Tin tức

Những điều cần biết khi mang thai mẹ bầu nào cũng cần thuộc lòng

Ngày 14/10/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, chắc chắn mẹ bầu cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về quá trình mang thai. Trong bài viết này, MEDLATEC sẽ thông tin đến mẹ những điều cần biết khi mang thai để quá trình này được suôn sẻ, an toàn và trọn vẹn.

1. Tiêm phòng vacxin

Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của mẹ hoạt động kém hơn nên có nguy cơ cao mắc bệnh lý, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế tiêm phòng vacxin là cách phòng ngừa bệnh tốt nhất với mẹ và bé. 

Mang thai là một hành trình dài và khó khăn của người phụ nữ

Mang thai là một hành trình dài và khó khăn của người phụ nữ

Việc này cần thực hiện khi bạn có kế hoạch mang thai vì nhiều loại vacxin không thể tiêm phòng trong thai kỳ. 

Những loại vacxin nên tiêm phòng trước mang thai là:

- Vacxin 3 trong 1 phòng bệnh Sởi - Quai bị - Rubella: Nên tiêm muộn nhất trước khi dự định mang thai 3 tháng.

Vacxin thủy đậu: Với người không có kháng thể hoặc không đủ kháng thể chống lại virus gây bệnh, nên tiêm trước khi dự định mang thai 2 tháng.

Ngoài ra, còn có:

- Vacxin viêm gan A.

- Vacxin viêm gan B.

- Vacxin phòng cúm.

- Vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván.

- Vacxin viêm màng não.

Tiêm phòng vacxin khi mang thai giúp mẹ đảm bảo sức khỏe tốt hơn suốt thai kỳ

Tiêm phòng vacxin khi mang thai giúp mẹ đảm bảo sức khỏe tốt hơn suốt thai kỳ

2. Khám thai định kỳ là một trong những điều cần biết khi mang thai

Nhiều cặp vợ chồng đã khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám sức khỏe sinh sản trước khi thụ thai để đảm bảo thai phát triển trong điều kiện tốt nhất. Kể cả khi mang thai, mẹ bầu cũng nên sắp xếp tới thăm khám bác sĩ mỗi tháng 1 lần. Đây là thời điểm để mẹ sẽ được bác sĩ giải thích về sự phát triển của bé, cách chăm sóc cũng như chuẩn bị phù hợp nhất. 

Nếu không có điều kiện thăm khám thường xuyên, mẹ bầu cũng cần đảm bảo khám thai ở 3 mốc quan trọng nhất:

2.1. Tuần thứ 11 - 13

Đây là mốc khám thai quan trọng đầu tiên để đo độ mờ da gáy, sàng lọc các bất thường có thể nguy hiểm đến thai nhi như: dị dạng tim, chi, hội chứng Down, thoát vị cơ hoành. Đồng thời, mẹ bầu nên làm các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh như Double test, sàng lọc tan máu bẩm sinh, chức năng tuyến giáp, Thalaseminia,... các bệnh truyền nhiễm như HIV, giang mai, VGB,...

2.2. Tuần thứ 21 - 24

Ở mốc khám thai này, bác sĩ sẽ chẩn đoán các khuyết tật bẩm sinh có thể gặp ở thai nhi như: sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng nội tạng,… Ngoài ra, các xét nghiệm cần làm là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, xét nghiệm nước tiểu để sàng lọc biến chứng tiền sản giật.

2.3. Tuần thứ 30 - 32

Một số bất thường xảy ra muộn sẽ được kiểm tra, sàng lọc ở thai nhi thời điểm này như: bất thường ở não, bất thường ở tim hoặc động mạnh, thai phát triển chậm trong tử cung,… 

 Mẹ bầu cần khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai và dự phòng nguy cơ bệnh lý, dị tật thai

 Mẹ bầu cần khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai và dự phòng nguy cơ bệnh lý, dị tật thai

Ngoài ra, ở tuần thứ 35 - 37, mẹ bầu có thể làm xét nghiệm dịch âm đạo tìm vi khuẩn liên cầu Beta.

3. Đảm bảo dinh dưỡng trong thai kỳ

Dân gian thường cho rằng, phụ nữ mang thai cần ăn gấp đôi bình thường vì còn phải nuôi thai nhi trong bụng mẹ. Mặc dù quan niệm này không hoàn toàn chính xác song dinh dưỡng ở giai đoạn này cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai cũng như sức khỏe của mẹ.

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho thai phụ cần đa dạng, cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu là: Đạm, tinh bột, đường và Vitamin. Ngoài ra ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, nhu cầu ở 1 số dưỡng chất đặc biệt sẽ cao hơn, mẹ bầu cũng cần bổ sung tăng cường.

Việc uống bổ sung sắt, canxi, vitamin và acid folic là cần thiết ngoài chế độ dinh dưỡng hàng ngày để con sinh ra được khỏe mạnh, thông minh.

4. Phòng ngừa và xử lý biến chứng thai kỳ

Một trong những điều cần biết khi mang thai là thai phụ cần trang bị các kiến thức cơ bản về biến chứng thai kỳ. 

Ai cũng mong muốn có một thai kỳ khỏe mạnh, suôn sẻ song một số bà mẹ không may gặp phải biến chứng thai kỳ, nếu không xử lý tốt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và thai nhi. Dưới đây là các biến chứng thai kỳ phổ biến nhất:

4.1. Nhau thai bám thấp

Có tới 5% thai phụ gặp phải biến chứng thai kỳ này, khi bánh nhau không bám ở vùng đáy tử cùng mà nằm sát lỗ trong của cổ tử cung. Điều này khiến cho bánh nhau rất dễ bị bong ra và gây chảy máu. Không xử lý kịp thời nhiều khả năng sẽ dẫn tới sinh non, bất thường ngôi thai, khó sinh,…

 Nhau thai bám thấp làm tăng nguy cơ sinh non

 Nhau thai bám thấp làm tăng nguy cơ sinh non

Biến chứng nhau thai bám thấp thường gặp ở các thai phụ sinh con khi lớn tuổi, sinh quá dày hoặc có tiền sử sinh mổ nhiều lần trước đó. Có thể phát hiện sớm và dự phòng bằng việc thăm khám thai thường xuyên.

4.2. Đái tháo đường

Thai phụ thường có đường huyết cao hơn người bình thường, đặc biệt dễ bị đái tháo đường ở tầm tuần 24 - 28 của thai kỳ. Bệnh lý này có thể dẫn tới biến chứng sản giật, tiền sản giật, dị tật thai hoặc sảy thai. Theo dõi thường xuyên, chế độ ăn và luyện tập phù hợp sẽ giúp mẹ bị tiểu đường thai kỳ phòng ngừa biến chứng tốt.

4.3. Tiền sản giật

Tiền sản giật là biến chứng thường xảy ra từ tuần thai thứ 21 của thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non, suy dinh dưỡng và thai chết lưu. Biến chứng phức tạp này cần được phát hiện sớm, điều trị và theo dõi thường xuyên để can thiệp kịp thời.

4.4. Thiếu ối

Đây cũng là một trong những biến chứng thai phụ có thể gặp phải, gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi. Hiện tượng thiếu ối thường xuất hiện ở 6 tháng đầu tiên, nếu không được xử lý kịp thời có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Ngoài ra, nước ối ít thường khiến trẻ gặp vấn đề về sự phát triển của phổi, dễ xảy ra tình trạng ngôi thai ngược khi sinh.

Biến chứng thai kỳ có thể phát hiện khi kiểm tra định kỳ

Biến chứng thai kỳ có thể phát hiện khi kiểm tra định kỳ

Bất cứ thai phụ nào cũng có thể gặp phải những biến chứng thai kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ. Thăm khám định kỳ, đặc biệt là các dấu mốc quan trọng giúp mẹ phát hiện sớm nguy cơ và dự phòng, điều trị hiệu quả.

Trên đây là những điều cần biết khi mang thai cơ bản nhất, hi vọng sẽ giúp mẹ bầu chăm sóc bản thân và thai nhi tốt hơn, đảm bảo cho thai kỳ khỏe mạnh, trọn vẹn nhất. Nếu cần tư vấn sức khỏe với các chuyên gia MEDLATEC, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.