Tin tức

Những bệnh lý có thể phát hiện khi chụp CT bụng

Ngày 12/08/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Với sự phát triển của y học hiện đại như hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng ngày càng hiện đại và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt phải kể đến kỹ thuật chụp CT, hỗ trợ bác sĩ trong việc phát hiện thương tổn vùng bụng một cách nhanh chóng và chính xác. 

1. Tìm hiểu về chụp CT ổ bụng 

Thời gian trước đây, hầu hết mọi người khi nhắc đến chụp CT đều chỉ nghĩ đến chụp cắt lớp sọ não. Tuy nhiên, cho đến nay phương pháp này đã có thể được áp dụng đối với bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể con người.

chụp CT bụng

 Chụp CT hay chụp cắt lớp hiện nay đã có thể áp dụng với bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể

Trong đó, có thể kể đến phương pháp chụp CT bụng. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được thực hiện bằng cách quét tia X-quang qua vùng bụng của người bệnh trong khoảng vài phút để có thể thu được hình ảnh của bộ phận này theo chiều không gian 2D hoặc 3D. Sau khi được bộ phận tiếp nhận xử lý, hình ảnh này sẽ hiển thị trên màn hình máy tính chuyên dụng để làm cơ sở chẩn đoán cho bác sĩ. 

2. Có thể phát hiện những bệnh gì dựa vào chụp CT bụng?

Trên cơ thể con người, vùng bụng là khu vực có chứa rất nhiều những cơ quan quan trọng. Cụ thể, chụp CT bụng có thể giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm, từ đó kịp thời có phương hướng điều trị hiệu quả:

- Xác định nguyên nhân gây ra tình trạng chướng bụng, đau bụng,...

- Sàng lọc một số bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là ung thư như ung thư gan, ung thư thận, ung thư đại tràng,...

- Phát hiện và đánh giá mức độ nhiễm trùng hay tổn thương vùng bụng.

- Kiểm tra chức năng hoạt động của một số bộ phận vùng bụng như gan, thận, tụy,...

- Sớm phát hiện những thương tổn liên quan đến thận như sỏi thận, thận ứ nước hay viêm bể thận,...

3. Liệu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không nếu chụp CT bụng

Nguyên lý hoạt động của phương pháp chụp CT là việc sử dụng các tia X quét qua vùng bụng của bệnh nhân. Đây chính là lý do khiến nhiều người lo lắng về vấn đề sức khỏe của mình khi phải chụp CT bụng. 

Những băn khoăn này của người bệnh là hoàn toàn hợp lý vì có thể nói trước đây chụp CT sử dụng lượng tia X lớn hơn nhiều so với chụp X-quang. Tuy nhiên, với nền y học phát triển như hiện nay, các loại thiết bị máy móc chụp CT đều đã được cải tiến và phát triển với những kỹ thuật hiện đại nhằm giảm thiểu đáng kể lượng tia X tiếp xúc với người bệnh. Từ đó, giảm được tối đa nguy cơ nhiễm xạ ở bệnh nhân khi chụp CT. 

chụp CT bụng

Máy móc chụp CT hiện nay đều được cải tiến để giảm thiểu lượng tia X đến người bệnh một cách đáng kể

Bên cạnh đó, với từng người bệnh cụ thể, kỹ thuật viên cũng sẽ điều chỉnh lượng tia X sao cho phù hợp và an toàn nhất nhưng vẫn đảm bảo kết quả chính xác. Hơn nữa, trong công tác chẩn đoán bệnh lý mà nói, phương pháp này được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực. Do đó, so với một vài điểm hạn chế thì những ưu điểm mà kỹ thuật này mang lại vượt trội hơn rất nhiều. 

4. Những trường hợp nào được chỉ định chụp CT bụng?

Như vậy, có thể nói chụp CT ở bụng không gây nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh mà lại còn là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến cáo lạm dụng chụp CT nhiều lần trong thời gian ngắn cũng như không áp dụng cho một số trường hợp chống chỉ định bởi có thể gây nguy hại. 

4.1. Chỉ định 

Chụp CT bụng có thể được chỉ định tiến hành với những trường hợp người gặp phải những triệu chứng liên quan đến bệnh về ung thư như: gan, thận, tụy, đại tràng,... hoặc các bệnh lý viêm nhiễm như: áp xe gan, viêm ruột thừa, viêm manh tràng,...

Người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro tiềm ẩn cũng như lượng bức xạ khi chụp để cân nhắc kỹ lưỡng xem có thực sự cần thiết chụp CT hay không.

4.2. Chống chỉ định

Có một số trường hợp không nên chụp CT bụng như phụ nữ mang thai, trẻ em, người dị ứng với thuốc cản quang, người mắc các bệnh cường giáp, suy thận,... Để tránh dẫn đến những biến chứng khó lường, người bệnh cần thông báo trước với bác sĩ về tình hình sức khỏe và tiền sử bệnh của mình để có phương pháp chẩn đoán hình ảnh thay thế phù hợp. 

chụp CT bụng

Phụ nữ có thai chỉ chụp CT bụng khi có chỉ định của bác sĩ

5. Quy trình chụp CT bụng

5.1. Trước khi chụp 

Để đảm bảo quy trình chụp CT bụng diễn ra suôn sẻ và cho kết quả chính xác nhất, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ những quy định sau:

- Cởi bỏ tất cả những vật dụng hay đồ trang sức, đồ dùng cá nhân bằng kim loại như khuyên tai, vòng cổ, đồng hồ, điện thoại,...

- Thông báo trung thực, đầy đủ về tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của mình như có mắc các bệnh về thận, tiểu đường, tĩnh mạch hay có đang mang thai hay không,...

- Với những trường hợp bệnh nhân chụp CT bụng cần tiêm thuốc cản quang sẽ được cung cấp giấy cam kết để ký xác nhận. 

- Trước khi tiêm thuốc cản quang cần nhịn ăn tối thiểu từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ. Sau khi đã tiêm thuốc xong, bệnh nhân vẫn có thể ăn uống bình thường trước khi chụp CT 2 giờ. 

chụp CT bụng

Cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe và bệnh lý của mình cho bác sĩ trước khi chụp CT

5.2. Trong khi chụp

Không giống như chụp cắt lớp toàn thân, chụp CT ở bụng chỉ là kiểm tra 1 vùng cơ thể nên thời gian diễn ra rất nhanh, chỉ từ 3 - 4 phút. 

Khi vào phòng chụp, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên phòng chụp để quá trình chụp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Trong quá trình chụp, người bệnh có thể được bác sĩ thay đổi tư thế để thu được toàn bộ hình ảnh bộ phận cần kiểm tra.

Với những bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang trước đó, một số ít trường hợp có thể thấy có cảm giác nóng rát ở một vài vị trí nhưng bạn nên cố gắng giữ nguyên tư thế để có thể thu được kết quả chính xác nhất. 

5.3. Sau khi chụp

Chụp CT là kỹ thuật không xâm lấn nên sau khi chụp CT bụng xong người bệnh có thể quay lại sinh hoạt như bình thường. Trừ trường hợp bệnh nhân có sử dụng thuốc cản quang thì nên ở lại để theo dõi thêm. 

Sau khi chụp CT bụng nếu thấy có biểu hiện khó thở, chóng mặt hay nôn mửa,... thì cần thông báo ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời. 

chụp CT bụng

Thông báo ngay với bác sĩ nếu thấy biểu hiện khó thở, buồn nôn sau khi chụp CT

Bệnh nhân có thể nhận được kết quả chụp CT của mình chỉ từ 20 - 30 phút sau đó. Kết quả sẽ được bác sĩ giải thích chi tiết và trả cho người bệnh. 

Như vậy, thông qua bài viết này hi vọng bạn đọc đã giải đáp được những băn khoăn của mình về kỹ thuật chụp CT bụng. Liên hệ MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.