Tin tức

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ nội và ngoại qua các biểu hiện điển hình

Ngày 20/04/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Trĩ là bệnh phổ biến, tuy không quá nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống người mắc. Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ sớm sẽ giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.

1. Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ nội và trĩ ngoại

Dựa trên vị trí búi trĩ, để dễ dàng trong điều trị bác sĩ sẽ cần phân biệt trĩ nội (nghĩa là búi trĩ hình thành bên trong trực tràng) hay trĩ ngoại (nghĩa là búi trĩ hình thành ở dưới lớp da hậu môn).

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ

Nhận biết sớm giúp điều trị nhanh và hiệu quả bệnh trĩ

Dấu hiệu triệu chứng các bệnh trĩ này có một vài điểm khác biệt, dưới đây là các triệu chứng giống nhau:

  • Gây chảy máu trực tràng hoặc hậu môn, khi đi đại tiện hoặc khi lau chùi hậu môn sau khi đi vệ sinh sẽ thấy máu tươi.

  • Tăng tiết dịch nhầy gây cảm giác khó chịu, kích ứng.

  • Ngứa rát hậu môn thường xuyên, đặc biệt khi đi vệ sinh.

Thường trĩ chỉ gây chảy máu không quá nghiêm trọng khi đi vệ sinh nên ít khi gây thiếu máu hoặc mất máu, song có thể xảy ra liên tục ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.

1.1. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh trĩ nội

Trĩ nội là khi các tĩnh mạch cuối trực tràng bị giãn, dần tạo thành búi trĩ nổi trên niêm mạc nên người bệnh không thể sờ thấy hoặc nhìn thấy được. Cho đến khi búi trĩ bị sa ra ngoài khi đi đại tiện mới có thể cảm nhận rõ, song nó thường có thể tự co lại sau khi đi vệ sinh hoặc có thể dùng tay đẩy ngược vào trong.

Trĩ nội gây đi ngoài ra máu nghiêm trọng

Trĩ nội gây đi ngoài ra máu nghiêm trọng

So với trĩ ngoại thì trĩ nội thường không gây đau đớn nghiêm trọng, thay vào đó là các triệu chứng điển hình hơn. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ qua các triệu chứng sau:

  • Tăng tiết dịch nhầy.

  • Có thể ban đầu người bệnh chưa bị đau ngay cả khi búi trĩ gây chảy máu hậu môn. Nếu đi ngoài mà rặn mạnh thì có thể khiến búi trĩ và ống hậu môn bị xước, từ đó gây viêm nhiễm và ngứa ngáy. Tình trạng ngứa ngáy càng trầm trọng ở những bệnh nhân có nhiều dịch nhầy hậu môn.

  • Luôn có cảm giác chưa đi hết phân ra ngoài nhưng không thể đẩy hết.

Trĩ nội khi còn nhẹ khó phát hiện do không sờ hay nhìn thấy được búi trĩ. Sau một thời gian, búi trĩ nội có thể sa một phần ra ngoài nhất là khi đi đại tiện, khi rặn mạnh. Người bệnh sẽ nhìn thấy phần búi trĩ sa này với đặc điểm như sau:

  • Kích thước khoảng bằng quả nhỏ.

  • Khi chạm tay vào thấy mềm như dây cao su, có màu hơi hồng đỏ hoặc giống màu da.

  • Búi trĩ sa thường tự đẩy vào bên trong hậu môn sau đó. 

Một bệnh nhân có thể có nhiều hơn 1 búi trĩ, đồng thời gây ra cảm giác ngứa và nổi u cục xung quanh ngoài hậu môn. Nhiều bệnh nhân nhầm lẫn giữa sa búi trĩ nội và sa trực tràng, song đây là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Sa trực tràng là một phần trực tràng bị tụt khỏi vị trí và đẩy ra ngoài hậu môn, trong khi búi trĩ là các tĩnh mạch bị giãn.

Trĩ ngoại thường có thể quan sát rõ

Trĩ ngoại thường có thể quan sát rõ

1.2. Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ ngoại

Trĩ ngoại hình thành ở ngay lớp da hậu môn nên nổi rõ lên quanh vùng hậu môn, dễ dàng nhìn và sờ thấy kể cả khi búi trĩ còn nhỏ. Trĩ ngoại thường gây đau từ sớm và tình trạng đau sẽ ngày càng nghiêm trọng do vùng hậu môn bên ngoài dễ cọ sát với quần áo, ghế ngồi khi hoạt động.

Các triệu chứng bệnh đặc trưng gồm:

  • Ngứa và sưng xung quanh hậu môn.

  • Nhìn và sờ thấy có một hoặc nhiều cục u bất thường nổi quanh hậu môn.

  • Có chảy máu trong và sau khi đi đại tiện nhưng trĩ ngoại thường ít hơn so với trĩ nội.

  • Cảm giác đau đớn, khó chịu thường xuyên ở hậu môn.

  • Tăng tiết dịch nhầy, có thể bị rò rỉ phân.

Hình ảnh búi trĩ ngoại cũng có đặc điểm giống như trĩ nội bị sa ra ngoài. Rất nhiều bệnh nhân bị đồng thời và được gọi là trĩ hỗn hợp, khi đó triệu chứng sẽ đa dạng và rõ ràng hơn.

1.3. Dấu hiệu trĩ huyết khối

Trĩ huyết khối là biến chứng nặng của cả bệnh trĩ nội và trĩ ngoại, còn gọi là tắc mạch do xuất hiện các cục máu đông trong búi trĩ. Triệu chứng gặp phải cũng nghiêm trọng hơn, đặc trưng là tình trạng đau đột ngột hoặc kéo dài liên tục. 

Trĩ huyết khối dễ dàng phân biệt với trĩ thông thường qua quan sát búi trĩ có huyết khối hình thành, có đặc điểm sau:

  • Búi trĩ có màu tím hoặc xanh lam.

  • Búi trĩ xuất hiện khối u lớn bất thường.

  • Sờ vào búi trĩ không thấy mềm mà trở nên cứng, chắc.

  • Có cảm giác bị sưng, viêm quanh búi trĩ.

Trĩ huyết khối gây đau đớn nghiêm trọng cho người bệnh

Trĩ huyết khối gây đau đớn nghiêm trọng cho người bệnh

Trĩ huyết khối gây đau đớn nghiêm trọng cho người bệnh, vì thế nên phát hiện và can thiệp sớm.

2. Chẩn đoán và điều trị bệnh trĩ

Qua các triệu chứng bệnh trên, bác sĩ sẽ thăm khám để chẩn đoán tình trạng bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Trĩ ngoại dễ dàng chẩn đoán bằng thăm hỏi triệu chứng và khám lâm sàng trực tiếp. Với trĩ nội thì khó khăn hơn do búi trĩ nằm sâu trong ống hậu môn và trực tràng, bác sĩ có thể cần:

  • Khám bằng tay can thiệp sâu trong hậu môn.

  • Soi trực tràng, soi hậu môn.

Khi có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bệnh lý tiêu hóa khác, đặc biệt là ung thư đại trực tràng thì nên nội soi kiểm tra đồng thời toàn bộ phần đại trực tràng. Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt trĩ với các vấn đề sức khỏe khác như: nứt hậu môn, viêm ống hậu môn, áp xe quanh hậu môn, lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sa trực tràng,…

Trĩ nói chung là bệnh lý khá thường gặp, song nhiều bệnh nhân còn e ngại đi thăm khám khi có dấu hiệu bệnh. Điều này dẫn đến điều trị bệnh chậm trễ, khó khăn và gây biến chứng nặng nề hơn cho sức khỏe người bệnh.

Nếu trĩ ở mức độ nhẹ, có thể điều trị bằng thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, thể dục lành mạnh. Một số loại thuốc hỗ trợ có thể được chỉ định. Song các trường hợp trĩ nặng, búi trĩ lớn thì bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật, thắt búi trĩ, tiêm xơ, đốt búi trĩ,…

Dựa trên số lượng và kích thước búi trĩ bác sĩ sẽ điều trị phù hợp

Dựa trên số lượng và kích thước búi trĩ bác sĩ sẽ điều trị phù hợp

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ sớm là điều quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị dễ dàng. Nếu cần tư vấn thêm về điều trị bệnh, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.


Video liên quan

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.