Tin tức

Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng chống bệnh cúm

Ngày 01/04/2020
CN Nguyễn Thị Huế, CN Bùi Văn Thưởng - Trung tâm xét nghiệm
Bệnh cúm là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do virus Influenza (type A, B, C) gây nên. Bệnh có thể gây thành dịch với biểu hiện đau đầu, đau cơ, sốt cao, mệt mỏi kéo dài, ho, hắt hơi, sổ mũi,… Trong đó, cúm A nguy hiểm hơn và có thể gây thành đại dịch. Thông thường bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu không được kiểm soát bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy tim, liệt thần kinh và có thể tử vong.

1. Nguyên nhân mắc bệnh cúm là gì?

Nguyên nhân mắc bệnh là do sự xâm nhập và nhân lên của virus cúm (Influenza) vào tế bào biểu mô đường hô hấp, có 3 type gây bệnh là A, B, C. Cúm type A gây bệnh rầm rộ hơn và nhanh chóng lây lan thành dịch, cúm type B chỉ gây bệnh giới hạn ít lây lan thành dịch và cúm type C thì gây bệnh với triệu chứng nhẹ nhất: cảm lạnh, viêm đường hô hấp dưới và rất hiếm khi gây thành dịch.

Virus cúm có 4 loại kháng nguyên chính: M1, M2, H và N. Trong đó, H và N là 2 kháng nguyên dùng để phân type cúm A gồm H từ H1 đến H16 và N từ N1 đến N9. Cúm type B và type C cũng có kháng nguyên H và N nhưng ở 2 type này không có sự thay đổi cấu trúc kháng nguyên nên không cần phân chia type.

Ảnh 1: Virus gây bệnh cúm qua đường hô hấp

Bệnh lây qua đường hô hấp, khi virus bắn ra ngoài theo cơn ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Dịch thường xảy ra khi thời tiết lạnh, trẻ em và người già có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Bệnh tiến triển xấu ở người mắc bệnh tim, viêm phổi mạn tính, tiểu đường, viêm thận mạn.

2. Biểu hiện của bệnh cúm là gì?

Dù được phân loại thành 3 type khác nhau tuy nhiên thực tế khó có thể phân biệt được bệnh cúm do virus Influenza type A, B hay C.

  • Giai đoạn ủ bệnh: thời gian ủ bệnh là 24 giờ đến 48 giờ, thậm chí có thể lên tới 72 giờ.

  • Giai đoạn khởi phát: xuất hiện các biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, tăng nhanh trong 24 giờ đầu, có thể kèm theo rét run hoặc không. Bệnh nhân đau nhức toàn thân, đặc biệt là đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, có thể ho cơn ngắn, không có đờm.

  • Giai đoạn toàn phát: Xuất hiện các biểu hiện sau:

+ Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao liên tục, mạch nhanh, chán ăn, nước tiểu vàng, có thể chảy máu cam.

+ Biểu hiện đau: bệnh nhân đau đầu, đau tăng khi ho gắng sức, đau cơ bắp toàn thân, đặc biệt khu trú ở ngực, thắt lưng, chi dưới và vùng trên xương ức. 

+ Hội chứng hô hấp: là triệu chứng nổi bật, xuất hiện ngay ở những ngày đầu mắc bệnh.

Ảnh 2: Một số triệu chứng hô hấp điển hình của bệnh 

  • Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, khô và đau rát họng.

  • Triệu chứng viêm phế quản, viêm phổi như ho, khó thở.

  • Triệu chứng viêm thanh khí quản: ho khan, khàn tiếng.

+ Ngoài ra còn có thể gặp một số biểu hiện khác:

  • Nhẹ: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ở trẻ em.

  • Nặng: viêm phổi, viêm màng não, hạ huyết áp, viêm cơ tim, viêm đa dễ thần kinh, liệt nửa người.

  • Giai đoạn lui bệnh: Bệnh có thể tự phục hồi sau 2 - 5 ngày sốt nếu không có biến chứng, ở giai đoạn này vẫn có thể còn những biểu hiện khó thở, hắt hơi sổ mũi, ho,… nhưng nhẹ hơn.

3. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm

Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già (những người có sức đề kháng yếu khi chống chọi với bệnh tật).

Ảnh 3: Bệnh cúm có thể gây biến chứng liệt nửa người

  • Biến chứng ở phổi: là biến chứng hay gặp nhất, dấu hiệu nhận biết là sốt, ho kéo dài, khó thở, tím tái, thở nhanh, ran phổi. Chụp X-quang thấy hình ảnh thâm nhiễm mô kẽ lan tỏa, vi phế nang có hiện tượng hoại tử, xuất huyết.

Biến chứng phổi khác: áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản.

  • Biến chứng thần kinh: liệt thần kinh sọ não, liệt nửa người, viêm tủy cắt ngang, viêm màng não.

  • Biến chứng tim mạch: viêm cơ tim, bloc tim, co mạch ngoại vi, viêm màng ngoài tim.

  • Một số biến chứng khác: viêm cơ, viêm thanh quản, viêm tai giữa.

4. Phương pháp nào dùng để chẩn đoán bệnh cúm?

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh cúm, cụ thể như sau:

  • Phương pháp phát hiện kháng nguyên: 

+ Phương pháp chẩn đoán nhanh (Influenza virus A, B, A (H1N1) test hay Cúm AB nhanh): là phương pháp thông dụng nhất, cho kết quả sau vài phút, sử dụng bệnh phẩm lâm sàng trong giai đoạn sớm của bệnh, có thông tin rất sớm để quản lý các ca bệnh cấp,...

  • Phương pháp sinh học phân tử: Influenza A, B Realtime PCR - phân biệt cúm type A, B và các loại type của cúm A, cho kết quả nhanh và chính xác, đặc biệt có ý nghĩa với những trường hợp mắc bệnh nguy hiểm như A(H1N1), A(H5N1),…

  • Phương pháp huyết thanh học: phương pháp ức chế ngưng kết hồng cầu (Hemagglutination inhibition) hoặc cố định bổ thể (Complement fixation). 

  • Phân lập virus : có thể phân lập virus Influenza trong dịch xuất tiết mũi họng hay khí quản, cấy trên tổ chức phôi gà.

Các phương tiện chẩn đoán xác định bằng phương pháp huyết thanh học hay phân lập virus rất đắt và không thực tế. Chúng thường chỉ dành cho các nghiên cứu dịch tễ học, phục vụ công tác dự báo và làm vaccine. 

5. Cần làm gì để phòng ngừa mắc bệnh cúm?

Bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch, vì vậy cần phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả: 

  • Phát hiện sớm và cách ly các trường hợp mắc cúm, đặc biệt là cúm A. 

  • Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức về bệnh (đường lây, cách phòng tránh…), đặc biệt là những nơi đang có dịch, có khả năng có dịch,… Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang,… trong khi và sau khi tiếp xúc với những người bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh.

Ảnh 4: Chủ động phòng ngừa bệnh cúm

  • Hạn chế lưu hành hay tụ họp đông đúc nơi có dịch cúm bùng phát.

  • Khi tiếp xúc với người mắc cúm cần mang khẩu trang, khử trùng quần áo, dụng cụ sau khi tiếp xúc.

  • Khử trùng không khí thường xuyên tại nơi đang có dịch để hạn chế lây lan.

  • Tiêm đầy đủ vaccine cúm theo khuyến cáo, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

  • Trong vụ dịch có thể uống thuốc phòng bệnh cùng với tiêm vaccine theo chỉ định của Bác sĩ.

Khi có những biểu hiện nghi ngờ hoặc từng tiếp xúc với người mắc cúm trong thời gian gần đây, hãy thực hiện xét nghiệm sớm để có thể xác định được tình trạng bệnh và hạn chế nguy cơ lây lan cho người xung quanh. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một đơn vị y tế ngoài công lập có năng lực thực hiện xét nghiệm hàng đầu trên cả nước. 

Bệnh viện có đội ngũ cán bộ nhân viên giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 luôn mang đến kết quả nhanh nhất và chính xác nhất cho khách hàng. 

Hãy liên hệ qua tổng đài 1900 565656 để được tư vấn, đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm và khám chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ y tế thông minh tại Bệnh viện. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.