Tin tức

Nữ giới bị viêm âm đạo dùng thuốc gì là tốt nhất?

Ngày 03/01/2022
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Viêm âm đạo là bệnh lý rất quen thuộc với nữ giới vì hầu như ai cũng sẽ bị bệnh ghé thăm ít nhất là một lần. Cũng chính vì thế mà viêm âm đạo dùng thuốc gì luôn là mối quan tâm chung của chị em phụ nữ. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về loại thuốc dùng để điều trị bệnh lý này.

1. Viêm âm đạo là bệnh như thế nào

Dấu hiệu cảnh báo nữ giới bị viêm âm đạo

Dấu hiệu cảnh báo nữ giới bị viêm âm đạo

Âm đạo là phần ống nối giữa âm hộ với cổ tử cung. Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm, ra dịch với mùi khó chịu, ngứa ngáy ở khu vực này. Khi bị viêm âm đạo, nữ giới sẽ có những dấu hiệu bất thường sau:

- Dịch âm đạo thay đổi về mùi, lượng và màu sắc: mùi hôi hoặc chua, lượng nhiều hơn mức bình thường rất nhiều, màu trắng đục hoặc vàng.

- Âm đạo có cảm giác ngứa ngáy hoặc bị kích ứng.

- Khi tiểu tiện có cảm giác rát, buốt.

- Đau mỗi khi “yêu”.

- Có hiện tượng xuất huyết nhẹ.

2. Khi bị viêm âm đạo dùng thuốc gì

Bản thân bệnh viêm âm đạo do nhiều yếu tố khách quan tác động và sự tấn công của nhiều loại sinh vật gây ra. Vì thế, muốn biết viêm âm đạo dùng thuốc gì, trước tiên người bệnh phải xác định được tác nhân gây bệnh là gì. Sau khi đã tìm ra được tác nhân gây bệnh thì đây sẽ là căn cứ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. 

Mỗi trường hợp viêm âm đạo sẽ được chỉ định dùng những đơn thuốc không giống nhau vì tác nhân gây bệnh ở mỗi bệnh nhân đều có sự khác nhau:

2.1. Nhiễm khuẩn âm đạo

Thường thì các trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo sẽ điều trị bằng thuốc Metronidazol cả dạng uống và dạng viên đặt. Thuốc đặt âm đạo Clindamycin cũng có thể sẽ được dùng thay thế. Thời gian dùng thuốc điều trị bệnh khoảng 7 ngày.

Tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc Metronidazol là phản ứng cai rượu kiểu Disulfiram và lưỡi vị kim loại. Trong quá trình điều trị bằng loại thuốc này và sau khi kết thúc điều trị 1 ngày, người bệnh tuyệt đối không được sử dụng sản phẩm chứa cồn. Đối với thuốc Clindamycin thì tác dụng phụ có thể liên quan đến bệnh viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile. 

Metronidazol là thuốc thường được dùng để trị nhiễm khuẩn âm đạo

Metronidazol là thuốc thường được dùng để trị nhiễm khuẩn âm đạo

Phác đồ điều trị cụ thể với từng loại thuốc như sau:

- Metronidazole

+ Dạng uống: 500mg/lần, 1 ngày 2 lần, dùng trong 7 ngày.

+ Dạng gel 0.75% dùng để bôi âm đạo: 5g/lần/ngày, dùng trong 5 ngày.

- Clindamycin 2%

Thuốc này dùng để bôi âm đạo: 5g/lần/ngày, bôi buổi tối trước khi đi ngủ, dùng trong 7 ngày.

Ngoài ra, có thể thay thế bằng phác đồ:

- Tinidazole: ngày 1 lần/2g, dùng trong 2 ngày.

- Clindamycin:

+ Dạng uống: mỗi ngày 2 lần, 300mg/lần, dùng trong 7 ngày.

+ Dạng đặt âm đạo: 100mg/lần, chỉ dùng liều duy nhất trong ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, dùng trong 3 ngày.

2.2. Nhiễm nấm âm đạo

Với trường hợp nhiễm nấm âm đạo thì các loại thuốc kháng nấm thường dùng là Fluconazole đường uống hoặc thuốc tại chỗ như Butoconazole, Clotrimazole, Nystatin, Miconazole, Terconazole,... Riêng với Fluconazole đường uống thì cần hết sức thận trọng trong quá trình sử dụng vì thuốc ức chế mạnh enzyme chuyển hóa thuốc ở trong gan. 

Nếu nhiễm nấm Candida thì viêm âm đạo dùng thuốc gì cũng cần dựa trên từng trường hợp cụ thể:

- Với nấm Candida không biến chứng

Phác đồ điều trị thường chỉ trong 1 - 3 ngày, với 1 liều duy nhất và thường là thuốc kháng nấm tại chỗ, tỷ lệ điều trị thành công khoảng 80 - 90%. Thuốc được dùng là Fluconazole 150mg đường uống.

- Với nấm Candida biến chứng tái phát

Người bệnh cần dùng thuốc kháng nấm tại chỗ trong khoảng 7 - 14 ngày. Thuốc được dùng thường là Fluconazole 100, 150 hoặc 200mg đường uống, dùng vào ngày thứ nhất, thứ tư và thứ bảy của phác đồ. Để điều trị duy trì người bệnh sẽ dùng thuốc này trong khoảng 6 tháng.

- Với nấm Candida biến chứng nặng

Việc điều trị cần dùng tới thuốc kháng nấm tại chỗ trong khoảng 7 - 14 ngày, thường là Fluconazole 150mg/lần, đường uống, dùng 2 liều cách nhau 72 giờ.

Viêm âm đạo dùng thuốc gì cũng cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ phụ khoa

Viêm âm đạo dùng thuốc gì cũng cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ phụ khoa

- Với nấm Candida non-albicans

Thuốc được dùng là thuốc kháng nấm azole (trừ Fluconazole) tại chỗ hoặc đường uống, dùng trong 7 - 14 ngày. Nếu bệnh tái phát sẽ dùng Acid boric 600mg/lần, mỗi ngày chỉ dùng 1 lần và duy trì trong 2 tuần.

2.3. Nhiễm Trichomonas âm đạo

Những bệnh nhân viêm âm đạo do Trichomonas thường được điều trị bằng thuốc Tinidazole hoặc Metronidazol đường uống chỉ với một liều duy nhất nhưng cần điều trị cả bạn tình để tránh lây nhiễm khiến bệnh tái đi tái lại.

Trong trường hợp này, viêm âm đạo dùng thuốc gì, phác đồ điều trị là Metronidazole hoặc Tinidazole 2g. Phác đồ được dùng để thay thế là thuốc Metronidazol đường uống 500mg/lần, mỗi ngày 2 lần, duy trì trong 7 ngày. 

2.4. Viêm teo âm đạo

Riêng với bệnh nhân bị viêm teo âm đạo thì có thể điều trị không dùng hoặc có dùng hormone Estrogen đường uống và tại chỗ. Tuy nhiên, Estrogen tại chỗ được ưu tiên sử dụng hơn. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý đến nguy cơ thuốc gây huyết khối tĩnh mạch. Nếu điều trị không dùng thuốc thì sẽ gồm có chất giữ ẩm, bôi trơn và bệnh nhân được khuyến khích quan hệ tình dục.

2.5. Các trường hợp viêm âm đạo khác

Những trường hợp thai phụ bị viêm âm đạo nhiễm trùng cũng cần được điều trị nhưng chủ yếu sử dụng thuốc tại chỗ để đặt âm đạo nhằm tránh những ảnh hưởng xấu đến thai nhi. 

Bệnh nhân bị viêm âm đạo không do nhiễm trùng thì cần phải tìm ra được tác nhân gây kích ứng để tránh tiếp xúc với nó. Có như vậy thì bệnh mới không tái diễn nữa và những triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra mới được chấm dứt. Trong trường hợp này thì tác nhân gây kích ứng có thể là: băng vệ sinh, nước xả vải, bột giặt,...

Chia sẻ về viêm âm đạo dùng thuốc gì trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không được phép được xem đó là chỉ định để điều trị bệnh. Khi nghi ngờ có dấu hiệu đối với bệnh lý này, tốt nhất chị em nên đến trực tiếp cơ sở y tế chuyên khoa hoặc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để bác sĩ thăm khám, tìm ra tác nhân gây bệnh và tư vấn phác đồ phù hợp. Có như vậy việc điều trị bệnh mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.