dạng thực phẩm như trà, cà phê, nước ngọt, trái cây có múi, socola, thức ăn cay, bơ sữa, cà chua,... có thể làm nới lỏng cơ hậu môn, từ đó phân bị rỉ són ra ngoài kết hợp với vết thương hở ở hậu môn gây ngứa rát, viêm nhiễm khu vực này;

  • Vệ sinh hậu môn kém: sau khi đi đại tiện nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ hậu môn có thể khiến chất thải còn sót lại dẫn tới triệu chứng ngứa rát vùng da này. Ngoài ra nhiều người có thói quen sử dụng xà phòng, nước nóng, xịt thơm hoặc động tác lau chùi quá mạnh,... cũng làm nghiêm trọng thêm tình trạng ngứa ngáy hậu môn vì vùng da ở đây rất nhạy cảm, dễ trầy xước.

2.2. Nguyên nhân bệnh lý

  • Bị nhiễm giun kim: giun kim là loại ký sinh trùng có kích thước nhỏ, phát triển nhờ việc hút dưỡng chất từ vật chủ. Khi xâm nhập vào cơ thể người nó sẽ sinh sống chủ yếu ở hệ tiêu hóa, có thói quen đẻ trứng vào ban đêm ở vùng hậu khiến người bệnh ngứa ngáy vô cùng. Nó thường tồn tại trong đồ dùng và thực phẩm bẩn nên dễ dàng đi vào cơ thể chúng ta. Nhiễm giun kim đặc biệt xảy ra nhiều ở trẻ em; 

  • Bị bệnh trĩ: đây là tình trạng sưng to tĩnh mạch ở trong hoặc ngoài hậu môn khiến người bệnh có cảm giác ngứa, bỏng rát. Trĩ nội và trĩ ngoại đều có thể gây chảy máu, són phân, khó khăn trong việc đi vệ sinh, đại tiện không tự chủ,... dẫn tới kích ứng và ngứa da vùng hậu môn;

  • Mắc chứng rò hậu môn: là hiện tượng niêm mạc ống hậu môn bị rách gây rò, chảy dịch ra ngoài khiến da bị kích ứng, ngứa ngáy và đau rát. Nguyên nhân thường là do táo bón, chấn thương, tiêu chảy lâu ngày, giao hợp qua đường hậu môn, bệnh Crohn, ung thư,...;

  • Bị bệnh vảy nến: cơn ngứa do bệnh vảy nến gây nên khiến vùng hậu môn ửng đỏ, ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt đau rát khi đi đại tiện; 

  • Nhiễm bệnh tình dục như: lậu, sùi mào gà, mụn rộp, mụn cóc sinh dục,... cũng có thể gây ngứa hậu môn. Nếu không được điều trị sớm những bệnh lý này, về lâu dài có nguy cơ dẫn đến ung thư hậu môn;

  • Nhiễm nấm Candida: loại nấm này phát triển mạnh trong ống tiêu hóa, tích tụ ở ruột và di chuyển tới hậu môn gây nhiễm trùng tại đây. Chúng đặc biệt ưa thích môi trường ẩm ướt nhất là khi thời tiết nóng ẩm, bạn đổ nhiều mồ hôi, vệ sinh cá nhân kém, mặc quần áo quá bó,... Phụ nữ đang mang thai, bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng sinh, người thừa cân béo phì, người bị suy giảm hệ miễn dịch,... là những đối tượng dễ bị nhiễm nấm Candida;

  • Dị ứng với thuốc: thuốc kháng sinh dùng cho các trường hợp bị nhiễm trùng có thể gây tác dụng phụ là tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi. Lúc này đường ruột sẽ bị mất cân bằng vi sinh gây tiêu chảy hoặc nhiễm trùng nấm men,... làm tổn thương và ngứa ngáy vùng da ở hậu môn;

  • Các nguyên nhân khác: bệnh tiểu đường, phụ nữ tiền mãn kinh, ung thư máu giai đoạn đầu, ung thư hạch, bệnh bạch cầu, thiếu máu, cường giáp, bệnh gan,...

Trĩ ngoại là một trong những nguyên nhân gây ngứa  hậu môn

Trĩ ngoại là một trong những nguyên nhân gây ngứa  hậu môn

3. Những phương án khắc phục tình trạng ngứa hậu môn 

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể sẽ lựa chọn phương án điều trị ngứa thích hợp. Đối với những trường hợp bị ngứa hậu môn nguyên phát, cách cải thiện cần áp dụng đầu tiên đó là vệ sinh sạch sẽ, kỹ lưỡng sau khi đi đại tiện, lau khô vùng da này bằng giấy khô. Nếu bị ngứa hậu môn thứ phát thì cần giải quyết  triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Dựa trên từng nguyên nhân cụ thể, một số giải pháp điều trị ngứa hậu môn có thể được áp dụng đó là:

  • Dùng thuốc chống nấm và thuốc kháng sinh;

  • Bôi kem Capsaicin nếu bị ngứa hậu môn mạn tính;

  • Dùng Hydrocortisone không kê đơn bôi từ 2 - 3 lần/ngày lên vùng da hậu môn bị ngứa;

  • Chiếu plasma vùng hậu môn;

  • Giảm ngứa và đau hậu môn bằng cách tiêm Methylen;

  • Lưu ý: không sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín hay xà phòng để vệ sinh vùng hậu môn khi đang bị ngứa, thay vào đó bạn chỉ nên vệ sinh hậu môn bằng nước ấm.

4. Phòng ngừa tình trạng ngứa hậu môn bằng cách nào? 

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa hiện tượng này bằng những cách dưới đây:

  • Vệ sinh vùng kín và hậu môn nhẹ nhàng, sạch sẽ khi tắm rửa và sau khi đi vệ sinh hàng ngày;

  • Không nên dùng xà phòng và dung dịch khử khuẩn mạnh cho vùng da hậu môn vì rất dễ khiến da bị kích ứng và ngứa ngáy;

  • Sử dụng loại giấy vệ sinh không mùi, chứa thành phần làm từ thiên nhiên;

  • Mặc đồ lót và quần áo bằng loại vải thoáng mát, thấm hút tốt mồ hôi giúp vùng kín luôn khô thoáng, tránh tình trạng ẩm ướt dễ khiến vi khuẩn sinh sôi. Nên thay đồ lót định kỳ và dùng loại vừa với kích cỡ cơ thể, không bó quá chặt vào vùng kín;

  • Bổ sung vào khẩu phần ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc để tránh bị tiêu chảy và táo bón;

  • Không nên dùng những đồ uống và thực phẩm có thể gây ngứa hậu môn như đồ uống có gas, sữa, thức ăn chay, caffeine, đồ chứa nhiều axit,...

Sau khi đi cầu bạn hãy nhớ vệ sinh hậu môn đúng cách, sạch sẽ

Sau khi đi cầu bạn hãy nhớ vệ sinh hậu môn đúng cách, sạch sẽ

Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng ngứa hậu môn. Để biết chính xác đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, tốt nhất bạn nên đi khám Da liễu tại các cơ sở y tế uy tín.

Chuyên khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ đáng tin cậy bạn nên lựa chọn nếu đang gặp phải triệu chứng ngứa hậu môn lâu ngày không khỏi. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và tư vấn để có phương án điều trị phù hợp nhất cho bạn, giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh của tình trạng này.

Liên hệ ngay hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tổng đài viên giải đáp và tư vấn cụ thể hơn bạn nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.