Tin tức

Những triệu chứng thường gặp của bệnh gout cấp tính

Ngày 24/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Gout là một trong những bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm khớp rất thường gặp ở mọi người. Mặc dù, tình trạng này hoàn toàn không gây nguy hại đến tính mạng nhưng chúng có thể khiến chất lượng đời sống người bệnh bị suy giảm. Vậy những triệu chứng của bệnh gout cấp tính là gì? Làm thế nào để điều trị bệnh?

1. Gout là bệnh gì?

Bệnh gout thường được biết đến là tình trạng rối loạn chuyển hóa Acid Uric dẫn đến hình thành và lắng đọng các tinh thể monosodium bên trong các tổ chức xương, khớp xương, bao hoạt dịch hoặc thận. Hiện tượng này cũng khiến bệnh nhân phải đối diện với nhiều triệu chứng sưng đỏ kèm theo cảm giác đau dữ dội tại một số vị trí khớp xương. Điển hình như mắt cá chân, ngón chân, ngón tay, bàn tay, khuỷu tay và cổ tay. 

Gout cấp tính

Tổng quan về bệnh gout

Ngoài ra, nguy cơ tái phát của bệnh lý này cũng rất cao và người bệnh thường phải hứng chịu cảm giác đau đớn nhiều hơn. Đặc biệt, khi gặp yếu tố thuận lợi, tình trạng bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn. Theo bác sĩ, trong y khoa thường phân chia bệnh lý này thành gout cấp tính và gout mạn tính. Trong đó, gout cấp tính cần được phát hiện sớm và phải tích cực điều trị để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm về sau.

2. Các triệu chứng của gout cấp tính

Theo bác sĩ, ở thời điểm ban đầu, hầu hết bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường và chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến bệnh. Do đó, mọi người thường chỉ có thể phát hiện khi bệnh tình đã chuyển biến sang các giai đoạn sau với một số triệu chứng lâm sàng. Vậy gout cấp tính đặc trưng với những triệu chứng gì? Để giúp bạn đọc dễ dàng nhận biết những biểu hiện của bệnh, sau đây là một số chia sẻ cụ thể về gout cấp tính thường được biểu hiện là cơn gout cấp tính:

  • Phần lớn cơn đau hay gặp ở ngón chân cái và xuất hiện khi người bệnh ăn quá nhiều protid, uống rượu bia, bị nhiễm lạnh hoặc sau khi vận động quá sức, căng thẳng,....

  • Thỉnh thoảng xuất hiện cảm giác ớn lạnh, kèm theo sốt nhẹ, sức khỏe kém.

Bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm theo ớn lạnh

Bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm theo ớn lạnh

  • Ăn không ngon và kén ăn hơn.

  • Cơ thể thường xuyên cảm thấy đau dữ dội thành cơn khiến người bệnh rất khó chịu, đặc biệt, cơn đau thường trở nặng hơn về đêm và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

  • Cơ đau nhức thường kéo dài liên tục trong nhiều ngày (khoảng 1 tuần) và bắt đầu giảm dần về sau rồi biến mất. Đồng thời, khi cơn đau chấm dứt thì các khớp xương vẫn có thể vận động trở lại bình thường như lúc trước.

  • Xuất hiện triệu chứng sưng viêm, đỏ da kèm theo cảm giác nóng ở các vị trí xung quanh khớp xương. Đặc biệt, khi chạm vào những vị trí này bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau nhức. Triệu chứng cụ thể hơn là cảm giác tê, ngứa, dị cảm hoặc cứng khớp ở ngón chân cái hoặc tại khớp bị viêm sau đó.

Hầu hết các cơn đau đều xuất hiện một cách đột ngột. Trong đó, một số dữ liệu thống kê cho thấy có đến 60% người bệnh phải chịu cơn đau gout cấp tính trong khoảng thời gian từ 1 - 3 năm. Ngoài ra, một vài trường hợp hiếm gặp chỉ cảm thấy cơn đau xuất hiện 1 lần rồi biến mất và chuyển sang giai đoạn tiếp theo. 

3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh gout

Theo bác sĩ, gout cấp tính nảy sinh chủ yếu do quá trình chuyển hóa Acid Uric bị rối loạn. Trong khi đó, những đồ uống có cồn như rượu, bia hoặc những thức ăn giàu hàm lượng chất đạm cũng là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh gout. Thực tế, khi Acid Uric được sản sinh sẽ xâm nhập vào máu và di chuyển đến thận thì bị lọc bỏ và đào thải ra ngoài. 

Tuy nhiên, khi nồng độ của hợp chất này tích trữ quá cao sẽ tạo thành những tinh thể Urat và tồn tại chủ yếu trong khớp xương, bao hoạt dịch hoặc có thể ở nhu mô thận. Sự tích lũy Acid sẽ làm tăng nguy cơ đau nhức hoặc viêm nhiễm khớp xương, theo thời gian sẽ tiến triển thành bệnh gout.

Nồng độ Acid Uric tăng cao gây ra bệnh gout

Nồng độ Acid Uric tăng cao gây ra bệnh gout

Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể nảy sinh do yếu tố môi trường hoặc di truyền từ cha mẹ khiến hàm lượng Acid Uric trong cơ thể tăng cao nhưng thận không thể đào thải hết. Ngoài ra, một vài yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh gout, cụ thể như:

  • Cơ thể hấp thụ quá nhiều các loại thức ăn, thực phẩm chứa hàm lượng chất đạm quá cao, các loại thực vật, động vật giàu Purin. Điển hình như nấm, nội tạng của động vật, hải sản và trứng.

  • Thường xuyên lạm dụng bia rượu hoặc các chất kích thích làm cho hàm lượng Acid Uric tăng cao và dễ mắc bệnh gout.

  • Những đối tượng mắc phải một trong những bệnh lý liên quan đến thận như suy thận, viêm cầu thận,… thường bị suy giảm khả năng lọc bỏ và đào thải của thận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chức năng loại bỏ Acid Uric ở thận bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số bệnh lý khác liên quan đến tim mạch cũng được xem là một yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh gout, điển hình như cao huyết áp, bạch cầu cấp, bệnh tim bẩm sinh,...

  • Một vài loại thuốc khi sử dụng quá nhiều có thể khiến hàm lượng Acid Uric trong máu tăng cao. Điển hình như thuốc lợi tiểu, thuốc chữa bệnh huyết áp cao, Aspirin, các loại thuốc có tác dụng ức chế tế bào được sử dụng trong chữa trị bệnh ung thư,...

  • Những người bị béo phì, thừa cân quá mức cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh gout.

4. Điều trị gout cấp tính

Theo chia sẻ của bác sĩ, khả năng hồi phục bệnh gout còn tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Trong đó, giai đoạn gout cấp tính được đánh giá là thời điểm cần tích cực điều trị sớm, nhanh, mạnh và ngắn để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh cũng như những biến chứng nghiêm trọng về sau. Vậy các giải pháp chữa trị bệnh là gì? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, sau đây là một số phương pháp điều trị bệnh gout hiệu quả.

4.1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc được xem là giải pháp hữu hiệu và cần thiết nhất đối với việc chữa trị bệnh gout. Tuy nhiên, tùy vào giai đoạn của bệnh mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng những loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị gồm có: thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs) hoặc Corticosteroid, Colchicin, thuốc điều trị hạ hoặc đào thải Acid Uric máu,,...

Điều trị gout cấp tính bằng thuốc chống viêm

Điều trị gout cấp tính bằng thuốc chống viêm

4.2. Xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh

Một số nghiên cứu cho thấy, việc xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và dành thời gian cho cơ thể được nghỉ ngơi cũng giúp cải thiện bệnh gout. Do đó, ngoài điều trị bệnh bằng thuốc, bệnh nhân nên hình thành những thói quen tốt cho sức khỏe như:

  • Cắt giảm hàm lượng những thực phẩm giàu Purin và chất đạm. Đồng thời, tăng cường bổ sung cho cơ thể những thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao.

  • Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.

  • Hạn chế hoặc cai những đồ uống có chứa cồn như rượu, bia và các chất kích thích khác.

  • Xây dựng và duy trì thói quen luyện tập thể dục, thể thao nhằm giảm thiểu nguy cơ bị béo phì và tăng cường thể chất.

  • Dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế đối diện với áp lực, lo âu, stress,...

  • Tránh sử dụng những loại thuốc ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, khiến tăng acid uric máu như aspirin liều thấp, thuốc lợi tiểu,... 

  • Cần điều trị 1 số bệnh đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp,... 

Với những chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích về các triệu chứng, nguyên nhân gây ra gout cấp tính. Ngoài ra, các bạn còn được gợi ý một số phương pháp điều trị bệnh thông dụng và hiệu quả nhất. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.