Tin tức

Những lưu ý giúp quá trình liền vết thương nhanh hơn và ít sẹo

Ngày 04/06/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Liền vết thương là quá trình cần thiết trong cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, nó diễn ra mỗi khi cơ thể gặp phải những dạng tổn thương khác nhau như: vết rách, vết trầy xước, vết thương thủng, vết thương mổ,… Các vết thương hở nói chung có quá trình liền vết thương diễn ra tương tự nhau, hiểu về quá trình này giúp chúng ta chăm sóc vết thương tốt hơn, ít để lại sẹo.

1. Quá trình liền vết thương diễn ra như thế nào?

Bất cứ vết thương nào cũng đều trải qua 3 giai đoạn liền vết thương bao gồm:

1.1. Giai đoạn cầm máu và viêm

Quá trình cầm máu diễn ra ngay sau khi xuất hiện vết thương, yếu tố đông máu sẽ khiến máu đông lại, cùng với huyết tương hạn chế sự chảy máu. Tuy nhiên, với các vết thương lớn, cần có biện pháp hỗ trợ để cầm máu diễn ra nhanh hơn, tránh đông máu chậm dẫn đến mất nhiều máu.

Liền vết thương là quá trình tự nhiên khi gặp tổn thương

Liền vết thương là quá trình tự nhiên khi gặp tổn thương

Phản ứng viêm sau tổn thương diễn ra khoảng từ vài giờ đến 4 ngày, với các vết thương mãn tính quá trình viêm có thể kéo dài hơn. Trong quá trình này có sự tham gia của nhiều tế bào, chủ yếu là:

  • Tiểu cầu.

  • Bạch cầu trung tính.

  • Đại thực bào.

Sau tổn thương, mạch máu bị vỡ sẽ hình thành cục máu đông cản trở sự chảy máu, chất ngoại gian bào tạm thời cũng được tạo thành để làm kín vết thương. Đồng thời, 1 hoạt chất cũng được tiết ra để thu hút các tế bào quan trọng tham gia thúc đẩy làm lành tại vị trí tổn thương.

Phản ứng viêm tạo ra do tế bào bạch cầu tiết tế bào viêm, còn đại thực bào làm nhiệm vụ làm sạch vết thương.

1.2. Giai đoạn tăng sinh

Giai đoạn tăng sinh kéo dài từ 1 - 3 tuần, có thể kéo dài lâu hơn tùy vào đặc điểm, vị trí và mức độ tổn thương. 3 quá trình chính diễn ra trong giai đoạn này bao gồm:

Giai đoạn tăng sinh tế bào giúp lấp đầy vùng tổn thương

Giai đoạn tăng sinh tế bào giúp lấp đầy vùng tổn thương

  • Tái cấu trúc.

  • Lên mô hạt.

  • Biểu mô hóa.

Mục đích của giai đoạn tăng sinh là hình thành các mô và mạch máu mới bù lại các tế bào, mạch máu bị tổn thương trước đó. Bản chất là sự tăng sinh của tế bào nội mô kết hợp với nguyên bào sợi.

Ngoại gian bào được tái tạo đầu tiên, sau đó một số hoạt chất bên trong khiến biểu bì da cũ bị suy thoái, đồng thời loại ngoại gian bào mới giúp làm sạch vết thương cũng xuất hiện.

Các nguyên bào sợi sẽ chuyển đổi thành cơ nguyên bào sợi, chúng sắp xếp lại các ngoại gian bào để các tế bào của vết thương liên kết với nhau tốt hơn. Quá trình này sẽ diễn ra đầu tiên ở phần mép và phần phụ của vết thương rồi tiến dần vào trung tâm. 

Quá trình tăng sinh này sẽ khiến bạn cảm thấy ngứa vùng mép da tổn thương dần dần vào trung tâm khi chuẩn bị lành vết thương.

1.3. Giai đoạn tái tạo

Hai tế bào chính tham gia vào giai đoạn tái tạo cuối cùng để làm liền vết thương là nguyên bào sợi và đại thực bào. Chúng sẽ di chuyển cùng các tế bào mới từ đáy vết thương lên, đỉnh điểm sau khoảng 3 tháng đến 1 - 2 năm để vết thương lành hoàn toàn. Đây cũng là giai đoạn hình thành sẹo vết thương, có thể là sẹo lồi, sẹo lõm hoặc sẹo rất mờ.

Giai đoạn tái tạo sẽ khiến bạn có cảm giác ngứa nhẹ

Giai đoạn tái tạo sẽ khiến bạn có cảm giác ngứa nhẹ

Cơ nguyên bào sợi có vai trò tổ chức các ngoại gian bào mới, tạo liên kết chặt chẽ với các bó vi sợi. Cùng với đó là hàng loại hoạt chất mới dẫn đến phản ứng sinh học để tăng mật độ tế bào, ổn định chất nền và tăng sức đề kháng.

Cùng với công việc sửa đổi, collagen cũng dần được tạo thành. Sau đó, nguyên bào sợi sẽ phân hủy thay thế vào đó là các ngoại gian bào mới khỏe khoắn, vết thương lúc này đã lành.

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương

Quá trình liền vết thương chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, quyết định đến tốc độ liền vết thương cũng như di chứng để lại tiêu biểu là sẹo hay thâm sạm vùng da bị tổn thương.

2.1. Bản chất của tổn thương

Một vết thương lớn, sâu sẽ cần thời gian liền vết thương lâu hơn, cả ba giai đoạn diễn ra đều trong thời gian dài hơn và nguy cơ để lại sẹo. Còn các vết thương nhỏ, nông thì thường dễ lành, ít để lại sẹo hơn.

Ngoài ra, mức độ tổn thương cũng ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương. Thực tế, các vết thương bị bầm dập nhiều có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các dạng vết thương khác. Nếu bị nhiễm trùng, mưng mủ nặng, thời gian liền vết thương sẽ bị kéo dài và khả năng để lại sẹo lớn.

2.2. Phương pháp xử lý vết thương

Vết thương ban đầu có được xử lý, làm sạch tốt không để tránh khỏi hiện tượng nhiễm trùng vết thương và mưng mủ kéo dài rất quan trọng. 

Xử lý vết thương tốt giúp quá trình liền diễn ra nhanh hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng

Xử lý vết thương tốt giúp quá trình liền diễn ra nhanh hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng

2.3. Yếu tố khác

Tốc độ liền vết thương còn phụ thuộc vào các yếu tố cơ thể và môi trường tác động như:

  • Độ tuổi: Người càng lớn tuổi thì quá trình liền vết thương càng chậm hơn so với người trẻ tuổi.

  • Chế độ ăn uống: Người ăn uống thiếu hụt Vitamin, chất đạm, kẽm và các khoáng chất thiết yếu khác có tốc độ liền vết thương chậm hơn.

  • Người có hệ miễn dịch kém, có thể là người đang điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, tốc độ làm lành tổn thương cũng chậm hơn.

  • Người mắc bệnh đái tháo đường.

3. Lưu ý giúp đẩy nhanh quá trình liền vết thương

Hai điều quan trọng của quá trình liền vết thương là tình trạng nhiễm trùng và để lại sẹo, vì thế chăm sóc vệ sinh vết thương trong suốt quá trình này rất quan trọng. Bất cứ loại thuốc bôi trực tiếp nào cần có hướng dẫn của bác sĩ, không nên dùng các bài thuốc dân gian không có kiểm chứng, nguy cơ gây biến chứng và nhiễm trùng rất cao.

Sẹo luôn là điều lo lắng mỗi bị vết thương xuất hiện, ngoài quá trình chăm sóc tốt khi liền vết thương, có thể sử dụng thuốc đặc trị sẹo. Với vùng tổn thương, nên hạn chế cử động mạnh khiến vết thương lâu lành, nghỉ ngơi nhiều hơn và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Kem trị sẹo sẽ làm giảm sẹo xấu sau khi liền vết thương

Kem trị sẹo sẽ làm giảm sẹo xấu sau khi liền vết thương

Hiểu về Quá trình liền vết thương và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này sẽ giúp bạn chăm sóc vết thương tốt hơn, hạn chế kéo dài quá trình cũng như nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo sau đó.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.