Tin tức

Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị bệnh viêm phổi ở trẻ em

Ngày 20/04/2020
Bệnh viêm phổi ở trẻ là một trong những bệnh hô hấp thường gặp nhất ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Theo thống kê gần đây nhất của WHO và UNICEF thì trên thế giới có đến gần 2 triệu trẻ em tử vong mỗi năm do viêm phổi. Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ em nhập viện vì bệnh viêm phổi chiếm đến 25% trong tổng số ca bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu kỹ hơn về bệnh viêm phổi ở trẻ để có hướng phòng bệnh hiệu quả nhất.

1. Viêm phổi là gì? Nguyên nhân gây viêm phổi?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn ở phổi do các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Từ đó tác động trực tiếp đến chức năng trao đổi khí và các biến chứng khác có thể xuất hiện.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ: viêm phổi có nhiều nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm, đôi khi có thể do hít phải khí độc hoặc sặc phải các hoá chất. Các nguyên nhân cụ thể như sau:

  • Trẻ dưới 5 tuổi thường mắc viêm phổi do: phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, HiB có thể mắc từ môi trường hoặc có thể từ mẹ truyền qua trong quá trình mang thai.

Phế cầu khuẩn gây viêm phổi ở trẻ

Phế cầu khuẩn gây viêm phổi ở trẻ

  • Trẻ trên 5 tuổi thường mắc viêm phổi do: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Influenza virus, Adenovirus.

  • Sức đề kháng yếu: trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên các yếu tố bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

  • Điều kiện môi trường kém vệ sinh, bẩn thỉu, không khí bị ô nhiễm tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ sẵn sàng xâm nhập vào cơ thể trẻ em.

2. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi ở trẻ em

Các triệu chứng bệnh viêm phổi ở trẻ càng nhỏ thì bệnh tiến triển càng nhanh nên cần chú ý theo dõi, để mắt tới trẻ với những dấu hiệu đầu tiên như ho, chảy nước mũi.

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi ở trẻ:

  • Có thể ho nhiều hoặc ít, tiếng ho trầm nặng, ho có thể xuất hiện giữa hoặc cuối kỳ bệnh.

  • Nhịp thở thay đổi nhanh hơn so với lúc bình thường.

  • Sốt cao khoảng 38.5o C, đối với trẻ nhỏ và trẻ có hệ miễn dịch yếu thì có thể không sốt hoặc thậm chí giảm thân nhiệt.

  • Thở khó khăn, thở phập phồng cánh mũi, cơ liên sườn và hõm ức lõm vào khi hít thở.

  • Môi mắt và các đầu chân tay tím tái vì thiếu oxy trong tình trạng nặng.

  • Đau ngực, ôm ngực mỗi khi ho.

  • Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, có thể nôn mửa, không chơi đùa, quấy phá.

  • Có thể xuất hiện các cơn co giật và có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ bị ho trong bệnh viêm phổi

Trẻ bị ho trong bệnh viêm phổi

Thường xác định các nghi ngờ ban đầu về bệnh viêm phổi ở trẻ em thông qua việc đếm nhịp thở: nhịp thở của các giai đoạn trẻ phát triển sẽ có sự khác nhau, sử dụng đồng hồ hiển thị giây để đo nhịp thở của trẻ trong vòng 1 phút để so sánh với nhịp thở trẻ lúc bình thường (không vận động):

Trẻ được xem là thở nhanh khi:

  • Thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi).

  • Thở trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi).

  • Thở trên 40 lần/phút (từ 1 - 5 tuổi, 6 tuổi tần số thở khác).

Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa trẻ đến khám sớm nhất có thể.

3. Điều trị viêm phổi ở trẻ

Khi nhận thấy thấy các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế sớm nhất để có thể để kịp thời điều trị và hạn chế bệnh nặng thêm. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.

Trong trường hợp chưa thể đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế, bệnh viện thì các bạn có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ tích cực cho trẻ như: giữ ấm cơ thể, tránh để trẻ vận động nhiều, ăn uống đủ chất, đặc biệt là hỗ trợ trẻ khi bị ho.

Ho là một phản ứng của cơ thể trong bệnh viêm phổi nhằm tống các chất cặn, các dịch viêm cùng với ổ kháng nguyên (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,…) ra khỏi đường hô hấp. Vì vậy cần có phương pháp hỗ trợ trẻ ho đúng cách:

  • Cho trẻ đứng hoặc ngồi thẳng lưng, đầu hơi ngả về trước.

  • Mát xa và vỗ nhẹ liên tục lên vùng phổi sau lưng bằng cách khum bàn tay lại, vỗ đều khu vực phổi trái 3 phút sau đó đổi bên.

  • Khi trẻ bắt đầu có phản xạ ho thì ngưng vỗ và đợi trẻ ho xong sau đó tiếp tục vỗ.

  • Hướng dẫn trẻ ho mạnh và sâu bằng cách hóp bụng hết cỡ khi ho.

  • Lặp lại 3 - 5 lần cho đến khi tống được 1 lượng đờm tương đối, không làm quá lâu khiến trẻ mất sức.

Vỗ lưng long đờm hỗ trợ trợ trẻ ho

Vỗ lưng long đờm hỗ trợ trợ trẻ ho

Đối với trẻ nhỏ và sơ sinh thì cần can thiệp bằng hút đờm.

Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, kết hợp với các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho trẻ, khi trẻ có dấu hiệu sốt có thể sử dụng thuốc hạ sốt.

4. Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ

Chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho trẻ được xem là thiết yếu trong phòng bệnh viêm phổi ở trẻ. Cần tuân thủ các chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo môi trường sinh hoạt vui chơi của trẻ được an toàn sạch sẽ. Đồng thời thường xuyên lau chùi đồ chơi của trẻ, không hút thuốc lá và các công việc tạo khói trong phòng có trẻ, vệ sinh miệng và mũi cho trẻ.

Các nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ liên quan nhiều đến các nhóm vi sinh vật như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, đặc biệt trong đó là phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae). Vì thế nên việc tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm phòng là rất cần thiết để ngừa bệnh viêm phổi do nhóm nguyên nhân này.

Ngoài ra, trẻ em sơ sinh cần được bú sữa mẹ ngay để đảm bảo phát triển toàn diện hệ miễn dịch. Các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức để phát hiện và có hướng xử lý kịp thời khi phát hiện trẻ có dấu hiệu ho, khó thở, viêm phổi.

Phương pháp vệ sinh mũi cho trẻ

Phương pháp vệ sinh mũi cho trẻ

Bệnh viêm phổi ở trẻ tuy chiếm một tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh về hô hấp ở trẻ em. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi dễ dàng và không để lại biến chứng nặng nề khi bạn chú ý đến tình trạng sức khoẻ của con em mình và điều trị một cách tích cực nhất. Do tính hiếu động của trẻ nhỏ nên việc trẻ tiếp xúc nhiều với các yếu tố môi trường xung quanh là không thể tránh khỏi, vì thế bạn cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là tiêm phòng theo lịch đầy đủ để đảm bảo cho trẻ một sức khỏe toàn diện nhất. 

Với những thông tin bổ ích trên, hy vọng bạn cùng gia đình sẽ luôn chăm sóc tốt cho con của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào bạn có thể liên hệ qua Hotline của MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được chúng tôi tư vấn nhé.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.