Tin tức

Nhiễm trùng đường tiết niệu: dấu hiệu và phương pháp điều trị

Ngày 20/04/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đường tiết niệu gồm nhiều cơ quan khác nhau, dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là ở phụ nữ đã có gia đình. Nếu điều trị tốt, triệu chứng bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện và không còn tái phát. Tuy nhiên nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ thường dai dẳng, tái phát nhiều lần do kiến thức, chăm sóc bản thân, điều trị bệnh còn chưa tốt.

1. Tìm hiểu về nhiễm trùng đường tiết niệu

Khi hiểu về bệnh lý này, trước tiên cần biết rằng đường tiết niệu là một hệ các cơ quan có vai trò khác nhau trong bài tiết nước tiểu. Bốn cơ quan chính có thể bị tấn công bởi vi sinh vật gây bệnh dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: Thận, niệu đạo, niệu quản và bàng quang. Nhưng vi khuẩn chủ yếu tấn công ở bàng quang và niệu quản, nhưng nhiễm trùng thận là nguy hiểm hơn dù hiếm gặp.

Hầu hết trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn, tuy nhiên đôi khi tác nhân gây bệnh là virus hoặc nấm. Các trường hợp này thường được phát hiện khi điều trị kháng sinh không hiệu quả. Vi khuẩn thường gây bệnh nhất là: E.coli gây nhiễm trùng bàng quang, Chlamydia và Mycoplasma gây bệnh ở niệu đạo.

Phụ nữ là đối tượng dễ bị bệnh nhất do cấu tạo sinh học của đường tiết niệu ngắn hơn. Có đến 50% phụ nữ toàn cầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất 1 lần trong đời, nguy cơ tái phát xảy ra ở khoảng 20 - 30% bệnh nhân. Nguy hiểm nhất là bệnh xảy ra ở phụ nữ mang thai vì nó gây nguy hiểm cho cả sức khỏe của mẹ lẫn sự phát triển của bé.

2. Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu

Đường tiết niệu gồm nhiều cơ quan, mỗi cơ quan nhiễm trùng có thể gây những triệu chứng bệnh khác nhau. Triệu chứng bệnh chung của nhiễm trùng đường tiết niệu có thể nhận biết bao gồm:

Triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiết niệu là cảm giác đau buốt khi đi tiểu

Triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiết niệu là cảm giác đau buốt khi đi tiểu

  • Buồn nôn, nôn mửa.

  • Cảm giác buốt, rát khi đi tiểu.

  • Nước tiểu sẫm màu, đục cuối nước, có mùi khai nồng, thậm chí có lẫn máu.

  • Cảm giác buồn tiểu thường xuyên nhưng tiểu ít.

  • Đau bụng, đau ngứa cơ quan sinh dục, đau lưng.

  • Nếu để muộn, bệnh nhân có thể bị sốt, mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt.

Tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng ảnh hưởng đến các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện. Nữ giới thường bị đau vùng chậu nhiều hơn trong khi nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu dễ bị đau vùng trực tràng.

Bộ phận nhiễm trùng khác nhau sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau như sau:

2.1. Nhiễm trùng bàng quang

Nhiễm trùng bàng quang khiến vùng chậu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt ở nữ giới. Triệu chứng điển hình là chuột rút, co thắt vùng bụng và lưng dưới, gây ra những cơn đau bất chợt, thường xuyên vô cùng khó chịu.

Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm trùng bàng quang cũng có triệu chứng dễ nhận biết khác như: tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần,…

2.2. Nhiễm trùng thận

Đây là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu nguy hiểm và khó điều trị nhất, triệu chứng cũng khá điển hình. Tình trạng đau thường xuất hiện ở vùng bên hông gần vị trí thận nhất, cơn đau nghiêm trọng dễ lan rộng tới lưng trên.

Nhiễm trùng thận nguy hiểm nhất trong các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng thận nguy hiểm nhất trong các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Ngoài ra, nhiễm trùng thận còn gây triệu chứng toàn thân như: ớn lạnh, sốt cao, người mệt mỏi, suy nhược, thường xuyên run rẩy,…

Nhiễm trùng thận cần được điều trị càng sớm càng tốt mới không dẫn tới biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

2.3. Nhiễm trùng niệu đạo

Triệu chứng nhiễm trùng niệu đạo không quá đặc trưng, điển hình nhất là tăng tiết dịch tiết niệu đạo cùng với tình trạng tiểu buốt, nóng rát khi đi tiểu.

2.4. Nhiễm trùng niệu quản

Niệu quản là cơ quan khá kín, khó bị nhiễm trùng nhất trong hệ tiết niệu. Triệu chứng bệnh cũng chưa được xác nhận rõ.

2.5. Nhiễm trùng do đặt ống thông đường tiểu

Bệnh nhân được điều trị bằng đặt ống thông, cơ thể có thể có những phản ứng bài trừ như sưng viêm hoặc bị nhiễm trùng. Triệu chứng lúc này rất nghèo nàn, người bệnh có thể chỉ bị tăng thân nhiệt nhẹ dẫn tới khó khăn trong phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Bệnh nhân nhiễm trùng tại một cơ quan trong đường tiết niệu nếu không điều trị tốt, vi khuẩn có thể phát triển và xâm nhập gây nhiễm trùng lây lan. Nguy hiểm nhất vẫn là nhiễm trùng thận, cần được điều trị y tế kịp thời.

Nhiễm trùng đường tiết niệu nên được chẩn đoán và điều trị sớm

Nhiễm trùng đường tiết niệu nên được chẩn đoán và điều trị sớm

3. Điều trị cho bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu

Thông thường qua khai thác triệu chứng và tiền sử bệnh lý, kết hợp với kiểm tra sức khỏe thể chất bác sĩ có thể nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lúc này để chẩn đoán chính xác, cần làm xét nghiệm nước tiểu tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn. Nước tiểu cần được thu thập đúng cách và phân tích, vừa chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng vừa phát hiện được các bệnh lý khác có thể kèm theo. Khi đó, việc xây dựng phác đồ điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn.

Nhiều người bệnh còn chủ quan trong chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu do kháng sinh được sử dụng chính trong điều trị. Tuy nhiên chẩn đoán bệnh không tốt, sử dụng kháng sinh không phù hợp không những không đạt hiệu quả tốt mà còn nguy cơ khiến vi khuẩn kháng kháng sinh. Lúc này, kiểm soát nhiễm trùng sẽ khó khăn hơn, dễ tái phát và gây nhiều hệ lụy sức khỏe khác.

Một số ít trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu do virus hoặc có bất thường khác, nếu không chẩn đoán cẩn thận dẫn tới điều trị kéo dài và không hiệu quả.

Đa phần bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị với kháng sinh phù hợp sẽ cải thiện triệu chứng và khỏi bệnh sau vài ngày. Song các trường hợp nặng, nhiễm trùng thận lan rộng hoặc nhiễm trùng ở người từng mắc bệnh lý đường tiết niệu, bệnh nhân ghép tạng,… thì điều trị có thể kéo dài hơn đến vài tuần.

Kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần sẽ khó khăn hơn vì khả năng cao vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc liệu trình điều trị trước đó không tốt, chăm sóc sau điều trị kém.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh khá thường gặp và thường không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Điều quan trọng là cần đi khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh trường hợp nhiễm trùng lan rộng hoặc vi khuẩn kháng kháng sinh.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.